CHA MATTHEW VŨ KHỞI PHỤNG: NGƯỜI THẮP LÊN NIỀM TIN VÀ SỨC MẠNH


Cha Matthew Vũ Khởi Phụng
Cha Matthew Vũ Khởi Phụng

Những ngày Giáo xứ Thái Hà xảy ra chuyện mà cha Matthew Vũ Khởi Phụng gọi là “kiếp nạn”, khi đêm đêm những tiếng gào man rợ “giết Phụng”, “giết Kiệt” lại rền rĩ vang lên giữa xứ sở “thiên đàng”, thì tôi được hân hạn biết Cha. Cha chính là linh hồn của hàng trăm, hàng ngàn giáo dân khắp nơi đổ về cầu nguyện hàng năm trời trên mảnh đất của Chúa bị nhà cầm quyền chiếm đoạt bất hợp pháp. Đó là điều làm cho người chưa hiểu gì về Chúa như tôi bắt buộc phải suy nghĩ: Không phải tất cả những người bỏ thời gian, sức khỏe, công ăn việc làm hàng ngày… để theo đuổi việc cầu nguyện vì họ dốt nát, họ thất học, họ mê muội… như lời báo chí “lề phải” tuyên truyền. Họ có đủ thành phần, đủ tầng lớp, trí thức lẫn buôn gánh bán bưng. Vậy thì vì sao?

Ai đã từng tiếp xúc với cha Matthew Vũ Khởi Phụng – Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội sẽ có câu trả lời. Cha không cho ai tiền bạc vì Cha không có tiền, Cha không cho ai địa vị vì Cha không nắm quyền ban phát địa vị trong tay, Cha cũng không cho ai cuộc sống sung túc trên trần gian vì chính Cha đang sống “khó nghèo, khiết tịnh”. Cái mà người khác cảm nhận đượ ở Cha là tình thương, sự bình thản, tự tin vào lẽ phải, tin vào Đức Chúa Trời của Cha, tất cả làm nên sức mạnh từ nội tâm, và người đó sẽ cảm thấy mình được yêu thương bằng thứ tình thương không vụ lợi, được tôn trọng danh dự nhân phẩm thật sự, đúng nghĩa một con người.

Khi tôi viết nội dung bài bào chữa cho bà Nguyễn Thị Việt, một giáo dân trong vụ án, chính Cha là người đã dạy cho tôi cách phát âm tất cả những từ tiếng Pháp trong đoạn văn dưới đây sao cho chuẩn nếu tôi phải trình bày trước đám đông hay bất cứ ai, kể cả phía nhà cầm quyền cộng sản, “đừng để cho bọn họ khinh mình dốt”:

Sở dĩ, tôi dám khẳng định 16.296m2 khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng bị chiếm đoạt bất hợp pháp bởi lẽ:

* Nguồn gốc khu đất này là đất mua hợp pháp:

1.1. Năm 1928, Ðức Giám Mục Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội đứng tên mua giúp cho Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) khu đất khoảng 400 m x 150 m nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng, tổng diện tích là 61.455 m2, tức là 6,1455 ha (Xin xem hình 3: Bản đồ của Conservation de la Propiété Foncière de Hà Nội- Sở Quản thủ Ðiền thổ Hà Nội- lập ngày 16.08.1944).

1.2. Ngày 22.05.1944, Ðức Giám Mục Francois Chaize đã làm giấy tuyên bố nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các linh mục DCCT. Cha Edmond Dionne, Giám tỉnh DCCT Việt Nam, đã đứng ra tiếp nhận sự chuyển nhượng này (Xin xem tài liệu Acte de Cession de Propriété)

1.3. Tu viện DCCT bắt đầu cư trú tại khu đất trên đây từ ngày 26.09.1928. Năm 1930 các linh mục DCCT xây dựng toà nhà thứ nhất. Năm 1939 xây dựng toà nhà thứ hai nối tiếp toà nhà thứ nhất. Năm 1935 Tu viện cũng xây dựng một ngôi nhà thờ tạm thời mà ngày nay vẫn còn đang sử dụng. Tu viện còn xây dựng nhà đệ tử, nhà hội quán, hồ bơi, nhà ở cho gia nhân, nhà kho, nhà chăn nuôi gia súc.

Tu viện vẫn sở hữu và sử dụng toàn bộ đất đai và nhà cửa nằm trên khu đất trên đây một cách bình thường cho đến năm 1954. Ngoài khu đất này, Tu viện còn sở hữu một số khu đất khác tại các làng Thái Hà (Xin xem hình 2: Bản chụp bằng khoán điền thổ của DCCT năm 1944 ) và tại các làng Nam Ðồng, Khâm Thiên, Trung Tự, v.v.

* Căn cứ toàn bộ văn bản pháp luật điều chỉnh về đất đai giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1962 thì đất đai của Giáo xứ Thái Hà và nhà cửa trên diện tích đất này dùng vào mục đích phụng sự tôn giáo không thuộc đối tượng bị cải tạo, tịch thu hay trưng thu, trưng dụng mà còn phải được chính quyền mới tôn trọng và bảo vệ; cụ thể như sau:

– Toàn bộ 38 Ðiều của Luật Cải Cách Ruộng Ðất năm 1953 ghi rõ đối tượng cải tạo của Luật CCRÐ 1953 là ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, mà đất đai thuộc khuôn viên nhà thờ Thái Hà là đất ở Thành thị (Thủ đô Hà Nội) nên không thuộc đối tượng bị cải cách của Luật CCRÐ;…

Sau khi tôi trở về Sài Gòn, nghe tin Quý Cha ở nhà thờ Kỳ Đồng báo đã làm lễ rửa tội cho tôi, Cha Phụng rất vui mừng, chính Cha đích thân gọi điện thoại cho tôi chúc mừng. Riêng cha Phêrô Nguyễn Văn Khải (Giáo xứ Thái Hà) thì hãnh diện khoe với mọi người: “Tôi đã nói trước với mấy ông rồi mà. Tôi đã đọc những bài viết của chị Tần, và tôi biết trước sau gì chúng tôi cũng sẽ làm lễ rửa tội cho chị ấy”.

Đầu năm 2011, nhà thờ Kỳ Đồng Sài Gòn đăng thông báo chiêu sinh lớp học viên đầu tiên về Truyền thông Công giáo, đích thân Cha Phụng bay từ Hà Nội vào đứng lớp giảng một ngày và dự lễ bế mạc, cấp giấy chứng nhận cho học viên. Khóa 1 là những người được chính tay Cha Phụng và Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành ký giấy chứng nhận, từ khóa 2 trở về sau giấy này do Cha Antôn Lê Ngọc Thanh ký. Nhân đây xin nói thêm, kỷ vật duy nhất này đã bị thất lạc vào khoảng tháng 10 năm 2015, khi em gái tôi để nó trên bàn làm việc của Văn phòng Công Lý và Hòa Bình, không rõ ai đã “cầm nhầm”, xin vui lòng gởi nó lại cho cha Antôn Lê Ngọc Thanh giữ giúp tôi.

Khi gặp tôi, cha Phụng đã nói: “Tôi rất quý chị hơn tất cả những người khác. Đừng nghĩ chị đến bây giờ mới trở lại đạo hay gia đình chị không ai trở lại đạo thì thua sút những người gọi là “đạo gốc”. Chị là hình ảnh của Thánh Phaolô. Hãy tự hào về bản thân mình”. Lúc đó, tôi chưa biết Thánh Phaolô như thế nào, học giáo lý, các Thầy mới có dạy về Tin Mừng, mà Thánh Phaolô thì không có tên trong Tin Mừng. Sau này, tôi tự tìm hiểu, đọc thêm các sách mới biết Cha đã rất coi trọng tôi khi so sánh với Thánh Phaolô. Quả thật, điều Cha nói đã làm tôi hãnh diện, tự tin khi có ai đó cạnh khóe bằng kiểu dè bỉu, tôi lại hỏi họ: “Có biết tiểu sử Thánh Phaolô không? Nếu chưa biết thì về học lại nhé, rồi trở lại nói cũng không muộn”.

Tôi đã từng chứng kiến cha Stêphanô Chân Tín từ chối dạy giáo lý hôn nhân khi người này muốn Cha dạy nhanh để kịp ngày kết hôn, vì đã “coi ngày, định ngày rồi” và hứa sẽ biếu cha một món tiền to. Cha Chân Tín nói: “Anh chị đừng đặt tôi vào chuyện đã rồi, tôi chỉ dạy khi anh chị yêu Chúa, thật sự có tâm muốn theo Chúa chớ không phải mượn Chúa làm tấm bình phong phục vụ việc riêng của anh chị. Khi tôi dạy thì phải hiểu, chớ không phải dạy lấy hình thức kiếm thêm giáo dân, nên đặt vấn đề thời gian với tôi thì tôi không làm được. Anh chị đi kiếm người khác đi”. Hai anh chị kia đi rồi, bằng giọng Huế rất nhẹ nhàng, cha Chân Tín nói: “Vì vậy mà cha rất quý những người như con”. Cha không nói thì tôi cũng biết, nếu không, Cha Chân Tín đã chẳng giúp đỡ, che chở cho tôi suốt một năm trời cho đến khi tôi bị bắt vào tù. Cha Chân Tín và Cha Phụng rất giống nhau.

Ngay sau khi biết tôi vừa rời khỏi nhà tù cộng sản Việt Nam bay sang Mỹ, Cha Phụng đang chữa bệnh ở Mỹ, lập tức nhắn tin cho tín hữu rằng Ngài muốn gặp riêng tôi, duy nhất một mình tôi và nhấn mạnh “không muốn có ai khác đi cùng”. Tại nhà một tín hữu, Cha đã long trọng làm lễ Tạ ơn cho tôi. Nhìn Cha gầy đi rất nhiều nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng và thần trí minh mẫn. Thế mà không ngờ chỉ vài tháng sau Cha đã về với Chúa. Đó là phúc phận của Cha, ra đi bình an và thanh thản.

Những người yêu thương ta rồi sẽ lần lượt bỏ ta mà đi, có những điều bình thường ta thấy rất nhỏ nhặt, bình dị, khi mất đi rồi mới thấy sự mất mát đó rất to lớn và tiếc nuối. Còn lại chúng ta vẫn tiếp tục ở lại cõi đời tạm bợ này để chống lại quỷ dữ ngày đêm rình rập quanh ta, nhưng niềm tin và sức mạnh Cha đã cho vẫn còn ở lại. Vì vậy, hãy trân trọng những gì ta đang có ở quanh ta…

Maria Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.