Bài đã đăng báo Người Việt ngày 28/4/2016
Nông thôn miền Nam mùa mưa, thường được hiểu, là mùa no đủ thức ăn của nông dân. Nước tràn đầy hồ ao đồng ruộng, cây cối tốt tươi, rau mọc đầy đồng, cá lội tung tăng. Nhưng ít ai để ý rằng, no đủ là khi đã vào mùa mưa, được chừng hơn một tháng. Lúc này nước mưa đã xăm xắp, con cá con cua đã lớn, ăn được. Cọng rau mọc ngoài đồng đủ độ dài để nấu canh, ăn sống, bóp gỏi, làm dưa chua. Chớ đầu mùa mưa công việc đồng áng, chuẩn bị cho mùa lúa mới thì nhiều và nặng nhọc, mà cái ăn thì lại thiếu thốn chất tươi, bởi mưa chưa đủ cho cua cá sinh sôi, rau mọc chưa đủ lớn. Đây chính là khoảng thời gian người nông dân bắt đầu giở mắm mặn trộn thính, được làm từ cá tát đìa cuối mùa mưa năm ngoái, ra chế biến đủ kiểu để ăn hằng ngày. Nhà nào “bèo” quá không đủ mắm cá ăn thì ăn tạm bằng món kho quẹt, được kho trong nồi đất.