MÙA VU LAN và “BÁO HIẾU”


PhongSinh
Bán chim phóng sanh ở Hà Nội

Lễ Vu Lan (Rằm Tháng Bảy âm lịch,) còn gọi là lễ Báo Hiếu, lễ Xá Tội Vong Nhân, một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và phong tục Việt Nam, Trung Hoa. Lễ Vu Lan gắn liền với sự tích nhà sư Mục Kiền Liên giải thoát cho mẹ mình khỏi chịu cực hình trả nghiệp ác ở âm ty, và được ơn phước tái sanh nhờ mầu nhiệm Phật pháp của người con hiếu thảo. Theo truyền thuyết, Tháng Bảy âm lịch Diêm vương mở cửa âm ty cho các linh hồn được lên dương gian dạo chơi, nên còn được gọi là Tháng Cô Hồn, nhà nhà sửa soạn mâm lễ cúng cô hồn như một kiểu “hối lộ” chống cô hồn quấy phá. Tất cả các chùa chiền nhộn nhịp lễ cúng vong, cầu siêu, tấp nập thiện nam tín nữ tham gia cần phúc cho cha mẹ. Các chùa ở khu vực Little Sài Gòn, Nam Cali cũng không ngoại lệ. Nhiều chùa đã đăng thông báo lịch tổ chức đại lễ Vu Lan và có phát thực phẩm miễn phí. Người lớn tuổi e ngại vẫn còn dịch bệnh nên lễ Vu Lan cũng không dám tới chùa, ngược lại cũng có nhiều người nằng nặc đòi con cháu đưa tới chùa vì “Sống chết có số. Già từng tuổi này trước sau gì cũng chết thì còn gì nữa mà sợ chết.”

Lễ Vu Lan cũng là thời gian mà đám con nít chúng tôi mong chờ nhứt trong năm, chờ cơ hội được đi “giựt vàng” (khoai, mía, bắp, chuối, xôi, gạo, muối, bánh tây, kẹo thèo lèo…) trong thời điểm xã hội tem phiếu mà “thức ăn giá trị như vàng,” và khi đó người miền Nam vẫn còn giữ được nề nếp lễ giáo, gia phong cũ nên người lớn không tranh cướp thức ăn với trẻ nhỏ. Giựt được món gì cũng “ăn sống nuốt tươi” tại chổ, khoai lang ăn sống, mía ăn nguyên khúc dài, bắp, chuối thì đốt lửa nướng lên, trừ những thứ không ăn được là gạo, muối thì mới đem về nhà đưa cho má. Con nít gốc Việt ở Mỹ không có niềm vui “giựt vàng” như con nít nhà quê chúng tôi ngày xưa. Còn thời nay xứ Đông Lào, địa điểm cúng cô hồn và cho “giựt vàng” là chổ của đám thanh niên vai u thịt bắp bặm trợn có quyền công khai cướp đủ thứ (không bị pháp luật nghiêm trị,) thậm chí bọn họ xông hẳn vô nhà gia chủ để cướp mâm cúng đem ra ngoài nhậu hoặc bán lại lấy tiền. Người sức khỏe yếu, phụ nữ, con nít không có cửa chen chân vô. Cái nề nếp “Kính già, yêu trẻ,” “Kính trên, nhường dưới”… không tồn tại. Tôi chỉ có thể bắt chước cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, giơ hai tay lên trời, ngữa mặt lên mà kêu to rằng: “Ôi! Văn hóa suy đồi!”

Ngoài những người đi chùa cầu phúc với sự thành tâm thì cũng có không ít người đi chùa vì mục đích khác, thí dụ để khoe khoang cho người thiên hạ biết “Ta đây là người đạo đức.” Có “ngôi sao” nữ nọ lên báo khoe mỗi ngày đều đi chùa “phóng sinh” cầu phước cho má cô. Fans “hâm mộ” xúm xít ca tụng “ngôi sao” như Đức Mục Kiền Liên tái thế. Tôi nghĩ thương cho bọn chim vô phước bị bắt nhốt trong những chiếc lồng chật chội, nghẹt thở, bị cắt lông cánh… để chồng chất ở chùa nọ chờ “ngôi sao” “phóng cmn sinh,” rồi bị bắt nhốt trở lại trong vòng tuần hoàn đày đọa chờ “phóng cmn sinh” tiếp, cho đến khi chúng kiệt sức lìa đời. Giá như “ngôi sao” đừng “phóng sinh” thì cô bớt tạo nghiệp chướng hơn, tiền mua chim “phóng chim” đó đưa cho bà má xài hẳn bà má vui hơn nhiều.

Hôm qua, tôi đọc cuốn “Cổ Học Tinh Hoa” (của Học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân) có chép mẫu chuyện như sau:

Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân. Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bực Vô Tế. Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng: “Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.” Ông hỏi: “Phật ở đâu?” Lão tăng nói: “Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.”

Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn, đi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bây giờ ông trông ra, thì hình dáng Phật, mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe. Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.”

Câu chuyện giáo dục người đọc rằng cha mẹ là người sinh thành ra thân mình, nuôi dưỡng mình thành người (“Cúc dục cù lao”) thì cha mẹ chính là Phật ở trong nhà, tại sao mình không thờ phụng thành kính mà phải đi tìm Phật ở đâu xa xôi. Nên có câu rằng: “Thứ nhất thì tu tại gia/ Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.” Tu tại gia (nhà) không có nghĩa là biến nhà mình thành kiểu giống như chùa, cạo đầu, mặc áo nhà sư, tự đặt pháp danh, tụng kinh gõ mõ ầm ầm là “tu tại gia,” mà phụng dưỡng cha mẹ trong nhà như thờ phượng Đức Phật chính là tu tại gia rồi vậy. Còn người tu hành chơn chánh là người biết khuyên nhủ, thuyết phục người khác đối xử tử tế với cha mẹ, chớ không phải khuyến khích người ta đến với mình, để cho cha mẹ họ sầu não, ưu phiền.

Ở đây tôi không nhắc tới Công giáo vì Công giáo không cho phép cá nhân tự ý lập nhà thờ, tu viện để “tu tại gia,” cấm cá nhân tự gắn tên thánh cho chính mình (mà chưa được linh mục rửa tội,) tự phong cho mình chức vụ linh mục, thầy, hoặc soeur và thực hiện các nghi thức bí tích. Tuy nhiên, Công giáo hay Phật giáo cũng đều răn dạy tín hữu phải “Hiếu kính cha mẹ.” Thời nay, có kẻ lên mạng xã hội sỉ mắng cha mẹ chỉ vì cha mẹ ngăn cản họ “đi tu,” lại được một đám đông tự phong ‘trí thức,” “thức thời” ủng hộ với lý do “tôn trọng tự do cá nhân,” “quyền con người,” “luật không cấm”??? Thì đúng là luật không cấm thiệt, nhưng liệu hành vi đó có phù hợp chuẩn mực đạo đức hay không? Nếu không thì sỉ mắng cha mẹ để được “đi tu” như vậy là tạo phước hay tạo nghiệp chướng? Nó cũng giống như luật không bắt buộc tôi phải nhường chổ ngồi, nhường lối đi cho phụ nữ có thai, người già yếu, trẻ em, nhưng căn cứ quy tắc đạo đức xã hội, mọi người có quyền đánh giá tôi là kẻ “vô học,” “vô đạo đức,” “kém văn minh” nếu tôi không nhường.

Thời tôi ở Sài Gòn, tôi biết một linh mục cả nhà đều theo Phật giáo, có mỗi một mình Ngài thích tu theo Công giáo. Nhưng sinh thời, ông thân sinh Ngài cấm Ngài theo Công giáo nên dù không thích Ngài vẫn phải tới lui chùa chiền theo nề nếp gia đình và lấy bằng đại học. Khi ông cụ thân sinh qua đời, Ngài kể rằng tâm trạng Ngài lúc đó rất buồn mà cũng rất vui. Buồn vì cha mất, nhưng vui vì từ đây về sau chẳng còn ai cấm cản Ngài đi tu theo Công giáo nữa, và Ngài đã được toại ý. Tôi cho rằng trước khi trở thành linh mục thì Ngài đã thành kính thờ Phật tại nhà rồi vậy.

Mặt khác, tôi cũng không ủng hộ các bậc cha mẹ mà lợi dụng con cái phục vụ cho quyền lợi, thú vui bản thân họ, độc tài, độc đoán, không quan tâm đến suy nghĩ, cảm giác của con cái. Trong trường hợp này, con cái thoát ly (không phải đi tu) là cách tốt nhứt cho cả hai bên. Tu là phải hành được chữ Nhẫn, không Nhẫn được với chính cha mẹ mình, sao Nhẫn được với cả thiên hạ mà tu?

Tạ Phong Tần

Little Sài Gòn (Nam Cali)

-:-:-:-

Chú thích:

– Dương Phủ: người đời nhà Minh, đỗ Tiến sĩ làm Ngự sử, có tiếng là một ông quan thanh liêm.

– Thục: tên đất ở tỉnh Tứ Xuyên bây giờ.

– Vô Tế đại sĩ: một nhà tu hành đắc đạo vô cùng.

– Đến hầu: giống như thời nay người ta tới chùa “làm công quả” (làm việc không công) cho chùa

– cmn: con mẹ nó


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.