ĐÀO TAM XUÂN – BÀ LÀ AI?


Đào Tam Xuân.
Tranh của họa sĩ: Cao Lê Diệu Phúc

Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas)

Nhân vật Đào Tam Xuân (Điều Tam Xuân) không lạ với những ai yêu thích nghệ thuật tuồng cổ. Vở “Đào Tam Xuân báo phu cừu” (còn có tên khác là “Đào Tam Xuân loạn trào”), tên tuồng mới là “Trảm Trịnh Ân” do nghệ sĩ Thanh Tòng viết lại trên cơ sở tích tuồng cũ.

Tôi đã đọc bộ sách “Lịch sử Trung Quốc 5.000 năm” của hai tác giả Hán Đạt, Tào Dư Chương (Trung Quốc) thì không hề thấy đề cập đến nhân vật Đào Tam Xuân, cũng không hề có chuyện Triệu Khuôn Dẫn (tức Tống Thái Tổ) túy tửu giết Trịnh Ân. Theo sách này, sau khi lập nên vương triều Bắc Tống, Triệu Khuôn Dẫn tập hợp các “khai quốc công thần” như Cao Hoài Đức, Trịnh Ân đến dự tiệc rượu. Trong bữa tiệc, Tống Thái Tổ tuyên bố thu hồi quyền lực các tướng và cho về “hưu non” hưởng thú điền viên hết. Tác giả sách nhận xét Tống Thái Tổ là ông vua nhân đức nhất trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, không giết khai quốc công thần theo kiểu Hán Cao Tổ Lưu Bang vì sợ họ có uy tín lớn với dân thì sẽ cướp ngôi dòng họ mình.

Nghệ thuật là sáng tạo, sân khấu tuồng cổ đã sáng tạo ra tình huống Nhữ Nam Vương Trịnh Ân vì muốn bảo vệ kỷ cương phép nước đã ra tay đánh Hàn Phụng gãy răng khi ông này lấy “chuyên xa” của vua đi chơi. Hoàng hậu Hàn Tố Mai mạo chiếu chỉ xử trảm Trịnh Ân trả thù cho chú. Cao Hoài Đức và Đào Tam Xuân từ biên ải kéo quân từ biên ải Đồng Quan về Kinh thành ép Tống Thái Tổ bắt Hàn Tố Mai tế Trịnh Ân báo phu cừu. và một Đào Tam Xuân (vợ Trịnh Ân) kéo quân báo phu cừu.

Trong vở Trảm Trịnh Ân mới dựng lại vào thập niên 90 với dàn nghệ sĩ gạo cội, giỏi nghề đồng đều từ vai chính đến vai phụ, từ một vai Nội Giám nhỏ bé (Bạch Long) đến vai Quân Thám Mã (Thanh Sơn) cũng ca diễn sắc sảo, xuất thần. Một Tống Thái Tổ của nghệ sĩ Vũ Linh trẻ tuổi, đa tình nhưng vẫn sáng suốt biết lấy giang sơn làm trọng. Hay một Hàn Tố Mai của nghệ sĩ Tài Linh xinh đẹp, đàn giỏi hát hay, hiền lành nhưng cũng rất ngây thơ, vì vậy mà bị ông chú Hàn Phụng (Hữu Cảnh) lừa đến nỗi vì bênh vực ông ta mà vong mạng.

Có người nói rằng “Đánh võ gì mà như cải lương”, ý chê bai đánh không mạnh, không nhanh, không có sát khí. Trong nghệ thuật tuồng cổ, các thế múa gươm vung giáo cũng chọn lọc từ các bài võ thuật, nhưng được chọn những thế đánh đẹp mắt dùng biểu diễn mà thôi, đánh ra không có lực nhưng phải làm sao cho người xem nhìn thấy uy lực, sống động. Khi tập tuồng, nghệ sĩ phải phối hợp nhịp nhàng cho động tác võ nghệ hài hòa, đúng nhịp với bài nhạc trầm bỗng đang đánh, sao cho vừa dứt nhạc thì cũng xong “trận chiến”. Nghệ thuật này trong nghề gọi là “vũ đạo”.

Nghệ sĩ Trường Sơn nổi tiếng là là người giỏi vũ đạo, nhất là trong các vai võ tướng. Cao Hoài Đức của Trường Sơn đầy mưu trí và oai dũng, vóc dáng và gương mặt sáng sân khấu, giọng ca trầm hùng khỏe khoắn, cộng với vũ đạo điêu luyện làm cho Cao Hoài Đức tuy là vai phụ nhưng vẫn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.

Điểm bất ngờ nhất trong “Trảm Trịnh Ân” là ca ngợi tư tưởng tiến bộ, phá vỡ các quy tắc phong kiến cổ hủ lạc hậu từng hại biết bao anh hùng vong mạng. Nhữ Nam Vương Trịnh Ân (Thanh Tòng), một võ tướng tài ba, vì khư khư giữ đạo lý “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, “Quân bất minh thần khả tận kỳ trung” mà cam tâm chịu chết không phản kháng dù biết rõ mình bị oan. Công tử Trịnh Ấn (Quế Trân) tuy là đứa trẻ mới 5-6 tuổi, nhưng nhất định cãi lại “Quân thị thần như thảo giới, thần thị quân như khấu thù”, “Quân bất minh thần đầu bang ngoại. Phụ bất từ tử biệt tha hương”. Nhữ Nam Vương dạy con: “Nay chúa coi ta như rác như rơm”, thì Ấn cứ nhất định gào lên cãi lại: “Ta coi chúa như thù như giặc!”, “Ta coi chúa như thù như giặc!”, “Ta coi chúa như thù như giặc!”. Ông cha bèn gầm lên: “Ai dạy con như thế?”. Ấn nói: “Mẹ con dạy con như thế”, nghe trả lời vậy thì Nhữ Nam Vương cũng botay.com với thằng con luôn. Nghệ sĩ Thanh Tòng đã diễn rất đạt một Nhữ Nam Vương giỏi võ, trực tính và trung hậu.

Tôi đã từng nghe nghệ sĩ Lệ Thủy ca cổ bài “Hạng Võ biệt Ngu Cơ” với Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài thời chị còn là một cô bé tuổi cập kê. Giọng ca trong trẻo, lảnh lót, ngân vang như tiếng chuông đồng thật lạ. Giờ xem chị diễn vai Đào Tam Xuân, giọng chị không trong trẻo lảnh lót như thời trẻ, hơi trầm xuống, khàn hơn, nhưng lại nổi bật nét diễn tài hoa đầy kinh nghiệm làm chủ sân khấu, nhan sắc, giọng ca của chị đang ở giai đoạn chín mùi, rực rỡ. Ở tuổi quá bốn mươi, chị thể hiện xuất sắc hình ảnh một Đào Tam Xuân đầy dịu dàng, yêu thương đúng chất “cử án tề my” lúc ở nhà; sự thảng thốt, đau khổ tột cùng khi hay tin chồng chết còn con thì thất lạc; cái uy dũng kiên cường của một nữ tướng quyết tâm đòi công lý bất chấp hiểm nguy; cái bừng bừng nộ khí tưởng chừng sắp giết chết vua Tống; sự túc trí đa mưu khi nghe lời Cao Hoài Đức hạ mình trước nhà vua để bắt cho được kẻ thù Hàn Tố Mai. Tâm trạng vừa đau đớn, ai oán trách móc, vừa thất vọng đến chán nản cùng cực khi làm lễ tế chồng rồi trả ấn soái cho vua để lui về quê nhà thủ tiết thờ chồng.

Phần cuối vở, Lệ Thủy gần như một mình diễn độc thoại suốt gần mười phút. Nghe giọng trầm hơi khàn của chị cất lên điệu Lý Con Sáo khi cầm hương khấn vái, tôi cứ tưởng chính Đào Tam Xuân sống động đang hiện diện: “Niệm hương đăng, khấn vái vong hồn tướng công, đang nương miền gió mây, theo khói trầm hương bay, chứng minh liệt phụ báo thù, rửa sạch mối oan cừu. Rượu ngang mày xưa dâng tướng công, tung vó câu nhớ anh hồi kinh, rượu ba tuần nay em kính dâng, mong tướng công theo gió mây về đây”. Rồi chị chuyển qua lời Vọng cổ thật ngọt với giọng não nùng, oán trách xen lẫn giận hờn:  “Ôi đăng đẳng vết sầu thương chan chứa, mà lệ máu thảm oan tràn ngập cả tâm hồn. Bởi nặng nghĩa quân vương đành gãy gánh cang thường, xưa gian khổ nhưng tình sâu nghĩa nặng, nay vinh hiển làm gì mà nghĩa cạn tình vơi. Nỗi đau khổ chất chồng số phận hồng nhan, chồng chết thảm con khờ biệt tích. Ai, Ai xây đắp cơ đồ, Ai vào sanh ra tử, được đền đáp công lao bằng án lệnh bêu đầu?”.

Phút từ tạ, quỳ xuống trao trả thanh gươm, ấn tín nguyên nhung cho vua Tống với thái độ đau đớn không thể tiếp tục nhiệm vụ bảo quốc an dân, Đào Tam Xuân trút nỗi lòng mình, làm cho quân vương phải đau đớn vì lầm lỗi của mình nên thẹn thùng cúi mặt: “Một gánh cang thường nặng núi sông/ Trăm năm vàng đá phủi tay không?/ Mưa tuôn du tạc tình kim cấu/ Biển hẹn non thề dạ nhớ mong”, “Mùi phú quý như làn xa mã, bã vinh hoa lừa gã công khanh. Giấc Nam Kha thấy chuyện bất bình, hoàn lương tỉnh mộng thấy mình tay không. Quốc thái dân an núi sông bình định, ấn kiếm nguyên nhung xin trao trả lại cửu trùng”.

Nhận vật Đào Tam Xuân từ lâu đã là huyền thoại cho hình ảnh người phụ nữ lý tưởng thời xưa: nữ lưu anh kiệt giúp chồng bảo vệ quan ải giữ nước, chung thủy và bất khuất trước thế lực triều đình để chống lại bất công đổ ập xuống gia đình bà, quyết tâm bừng bừng đòi hỏi sự công bằng, không ham mê quyền lực, danh vọng. Biết là huyền thoại, là sự sáng tạo của nghệ thuật, vậy mà mỗi lần xem Đào Tam Xuân trên sân khấu tôi lại cứ ám ảnh, thổn thức mãi trong lòng. Thương cho người phụ nữ uy dũng, mưu trí nhưng tài hoa bạc mệnh vì một xã hội bất công.

Sài Gòn, ngày 02 Tháng Tám năm 2010

Tạ Phong Tần

Link cũ trên blog của Tạ Phong Tần:

https://taphongtan.wordpress.com/2010/09/06/2473/

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.