TỪ CHUYỆN 700 TỶ/NĂM CẮT CỎ Ở HÀ NỘI ĐẾN “SÂN SAU” QUAN CHỨC


Hà Nội chi 53 tỷ đồng mỗi năm để cắt tỉa cỏ 24 km ở đại lộ Thăng Long.
Hà Nội chi 53 tỷ đồng mỗi năm để cắt tỉa cỏ 24 km ở đại lộ Thăng Long.

Báo điện tử Vietnamnet ngày 16/08/2016 cho hay:

Sau thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố tiền cắt cỏ, chăm sóc một ít trúc đào, dâm bụt đoạn đại lộ Thăng Long ngốn 53 tỷ/năm, theo thông tin tìm hiểu còn có thêm nhiều dự án có chi phí khủng cho việc cắt cỏ, tỉa cây.

Theo thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư, hàng loạt dự án đấu thầu của UBND thành phố Hà Nội đã được công bố.”

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm Hà Nội phải chi 700 tỷ đồng tiền ngân sách cho cắt cỏ, tỉa cây. Riêng việc “cắt cỏ và tỉa một ít cây trúc anh đào, một ít hoa dâm bụt ngốn 53 tỷ đồng” cho 24km đoạn đại lộ Thăng Long/năm.

Làm cho lấy có, làm rất ít và sau đó thản nhiên ẳm tiền tỷ, dễ như thò tay vào túi lấy đồ của mình. Nếu chịu khó tìm hiểu thêm, sẽ thấy đơn vị cá nhân nào nhận thầu cho việc cắt cỏ này đều có mối quan hệ nhì nhằng, dây mơ rễ má với người có thẩm quyền ký duyệt chi trả số tiền này.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nếu điều tra làm rõ thì tất cả các dự án từ nhỏ như mua sắm văn phòng phẩm, cái bàn cái ghế cho đến tất tần tật mọi thứ được chi bằng tiền ngân sách cung cấp cho hoạt động của cơ quan hành chánh nhà nước thì đều có giá cao hơn giá trị trường, còn chất lượng hàng hóa thì “trời ơi đất hỡi”. Từ cán bộ quèn trong cơ quan cho đến sếp cao nhất ai cũng biết điều đó, nhưng tất cả mặc nhiên im lặng vì tất cả đều biết rõ nhà cung cấp là “sân sau” của quan chức bự. Lính láp nhỏ thì nghĩ “kệ mẹ nó, chẳng phải tiền của tao” cho yên thân, còn quan to thì “bánh ít đi bánh quy lại”, hai bên đều có lợi.

Thời gian tôi làn việc tại Sở Thương mại – Du lịch Bạc Liêu, ông Phan Quốc Hưng đang là Bí thư tỉnh ủy, con trai ông Hưng là Phan Như Nguyện còn rất trẻ đã giữ chức vụ Trưởng phòng thuộc Sở Tài chánh. Phan Như Nguyện phụ trách việc kiểm tra, phê duyệt nguồn kinh phí cấp cho các cơ quan đơn vị trong tỉnh. Hàng năm, kinh phí cung cấp bao nhiêu, chi khoản nào, đều do Nguyện lập biểu đệ trình cho Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chấp thuận, và sau đó các cơ quan đơn vị căn cứ vào đó mà rút tiền chi phí hoạt động của đơn vị mình. Phan Như Nguyện (và một vài người thân tín) mở một công ty chuyên cung cấp computer, laptop và linh kiện điển tử, phụ tùng cho dòng sản phẩm này. Dĩ nhiên, công ty của Nguyện cũng độc quyền luôn khoản thị phần cung cấp cho cơ quan, đơn vị nhà nước, không một công ty tư nhân nào chen chân vô được dù “hàng họ” của nơi khác chất lượng hơn, rẻ hơn. Tiền cho mua sắm máy tính đem về cơ quan, chưa kịp đi xem hàng, đề xuất dòng máy, sếp đã gọi lên phòng làm việc của sếp chỉ đạo “lấy hàng của con anh Hưng để giúp đỡ cháu nó” và “quyết toán tài chính cho suông sẻ”. Như vậy, cấp dưới cũng hiểu rằng “nếu mua hàng nơi khác thì tự mày trả tiền, tao không ký duyệt”.

Người sử dụng (tức là công chức trực tiếp sử dụng) không có quyền lựa chọn sản phẩm vừa ý mình, khi làm việc máy móc chập chờn, thiếu tính năng này tính năng nọ đủ thứ, gây nên sự ức chế, mõi mệt khi làm việc, công việc ngưng trệ, người dân chờ đợi…

Lúc này, Phan Hùng Việt là Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch, con gái Phan Hùng Việt mở tiệm bán văn phòng phẩm. Tất nhiên, cô con gái sếp cũng độc quyền cung cấp văn phòng phẩm cho Sở Thương mại – Du lịch, Công ty du lịch, các đơn vị Quản lý thị trường từ tỉnh xuống huyện và các đội quản lý thị trường bên dưới.

Nói đi cũng phải nói lại, bọn cấp dưới có những kẻ nịnh bợ để lấy lòng sếp nên dù cho sếp không gợi ý thì chúng cũng cũng tìm đủ mọi cách để bày tỏ lòng trung thành. Con gái Phan Hùng Việt chỉ ở nhà kinh doanh, con rể của Phan Hùng Việt là thợ chuyên làm cửa kiếng, tức là anh con rể này không có chút liên quan gì đến cái Sở Thương mại – Du lịch kia hết. Năm 2006, anh con rể bị bệnh nằm nhà, Lê Thị Kim Loan là Chủ tịch Công đoàn Sở Thương mại – Du lịch chi tiền quỹ Công đoàn đi “thăm bệnh” anh “phò mã”. Lê Thị Kim Loan gọi thêm một số công chức trong Sở cùng đi để lấy danh hiệu “tập thể” nhàm hợp thức hóa khoản chi, nhờ vậy mà tôi mới có dịp đi theo chứng kiến màn hài kịch lố bịch này.

Lấy danh nghĩa Chủ tịch Công đoàn, tất cả các khoản mua sắm, biếu xén, quà Tết, thiếu nhi ngày Trung thu, bà mẹ Liệt sĩ, giỗ quảy, tang ma, cưới hỏi…. Lê Thị Kim Loan đều tranh phần tự mình đi mua sắm để hưởng khoản % nhà cung cấp “lại quả” cho Loan.

Khi ông Lê Thanh Dũng mới được bổ nhiệm Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Bạc Liêu, ông Dũng cho sửa chữa lại phần sân thượng trụ sở, làm thêm Hội trường và phòng làm việc của Giám đốc, trang bị toàn đồ nội thất mới, cửa nẻo đều là cửa kính khung nhôm mới tinh. Ông Dũng làm Giám đốc chưa tròn một năm lại chuyển sang làm việc nơi khác, Phan Hùng Việt được lên Giám đốc, Phan Hùng Việt bèn gọi thợ sửa lại cái cửa ra vào phòng Giám đốc rộng ra… 5 cm, bỏ khung cửa cửa và cánh cửa cũ đi. Nói đến đây thì ai cũng biết thợ nào sửa cái cửa rồi há.

Tôi có dịp trò chuyện với một số người quen, bạn bè dang là công chức nhà nước các tỉnh khác, thì được biết tình trạng “sân sau” quan chức độc quyền cung cấp cho cơ quan nhà nước kể trên rất phổ biến và tỉnh nào cũng có. Ở một tỉnh nghèo như Bạc Liêu, một cái Sở nhỏ như Sở Thương mại – Du lịch Bạc Liêu mà đã như thế rồi, thì chuyện hàng năm chi 700 tỷ đồng cho “cắt cỏ” ở Hà Nội không phải là chuyện lạ. Chỉ có người dân Việt Nam è cổ nộp thuế rồi không bao giờ biết rõ tiền của mình chạy đi đâu, chi vào việc gì nhưng vẫn cứ ngoan ngoãn nộp tới tới là lạ nhất thế giới mà thôi.

Tạ Phong Tần

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.