HIỆN TƯỢNG “TỨ CHỨNG NAN Y”: KHÔN HAY DẠI?


BoRuaNhững người trông thấy một việc đúng ra là phải làm theo tinh thần các cụ ngày xưa: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng” (Thấy việc nghĩa không làm không phải là người dũng/ Thấy người khác bị nguy hiểm không cứu giúp không phải là anh hùng), nhưng họ điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, không liên quan đến mình, mặc cho nạn nhân bị nguy hiểm đến tính mạng. Ở Việt Nam người ta hay dùng từ “vô cảm” để chỉ tình trạng này, dùng riết rồi quen, nhiều người không hiểu chính xác ý nghĩa của từ này nữa, chuyện gì cũng gắn cho hai chữ “vô cảm”.

“Cảm” tức là cảm xúc, tình cảm, cảm ứng; “vô” là không. Vô cảm là người không có cảm xúc, tình cảm, không có phản ứng, gặp chuyện gì cũng trơ trơ như phỗng đá. Xin thưa rằng, dùng từ như thế là không đúng, tình cảm, cảm xúc là chuyện xảy ra trong trí óc, trong lòng người khác, ai nhìn thấy được, cân đong đo đếm được mà dám khẳng định là “vô cảm” hay “hữu cảm”, trừ phi người đó thể hiện ra ngoài bằng hành động thực tế. Trợn mắt đứng im cũng là họ đã “cảm” rồi đấy chứ, vì đã “cảm” rồi nên não bèn đưa ra quyết định là “làm thinh”, ai bảo “đứng im tại chổ”, “cấm động đậy” là vô cảm?

Hành động, còn gọi là phản xạ, thì được chia làm hai loại: có điều kiện và không điều kiện. Phản xạ không điều kiện là thói quen, nói như ngôn ngữ hiện giờ đó là “được lập trình” trước. Phản xạ có điều kiện tức là khi xảy ra sự việc mới có hành động phản ứng.

Giả sử cái tình huống sự việc ấy xảy ra, nạn nhân không phải là người dưng, mà là người nhà của họ (cha, mẹ, vợ con, anh em…) thì họ có “trơ như phỗng” không? Tất nhiên là không, mà “chỉ huy não” ra lệnh hành động ngay lập tức, còn hơn điện xẹt ấy chứ.

Trường hợp giả định tiếp theo, nạn nhân không phải người nhà, mà là sếp, thậm chí sếp to, thì “cường độ điện xẹt” tăng lên gấp nhiều lần, để tỏ rõ cho sếp thấy tấm lòng của đàn em, biết đâu sếp bổ cho một chức vụ gì đó hay thăng chức chẳng hạn. Đó là cũng chính là phản xạ có điều kiện.

Trường hợp giả định thứ ba, nạn nhân là người dưng, thì họ bỗng nhiên trở thành người bị mắc “tứ chứng nan y”, tức là mắt mù, tai điếc, miệng câm, bại liệt tứ chi. Vì cái phản xạ vô điều kiện kia bị cái “cảm” từ trong trí chận lại, bắt hành vi phải “lờ” đi. Cho nên, trường hợp như vậy không được dùng từ “vô cảm” để chỉ, mà phải gọi là “hữu cảm” quá hóa ranh ma.

Trong phiên tòa xét xử anh Ba Sàm và cộng sự, có người đã dùng từ “vô cảm” để chỉ những kẻ thờ ơ trước sự việc người đồng bào của mình bị tước đoạt quyền con người. Xin thưa rằng không phải “vô cảm”, mà là quá tính toán lợi hại. Thử nhìn các phiên tòa xử giết người, hiếp dâm, đánh ghen mà xem, ào ào chen chúc đến tham dự ấy chứ.

Đừng nghĩ thằng ăn cướp nó cướp của thằng hàng xóm rồi nó sẽ không cướp đến mình vì mình “lương thiện”. Kẻ cướp chỉ có thể cướp được khi hắn mạnh hơn nạn nhân, nếu chỉ có một thằng kẻ cướp mà có một trăm người phản ứng chống lại nó thì nó làm sao cướp được?

Ông bà ta có câu “Túi tham không đáy”, hôm qua thằng ăn cướp cướp của ông hàng xóm, không ai bênh vực ông hàng xóm, hôm nay nó cần tiền, hoặc nó thấy miếng mồi béo bở nảy sinh lòng tham thì nó lại nhảy vào cướp tiếp, lúc đó thì lấy ai bênh vực? Ông “nạn nhân thứ 1” cũng không dại gì nhảy vào bênh vực ông nạn nhân thứ 2, thứ 3,… thứ n nếu như trước kia ông ta không được ai bênh vực, giờ ông ta chỉ còn tay trắng ông ta cần gì phải bênh vực cho ai để rước vạ vào thân?

Vậy là người tuy đông, kẻ cướp tuy ít, nhưng kẻ cướp vẫn có cơ hội tiếp tục hoành hành chỉ vì sự tính toán kiểu khôn lỏi, khôn vặt kia. “Làm thinh” đến khi tất cả đều là nạn nhân hết thì lúc đó mới “biết đá biết vàng”.

Sách Cổ Học Tinh Hoa của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – Trần Lê Nhân có câu chuyện “nhời nói kẻ bắt rắn” như sau:

Ở Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng, chạm vào cây cỏ, thì cây cỏ chết, cắn phải người, thì không thuốc gì chữa nổi. Song mà bắt được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa những bệnh như bệnh trúng phong, bệnh co quắp chân tay, đều sát, được cả trùng.

Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để để dành. Ai bắt được rắn, thì được trừ thuế ruộng.

Người châu Vĩnh tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời. Hỏi ra, thì nhà họ Tương nói:

– Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết.

Người ấy nói, vẻ mặt rất buồn rầu.

Ta thương và hỏi rằng:

– Nhà ngươi có thật cho nghề bắt rắn là khổ không? Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tình thế nào?

– Người họ Tương vừa khóc, vừa nói:

Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn. Nếu tôi không làm nghề này, thì tôi khốn khổ đã lâu rồi. Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi ngày mộtquẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa mầu, vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người.

Những người vào chạc tuổi ông tôi mười nhà không còn một. Những người vào chạc tuổi cha tôi, mười nhà còn độ hai, ba. Những người vào chạc tổi tôi mười nhà còn độ bốn, năm. Không chết chóc thì lưu lạc cả… Tôi nhờ nghề bắt rắn mà còn đến bây giờ. Những quan lại tàn ác về làm thuế làng tôi, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hải hùng kinh sợ. Những lúc ấy, về phần tôi, tôi được yên lặng, trông trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ, không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là rắn độc mà xin thôi.

Ta nghe câu chuyện lại càng thương lắm. Xưa Đức Khổng nói: “Chính sách hà khác độc hơn hổ dữ” ta vẫn ngờ, bây giờ xem truyện họ Tương mới cho là thật. Than ôi, cái độc quan lại tàn ác làm thuế ở dân gian dữ hơn con rắn độc, cho nên nói ta đây để người tiện xem phong tục dân mà thâu được tình cảnh cho dân.

LIỄU TÔN NGUYÊN”.

Tới đây thì quý vị tự hiểu được rồi.

Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.