Bài đã đăng báo Người Việt ngày 23/3/2016
Thằng cán bộ trại quay sang nhìn Phạm Anh Tuấn, Trần Tiến Tùng có ý hỏi. Lão Phạm Anh Tuấn lên tiếng:
– Cháu dẫn chị ấy vào đi.
Trần Tiến Tùng lại nói:
– Chị đi trước đi.
Tôi không muốn thằng Tùng què nhìn thấy cảnh tôi đi vào phòng giam, nó thấy chắc là nó hí hửng lắm, nên tôi nói gằn chậm từng tiếng:
– Các người đi trước, không được đi sau lưng tôi. Tôi chỉ đi với cán bộ trại này thôi.
Phạm Anh Tuấn thấy vậy ngoắc Trần Tiến Tùng đi thẳng không một lời từ biệt. Nhìn cái kiểu đi của hai thằng này biết chúng nó căm tôi lắm, ở cơ quan kẻ vâng người dạ quỳ mọp chúng nó, còn ở đây một đứa tù như tôi lại dám ngang nhiên sỉ nhục chúng nó trước mặt thằng cán bộ trại oắt con, mà chúng nó không dám làm gì được tôi, ngay cả quát lớn cũng không dám, không phải chúng nó ra lệnh, mà tôi ra lệnh cho chúng nó. Phải cố kìm nén xuống, nên nét mặt chúng nhìn khó coi lắm. Tôi thấy cái mặt chúng nó mắc cười quá nhưng tôi vẫn làm mặt lạnh thản nhiên như không. Tên Tuấn già quay lưng đi thẳng làm cho cái mặt nạ đạo đức giả của nó mới đeo lên lúc ban đầu vô gặp tôi rơi bõm xuống ngay lập tức.
Tôi cố tình đi thiệt chậm từ từ theo thằng cán bộ trại đi vô phòng giam. Nó không dám giục tôi đi lẹ, phải đi chậm chậm chờ tôi. Vừa đi tôi vừa hỏi nó:
– Cán bộ biết hai người đó là ai không?
– Tôi không biết. Có giấy bên giám đốc đưa qua thì cho vô thôi. – Thằng cán bộ trẻ nói.
– Vậy hai người đó chưa qua đây lần nào hả? – Tôi hỏi tiếp.
– Không, tôi mới gặp lần đầu. – Thằng cán bộ trả lời.
Tôi không hỏi gì thêm nữa. Thằng kia cũng làm thinh luôn. Mục đích tôi muốn biết hai thằng Trần Tiến Tùng và Phạm Anh Tuấn có qua đây gặp thằng Ba Sài Gòn và ông Điếu Cày hay không, vì tôi biết hai người này đã từng ở đây và đang ở đây. Thằng cán bộ trại lại nói nó mới gặp lần đầu. Vậy chắc bọn thằng Tuấn, thằng Tùng nghĩ rằng tôi dễ dụ nên mới tới đây hòng giở trò, không ngờ bị tôi cho một trận chạy té khói.
Vô đến phòng giam rồi, tôi vẫn còn tức tối, nghĩ trong bụng: Mẹ nó, tao mà không yếu sức thì chiếc dép đó vô mặt con chó Trần Tiến Tùng rồi. Chúng mày còn muốn qua đây gặp tao lần nữa hả? Chờ đó, lần sau qua đây tao cho mày ăn dép. Hôm nay tao sẽ lấy cơm ăn cho có sức chiến đấu với mấy con chó chúng mày.
Nghĩ là làm, buổi chiều, tôi lấy cơm trại phát chan nước canh vô ăn hai muỗng, nhai thiệt kỹ mới nuốt. Còn dư cơm tôi bỏ hết.
Nhịn ăn lâu ngày, phải ăn từ từ mỗi lần một ít thì mới không hại bao tử, rồi thủng thẳng mới tăng lên, ăn một lúc nhiều quá không ổn. Tôi nhớ hồi nhỏ đi học có đọc cái truyện ngắn “Một bữa no” của Nam Cao, kể chuyện bà lão bị đói hồi năm bốn lăm, bỏ quê lên Hà Nội ăn xin, gặp đứa cháu làm đầy tớ cho nhà giàu, xin cơm chủ nhà cho bà ăn. Bà đói lâu ngày nên khi có cơm ăn thì bà ăn nhiều quá, ăn hết cả nồi cơm nhà người ta còn vét hết cả dề cơm cháy ăn không sót hột cơm nào. Vì no quá nên bà bị đau bụng, lăn đùng ra chết.
Sáng hôm sau, Trần Văn Cống lại lù lù vô gặp tôi.
Ông ta vẫn như thường lệ mời tôi ngồi ghế rồi kêu thằng tù bên ngoài lấy cho tôi chai nước uống. Ông ta nói:
– Tôi nghe nói chị ăn cơm rồi hả?
– Phải, chiều hôm qua, tin tức cũng nhạy bén quá chớ. – Tôi nói. – Hôm qua anh có ở cơ quan không?
– Không, hôm qua tôi đi vắng, có chuyện gì không? – Ông Cống hỏi.
– À, hôm qua có hai người đến đây gặp tôi là Phạm Anh Tuấn và Trần Tiến Tùng đó. Tôi tưởng anh biết rõ chuyện đó rồi chớ. – Tôi nói.
– Không, tôi không biết hai người này. Họ nói với chị cái gì?. Ông ta hỏi tiếp.
– Sao lạ vậy? – Tôi nói. – Không bàn bạc với nhau trước sao? Đáng lẽ phải bàn trước với nhau chớ, làm việc kiểu gì kỳ vậy? Họ không nói gì với anh à? Vậy anh về hỏi lại đồng nghiệp của anh đi nhé. Còn tôi nhờ anh nhắn với hai thằng đó như thế này: Hôm qua tôi không có sức nên phang chiếc dép không trúng mặt, nhưng lần sau sẽ khác.
– Là sao? Tôi không hiểu. – Ông Cống nói.
– Là hôm qua tôi lấy chiếc dép đang mang trong chân phang vô mặt Trần Tiến Tùng, tôi đập bàn chửi cho một trận rồi đi ra. Tưởng tôi ngu chắc, tính dụ hả. Bảo với chúng nó là xưa rồi, bây giờ tôi điên mới nghe lời chúng nó.
Ông ta nghe tôi nói nhe răng ra cười, rồi hỏi:
– Chị đã ăn rồi, vậy chị có khai không?
– Không. – Tôi đáp gọn lỏn.
– Ủa sao kỳ vậy? Lúc trước không ăn không khai, bây giờ ăn rồi sao cũng không khai? – Ông Cống hỏi.
– Chuyện tôi ăn với chuyện tôi khai không có liên quan gì với nhau hết. Tôi có nói tôi ăn rồi sẽ khai đâu? – Tôi nói.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)