NGƯỜI DA ĐEN Ở WASHINGTON D.C. VÀ NEW YORK


Bài đã đăng Tuần báo Trẻ ngày 03/12/2015

AbiolaAfolayan-Tan
Cô Abiola Afolayan (trợ lý pháp lý cho bà Sheila Jackson Lee) và Tạ Phong Tần

Người da đen tôi đề cập đến trong bài viết này không phải là tất cả người da đen, mà là những người da đen tôi đã gặp ở New York và Washington DC mà thôi.Ở Califonia, tôi gặp những người Mỹ nước da nâu sậm, đôi mắt hai mí to tròn, tóc đen hơi xoăn, cái mũi cao thẳng và nét môi thanh tú không mỏng không dày, đặc trưng của người gốc da đen mang hai dòng máu. Họ làm những công việc vệ sinh, quét tước dọn dẹp, bảo vệ trong những công sở chính phủ như: Tòa án, trụ sở thành phố, sân bay… Hiếm khi bắt gặp họ ngoài đường phố.

Ở New York và Washington DC, bước chân ra đường tôi gặp mười người thì có đến năm người là người da đen “chính hiệu” với điểm đặc trưng là da đen bóng như cục than đá, mắt hai mí to tròn, sống mũi lõm và đôi môi dày hơi bĩu ra. Họ làm những công việc như: quét dọn vệ sinh, bảo vệ tòa nhà, tiếp tân, bán hàng rong…

Tại trụ sở của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) ở Washington DC, chúng tôi đi nhờ xe của nhà báo Mặc Lâm. Tôi thấy mỗi lần anh Mặc Lâm vừa ngừng xe là có anh bảo vệ da đen trẻ tuổi nhanh nhẹn chạy ra cúi đầu chào, đón lấy chìa khóa xe từ tay anh Mặc Lâm. Anh ta đưa xe vào trong ga- ra cẩn thận, quay ra trả chìa khóa và cúi chào lần nữa với câu “chúc may mắn”. Tôi hỏi anh Mặc Lâm: “Sao anh chàng này đối xử với anh có vẻ kính nể quá vậy, y như anh là “ông chủ bự” của anh ta không bằng?”. Anh Mặc Lâm nói: “Mỗi lần đưa xe vào anh đều cho anh ta vài đồng. Tòa nhà này có nhiều cơ quan làm việc trong đây, nhưng người da trắng nhiều lúc keo kiệt lắm, không cho đồng nào hết. Tội nghiệp nó nghèo, dù sao cũng là nó bỏ công sức ra làm cho mình. Hôm nào mình không có tiền lẻ cho nó cũng vui vẻ chạy ra đưa xe vào. Ở đây nó coi người Việt mình như ông chủ lớn”.

nguoida-den-03Tại Văn phòng của bà Dân Biểu Sheila Jackson Lee (đại diện tiểu bang Texas) ở White House (Washington DC), tiếp chúng tôi là một nam nhân viên da trắng và ba nữ nhân viên da đen. Họ đều còn rất trẻ và xinh đẹp với gương mặt thanh tú, mái tóc đen thẳng bồng bềnh, đặc biệt là thân hình thon thả rất đẹp trong bộ quần áo nhân viên văn phòng, nổi bật lên làn da mịn màng, khỏe mạnh. Cô Abiola Afolayan (trợ lý pháp lý cho bà Sheila Jackson Lee) tự hào giới thiệu với tôi bà Sheila Jackson Lee đã tốt nghiệp khoa Luật trường đại học Yale. Tôi “Ồ” lên ngạc nhiên và tỏ ý thán phục. Hồi nhỏ, tôi đã đọc những quyển sách dịch của tác giả Dale Carnegie, ông Dale Carnegie thường nhắc đến tên hai trường đại học danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ thời đó là Yale và Harvard, là nơi nổi tiếng nghiêm khắc và đào tạo ra nhiều sinh viên xuất sắc mà sau này trở nên các chính trị gia tài năng. Cô ấy rất vui vẻ khi nghe tôi nói rằng tôi cũng đã tốt nghiệp đại học Luật ở Việt Nam.

Chúng tôi từ Washington DC đến New York bằng xe khách. Anh da đen cao lớn bảo vệ bến xe khách rất nhiệt tình, vui vẻ. Khi tôi hỏi anh ta nhà vệ sinh ở đâu, anh ta chỉ tay về hướng đó và ra hiệu cho tôi đi theo anh ta, anh ta dẫn tôi đến tận nơi rồi mới quay lại vị trí làm việc của anh ta ngay cửa ra vào. Tài xế xe khách là một phụ nữ da đen hay cười to béo khỏe mạnh, dễ có đến một trăm hai chục ký lô. Tóc nữ tài xế này xoăn tít được tết lại thành rất nhiều bím nhỏ xíu.

Trên đường phố New York, người da đen bán hàng rong rất nhiều, đủ loại hàng hóa, họ đi đi lại lại chào mời khách rất rôm rả. Thấy một người bán khăn quàng cổ voan đủ màu sắc, nghe nói là hàng của Ấn Ðộ, tôi định mua thì có người bảo với tôi rằng coi chừng họ bán mắc, và chỉ bán một lúc một chục cái, bán sỉ chớ không bán lẻ. Tôi hỏi: Một cái giá bao nhiêu?. Người kia nói: Chừng $5. Tôi trả lời: Thì mua một lúc một chục cái có sao đâu. Mình cũng cần dùng nhiều cái để thay đổi khi giặt giũ. Tôi đã mua một khăn choàng voan ở New York giá $5 của một người da đen bán hàng rong như thế. Mua một cái thôi, và anh chàng trẻ tuổi bán khăn vui vẻ cám ơn tôi, không thấy anh ta cự nự gì vì tôi mua ít quá. Nếu so với Califonia thì chiếc khăn anh chàng da đen này bán quá rẻ. Tôi hỏi mua một chiếc khăn tương tự như thế ở chợ Phước Lộc Thọ, Garden Grove, người bán đòi đến $12, làm tôi hết dám trả giá mà cám ơn rồi đi thẳng.

IMG_0073 (2)Tôi cũng mua một vé thăm thành phố New York bằng xe buýt hai tầng giá $32 của một anh chàng da đen nhỏ tuổi thâm thấp, tặng thêm anh ta $3, anh ta rất là vui, hí hửng đứng cho tôi chụp một kiểu hình, còn lợi dụng cơ hội giơ ra cái bảng quảng cáo hãng xe buýt của anh ta.

Khi chúng tôi đến tòa nhà có trụ sở của CPJ (New York), người đàn ông da đen béo đứng tuổi làm nhiệm vụ tiếp tân ở cửa ra vào tỏ ra rất vui khi biết tôi vừa từ Việt Nam sang. Ông ấy vội vàng móc bóp lấy ra tấm ảnh đã ngả màu nhỏ cỡ 4 x 6 chụp một thanh niên da đen khoảng hai mươi tuổi mặc quân phục màu xanh biển cho tôi xem, hãnh diện bảo với tôi rằng khi còn trẻ ông đã tham chiến ở Việt Nam. Với ông, quân nhân Mỹ đến Việt Nam để bảo vệ cho tự do, dân chủ, để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản kinh khủng trên toàn thế giới. Ông tự hào về điều này nên lúc nào ông cũng đem bức ảnh cũ theo bên mình, khi có dịp lại lôi ảnh ra khoe với mọi người. Tôi thân mật bắt tay và chúc sức khỏe ông ấy, xin phép ông cho tôi chụp lại bức ảnh cũ và ảnh mới của ông. Tiếc rằng tôi không thể nói chuyện nhiều với ông ấy và không biết được ông ấy tên gì. Nhưng không sao, ông cựu chiến binh ấy vẫn đang làm việc tại tòa nhà số 330 đó thôi.

Ðường phố New York với điểm đặc trưng là những tòa nhà chọc trời cao ngất ngưởng và những cái cầu thang sắt chạy zích zắc bên ngoài mặt tiền ngôi nhà. Bất cứ ngôi nhà cao tầng nào cũng có những cái cầu thang này, người địa phương bảo với tôi rằng cầu thang đó là lối thoát hiểm khi xảy ra biến cố gì. New York vào thời điểm người Hàn Quốc đang quảng bá du lịch cho đất nước họ. Tôi thấy có nhiều nữ nghệ sĩ mặc quần áo kiểu truyền thống dân tộc Hàn Quốc đang múa trên sân khấu ngoài trời. Tôi đứng lại xem và chụp ảnh. Một người đàn ông da đen chợt gọi tôi, vừa nói anh ta vừa chỉ cái túi xách tôi đang đeo trên vai ra hiệu, ý nói túi xách không kéo khóa coi chừng mất đồ. Tôi nhìn lại thấy túi mở khóa thật và nhớ ra là khi lấy cái điện thoại ra chụp hình tôi đã quên kéo khóa túi xách lại. Tôi cám ơn anh ta, anh ta mỉm cười, ra hiệu “không có chi” và bỏ đi. May quá, nếu ở Sài Gòn có lẽ tôi đã mất hết tiền trong túi xách rồi.

Tôi nhận thấy người da đen có vị trí làm việc như cô Abiola Afolayan quá ít, mà người làm công việc nặng nhọc lao động chân tay thì nhiều. Nhìn qua nhìn lại thấy người Việt mình “oai” hơn họ rất nhiều, mà thương cảm họ quá chừng luôn.

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 7 thoughts on “NGƯỜI DA ĐEN Ở WASHINGTON D.C. VÀ NEW YORK

  1. Bây giờ Ms Tần ráng học tiếng Anh cũng đã khá vất vả ở độ tuổi này, dù ở Mỹ hay trở về đất Mẹ thì một luật sư với vốn tiếng Anh giỏi sẽ cực kì quí giá!

    Đã thích bởi 1 người

  2. Em là người đã từng comment vào trang này cách đây nhiều năm trước ! Giờ mới được biết và gặp lại chi Tần sau bao nhiêu năm chị chịu lao tù Cộng Sản ! Đọc bài viết của chị rất hay !

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.