SÁCH CŨ KIẾN THỨC MỚI


Bài đã đăng trên tờ Thời Báo (Canada) khoảng cuối năm 2010

Quoc_van_GKT
Cái hình này mới lụm trên internet. Giống với quyên sách tôi đã mua, khác năm xuất bản.

Không biết tự bao giờ, Sài Gòn là “kinh đô” của ngành nghề kinh doanh sách cũ. Sách cũ không chỉ được bày bán lưu động ở vĩa hè những con đường lớn như Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), Nguyễn Văn Trỗi (Trương Minh Giảng cũ, nối dài đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3), Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ), Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ), Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ)… mà còn tập trung cửa tiệm mua bán ở những con đường riêng được người Sài Gòn kêu là “đường sách cũ” như Trần Huy Liệu (Trương Tấn Bửu cũ), Trần Nhân Tôn, Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ), Nguyễn Thái Sơn (ngã ba chú Ía).

Những lúc rảnh rỗi, tôi thích đi dạo ở các tiệm sách cũ, đi hết tiệm này đến tiệm khác để xem hàng, nhiều lúc không có nhu cầu mua cái gì hết vẫn cứ vào, để rồi khi phát hiện ra cái gì lạ lạ, hay hay lại hứng chí lên “làm một quả” vài trăm ngàn nhẵn túi.

Bán được nhất có lẽ là truyện tranh Nhật Bản (cũ), nên thấy tiệm nào cũng bày loại này ra “mặt tiền” cho khách tiện lựa chọn, cứ đổ đồng 5 ngàn đồng/quyển khổ (13×17) cm, dày từ 100- 150 trang, và lượng khách tập trung ở “mặt tiền” này cũng khá xôm tụ, ít có loại khách nào vào tiệm “chui sâu, leo cao” như tôi.

Tôi vào một tiệm có vẻ “bề thế” nhất trên đường Trần Nhân Tôn, thấy sách bày ra chiếm một khoảng vĩa hè trước cửa tiệm, bên trong sâu chừng 20 m sách chất cao đụng trần trên hai dãy kệ sát tường và một dãy giữa, chừa hai lối đi nhỏ hai bên. Bên trong, mùi mốc của giấy cũ, của bụi, của thuốc chống mốc bốc lên thành một mùi đặc trưng quen thuộc xộc vào mũi, mà chỉ có tiệm sách cũ mới có.

Nói là tiệm sách cũ nhưng không phải tất cả sách trong tiệm đều cũ, mà có rất nhiều sách mới xuất bản, còn mới cứng cả lô vài chục cuốn được bó lại bằng dây ni-lông, có lẽ bán ế nên đại hạ giá vào đây nằm.

Tôi thấy có những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết (tức “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”), Những Người Khốn Khổ, Thằng Cười, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, Papillon Người Tù Khổ Sai, Ba Người Lính Ngự Lâm, Bá Tước Môngtơ Crixtô, Tấm Da Lừa, Cuốn Theo Chiều Gió, Không Gia Đình… hay Thần Điêu Đại Hiệp (nguyên bộ), là những sách được tái bản vào thập niên 80. Không tìm thấy loại tiểu thuyết dã sử Trung Quốc mà ngày xưa kêu là “Truyện Tàu”. Giá như có bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ thì tôi cũng mua để dành lâu lâu lôi ra đọc chơi, nhưng Thần Điêu Đại Hiệp thì tôi không khoái. Tôi thích đọc những bản dịch trước năm 1975, văn chương giản dị, hồn nhiên, dể hiểu nhưng không kém phần “sang trọng” ở những phần cần “sang trọng”. Ví dụ như quyển Sans Famillle (Vô Gia Đình) của dịch giả Hà Mai Anh đã lấy rất nhiều nước mắt độc giả người lớn lẫn trẻ con.

Ngoài ra, còn có Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Tuyển tập Nguyễn Khuyến, Truyện Kiều được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp (có cả tranh minh họa từng trang rất đẹp). Tuy nhiên, định tìm quyển Truyền Kỳ Mạn Lục, Lĩnh Nam Trích Quái thì không thấy đâu cả.

Những quyển thuộc tủ sách “Học làm người” xuất bản trước năm 1975 như Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, Cái Cười Của Thánh Nhân, Cái Dũng của Thánh Nhân, Thuật Xử Thế Của Người Xưa, Óc Sáng Suốt, Thuật Tư Tưởng, Thuật Yêu Đương, Tôi Tự Học, Để Trở Thành Nhà Văn… của tác giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần cũng không tìm thấy. Có lẽ thời bây giờ không thiếu đói như ngày “mới giải phóng” nên sách quý này không ai đem bán vào hàng sách cũ. Tôi nghĩ thầm: A! Thời buổi bi giờ, mình “đầu tư” viết một quyển “Thuật Nhồi Sọ…” hổng chừng bán đắt như tôm tươi à nha!

Thú vị nhất là ở kệ sách thể loại sử. Tại đây có hàng đống sách lịch sử ngành Công an. Từ Lịch sử Công an nhân dân (cả nước) đến tỉnh, thành (TP HCM, Đồng Nai), cấp quận (Gò Vấp) còn mới cứng. Ban đầu, tôi định mua vài quyển về “ngâm kíu” nhưng nghĩ lại, mấy thứ này nó đâu phải là công trình khoa học lịch sử, mua làm gì cho tốn tiền mà không “ngâm” lẫn “kíu” ra được cái gì chính xác hết. Tôi còn tìm được quyển “Dấu Vết Khó Xóa” nói về khám nghiệm tử thi in năm 1985, thuộc bộ sách “100 năm khoa học hình sự” của các nhà khoa học Liên Xô cũ. Bộ sách này gồm 4 quyển là: “Dấu Vết Khó Xóa”, “Tìm Biết Qua Xác Chết”, “Độc Chất”, quyển thứ 4 (quên tên) nói về “phép đo người” và vân tay, không hay bằng ba quyển đầu. Thôi rồi, kiểu này là nguyên cái tủ sách của cơ quan Công an nào đó đã được “lên đường” vào gánh ve chai.

Ở đây cũng có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược, Sử ký Tư Mã Thiên… in những năm 80 – 90 trên nền giấy vàng khè, bìa mềm, chữ in nhạt. Những quyển này bây giờ được in lại với giấy tốt trắng tinh, in chữ sắc nét, màu mực đậm, bìa cứng bọc da giả, chữ mạ nhũ vàng… nhìn chung là rất đẹp, giá bán từ 200 – 300 ngàn đồng/bộ. Những ai có thói quen nằm đọc sách lúc rảnh rỗi, nghỉ ngơi cho đến khi chìm vào giấc ngủ mới thấu hiểu nỗi niềm của những người đã từng bị “sách đập vào mặt” dập hết mặt mũi. Nên các quyển sách giấy tốt bìa cứng (dĩ nhiên nặng) đã mắc tiền mà còn “thập phần nguy hiểm”. Cho nên, với tôi thì mua sách cũ giấy tuy vàng, mùi khó ngửi, chữ khó đọc một chút nhưng “vừa nhẹ sách vừa nhẹ tiền” là một “lựa chọn sáng suốt”, đỡ “dập mặt” khi ngủ quên.

Lục lọi một hồi, tôi lôi ra được quyển sách mỏng dính chưa đầy 100 trang, bìa mềm mỏng màu vôi ăn trầu, bay mùi mốc nồng nặc. Ruột bên trong giấy đã ngã sang màu vàng sậm. Gáy sách rách nham nhở, bìa và ruột sách lật ra nó rời ra từng tờ theo tay tôi. Tôi đọc thấy dòng chữ “Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư”, “Lecture, Coure Préparatoire”, “Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị”, “Rectorat de L’universite Indochine, 1948, Tous drolts réservés”, được in bằng kiểu chữ quốc ngữ “xưa ơi là xưa” khi mỗi từ đôi đều có cái gạch nối ở giữa, lối viết mà bây giờ ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại không ai dùng nữa.

Lật vào các trang bên trong, cách dùng từ cũng “xưa” chẳng kém, như: “Tràng học” (trường học), “Truyện ngươi Thừa Cung” (Truyện người học trò tên Thừa Cung). Có những bài như: “Khuyến hiếu – đễ” (Khuyên có hiếu với cha mẹ và biết nhường nhịn), “Lễ phép với người tàn tật”… là các nội dung chương trình Giáo Dục Công Dân bậc Tiểu học bây giờ không thấy có. Cách trình bày từng bài học so với bây giờ thì thật ngộ nghĩnh nhưng rất hấp dẫn. Đầu tiên bao giờ cũng có một bức tranh vẽ minh họa, kế đến là nội dung câu chuyện, giải nghĩa từ, câu hỏi tập làm văn, cuối trang là một câu ngắn tóm tắt nội dung bài học được in to và đậm theo kiểu chữ viết tay chân phương trang trọng. Ví dụ: “Ai ai cũng phải làm việc”, “Ta nên giúp đỡ lẫn nhau”, “Nghèo mà chăm học thật là đáng khen”, v.v.. Học sinh chỉ cần nhớ câu nhấn mạnh này là coi như thuộc bài, quá dễ học.

Đọc thêm vài trang nữa thì, trời ơi, cái mà trẻ con để chỏm hồi đó học, tôi mang tiếng Cử nhân Luật (hệ chính quy đàng hoàng nghen)  mà bây giờ nhờ đọc sách này mới “sáng” ra. Hồi nào tới giờ, trường học XHCN dạy tôi “làng” tức là “xóm”, ngoài Bắc gọi là “làng”, trong Nam kêu là “xóm”. Giờ đọc bài “Làng tôi” mô tả về làng miền Bắc, tôi mới biết “làng” nó khác “xóm” một trời một vực. Hóa ra “làng” có hai cổng trước và sau, xung quanh trồng tre dày bịt rào chắn giống như cái thành (xây bằng đá, đất, vôi vữa) thời xưa, đứng ngoài nhìn vào không thấy nhà trong làng. Còn “xóm” ở miền Nam nó khác, đó là tập hợp nhiều cái nhà ở quây quần gần nhau, không có cổng mà cũng chẳng có hàng rào, đứng xa cả cây số nhìn vào thấy rõ thông thốc từng nhà một.

Tôi chọn mấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Dấu Vết Khó Xóa, Sử Ký Tư Mã Thiên (800 trang giấy vàng khè), Từ Điển Lịch Sử Chế Độ Chính Trị Trung Quốc (hơn 900 trang, giấy trắng tốt bìa cứng, in năm 2001) hỏi giá bao nhiêu. Cậu bán sách cầm lật tới lật lui xem rồi chỉ từng cuốn phán: “Cuốn này (Quốc Văn…) 95 ngàn, cuốn này (Dấu Vết…) 10 ngàn, cuốn này (Sử Ký…) 45 ngàn, cuốn này (Từ Điển…) 70 ngàn”. Tôi chỉ cuốn Quốc Văn nói: “Trời, cuốn này cũ sì, giấy mục hết trơn, đụng tới rách te tua, mỏng lét, làm gì bán mắc dữ vậy?”. Cậu bán sách giải thích: “Giá chủ có ghi sẳn trên bìa đó chị. Sách này quý lắm, có một cuốn thôi hà. Chị đi kiếm được thêm cuốn thứ hai thì chị lại đây dọng đầu tui xuống đất cũng được”. Tôi chỉ cuốn “Dấu Vết…” nói: “Cuốn này cũng cũ giống vậy sao bán giá 10 ngàn?”. Cậu chàng gãi đầu nói: “Em hổng biết. Chủ dặn vậy thì bán như vậy”. Tôi trả tiền, lấy bốn cuốn sách mang đi, trong bụng nghĩ: “Thằng cha chủ tiệm chắc không biết gì về pháp y nên chả mới bán cuốn đó 10 ngàn. Chả mà biết giá trị của nó dám “quất” lên vài chục nữa chớ chẳng chơi”.

Thế mới biết cái trình độ “dzăng hóa” mình được “nhồi sọ” mấy chục năm nay bị “hổng” nhiều nếu so với chương trình “Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị” kia. Than ôi! Bi hài quá!

Sài Gòn, ngày 05 tháng 8 năm 2010

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 1 thoughts on “SÁCH CŨ KIẾN THỨC MỚI

  1. Biết bao nhiêu sách vở bị đốt hủy vì là “văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy”
    Bây giờ mới hối tiếc vì đã quá muộn do “bọn mọi rợ đã chiến thắng văn minh” như lời nhà văn Dương Thu Hương đã bậc khóc vi chị vào đến Sài Gòn.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.