Bài đã đăng báo Người Việt ngày 02/3/2016
Ông ta sau khi gọi thằng tù trẻ lao động ngoài đem cho tôi chai nước đun sôi để nguội như thường lệ rồi lấy ra lá thư photocopy tuần trước Võ Thị Thắm đã đưa tôi coi. Ông Cống hỏi:
– Chị đã đọc cái thư này chưa?
– Xem rồi. Cái này mà có thể gọi là thư được à? – Tôi hỏi lại.
– Vậy chớ cái này không là thư thì là gì? – Ông Cống hỏi:
– Đây là bản photocopy. Trên đời này anh có thấy ai gởi thư cho người khác bằng một bản photocopy chưa? Thế bản chính thư dâu anh đưa cho tôi xem có phải là thiệt hay giả? – Tôi hỏi.
– Tôi không có bản chính. Lãnh đạo chỉ đưa cho tôi thế này thôi. Mà làm sao chị lại khẳng định đây là đồ giả? Có đúng là nét chữ của mẹ chị không? – Ông Cống hỏi.
– Lãnh đạo của anh lấy bản chính để nấu nước uống à? Nét chữ thì giống, nhưng làm giả dễ quá mà. Anh có biết mấy thằng súc sinh an ninh nó xông vào nhà tôi cướp hàng đống thư từ của mẹ tôi gởi từ quê lên cho tôi không? Cho dù là thật thì tôi cũng không chấp nhận được. Thằng chó nào đến nhà tôi đe dọa, khủng bố, dụ dỗ, bắt ép mẹ tôi viết cái thứ rác rưởi này? Cứ chờ đó, tôi mà biết được thằng nào làm cái việc bẩn thỉu, đê tiện này thì tôi không để nó yên đâu. Nó cứ chờ đó, tôi không ở tù cả đời, một ngày nào đó tôi sẽ bắt nó phải trả giá. – Tôi nói gằn từng tiếng.
Ông Cống vội vàng nói:
– Không phải tôi làm cái việc này đâu.
– Tôi biết anh không làm, ngày tháng ghi trong thư anh gặp tôi ở đây thì anh không thể phân thân đi nơi khác được. Xuống đó rồi đi lên phải mất ít nhất hai ngày, anh không thể đi rồi về kịp. Những thằng chó mà anh gọi là “đồng nghiệp” đó chúng nó làm. – Tôi nói.
Ông Cống vẫn cố chống chế:
– Biết đâu có ai đó đi xuống chơi rồi gặp mẹ chị, mẹ chị gởi người đó đem về đây thì sao?
– Rảnh quá há, đi ba trăm cây số xuống đó chơi. Chỉ có cái loại được lãnh lương ngồi xe công mới đi xuống đó chơi lấy cái thư rồi quay về Sài Gòn. Cũng mất nhiều công quá, rất tiếc, chẳng được tích sự gì. – Tôi nói.
– Sao chị lại cứ khẳng định là đe dọa, khủng bố, làm gì có. – Ông Cống nói.
– Nếu không thì sao mẹ tôi lại gửi một bức thư như thế này cho tôi. – Tôi nói.
– Tôi công nhận là chị rất thông minh. – Ông Cống nói.
– Không cần phải nói nịnh tôi. Câu này tôi nghe nhiều rồi. – Tôi nói.
– Chị có thể giải thích cho tôi hiểu tại sao chị biết? – Ông Cống nói.
– Anh có đọc nội dung thư này chưa? Đọc rồi chớ gì? Anh không phát hiện thấy điều gì bất thường trong đó à? – Tôi hỏi lại.
– Tôi không thấy có điều gì bất thường. Thư viết suôn sẻ, rất hay mà. – Ông Cống nói.
– Nhưng mà đọc qua tôi thấy chướng. Gia đình tôi là người miền Nam chánh hiệu, không lai tạp. Văn chương từ ngữ sử dụng trong thư này lại là giọng miền Bắc. Tôi hỏi anh, anh là người miền Bắc, vậy anh nói chuyện với con anh hay anh viết thư cho con anh thì anh dùng giọng Bắc hay giọng Nam? Dĩ nhiên anh phải dùng giọng Bắc rồi. Tại sao mẹ tôi viết thư cho tôi mà lại dùng giọng Bắc? – Tôi nói.
– Chị ví dụ cụ thể cho tôi nghe thử. – Ông Cống nói.
– Tôi chỉ cho anh thấy một chi tiết nhé. Ở trong Nam quan hệ họ hàng, làng xóm với nhau, người đàn ông lớn hơn cha thì mới kêu bằng bác. Anh biết cha tôi bao nhiêu tuổi rồi không? Tôi hơn bốn mươi thì cha tôi ít nhất cũng phải trên tám mươi. Thằng nào muốn làm bác tôi ít nhất nó cũng tương đương chín mươi tuổi. Trong thư này có chỗ viết “Bác Tuấn đã giúp đỡ gia đình mình rất nhiều.” Tuấn là thằng nào, nó bao nhiêu tuổi, chín mươi chưa mà dám xưng là bác? Xưng bác với tôi còn không đủ tuổi nữa, sao mẹ tôi phải gọi nó là “bác Tuấn.” Tôi đang muốn biết thằng chó nào là “bác Tuấn” đây. – Tôi nói.
– Thì chỉ có chỗ đó thôi mà. Tôi thấy thư viết hay đó chớ. – Ông Cống nói.
– Với tôi thì không hay, bảo tôi phải sống hèn sống nhục theo ý nhà nước cộng sản này à, chờ kiếp sau đi. Tôi mà biết thằng nào đến nhà tôi đe dọa mẹ tôi thì tôi đập nó chết mẹ tại đây nè. Nó ngon chường mặt ra đây gặp tôi. Mẹ tôi ở nhà làm sao biết được tôi ở đây làm cái gì, tôi phạm tội ra làm sao. Tại sao chưa gặp tôi không biết tôi như thế nào, có ai vu oan giá họa cho con mình hay không, chưa chi đã khuyên tôi nhận tội. Nhận cái mả cha nó. Tôi tuyệt thực cho đến ngày viết thư ghi trong thư là một chục ngày, không hề thấy nhắc đến một câu tình trạng sức khỏe tôi như thế nào, tôi sống chết ra sao. Trên đời này có mẹ nào khốn nạn bất lương như vậy không? Còn không đe dọa ép buộc thì là cái gì? Anh đừng có nói nhiều với tôi, càng nói tôi càng thêm sôi máu lên đó. – Tôi nói to lên.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)