Bài đã đăng báo Người Việt ngày 25/11/2015
Sinh thời, ông Ba Phi có tính hay kể chuyện tiếu lâm, mà “nhân vật chính” trong những câu chuyện tiếu lâm đó là cá, cua, rùa, rắn, cá sấu, cọp, nai, khỉ, ong, trâu, chó, heo, gà, vịt… trong bối cảnh rừng U Minh thời mới khai hoang lập ấp. Kho tàng chuyện tiếu lâm của ông, sau này được sưu tầm, biên tập lại thành một quyển sách nhan đề “Truyện Bác Ba Phi.” Dân miệt Cà Mau, ai hay nói dóc, người ta lại nói rằng: “Nó nói chuyện Ba Phi.”
Trong số những câu chuyện “Bác Ba Phi,” có chuyện “Chiếc tàu rùa” được kể như sau:
Mùa khô năm đó, túng tiền xài, tui mới nghĩ một cách bắt rùa để chở ra Sông Đốc bán. Ra nhà dượng Tư nó, tui mượn một chiếc ghe cà dom (Cà dom là kêu theo tiếng Khmer, là loại ghe bầu lớn bằng gỗ, thân ghe chính giữa phình to như bụng bầu – Chú thích của người viết) chở chừng năm trăm giạ lúa, chống vô lung Tràm, đậu cặp mé phía dưới gió, cặm sào hai đầu cho thật chắc. Tui còn kéo tấm đòn dài bắc thẳng lên bờ. (Đòn dài là tấm gỗ dầy chừng 1 tấc, bề ngang chừng 2 tấc, dài khoảng 3 thước. Ghe lớn nên không bao giờ cặp sát mé sông được, từ ghe vào mé sông thường có khoảng cách từ mét rưỡi đến 2 mét. Hễ ghe cặp bến ở đâu thì người ta lấy cái đòn dài này ra, một đầu thả lên bờ, một đầu cột chặt gần mũi ghe, nó trở thành một cái cầu gỗ để đi từ ghe lên bờ và ngược lại – Chú thích của người viết). Làm xong, tui đi vòng phía trên gió, nổi lửa đốt một hàng dài. Mùa khô ở đây, cỏ ngập tới lưng quần, dễ làm mồi cho lửa lắm.
Lửa bắt đầu bốc ngọn, tui lộn trở về chỗ đậu ghe, ngồi chờ. Độ chừng hút tàn điếu thuốc, tui thấy rùa đã bắt đầu bò xuống lai rai. Lửa phía trên gió bắt vào các bờ sậy, cháy, nổ rốp rốp, chắc còn hơi ngại, nên chúng sắp thành hàng một, nối đuôi nhau bò tới. Con nào cũng nghểnh cổ lên cao, mắt ngó chừng dáo dác.
Một lúc, gió thổi mạnh lên, lửa cháy rào rào. Lúc này, chúng mới hốt hoảng, túa chạy ngời ngời, không còn trật tự gì nữa. Rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém… đổ tới từng bầy, rồi cứ theo cây đòn dài, ùa đại xuống ghe. Giống rùa là chúa sợ khói lửa. Chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt. Con nào cũng chảy nước mắt, nước mũi choàm ngoàm.
Thấy chúng tràn xuống quá xá, tui ngồi gần đầu cây đòn dài, coi con nào lớn thì cho đi, con nào nhỏ cứ hất mạnh tay một cái là lọt xuống sông. Một hồi, rùa xuống đầy ghe, tui nhổ sào, rút đòn dài, chống luôn ra chợ.
Nhưng khổ nỗi, số rùa nhỏ bị rớt xuống nước cứ bấu theo ghe kết thành bè, một chân chúng vịn vào be ghe, còn ba chân cứ đạp nước, theo trớn ghe đi tới. Chiếc ghe bị rùa đẩy chạy tới ào ào. Tui ngồi phía sau kiềm lái, mở gói thuốc ra, vấn một điếu hút phì phèo.
Ra tới gần chợ sông Ông Đốc, tui bỗng nghe mấy người đàn bà bên kia sông la chói lói:
— Xuồng chở lúa, khẳm lắm! Tàu làm ơn tốp máy lại chút nghe!
Thật hết phương tốp lại, tui chỉ còn biết ngồi lắc đầu chịu chết. Tui khoát tay:
— Mấy bà con làm ơn nép sát bờ giùm chút đi. Tui tốp máy hổng được: Chiếc tàu rùa!”
Câu chuyện rõ ràng là nhân cách hóa và phóng đại để cười chơi, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế: Rùa là loại động vật hoang dã có rất nhiều ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau và rất phong phú về chủng loại. Nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém… Ăn ngon nhất là rùa vàng, kế đến là rùa nắp, không có thì “xài đỡ” rùa quạ, chớ rùa hôi hay rùa dém thì đúng như cái tên của nó, nghe mùi là thấy không ngon rồi.
Trước đây rùa sống trong tự nhiên rất nhiều, người dân Cà Mau tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng, chính quyền tỉnh Cà Mau cấm săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên mà chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như người ta nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu vậy).
Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn “ngon và bổ,” nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.
Cắt cổ rùa lấy huyết, hứng huyết rùa vào chén. Rượu đế trong như mắt mèo hay rượu nếp trắng pha huyết rùa người sành ăn không bao giờ bỏ qua. Nghe nói rượu pha huyết rùa tác dụng không kém rượu pha huyết rắn hổ hay rượu ngâm ngọc dương.
Đem rùa đã cắt cổ trụng nguyên con vào nước sôi chừng vài phút, vớt ra cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Cắt cổ rùa hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt thành công, vì vậy không cắt cổ cũng không sao. Nếu bạn cắt cổ rùa cho chảy hết máu ra thì rang muối xong thịt rùa sẽ trắng như thịt gà, nhìn rất đẹp. Còn để nguyên con rùa còn sống trụng nước sôi, cạo rửa rồi bỏ vô nồi muối thì khi chín thịt rùa sẽ có màu đỏ bầm, nhìn không đẹp nhưng ăn thịt bổ hơn. Nếu bạn để rùa sống bỏ vô nồi nước sôi trụng thì phải nấu nước sôi bằng cái nồi hơi lớn hơn con rùa một chút, có nắp đậy kín, nước sôi hé nắp ra bỏ rùa vô rồi đậy lại liền, giằng kín (không thôi rùa giẫy văng nước tùm lum), chừng chút xíu thì rùa chết mới vớt ra cạo rửa.
Chuẩn bị một cái nồi đất to, có nồi đất là tốt nhất, không có nồi đất thì dùng đỡ nồi kim loại đáy dầy. Dùng nồi đất thì tiếng muối nổ đỡ đinh tai nhức óc và không hư nồi, có thể dùng lại nồi nhiều lần. Còn bạn dùng nồi kim loại đốt khô với nhiệt độ cao và lâu như vậy đáy nồi sẽ bị cháy nên không thể dùng nồi đáy mỏng mà phải dùng nồi loại đáy dày, rang muối xong 1 con rùa thì bạn có hy vọng… bị hư thêm một cái nồi thì rất tốn kém. Muối hột phải chọn loại hột thật lớn, càng lớn càng tốt, cứ 1 ký rùa thì 1 ký muối.
Đổ muối hột vào nồi, để nguyên con rùa đã làm sạch và ráo nước vào nồi (không cần mổ bụng hay tách mai). Đậy nắp nồi lại càng kín càng tốt vì càng kín thì rùa càng mau chín. Bắc nồi lên bếp, vặn to lửa cho muối nổ đến khi nào không còn nghe tiếng muối nổ nữa thì nhắc nồi xuống, lấy rùa ra, dùng dao chẻ vỏ, móc bỏ bộ lòng. Rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên không được ăn bộ lòng rùa, dễ bị trúng độc.
Xé thịt rùa ra cho vào dĩa. Vậy là bạn có thể thưởng thức món rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm. Đưa cay bằng một vài ly rượu nếp trắng mới cảm nhận hết cái hương vị thơm giòn, ngon ngọt, béo ngậy của thịt rùa, vị cay cay của rau răm, rau húng, vị cay nồng, ngòn ngọt của rượu nếp…, mà thầm khâm phục người Cà Mau thời khai hoang lập ấp đã sáng tạo ra cách tận hưởng sản vật trời cho có một không hai ở vùng đất tận cùng đất nước này.
Tạ Phong Tần