Vụ Luật sư Trần Vũ Hải bị bắt cóc đến công an phường:
CÔNG AN HÀ NỘI LẠI TIẾP TỤC CHÀ ĐẠP PHÁP LUẬT VÀ LỪA BỊP DƯ LUẬN
Việc Luật sư Trần Vũ Hải bị lôi kéo, bắt cóc tại nhà riêng và “ném lên xe như một con lợn” làm cho gần 1.000 dân oan khu vực phía Bắc kéo nhau đến trụ sở công an để “đòi người”… gây xôn xao, ầm ĩ dư luận trong và ngoài nước. Dư luận không đồng tình với cách làm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Để “giải độc”, công an Hà Nội đã phải cung cấp thông tin cho báo chí “lề phải”.
Báo Tuổi Trẻ ngày 13/11/2015 viết:
“Ngày 12-11, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Hà Nội đã triệu tập luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra tình nghi luật sư Trần Vũ Hải nhận hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho nhiều người dân tại các địa phương như Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, nhận tiền của người dân nhưng không thực hiện việc tư vấn pháp luật.
Công an cho biết cơ quan điều tra từng có năm lần triệu tập ông Hải để làm việc. Lần đầu tiên được triệu tập, ông Hải có đến trụ sở cơ quan điều tra nhưng không hợp tác làm việc và cho rằng mình đúng.
Sau đó, cơ quan điều tra đã bốn lần có giấy triệu tập đối với ông Trần Vũ Hải nhưng ông Hải không chấp hành. Cả bốn lần này, giấy triệu tập đều được gửi đến Công an phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi ông Hải cư trú, để chuyển đến ông Hải.
Sáng 12-11, cơ quan điều tra cùng Công an phường Xuân La trực tiếp đến nhà ông Hải tại khu đô thị Ciputra (phường Xuân La) để triệu tập ông Hải đến làm việc. Tuy nhiên, ông Hải bất hợp tác, cho rằng việc triệu tập này là trái pháp luật nên không chấp hành. Cơ quan công an phải cương quyết triệu tập ông Hải để làm rõ”.
Tờ Thanh Niên ngày 13/11/2015 và những tờ báo thuộc truyền thông “lề phải” cho biết thêm:
“Lý do triệu tập được đưa ra là PC45 tình nghi ông Trần Vũ Hải hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người dân tại các tỉnh như Nam Định, Tây Ninh, Thái Nguyên và nhận tiền của những người dân ở khu vực này nhưng không thực hiện.
Cụ thể, từ năm 2014, PC45 có nhận được đơn của 28 hộ dân tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), tố cáo luật sư Trần Vũ Hải lợi dụng hình thức hỗ trợ pháp lý trong việc khiếu nại liên quan đến đất đai để nhận 84 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, luật sư Trần Vũ Hải không thực hiện hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho các hộ dân”.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 12/11/2015, ông Trần Vũ Hải lại có ý kiến khác với báo “lề phải”:
“Thường vào lúc 8 giờ kém 15 tôi đi làm việc. Chương trình làm việc của tôi hôm nay là tôi làm nhóm trưởng bảo vệ hai luật sư trẻ Lê Văn Luân và Trần Thu Nam. Dự kiến tôi cũng sẽ cùng hai luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam cùng nhiều luật sư khác đến Công an Hà Nội, Viện Kiểm Sát Hà Nội và đến gặp ông Chung ở trụ sở 87 Trần Hưng Đạo với tư cách giám đốc công an và đại biểu quốc hội để yêu cầu ông tiếp. Việc tiếp đó theo thư của hai luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam cũng như của nhóm chúng tôi trước đây cũng đã có thư, có văn bản và đến yêu cầu ông Nguyễn Đức Chung – giám đốc Công an Hà Nội kiêm đại biểu quốc hội tiếp để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ Đỗ Đăng Dư và sau đó là vụ hai luật sư bị hành hung; cũng như bảo vệ cho gia đình Đỗ Đăng Dư và cấp giấp chứng nhận bào chữa…
Cho đến lúc này ông Nguyễn Đức Chung chưa có văn bản trả lời chúng tôi là bao giờ tiếp và tại sao không tiếp.
Điều đó chúng tôi có yêu cầu và tuần trước ông Nguyễn Văn Viện, tham mưu trưởng, đã tiếp và tôi có miêu tả trên facebook của tôi.
Thế thì sáng nay khi ra có 10 người tiến đến và bắt giữ tôi. Tôi phản đối vì 10 người đó không mặc quân phục. Một lúc sau có công an phường đến và nói đó là những công an an ninh. Nhưng tôi bác bỏ vì 10 anh này không mặc quân phục, không đeo (quân hàm) gì nên tôi bác bỏ.
Sau đó tôi yêu cầu vợ tôi và con trai xuống để tìm hiểu. (Con trai tôi là một luật sư tốt nghiệp ở Mỹ, luật sư đoàn Massachusetts và New York). Con trai tôi yêu cầu xem các lệnh, nhưng họ không cho xem. Còn tôi yêu cầu họ mặc đầy đủ quân phục, đúng tư thế công an. Và tôi cũng yêu cầu nếu có vấn đề gì phải có con trai tôi và hai luật sư đi cùng để tránh trường hợp giả danh công an bắt giữ người và có thể gây hại đến tôi như nhiều trường hợp khác”.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên thì Điều tra viên có quyền “Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng”.
Điều 100 Bộ luật Tố Tụng Hình sự (BLTTHS) quy định “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”.
Điều 134 BLTTHS quy định về việc dẫn giải người làm chứng ghi rõ:
“1. Trong trường hợp người làm chứng đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.
- Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.
- Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
- Không được dẫn giải người làm chứng vào ban đêm”.
Tại Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/1/2006 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 BLTTHS năm 2003, điểm 2.3. ghi rõ như sau:
“Điều tra viên phải phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cùng cấp để Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm cử cán bộ thực hiện việc áp giải bị can tại ngoại, dẫn giải người làm chứng đến Cơ quan điều tra để Điều tra viên tiến hành làm việc theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10 tháng 9 năm 2003 của Bộ Công an”.
Nội dung Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp, có nghĩa vụ phải hỗ trợ thi hành lệnh khi có yêu cầu đúng pháp luật của cơ quan chức năng.
Như vậy, ta có thể thấy:
– Chỉ sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án đó thì điều tra viên mới có quyền ký giấy triệu tập (người làm chứng, người phiên dịch, người giám định, ngườ có quyền và nghĩa vụ liên quan, v.v…), sau khi có quyết định định khởi tố bị can (đối với cá nhân cụ thể) thì mới có quyền triệu tập bị can. Nếu chưa khởi tố thì không có quyền sử dụng giấy triệu tập. Nếu nói là “mời” thì người được mời có quyền chấp thuận hay không chấp thuận cái sự “mời” ấy, không có quyền dùng vũ lực “mời” cưỡng ép. Trong trường hợp này, rõ ràng chưa hề có bất cứ quyết dịnh khởi tố vụ án nào từ phía cơ quan điều tra đưa ra;
– Tư cách tham gia tố tụng của ông Trần Vũ Hải chưa rõ ràng. Cơ quan điều tra không chứng minh được ông Hải có tư cách gì khi tham gia tố tụng (người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người giám định, người phiên dịch… hay bị can, nên không thể ra quyết định áp giải hay dẫn giải, tức là trong trường hợp này, những người được Công an thành phố Hà Nội cho rằng “thi hành công vụ” không hề có trong tay quyết định áp giải hay dẫn giải của cơ quan điều tra nên việc áp giải (hay dẫn giải) nên việc áp, giải, dẫn giải này là bất hợp pháp;
– Cơ quan điều tra cũng không đưa ra được bằng chứng đã triệu tập ông Hải nhiều lần nhưng ông không chấp hành, vì vậy việc ra quyết định dẫn giải hay áp giải (nếu có) cũng là bất hợp pháp;
– Người có quyền thực hiện lệnh áp giải, dẫn giải là điều tra viên được phân công điều tra vụ án và cảnh sát hỗ trợ tư pháp, công an địa phương (phường, xã) khi điều tra viên có yêu cầu bằng văn bản. Tức là những lực lượng khi làm việc phải mặc sắc phục, quân hàm, quân hiệu, bảng tên đúng điều lệnh nội vụ của Bộ Công an. Ngoài ba lực lượng này ra, các lực lượng khác (cho dù có sắc phục đúng điều lệnh) cũng không có quyền trực tiếp tham gia, nếu được yêu cầu chỉ có quyền đứng giữ trật tự ở vòng ngoài (Ví dụ như cảnh sát giao thông). Nghĩa là không có chổ cho các loại “xe ôm” lãnh lương Bộ Công an nhúng mũi, thò mõm vào, an ninh an niếc gì cũng kệ xác, không có quyền nếu anh không chứng minh được anh là điều tra viên cơ quan an ninh điều tra và có quyết định phân công điều tra viên thụ lý điều tra vụ án ông Trần Vũ Hải;
– Công an phải đưa các giấy tờ, thủ tục, quyết định được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 134 BLTTHS cho ông Trần Vũ Hải và người nhà ông Hải xem, giải thích rõ theo quy định pháp luật;
– Chỉ được triệu tập đương sự đến trụ sở cơ quan điều tra để làm việc với điều tra viên là người có tên trong quyết định phân công điều tra viên của Thủ trưởng cơ quan điều tra. Có nghĩa là không được dẫn giải, áp gảii để đưa đến bất cứ nơi đâu (kể cả trụ sở công an phường) ngoài trụ sở cơ quan điề tra có ghi rõ địa điểm trong quyết định dẫn giải, áp giải. Tôi tiếc rằng ông Trần Vũ Hải đã không kiên quyết đòi công an thành phố Hà Nội đưa ra cho ông xem quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định phân công điều tra viên.
Chiếu theo những điều luật và thông tư đã trích dẫn ở trên, rõ ràng công an thành phố Hà Hội đang công khai chà đạp lên pháp luật, nhằm che giấu mục đích cản trở Luật sư Trần Vũ Hải bênh vực cho luật sư Trần Thu Nam và Luật sư Lê Văn Luân của công an thành phố Hà Nội. Còn truyền thông Cộng sản Việt Nam đang phối hợp nhịp nhàng với nhau tiếp tục “truyền thống bất khuất” là lừa bịp dư luận trong và ngoài nước.
Luật gia Tạ Phong Tần
Côn an cứ liên tiếp trắng trợn ngồi xổm lên pháp luật, dân chúng không tính đến bạo lực mới là chuyện lạ
ThíchThích