Làm gì để chống bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử?
CẤM CƠ QUAN TƯ PHÁP CÔ LẬP NGHI CAN
Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam. Có ý kiến cho rằng: Để chống bức cung, nhục hình cần phải cho phép ghi âm, quay camera trong quá trình làm việc của điều tra viên. Trong khi các vị đại biểu quốc hội Việt Nam còn ngồi cãi qua cãi lại việc cho hay không cho, đúng hay không đúng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra hay không khó khăn cho cơ quan điều tra, v.v… và v.v… thì ngay từ bây giờ, tôi xin thưa quý vị rằng, vấn đề mà quý vị đang bàn cãi nó chỉ là một phần nhỏ xíu của biện pháp chống bức cung, nhục hình trong công tác điều tra, là “điều kiện cần” nhưng chưa phải là “điều kiện đủ”, mà còn phải thêm nhiều “điều kiện cần” khác và một nền tư pháp minh bạch mới có thể chống được sự bức cung, nhục hình, tránh xảy ra những vụ án oan sai và những cái chết oan khuất trong đồn công an. Và quý vị càng cãi nhau lâu thì người bị oan, người bị chết càng nhiều.
Cứ cho là trong thời gian điều tra viên làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam đều có ghi âm, camera giám sát. Vậy thì sao, ai có thể theo dõi, giám sát người này bị đánh đập, hành hạ kiểu khác ngoài khoảng thời gian gặp gỡ điều tra viên trong phòng hỏi cung? Cho những loại tù “đai ca”, “đầu gấu” dùng thủ đoạn với nghi phạm trước khi gặp điều tra viên, (điển hình gần đây nhất là trường hợp kêu oan tử tù Lê Văn Mạnh) không phải là chuyện quá khó để thực hiện, khi mà người bị tạm giữ, tạm giam không được tiếp xúc người nhà, luật sư trong suốt quá trình giam giữ để điều tra.
Từ khi bắt đầu điều tra một vụ án cho đến khi ra Tòa xét xử, có thể kéo dài từ 1 năm, 2 năm, thậm chí trả hồ sơ điều tra đi điều tra lại đến chục năm. Thời gian này, người bị tạm giữ, tạm giam không được gặp người nhà, luật sư, bị hành hung, bức cung biết kêu ai khi chính người hành hung, người điều tra, người giám sát… đều cùng một giuộc với nhau? Dấu vếu không còn, trong nhà giam không được sử dụng giấy bút, không có gì để ghi chép, làm sao nhớ được chính xác ngày giờ xảy ra hành vi bức cung, nhục hình. Đặt vấn đề phòng giam có camera giám sát 24h/24h, vậy quản lý, lưu trữ như thế nào? Và file ghi âm, ghi hình mỗi ngày trong thời gian giam dài từ 1 năm đến dài dài hơn nữa liệu có còn?
Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, người bị tạm giữ, tạm giam “được coi là không có tội” vì chưa chứng minh được người ấy phạm tội theo trình tự luật định và chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế trong các trại tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, tạm giam bị đối xử tồi tệ, tàn nhẫn với những thủ đoạn độc ác tinh vi, còn tệ hơn người đã có tội rành rành, tức đã hội đủ hai điều kiện ở khoản 1 Điều 31 nêu trên.
Trong khi buộc tội người bị tạm giữ, tạm giam là cả một hệ thống cơ quan pháp luật (nhiều người, nhiều ban bệ) và thời gian dài có khi đến mười năm, thì quy định của Bộ Công an chỉ cho phép luật sư gặp thân chủ có vài lần, mỗi lần vẻn vẹn một giờ đồng hồ là quá vô lý, rất là không công bằng đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Cá nhân tôi, trong thời gian tạm giam, tôi không được khám chữa bệnh, không có đủ thuốc đặc trị để dùng, không đủ quần áo để mặc, không đủ tiền mua thức ăn và các đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày, không có sách vở báo chí gì để đọc. Cuối cùng, khi chỉ còn vài ngày nữa là xét xử, tôi mới được gặp luật sư Nguyễn Quốc Đạt chỉ để nói chuyện bệnh tật, thuốc men, quần áo, đồ dùng, ăn uống… của tôi, hoàn toàn không nói gì đến nội dung vụ án sắp xét xử, do không đủ thời gian. Đối với luật sư Nguyễn Thanh Lương, tôi chỉ có thể trao đổi với anh ấy một phần ba nội dung bài bào chữa anh Lương soạn thảo sẳn, còn lại hai phần ba bài bào chữa cũng không đủ thời gian để bàn bạc. Tôi chỉ nói ngắn gọn với hai luật sư mỗi một câu: “Ra Tòa cái gì nói được thì nói, cái gì không nói được để tôi nói”. Với tôi, một người đủ điều kiện được cấp phép hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam (nhưng không được cấp phép) tôi có thể tự bào chữa cho chính tôi, còn những người dân nghèo thiếu kiến thức pháp luật, thiếu trình độ lý luận thì họ làm cách nào để nắm bắt và tận dụng được cơ hội tự bào chữa cho chính mình?
Khoản 6 Điều 8 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam”. Tất nhiên, quy định này không phải để cho cán bộ mà để cho tù nhân. Nội quy thì không nói làm gì vì nó được ghi ra rõ ràng, còn cái gọi là “quyết định, yêu cầu” kia lại nằm ngoài quy định, lệnh từ miệng, biết đúng sai thế nào mà bắt buộc tù nhân phải chấp hành, không chấp hành thì vi phạm điều cấm? Rõ ràng, đây là quy định tạo điều kiện cho công an quản lý trại được vô tư làm những điều tùy ý thích họ, kể cả việc sách nhiễu, gây khó khăn, tệ hơn là chà đạp quyền con người của tù nhân.
Điều 9 quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, đọc thì nghe hay lắm, nhưng toàn những câu chung chung kiểu hô khẩu hiệu, lại thòng thêm câu “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Luật này” thì coi như xong, có cũng như không.
Thập niên 80 thế kỷ 20, Hồng Công (thuộc Anh) đã thực hiện việc ghi hình khi cảnh sát làm việc với nghi can và nghi can được quyền tiếp xúc với luật sư ngay sau khi bị bắt giữ rồi, Luật sư cũng có quyền bảo lãnh cho thân chủ tại ngoại điều tra. Không chỉ có người thân, luật sư, bạn bè, hàng xóm của nghi can cũng được phép vào thăm gặp. Còn Việt Nam dưới chế độ “thiên đường xã hội chủ nghĩa” thế kỷ 21 giờ này cơ quan lập pháp vẫn còn ngồi tranh cãi “nên” hay “không nên”, chỉ vì các vị đang phân vân ấy chưa có vị nào (hoặc thân nhân các vị) được hân hạnh thưởng thức “tù xã hội chủ nghĩa” để biết rằng trong nhà tù cộng sản, tuy chưa phải là tội phạm nhưng quyền con người là thứ chỉ có trên giấy nếu như xung quanh nghi can chỉ có bốn bức tường và một bọn cai tù.
Nhiều người khi bị bắt vào trại giam đều nghĩ rằng ở tù là phải ăn đói, uống khát, ở bẩn, ở lạnh (hoặc nóng), mất quyền giải trí, học tập, tín ngưỡng tôn giáo, nhưng thật ra Hiến pháp và luật không hề tước đoạt những quyền đó, chỉ có Bộ Công an ban hành những văn bản bí mật chỉ đạo cấp dưới tước đoạt, còn tất cả những công dân khác đều không hề được trông thấy các văn bản này.
Không phải đánh đập, chửi mắng, xúc phạm danh dự… mới là bức cung, nhục hình; mà buộc người bị tạm giữ, tạm giam phải sống trong môi trường nóng bức (hay lạnh lẻo), ẩm thấp, hôi hám, bẩn thỉu, thiếu nước dùng, thiếu không khí sạch để thở, thiếu thuốc uống, thiếu vật dụng vệ sinh, thiếu quần áo, thiếu chăn màn đủ ấm, thiếu chổ nằm, thiếu thức ăn, thiếu thức uống, không có giấy bút để dùng, không có báo chí sách vở, ti vi để xem… cũng là một hình thức tra tấn, bức cung, nhục hình; làm cho người bị tạm giữ, tạm giam phải nhanh chóng nhận tội cho xong để được xét xử, chuyển đi nơi khác nhằm cuộc sống dễ thở hơn.
Đời thuở nào thế gian này có chuyện nạn nhân đưa đơn khiếu nại vụ cướp cho tên cướp xử lý và được nó xử lý công bằng. Vì vậy, ngoài việc phải ghi âm, ghi hình trong phòng giam lẫn nơi làm việc (khi nghi can tiếp xúc với điều tra viên), còn phải quy định rõ ràng tại luật này nghi can có quyền có luật sư trong khi làm việc với điều tra viên trong tất cả các buổi làm việc, không giới hạn thời gian luật sư gặp thân chủ trao đổi về nội dung vụ án. Từ khi nghi can bị bắt cho đến khi xét xử và bản án chưa có hiệu lực pháp luật, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án không được viện dẫn bất cứ lý do nào để ngăn cản luật sư hoặc người nhà nghi can thăm gặp. Nếu có việc bức cung, nhục hình, xâm phạm thân thể, hay bị đối xử vô nhân đạo người bị tạm giữ, tạm giam mới có thể nhanh chóng tố cáo được.
Các tiêu chuẩn, chế độ phải quy định rõ ràng, chi tiết ở luật này nếu tiêu chuẩn đó là do ngân sách cấp phát. Còn thức ăn, đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tiền để mua thức ăn do thân nhân nghi can gởi vào không được quyền giới hạn. Thật lạ đời người ta chưa phải là có tội mà lại cấm người ta ăn no, ăn ngon (nếu có điều kiện), chỉ được ăn thức ăn gia đình gởi vào gấp 3 lần tiêu chuẩn của trại. Mà cái tiêu chuẩn của trại như hiện nay (một tháng 800 gram thịt sống) chia ra mỗi ngày chỉ được một miếng thịt bạc nhạc bằng cái ngón tay. Bắt nghi can ăn đói, ở bẩn cũng là bức cung, nhục hình.
Luật không được quy định “giao cho Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn” thêm điều này điều nọ bằng các văn bản dưới luật nhằm tước đoạt quyền con người, quyền được đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa mà Hiến pháp và luật cho phép.
Có thực hiện được như vậy, may ra những kẻ thừa hành pháp luật mới không có điều kiện bức cung nhục hình, không dám bức cung nhục hình, không muốn bức cung nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Bằng không thì coi như người dân Việt Nam lại tiếp tục được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho ăn cái bánh vẽ “đảm bảo nhân quyền”, quyền con người của người dân Việt Nam vẫn còn xa lắm, khi bước vào sau cánh cửa trại giam, có lẽ nạn nhân chỉ có thể gặp cái quyền của mình ở cửa Thiên đàng của Thánh Peter.
Tạ Phong Tần
Luât rừng thì ko cần fai sửa Mà chỉ cần bỏ cái thằng làm ra nó đi
ThíchThích