
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Dự thảo Luật báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ bàn về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, tổ chức tư nhân mà thôi.
Cho như không cho
Điều 11, Điều 12 Dự thảo quy định về quyền tự do báo chí của công dân. Xin mọi người chớ hiểu lầm rồi mừng rơn rằng căn cứ Dự thảo này, tương lai người dân Việt Nam sẽ có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà lầm to, bởi câu trên còn thòng theo mấy chữ “trên báo chí” và “theo quy định của pháp luật”. Ai cũng biết rằng báo chí ở Việt Nam tuy số lượng nhiều, phong phú thể chủng loại, nhưng chỉ có một tổng biên tập, đó là Ban Tuyên giáo Trung ương, và đều do đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu cơ quan truyền thông đó. Nếu như ở Hoa Kỳ và cái nước “tư bổn giãy chết’ khác, bà bán rau muống cũng có thể đứng ra lập một tờ báo do bà ta làm chủ bút, thì ở Việt Nam tư nhân (cá nhân, tổ chức) vẫn không có quyền này.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biều hùng hồn trên báo, đài rằng “Người dân Việt Nam không cần báo chí tư nhân” là kiểu nói dối trơ trẽn không biết xấu hổ, là mạo danh nhân dân. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã từng tổ chức trưng cầu ý dân bao giờ chưa mà dám lớn tiếng khẳng định “người dân Việt Nam không cần báo chí tư nhân”? Chưa tính đến hơn ba triệu “khúc ruột dư ngàn dặm” còn trôi lêu bêu ở nước ngoài, đã có bao nhiêu người được hỏi ý kiến khảo sát trong số hơn 90 triệu người Việt trong nước? Còn cái khoản “theo quy định của pháp luật” có nghĩa là vẫn chưa cá nhân hay tổ chức tư nhân nào được tự mình ra một tờ báo có tư cách pháp nhân bình đẳng như các tờ báo do nhà nước quản lý vì ngay chính trong Dự thảo này không hề có điều khoản nào cho phép tư nhân hóa báo chí.
“Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí” nghĩa là được tự do khen nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tự do nói theo “đường lối lãnh đạo sáng suốt của đảng” chớ không được có ý kiến khác, ai có ý kiến khác thì “báo ta” không đăng lên. Chẳng thấy “nhà nước tạo điều kiện” ở chổ nào hết. Nếu công dân nào không đồng ý mà khiếu nại, “báo ta” cũng chỉ trả lời cho mấy câu đại ý rằng “nội dung không phù hợp” là xong chuyện, chẳng lẽ lại khởi kiện ra Tòa?
Vấn đề đối tượng được thành lập cơ quan báo chí thì ngoài các đơn vị hiện hành thì nhiều cơ quan được ra tạp chí khoa học, không phân biệt cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài hay công lập. Khoản 5 Điều 4 Dự thảo giải thích “ “Tạp chí” (tạp chí in, tạp chí điện tử) là sản phẩm xuất bản định kỳ, đăng các bài, tin, ảnh có tính chất chuyên ngành, đóng thành tập, in trên giấy (với tạp chí in) hoặc truyền dẫn trên môi trường mạng”. Nghĩa là các cơ sở ở trên (tư thục hay liên doanh nước ngoài) được xuất bản giới hạn theo kỳ (tuần, tháng, quý, năm), không được xuất bản hằng ngày; và chỉ được nói về Khoa học mà thôi, cấm dính dáng gì đến chuyện thời sự – chính trị – xã hội.

“Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí”. Thực tế, những vấn đề thiết thực nhất, người dân quan tâm nhất vẫn là vùng cấm dù nó liên quan chặt chẽ đến người dân. Ví dụ: Dân chính là người đóng thuế làm nên một cái gọi là “ngân sách quốc gia”, người dân cần biết thu như thế nào và chi như thế nào, nhưng báo cáo tài chính về ngân sách quốc gia đưa cho đại biểu quốc hội đọc mà còn bị đóng dấu tối mật thì công dân nào tiếp xúc được, kể cả đại biểu quốc hội cũng không có quyền nói ra ch cử tri của mình được biết.
Vẫn dùng những điều luật mơ hồ để cấm đoán và ràng buộc
Khoản 1 Điều 11 liệt kê hoàng loạt những đều cấm mà nội dung rất mơ hồ. Ví dụ như:
“Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng Việt Nam “không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung, muốn bắt ai thì bắt”. Từ trước đến giờ chưa có văn bản pháp luật nào giải thích rõ “chống nhà nước” cụ thể là như thế nào, giám định thiệt hại ra làm sao, cái khối đại đoàn kết toàn dân tộc ấy nó hình thù gì, và nó bị sứt mẻ mảng miếng nào do hành vi “tuyên truyền” của đối tượng.
Đã có nhiều người bị xử lý hành chính lẫn hình sự với lý do “xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức” nhưng chưa hề thấy cơ quan tổ chức nào đứng đơn khởi kiện và chứng minh thiệt hại của mình bị giảm hay mất uy tín như thế nào trước tòa, chỉ thấy cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án làm thay tất tần tật cho “bị hại” là những việc hết sức vô lý.
Hậu quả “gây hoang mang cho xã hội” hoặc “ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia” thì chưa bao giờ có một cơ quan chức năng nào tổ chức khảo sát, thống kê một cách khoa học, chỉ có vài cá nhân (phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước cộng sản và đảng cộng sản) cho rằng “hoang mang” thì công dân bị buộc tội phải chịu “hoang mang”, cho rằng “ảnh hưởng xấu” thì phải chịu “ảnh hưởng xấu”, công dân không có cơ hội cãi lại.
Thực chất là “bình mới rượu cũ:

Việc “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng” không làm thay đổ bản chất của vấn đề, bởi lẽ cơ quan báo chí nào hiện nay ở Việt Nam cũng do đảng viên lãnh đạo và đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo. Tuy là “không cần xin cấp giấy phép” một cách công khai, nhưng “lãnh đạo” phải “mần” một cái công văn gởi lên đảng cấp trên gọi là “xin ý kiến chỉ đạo”, cấp trên gởi công văn trở xuống “OK” thì mới được tiến hành.
Tóm lại, quyền tự do báo chí của nhân dân Việt Nam trong Dự thảo này chẳng có gì khác so với luật cũ. Ăn chơi nhảy múa thì cứ tha hồ, thậm chí được khuyến khích, cũng như cổ vũ bóng đá làm náo động cả đường phố hà rầm thì được báo chí nhà nước tung hô là “yêu nước”, “tinh thần màu cờ sắc áo”, còn biểu tình chống Tập Cận Bình, biểu tình đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường S thì chẳng thấy tờ báo nào của “nhà nước ta” đưa tin.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật báo chí lần này chẳng qua chỉ là trò đánh lận chữ nghĩa, cái không thể cấm được như mạng xã hội thì làm ra vẻ rộng lượng, dân chủ, đảm bảo nhân quyền. Mặt khác, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng muốn khuyến khích dân Việt Nam chỉ nên ăn chơi hưởng thụ thôi, đừng để ý gì đến các vấn đề đất nước như: ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, tham nhũng, mua quan bán chức, ngân sách rỗng không, biển Đông hay Tàu cộng; vì những việc này vẫn là độc quyền của báo chí cộng sản Việt Nam.
Tạ Phong Tần