
Hình: Internet
Báo chí là cụm từ ghép xuất phát từ 2 từ báo và tạp chí, nói một cách khái quát là những xuất bản phẩm định kỳ. Nhưng cũng để chỉ cả các loại hình truyền thông khác như đài phát thanh, đài truyền hình. Định nghĩa này cũng áp dụng được cho một tạp chí liên tục xuất bản trên web. Báo chí là tên gọi chung của các thể loại thông tin đại chúng.
Vậy nhà báo là gì? Hãy nghe tiếng nói một người trong cuộc:
“Nhà báo là nhà viết báo (tất nhiên) và cũng chia làm hai dạng: mới viết và viết đã lâu. (Không nói tới dạng thứ ba, là viết lâu mà cứ như mới viết).
Chẳng có tòa soạn nào, dù thương mại bậc nhất, nhận phóng viên chỉ để viết về nhân vật. Mới cầm bút được một phút, người phóng viên cũng hiểu rằng nhiệm vụ của mình là phản ánh những vấn đề không hay của xã hội, trong tất cả các lĩnh vực, các con người.
Song cũng có hai loại vấn đề: loại thứ nhất phải tự rút ra. Nó đòi hỏi người viết phải có óc quan sát, óc suy luận, óc khái quát. Rắc rối quá. Thôi thì hơn cả chọn loại thứ hai: đó là vấn đề có sẵn.
Chưa kể người viết, cũng như mọi thứ người cao quý trên đời, cũng mang khát vọng thầm kín (hay lộ liễu) nổi danh. Mà nếu không tự nổi danh thì đứng gần những ai nổi danh cũng… giống lắm.
Nếu bạn là một người bình thường, dù có những phẩm chất hoàn hảo, cũng không thể gọi điện cho một ngôi sao và hẹn gặp. Nhưng bất cứ nhà báo nào cũng có khả năng và có cớ để làm chuyện ấy. Khoái quá phải không?
Thế là nhiều “ký giả” luôn luôn chỉ còn một nỗi canh cánh trong lòng: gặp được vĩ nhân A trò chuyện với vĩ nhân B, nghe tâm sự của vĩ nhân C. Không có chỗ cho người thường trong tâm trí, hay ít ra trong ngòi bút họ nữa.
Căn bệnh này trầm trọng đến nỗi khối nhà báo coi đó là toàn bộ sự nghiệp của mình một cách dĩ nhiên. Những năm tháng của đời “nhật trình” chỉ đơn giản là gặp được bao nhiêu người, viết được bao nhiêu bài phỏng vấn. Họ còn tự hào khi nói về thần tượng X, thần tượng Y là anh hay chị ấy với mình quen lắm, thân lắm, vui lắm. Khốn khổ thay, nhiều ban biên tập còn khuyến khích chuyện này, vì nghĩ báo mình như thế cũng sang và cũng dễ bán.
Để kết luận bài này, tôi đành phải viết một câu có thể ai đó cho là sáo rỗng: Những người bình thường là vĩ nhân quan trọng nhất của báo chí. Thật bi kịch cho ai không thấy họ là ngôi sao!” (Theo Đẹp ).
* * *
“Tình yêu chỉ có một, nhưng những cái tương tự tình yêu thì có đến hàng nghìn” (Ph. Larôsphucô), tôi cũng xin cải biên lại câu này một chút: Chân Nhà báo chỉ có một loại, nhưng những loại Giả Nhà báo thì có đến hàng nghìn.
Nhân ngày 21/6/2008, tôi xin chân thành chúc mừng cho những Chân Nhà báo biết tuân thủ nguyên tắc cơ bản của báo chí văn minh: Thông tin nhanh, nhạy, chính xác, khách quan, trung thực; biết rõ sự cao quý của nghề nghiệp mình là phản ánh những vấn đề không hay của xã hội, trong tất cả các lĩnh vực, các con người.
Chiếc “thẻ nhà báo” do bạn đọc “cấp” mới là hãnh diện, quan trọng, lâu bền; không ai có thể lạm dụng quyền lực tước “thẻ” của bạn nếu bạn không tự mình tước “thẻ” của mình bằng hành vi bẻ cong ngòi bút.
Sài Gòn, ngày 20 tháng 6 năm 2008
Tạ Phong Tần