“BÍ MẬT ĐỜI TƯ” VÀ QUYỀN THÔNG TIN CỦA BÁO CHÍ ĐẾN ĐÂU?


Bài viết này đã đăng báo điện tử Vietnamnet ngày 29/9/2006 , ký tên Tạ Phong Tần (đến nay chưa trả nhuận bút cho tác giả, đòi nhiều lần quá thấy da mặt mình hơi bị mỏng nên mắc cỡ nghỉ đòi luôn hà).

Hôm nay lôi lên post lại lần thứ 2 trên blog, có phần mới viết thêm chữ màu xanh.

-:-:-:-

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định rõ ràng về phạm vi của khái niệm “bí mật đời tư”. Điều 34 Bộ Luật Dân Sự 1995 chỉ ghi nhận ngắn gọn:

“1- Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2- Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3- Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác.

Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.”.

Như vậy, theo Điều luật này thì bí mật đời tư được giới hạn trong phạm vi “thư tín, điện tín, điện thoại”, “đường liên lạc”. Điều 38 BLDS 2005 quy định quyền bí mật đời tư trong phạm vi rộng hơn, tức bổ sung thêm “các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân”, còn nội dung khác vẫn giữ nguyên theo tinh thần BLDS 1995.

Hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào giải thích khái niệm “bí mật đời tư” rõ ràng. Khái niệm “bí mật đời tư” là một cụm từ Hán – Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán và được Việt hóa. Chữ Hán là loại chữ tượng hình, được người Trung Quốc đúc kết từ các hiện tượng tự nhiên, xã hội, nhằm mục đích ghi nhận những hiện tượng tự nhiên, xã hội ấy.

Từ Điển Trung – Việt (NXB Khoa Học – Xã Hội – 2000) giải thích rõ:

“Bí” () là giấu kín, đóng cửa, cẩn thận; cấu tạo gồm chữ “tất” () nằm trong chữ “môn” (). “Tất” là tất yếu, ắt, nhất định, cần phải; “môn” là cái cửa (ký tự ghi nhận là hình vẽ hai cánh cửa). Cho nên, “bí” có nghĩa là những sự việc cần thiết, tất yếu phải giấu kín, đóng cửa nhà không cho ai biết. Còn một chữ “bí” khác () cũng được ký tự bằng chữ “hòa” () bên trái, chữ “tất” () bên phải. Thời thượng cổ, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển mạnh, công cụ lao động còn thô sơ nên sản xuất được lương thực rất vất vả nên lương thực được coi như của quý trong nhà (“Dĩ thực vi tiên”), đề phòng trộm cắp. “Hòa” () là cây lúa, cây mạ. Cho nên chữ “bí” () này cũng có nghĩa là vật quý cần phải giấu kín không cho ai biết. Chữ Mật () có hai nghĩa: đông đúc (mật độ dân cư) và giữ kín (bí mật), mật còn có nghĩa là dán lại, bao lại. Chữ “mật” () được cấu thành bởi chữ “miên” () trên đầu, chữ “tất” () ở giữa, chữ “sơn” () nằm dưới cùng. “Miên” là lợp, trùm nhà ngoài với nhà trong; “sơn” là núi; ngụ ý vật gì vừa để trên đỉnh núi (cao) vừa lấy đồ trùm kín lại, giấu không cho ai có thể trèo tới, nhìn thấy là “mật”. Do đó có thể hiểu “bí mật” (秘 密) là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che giấu, không co ai biết. Tư () có nghĩa là riêng, việc riêng, của riêng. Như vậy, “bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó.

Theo quan điểm của một số người làm công tác pháp luật, bí mật đời tư có thể được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, là quyền cơ bản. Đó có thể là những thông tin về hình ảnh, cuộc sống gia đình, tên gọi, con cái, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà người này không muốn cho người khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết và họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai. “Bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín, v.v…

Theo Thông Tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/09/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”, nơi công cộng là “các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác”. Nơi công cộng khác có thể hiểu là một địa điểm nào đó được trưng dụng để phục vụ cho nhiều người trong một thời gian nhất định (nơi tổ chức Hội chợ, triển lãm…) hoặc khu thể thao (sân bóng, sân quần vợt, hồ bơi, chợ nổi…).

Như vậy, những gì cá nhân phô diễn ra ở nơi công cộng thì không còn là bí mật đời tư nữa và những cá nhân khác có quyền về nơi công cộng ấy bình đẳng như nhau. Ví dụ: hình ảnh một cá nhân nào đó (chụp tại nhà hay studio) muốn đăng báo, phát hình phải xin phép cá nhân đó. Nhưng nếu cá nhân đó đang tham gia phiên tòa, hình chụp chung nhiều người (bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, Hội Đồng Xét Xử, người dự khán…) thì hình ảnh ấy không còn là bí mật đời tư nữa mà là hình ảnh về sinh hoạt cộng đồng, tác giả bức ảnh ấy có quyền sử dụng mà không cần phải xin phép những người có mặt trong ảnh. Tương tự, hôn nhân gia đình là chuyện riêng tư của các cá nhân với nhau, nhưng nếu đã đem những chuyện riêng tư ấy trình bày trước phiên tòa công khai thì những lời trình bày ấy không còn là bí mật đời tư nữa, vì nó đã được chính những người trong cuộc “tự nguyện công khai hóa”.

Cho nên, không có cái “bí mật đời tư” chung chung, mà “bí mật đời tư” phải được cụ thể trong từng trường hợp rõ ràng. Công dân muốn pháp luật bảo vệ quyền về bí mật đời tư thì công dân đó phải có nghĩa vụ chứng minh bí mật đó thuộc về cá nhân người đó và chưa từng được công bố, công khai ở nơi công cộng.

Ví dụ: ông A có con ngoài giá thú nhưng giấu kín, bà B tình cờ nghe lỏm vợ chồng ông A cãi nhau nên biết bèn đi nói với người khác là ông A có con ngoài giá thú. Như vậy, bà B đã xâm phạm vào bí mật đời tư của ông A. Ngược lại, vợ chồng ông A vì chuyện con ngoài giá thú mà phát sinh mâu thuẫn, đưa nhau ra Tòa, Tòa Án mở phiên xử ly hôn công khai, tại phiên xử vợ chồng ông A cũng trình bày là A có con ngoài giá thú thì chuyện A có con ngoài giá thú đã được công khai hóa, không còn là bí mật đời tư của vợ chồng A nữa.

Trong một phiên tòa công khai có ít nhất những người sau đây tham dự: Hội Đồng Xét Xử, Thư ký phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, những người (không liên quan) dự khán phiên tòa như: thân nhân các bên nguyên-bị; người hiếu kỳ, phóng viên báo, đài… và mỗi người có quyền có suy nghĩ độc lập, riêng tư về diễn biến, nội dung, phán quyết của phiên tòa ấy, có quyền đặt câu hỏi về một vấn đề nào đó để người khác tự trả lời mà không ai có quyền ngăn cản. Còn trả lời câu hỏi như thế nào là tùy thuộc vào nhận thức riêng của từng người, không ai có thể áp đặt câu trả lời cho ai được.

Đại Hội X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền, trong đó mỗi công dân đều phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Thiết nghĩ, các cơ quan lập pháp nên sớm có hướng dẫn thống nhất về khái niệm “bí mật đời tư” để tránh những trường hợp “án Dân sự muốn xử sao cũng được”, để không ai có thể lợi dụng sự chưa rõ ràng của pháp luật nhằm trục lợi cá nhân hay trả thù, trả đũa người khác với những lý do thật vu vơ.

Điều 72 Hiến pháp (2001) quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí số 12/1999/QH10 ngày 12/6/1999 như sau:

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo

1- Nhà báo có những quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

b) Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

c) Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí;

d) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ;

đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

2- Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;

b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;

c) Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;

d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí”.

Khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định 133-HĐBT ngày 20/4/1992 “Qui định chi tiết thi hành Luật báo chí” về “Những điều không được thông tin trên báo chí” quy định:

6. Đăng, phát ảnh người thật phải được bản thân chủ nhân hoặc người được giao quyền sử dụng đồng ý (trừ ảnh thông tin các buổi hội họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao).

7. Đăng, phát tin bài có quan hệ đến đời tư , công bố thư riêng của công dân phải được sự đồng ý của người được miêu tả, người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp bức thư đó.

Như vậy, báo chí có thể tường thuật nội dung vụ án, tường thuật hành vi phạm tội của công dân, còn những vấn đề không thuộc nội dung vụ án là bí mật đời tư, muốn công khai phải xin phép công dân đó.

Ví dụ: Ngày tháng XYZ công dân A phạm tội trộm cắp tài sản bị đưa ra xét xử thì chỉ được viết về việc trộm cắp xảy ra trong ngày tháng XYZ mà thôi. Các tình tiết như: Từ nhỏ A sống với ai, ở địa phương nào, đi học ở đâu, có thói quen gì, yêu người nào, có vợ (chồng) tên gì, có mấy con, tình trạng kinh tế gia đình v.v… là thuộc lĩnh vực đời tư của A. Báo chí muốn khai thác đăng công khai phải được sự đồng ý của A, nếu A chưa đồng ý mà đăng lên là hành vi xâm phạm bí mật đời tư.

Không thấy có Điều khoản nào cho phép báo chí có quyền kết tội người khác trước khi người đó được một phiên tòa hợp pháp xét xử và kết tội.

Tuy nhiên, trong thực tế, lại thấy có không ít người làm thiên chức nhà báo đáng lẽ phải làm nhiệm vụ “thông tin trung thực” thì lại tự cho phép mình đứng trên pháp luật, tự cho mình cái quyền thay mặt pháp luật kết tội người khác khi công dân đó chưa hề có bản án đã có hiệu lực pháp luật nào buộc tội.

Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, khi người đó bị cơ quan điều tra khởi tố, bị Viện kiểm sát truy tố thì gọi là “bị can”; bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử thì gọi là “bị cáo”; khi đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật thì gọi là “bị án”. Ví dụ: Bị can Nguyễn Văn A, bị cáo Trần Văn B, bị án Phạm Thị C… mà không được gọi bằng những từ ngữ xách mé khác.

Ngoài các trường hợp đã liệt kê trên, gọi đến tên một người từ đủ 18 tuổi trở lên phải gọi kèm theo đại từ nhân xưng “anh”, “chị”, “ông”, “bà”. Viết tên trống không hoặc gọi bằng các từ “hắn”, “nó”, “y”, “thị”… là có tính miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác một cách trái pháp luật. Viết như thế, người bị nhà báo, phóng viên miệt thị kia có bị hạ thấp danh dự, nhân phẩm hay không thì chưa rõ; mà cái thấy rõ ràng trước mắt là người viết đã tự hạ thấp nhân phẩm, danh dự của chính mình bằng cách bộc lộ cho bạn đọc thấy cách hành xử thô bĩ, kém văn hóa, vừa kém hiểu biết về pháp luật của người viết.

Nhân tìm tư liệu để viết bổ sung cho bài này, tôi mới phát hiện Luật Báo chí Việt Nam và Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam không hề có định nghĩa cụm từ “báo chí”là gì.

Theo Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia định nghĩa: “Báo chí là các thông tin mới về những gì đã, đang hoặc sẽ diễn ra trong xã hội . Tin tức có thể có tác động đến nhiều người”. Có thể hiểu, báo chí là tấm gương phản ánh toàn bộ xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, vui chơi, giải trí…

Nghề báo là một nghề luôn được đánh giá cao ngay từ khi mới ra đời. Mục đích quan trọng nhất của nghề báo là cung cấp cho bạn đọc những thông tin thời sự chính xác và đáng tin cậy mà họ cần để có thể hành xử tốt nhất trong cuộc sống xã hội. Xin những người làm báo hãy đứng đúng vào vị trí của mình, mọi nỗ lực tìm cách chen vào thay vị trí của ngành nghề khác đều có thể biến báo chí trở thành lố lăng, kệch cỡm.

Sài Gòn, ngày 03 tháng 9 năm 2007

Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.