ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI – (1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam) – Kỳ 29


Bài đã đăng báo Người Việt ngày 17/2/2016

Tan3-17022016Cô Thắm này lịch sự, nhỏ nhẹ mời tôi ngồi xuống ghế, nói giọng miền Nam hỏi thăm sức khỏe tôi vài câu. Cô ta nói:

– Lần đầu tiên tôi gặp chị, tôi cũng có biết trước đây chị đã từng công tác ở cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Bạc Liêu. Chị cứ coi tôi như em út trong nhà, nói chuyện thoải mái đi.

– Cũng còn tùy cô nói với tôi chuyện gì. Còn coi cô như em út thì xin lỗi, tôi không coi như vậy được, ranh giới rõ ràng. Cơ quan điều tra các người chà đạp pháp luật, tôi không phạm tội nhưng bắt giam tôi, tôi không chị em gì với ai ở đây hết. – Tôi trả lời.

Cô ta nói tiếp:

– Tên của chị cũng lạ lắm, tôi chưa thấy ai có tên như vậy. Phong là gì? Là gió à? Còn Tần nghĩa là như thế nào vậy?

Tôi nói:

– Phải, tên tôi là “độc cô cầu bại,” lên Google mà coi, không trùng với bất cứ người nào. Cả thế giới người Việt chỉ có duy nhất một mình tôi tên này thôi. Cô có học chữ Hán không? (Đáp: Không) Chưa học hả? Vậy thì đừng có giải thích bừa. Chữ Hán đồng âm nhưng cách viết khác nhau và khác nghĩa rất nhiều, riêng cái chữ “phong” đó có đến bảy nghĩa khác nhau rồi. Cô muốn biết thì tự đi mà tìm hiểu, tôi không có nghĩa vụ dạy dỗ cho cơ quan điều tra.

– Chị không muốn giải thích thì thôi. Nhìn chị thế này chắc đã từng có người yêu? Chị có người yêu chưa? – Thắm hỏi tiếp.

Chà, bài này bọn nó học cùng một thầy với nhau, y chang câu ông Trần Văn Cống vừa nói. Không xong rồi con ơi, già như Trần Văn Cống còn phải “bó tay chấm com” với tao, cỡ ranh con như mày thì làm được cái gì. Đừng nghĩ rằng chúng nó hỏi thăm như vậy là nó quan tâm, quý mến hay thương yêu mình, hổng có đâu. Khi chúng nó không có “cửa” nào để tấn công thì nó làm bộ ngọt ngào tìm hiểu đời tư của mình, coi có chuyện gì nó có thể đưa lên báo của chúng nó để bôi bẩn mình hay không, hoặc nó muốn biết mình nghĩ gì, muốn gì, sợ gì để chúng nó đặt điều kiện với mình. Chúng nó sẵn sàng đáp ứng những điều kiện do mình đưa ra, hoặc chúng đe dọa sẽ tước đoạt điều kiện ấy nhằm bắt buộc mình phải đầu hàng chúng.

– Chuyện bí mật đời tư của tôi, tôi không muốn nói ở đây. – Tôi trả lời.

– Có người yêu hay yêu ai là chuyện bình thường mà. Tôi cũng có gia đình, hai đứa con rồi. Vừa đi làm vừa chăm sóc con cũng mệt lắm. Tôi tò mò muốn biết vậy thôi chớ không có ý gì khác đâu. – Võ Thị Thắm nói.

– Vậy à! Chuyện cá nhân người khác đừng nên tò mò là tốt nhất. Lúc nào người ta thích nói người ta nói hãy nghe, không thì thôi, đừng nên hỏi người ta bảo là nhiều chuyện đó. – Tôi nói.

Cô ta lấy ra một tờ giấy đưa cho tôi:

– Mẹ chị có thư gởi cho chị nè.

Tôi cầm lấy tờ giấy, nhìn kỹ thấy đây là bản viết tay rồi photocopy chớ không phải bản gốc. Nét chữ trong thư thấy giống chữ của mẹ tôi, đề ngày 15 tháng 9 năm 2011, tức là sau khi tôi bị bắt mười ngày. Tôi bị giam vào đây đến hôm nay là ngày thứ mười lăm, tức là cái thư này đến tay tôi sau khi viết đến năm ngày. Tôi coi qua nội dung thư thì thấy có mấy ý chính là: Bảo tôi phải thành khẩn hối lỗi, ca ngợi tấm gương “bác Hồ” và nên “học tập” “tấm gương” đó để sớm trở về đoàn tụ gia đình, thằng cháu tôi ở nhà rất nhớ tôi (chữ trong ngoặc kép là nguyên văn chữ ghi trong thư), thư còn nhắc đến công của một thằng nào đó mà ghi là “bác Tuấn” “đã giúp đỡ gia đình mình rất nhiều,” cuối cùng là hai khổ thơ trong bài thơ “Ngày xưa có Mẹ” của tác giả Thanh Nguyên. Tôi đọc xong máu sôi lên tận óc o, đặt tờ giấy lên bàn, không nói câu gì.

Võ Thị Thắm ngồi chờ một lúc chẳng thấy tôi nói gì thì lên tiếng hỏi:

– Chị đọc thơ xong rồi hả?

– Tôi đọc rồi. – Tôi nói.

– Chị có ý kiến gì không?- Cô ta hỏi.

– Theo cô thì tôi nên có ý kiến gì? – Tôi hỏi lại.

Cô ta trố mắt nhìn tôi, ý không hiểu tại sao tôi lại hỏi một câu như vậy. Cô ta nói:

– Thì trong thư mẹ chị viết như vậy, chị nghĩ như thế nào?

Tôi nói gằn từng tiếng:

– Nè, tôi bảo cho cô biết, nãy giờ tôi chưa nói gì là tôi còn có chút cảm tình với cô vì cô cũng lịch sự, lễ phép với tôi. Thằng nào khác là tôi đập vô mặt nó rồi. Cái thứ này mà bảo là thư của mẹ tôi à? Thế bản chính đâu? Mấy thằng chó an ninh nó đưa cho cô hả? Chắc cô không biết chúng nó đã từng xông vào nhà tôi đang ở cướp hàng đống thư từ của mẹ tôi gởi cho tôi lúc tôi ở quận 3, giả mạo chữ viết quá dễ dàng rồi đem photo lại nhập nhèm, làm sao tôi biết được đây không phải là đồ giả? Cho dù có là thật đi nữa thì thằng nào đã đến nhà tôi? Chúng nó lừa gạt, dụ dỗ, đe dọa, khủng bố mẹ tôi như thế nào để mẹ tôi phải viết bức thư này? Đừng hòng lừa được tôi. Thủ đoạn này cũ xì rồi, kiếm bài khác đi.

Tạ Phong Tần

(Còn tiếp)

Một suy nghĩ 1 thoughts on “ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI – (1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam) – Kỳ 29

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.