ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI – (1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam) – Kỳ 28


Bài đã đăng báo Người Việt ngày 14/2/2016

PhuongSBTN22Ông ta lại đổi sang chiêu khác, hỏi thăm chuyện gia đình, tình cảm cá nhân của tôi:

-Mẹ chị và các em chị sống thế nào? Có thường về quê thăm gia đình không? Dù sao thì đó cũng là quê hương của mình, có nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Chắc là chị có nhiều kỷ niệm tuổi thơ lắm.

Tôi trả lời:

-Lý lịch tôi anh biết rồi, chắc đã về đến tận nơi săm soi kỹ lắm rồi, anh còn hỏi gì nữa. Mấy thằng an ninh đồng nghiệp anh nó không nói cho anh biết à? Về nhà làm gì, về quê làm gì. Nước sắp mất đến nơi rồi, quê với nhà còn nghĩa lý gì nữa.

-Tôi không về quê chị, việc ấy có người khác làm rồi, tôi chỉ có nhiệm vụ làm việc với chị, gặp chị ở đây thôi. Chuyện nhà chị như thế nào người ta cũng không nói với tôi, nên tôi mới hỏi chị. – Ông Cống nói.

-Vậy anh về hỏi lại đồng nghiệp của anh đi, hỏi tôi làm gì cho phí lời, hỏi chúng nó thì chúng nó sẽ cho anh câu trả lời chi tiết hơn tôi. – Tôi trả lời.

-Chị có người yêu chưa? Tôi nhìn thấy chị cũng cao ráo trắng trẻo, vóc dáng đẹp, mặt mũi có nét lắm, trình độ không thua kém ai, không biết người yêu chị như thế nào. Chẳng lẽ tuổi chị cỡ này mà từ trước đến giờ chị không yêu ai? – Ông Cống nói.

-Dĩ nhiên là tôi có, nhưng tôi không thích nói. Tôi không có nghĩa vụ trình bày chuyện đời tư cá nhân của tôi với cơ quan điều tra. – Tôi trả lời.

-Sao chị lại cứ quan trọng vấn đề lên làm gì. Đây là tôi tò mò hỏi với tư cách cá nhân. Chị cứ coi tôi như là đồng nghiệp của chị, anh em tâm sự với nhau thôi. – Ông Cống nói.

-Anh dùng từ “đồng nghiệp” là không chính xác, phải dùng từ “cựu đồng nghiệp” mới đúng. Tôi đã từng tiếp xúc với anh vài lần trước khi tôi bị bắt, và tôi đánh giá anh cũng thuộc loại có học, biết cách làm việc. Rất tiếc, anh và tôi bây giờ là hai thế giới đối nghịch nhau, là hai chiến tuyến khác nhau, không đi chung một đường nữa rồi. Ở đây tôi là tù, và tôi không có nhu cầu “tâm sự” với điều tra viên. Nếu tôi muốn “tâm sự” thì tôi sẽ tìm đúng người, đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc để “tâm sự.”

Thấy tôi không hứng thú “tâm sự,” nói ra câu nào cũng bị tôi gạt phăng đi câu đó, ông Cống kêu cán bộ trại dẫn tôi trở về phòng giam.

Tôi đi trước, ông ta đi sau cách khoảng hai mét. Vừa đi ông ta vừa nói nịnh:

-Chị đi từ từ thôi khéo ngã. Hôm nay tôi mới biết người đẹp gót chân trắng nõn đỏ hồng kìa.

Tôi chỉ nhếch miệng cười, im lặng không trả lời ông ta, trong bụng nghĩ “Cái bọn Cộng Sản xảo trá giờ này muốn lấy lại tình cảm với tao là bị muộn rồi. Nước đã đổ đi làm sao hốt lại được, chỉ còn sống chết mà thôi”.

Bẵng đi mấy ngày, tôi nằm trong phòng giam, không thấy ai nói gì tới tôi. Tôi cũng vẫn tiếp tục nhịn cơm, mỗi buổi chiều cán bộ trại lại đưa biên bản “không nhận cơm” vô cho tôi ký. Những hôm bắt đầu nhịn quả là khó chịu thiệt, bao tử, ruột cứ sôi lên ùng ục từng lúc. Thỉnh thoảng, lại ợ lên mùi chua lè. Tôi biết bình thường mình ăn uống đúng giờ, cứ đến giờ ăn là bao tử sẽ tiết dịch tiêu hóa, đó là phản xạ có điều kiện đã học từ năm lớp 7 phổ thông. Trong dịch tiêu hóa có nhiều acid nên mới có mùi chua. Nếu mình không ăn, dịch này sẽ bào mòn bao tử mình, sẽ gây ra lủng bao tử. Vì vậy, tôi cố gắng uống thiệt nhiều nước, không khát cũng cố gắng uống nhiều để nước pha loãng dịch tiêu hóa ra, mà nước đầy bao tử cũng làm cho mình có cảm giác no, không thấy đói nữa. Hôm nào dịch tiêu hóa ợ lên nhiều quá, tôi uống nhiều nước vào rồi thọc ngón tay vô cổ họng cho ói hết nước ra. Xong súc miệng lại sạch sẽ, uống thêm nước mới vô đầy bao tử. Cứ như vậy, chín ngày trôi qua nhanh chóng, sang đến ngày thứ mười bao tử đã không còn phản xạ co bóp nữa, không tiết dịch tiêu hóa nữa, có nghĩa là tôi cũng mất luôn cảm giác đói bụng, không ăn cũng thấy bình thường, vẫn có thể nằm hát được rất to. Có điều tôi hạn chế vận động ở mức tối đa, nếu không phải là việc cần thiết tôi không bao giờ động đậy tay chân làm gì hết. Tôi nghĩ, “Hóa ra tuyệt thực cũng đâu đến nỗi khó khăn lắm. Nếu có chết thì cũng chết từ từ do suy kiệt chớ không hề gây ra đau đớn gì.”

Ngày nào cũng vậy, cán bộ trại đều vào đưa tôi ra ngoài cho Trương Văn Hồng đo huyết áp và cân nặng. Trong tuần lễ đầu, tôi sụt ký rất nhanh, coi như bình quân mỗi ngày sụt mất nửa ký lô, nhưng qua tuần sau thì dường như cơ thể đã kịp thích nghi với việc không ăn nên số ký bị sụt cũng giảm nhẹ. Không hề hấn gì, so với chiều cao của tôi thì số ký lô đó vẫn còn dư.

Sáng ngày thứ mười lăm, cán bộ trại đưa tôi ra phòng làm việc. Tôi tưởng là ông Cống hôm nay có chuyện gì muốn nói với tôi, nhìn lại thì không phải ông Cống mà là một cán bộ nữ còn trẻ, đeo hàm Trung úy hay Thượng úy gì đó và bảng tên Võ Thị Thắm. Sở dĩ tôi không nhớ rõ chính xác cấp bậc của Võ Thị Thắm vì cô này gặp tôi lần này là lần thứ hai. Lần đầu tôi chỉ thấy loáng thoáng cô ta khi làm thủ tục nhập trại lúc tôi mới bị bắt vô. Và lần gặp này cũng là lần gặp cuối cùng, từ đó trở đi tôi không trông thấy cô ta nữa.

Tạ Phong Tần

(Còn tiếp)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.