ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI – (1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam) – Kỳ 21


Bài đã đăng báo Người Việt ngày 20/1/2016

HuyTanCó lần, lãnh đạo công an thị xã bực quá chịu hết nổi, kêu mấy thằng lính đến nhà, hai thằng xốc nách anh Nhựt hai bên tống lên xe vua chở thẳng ra trại giam, giống như là đi bắt tội phạm vậy. Anh Nhựt ở lại trại giam được mấy ngày rồi lại trốn về nhà tiếp, từ đó thiên hạ botay.com với anh Nhựt luôn. Xe vua là xe đạp gắn thêm cái thùng xe có hai bánh phía sau để chở hàng, chở người. Đây cũng là lý do vì sao những người không thân không thế một mình phải làm việc bằng hai ba người khác.

Công an ở cấp tỉnh, thành phố có một phòng chuyên về công tác khám nghiệm là phòng Kỹ Thuật Hình Sự (PC21), cán bộ đi làm nhiệm vụ được chế độ hưởng tiền bồi dưỡng độc hại. Bấy giờ, do cấp thị xã, huyện không được biên chế đơn vị chuyên biệt nên cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự thường phải kiêm luôn công việc khám nghiệm hiện trường vụ án, khám nghiệm tử thi (tùy theo năng lực của cán bộ đội đó) nhưng lại không được hưởng một đồng “độc hại” nào. Cán bộ đội cảnh sát điều tra có trách nhiệm phối hợp với bác sĩ pháp y và ký vào chỗ  “Điều tra viên chủ trì khám nghiệm” (oai thiệt) trong mẫu biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, dù cảnh sát điều tra chỉ đi theo “ngó.” “chỉ trỏ” bác sĩ pháp y làm việc, không trực tiếp mổ xẻ. Mà vụ án thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, nên cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự khi trực đơn vị luôn luôn ở tư thế sẵn sàng, chỉ cần năm phút sau khi có tin báo là lên đường. Các đồng nghiệp đơn vị khác hay chọc quê bọn hình sự, bọn điều tra là: “Nửa đêm chuẩn bị đi ăn thây ma kìa!”

Năm 1994, tôi – cấp hàm Trung Úy, công tác tại Đội Cảnh Sát Điều Tra công an thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải (tức tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu bây giờ).

Vào một đêm cuối tháng (tháng nào bây giờ không nhớ nữa), chắc cũng gần gần đêm ba mươi nên đầu hôm trời tối lắm. Đêm đó, tôi, một đồng nghiệp khác (không nhớ tên) trực đơn vị Đội Cảnh Sát Điều Tra cùng với anh Trương Quốc Ân – Thượng Úy, đội phó. Gần hai mươi ba giờ thì công an xã Thuận Hòa cầm hồ sơ ban đầu chạy vào báo cáo có anh cán bộ thủ kho treo cổ tự tử chết trong kho thuốc sâu của xã. Anh Quốc Ân vội vàng báo cáo lãnh đạo trực chỉ huy đêm đó là ông Nguyễn Hoàng Gia – Thượng Tá, trưởng Công an thị xã và gọi điện thoại báo cho bác sĩ pháp y tên Đĩnh. Hai mươi phút sau, ông bác sĩ tới. Đoàn khám nghiệm xuất phát từ trụ sở công an thị xã Bạc Liêu bằng xe máy. Công an xã dẫn đường bằng Honda 67, ông bác sĩ xe Honda đam, anh Ân chở tôi bằng chiếc Cub 50 màu xanh oách nhất đội mà anh mua bằng tiền trúng số độc đắc.

Sở dĩ tôi được “thường xuyên được ưu tiên” đi “ăn thây ma” vì đội tôi lúc ấy chỉ có duy nhất một mình tôi tốt nghiệp Đại Học Pháp Lý, còn anh em khác toàn tốt nghiệp Trung Cấp Cảnh Sát tại chức. Khổ nỗi, anh em trong đội lại nghĩ rằng “nó học đại học chính quy thì cái gì cũng biết,” lại “chữ đẹp dễ đọc,” nên ai cũng giành tôi về ca trực của mình, có khi không phải ca trực, hễ có gì khó khăn phức tạp đòi hỏi trình độ cũng gọi điện thoại, chạy tới nhà tìm kiếm cầu cứu, chớ mấy ảnh đâu có ngờ rằng đại học pháp lý chỉ học Luật, có biết gì về pháp y đâu. Mang tiếng “đại học chính quy” mà nói “không biết” thì cũng ngại quá, báo hại tôi phải luôn luôn gồng mình vượt lên nỗi sợ và nai lưng ra tự học hàng đống sách vở, tài liệu về pháp y muốn ná thở luôn. Nào là “Tìm biết qua xác chết,” “Độc chất,” “Giám định pháp y trong khoa học điều tra hình sự,” “Y Pháp Tử Thi Học,” v.v… tôi đều phải cố gắng “tiêu thụ” và “tiêu hóa” cho kỳ hết. Riết rồi cũng quen, nên việc đi sớm về khuya thế này với tôi trở nên bình thường, làm xong về cũng ngủ nghỉ, ăn uống như không có chuyện gì xảy ra. May là trong thời gian làm nhiệm vụ tôi chưa làm sơ sót, lỗi lầm vụ nào. Vì vậy mà anh Quốc Ân liền “đính kèm” tôi theo mà để anh kia ở lại “giữ nhà.”

Công an xã đưa chúng tôi vào cái kho bằng cây gỗ lợp tôn nồng nặc mùi thuốc sâu. Kho thì rộng mà trong kho chỉ gắn một ngọn đèn điện bóng tròn tỏa ánh sáng vàng vọt, lợt lạt, mờ mờ. Tôi nhìn thấy người chết còn treo lủng lẳng trên dây thừng. Quy định là không ai được động đến, phải giữ nguyên chờ chúng tôi vô. Tôi bèn làm biên bản khám nghiệm hiện trường rồi kêu công an xã hạ các xác xuống để ông bác sĩ khám. Chúng tôi lấy dấu vân tay nạn nhân (lúc đó đội chưa có máy chụp hình), lập biên bản niêm phong đoạn dây thừng. Khoảng hai giờ sáng, ông bác sĩ viết biên bản khám nghiệm tử thi, ký vào chỗ “Bác sĩ pháp y” rồi ông ta đi một mình về trước. Tôi và anh Quốc Ân còn ở lại ghi lời khai một số nhân chứng rồi về sau.

Tạ Phong Tần

(Còn tiếp)

Một suy nghĩ 3 thoughts on “ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI – (1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam) – Kỳ 21

  1. Hồi kí của chị viết hay quá nhưng mỗi tuần chị cho ra có 2 kỳ, mà mỗi kỳ lại quá ngắn, đọc cảm thấy hụt hẫng và không đã :)) Không biết chị có định xuất bản ra sách không? Nếu có thì tôi chắc chắn sẽ mua. Đọc hồi ký của chị tôi biết và hiểu được nhiều điều.

    Thích

Nhận xét về Tạ Phong Tần Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.