ĐỆ BÁT KẾ: VÔ TRUNG SINH HỮU


“Vô trung sinh hữu” (無 中 生 有) là không có mà làm thành có. Kế “Vô trung sinh hữu” hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.

Ông Tăng Sâm ở đất Phi, học trò của Đức Khổng Tử. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.

Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người “. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.

Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Chiến Quốc Sách

Lời bàn của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc:

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Thốt nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn.

Như thể mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã dùng có một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dể khiến cho ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hóa ra rươi, trông con chó thành ra con cừu.

Ðến như giữa chợ làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được, mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.

Lời bàn của Tạ Phong Tần:

Người xưa có câu “Chúng sãi đồng lòng, sư ông mắc nạn”, đạo hạnh vào hàng sư ông mà bọn sãi ganh ghét đố kỵ cùng nhau đặt điều vu vạ thì một miệng không cãi được trăm miệng, sư ông có đạo cao đức trọng đến mấy cũng mắc nạn như thường.

Than ôi! Ở chung với con mấy chục năm, hiểu rõ con không ai bằng bà mẹ Tăng Sâm, tin con cũng không ai bằng bà mẹ Tăng Sâm, vậy mà trước tình trạng “chúng sãi đồng lòng” bà có muốn không tin cũng phải tin.

Cho hay, sự việc dù không có nhưng muốn biến thành có, cứ nói lặp đi lặp lại hoài, nói nhiều lần, cho nhiều người cùng nói tất sẽ có ngày thiên hạ tin là có thật. Người hiểu chuyện nghe mãi còn sinh ra bán tín bán nghi, từ chưa tin thành tin, huống chi người không hiểu chuyện thì kế càng dễ thi hành thành công. Đó chính là chổ hảo diệu của kế “Vô trung sinh hữu” vậy.

Thời buổi ngày nay, ra đường thấy Tăng Sâm cũng lắm, bà mẹ Tăng Sâm cũng lắm mà hàng xóm của Tăng Sâm thì hàng hà sa số. Nhưng “mẹ Tăng Sâm” thời nay lại không hiểu rõ con như mẹ Tăng Sâm ngày xưa. Cho nên chỉ cần có ai đó đơm đặt, nói ngã nói nghiêng là Tăng mẫu tân thời đã tin sái cổ, không cần suy nghĩ sâu xa xem xét hắc bạch, giả chân.

Người xưa có câu: “Nhất ngôn bất tín, vạn sự bất tin”. Chẳng biết các Tăng mẫu tân thời có chịu khó nhớ lại câu này mà bớt nhẹ dạ, ai nói gì cũng tin nữa hay không?

Sài Gòn, ngày 04 tháng 9 năm 2007

Tạ Phong Tần

-:-:-:-

Viết thêm:

Cho nên đời nay, kẻ nào càng bị bôi nhọ bởi mấy ngàn nhà báo “Lề đảng” thì càng phải ráng tin kẻ đó thực ra mới là người tốt thứ thiệt (chánh nhân). Tạ Phong Tần ở trong tù, nói với bạn tù rằng: Mai mốt có cơ hội qua Mỹ, cứ tìm mấy người bị báo “Lề đảng” chửi nhiều nhất mà kết giao bằng hữu. 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.