TẠ PHONG TẦN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ VIỆC TRẢ LẠI GIẢI NQVN 2012


thuykimSau khi gởi kiến nghị và tuyên bố trả lại giải NQVN cho MLNQVN, Tạ Phong Tần đã và đang tiến hành các bước thực hiện lời nói của mình trong việc trả lại giải thưởng. Sau đó, Tạ Phong Tần dẹp vụ này qua một bên, tập trung vào những công việc khác. Tiếc thay, có một số người vẫn thích “nhai lại” trên mạng internet, mang danh là “nhà đấu tranh” mà lại bảo Tạ Phong Tần “ghen tức lồng lộn”. Thiệt là mắc cười quá, Tạ Phong Tần là người đã đoạt giải từ lâu chớ có phải là người bị hụt trao giải đâu mà “ghen tức lồng lộn”? Vì vậy, Tạ Phong Tần đành phải “hầu tiếp” luôn cho hết ý. Nhấn mạnh lại lần nữa, từ đây về sau, những việc của MLNQVN không liên quan đến Tạ Phong Tần.

Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của một tờ báo tiếng Việt đã phỏng vấn Tạ Phong Tần cách đây hơn một tuần, nay post lại và bạn đọc hãy xem đây là phát ngôn của Tạ Phong Tần, báo đăng hay không chẳng có gì quan trọng.

TẠ PHONG TẦN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

1- Tôi có theo dõi những chuyện liên quan đến phản ứng của chị và 10 người khác liên quan đến việc công bố giải nhân quyền năm nay của tổ chức MLNQVN, sao chị và quý vị kia không trao đổi trực tiếp với MLNQVN trước khi công bố trên facebook bức thư cũng như các phản ứng của chị?

– Chúng tôi đã gởi Thư kiến nghị bằng email đến địa chỉ email của MLNQVN ngày 09 tháng 11 năm 2016. Cá nhân tôi cũng gởi một email riêng đến ông Nguyễn Bá Tùng (Trưởng ban phối hợp của MLNQVN) vào ngày 08 tháng 11/2016 nhưng tôi không hề nhận được phản hồi, dù ông Nguyễn Bá Tùng vẫn thường xuyên liên lạc với tôi bằng email và cellphone. Mà ông Nguyễn Bá Tùng lại trả lời Tạ Phong Tần thông qua một người bạn khác. Tôi cho rằng đó là thái độ miệt thị, khinh thường người cộng sự. Vì vậy, tôi đã công khai nội dung thư kiến nghị chung (có ký tên 10 người) và luôn phần ý kiến cá nhân của tôi đã gởi riêng cho ông Nguyễn Bá Tùng.

Ông Nguyễn Bá Tùng không thể viện lý do “nguyên tắc bí mật đến cùng của kết quả trao giải” để không trả lời, giải thích với chúng tôi, khi mà “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông” tè le té le hết rồi, còn cái gì nữa mà “bí mật”.

Đã nhận tiền quyên góp của công chúng thì phải chấp nhận sự góp ý, điều chỉnh của công chúng, đúng sai như thế nào phải giải thích rõ ràng, chớ không thể nói “những thư như thế này không trả lời”. Không thể một mặt nói là “giá trị chung” khi cần người khác đóng góp, một mặt lại nói nó là “việc nội bộ” của MLNQ. Đó là cách lập luận ngụy biện, lươn lẹo, không thể chấp nhận.

2- Chị có biết thủ tục đề cử và cứu xét để trao giả thưởng cho một tổ chức hay một số cá nhân tham gia đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam của MLNQVN hay không?

– Khoảng giữa tháng 8 năm 2016, tôi có nhận thư kêu gọi đề cử của MLNQVN yêu cầu tôi đề cử người cho giải NQVN 2016, trong đó có ba Tiêu chuẩn tổng quát là: “1. -Phải là một cá nhân hoặc tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam; 2. -Đã có thành tích đấu tranh bất bạo động vì nhân quyền cho người dân Việt Nam; 3. -Việc đấu tranh của họ đã tạo được ảnh hưởng tích cực tại quốc nội cũng như ở hải ngoại”. “Thời hạn đề cử Giải Nhân Quyền VN 2016 sẽ chấm dứt vào ngày 30/9/2016.” và sẽ công bố vào kết quả vào giữa tháng 11 năm 2016.

Cô Phạm Đoan Trang không phải do tôi đề cử.

3- Chị nghĩ sao sau khi đọc bức thư của chị Phạm Đoan Trang viết để thanh minh rằng đã được MLNQVN tiếp xúc cũng như đã từ chối? Như vậy vẫn chưa đủ?

– Tôi cho rằng cô Đoan Trang không nói thật, và cô đã nói theo ý của ai đó khi việc bất công bị Tạ Phong Tần phanh phui ra công khai trước dư luận. Email của MLNQVN tôi vẫn còn giữ đây. Sau khi tôi công khai việc này, cô Đoan Trang nhắn tin (qua FB) cho tôi nói rằng cô biết và từ chối cách ngày tôi công khai thông tin ba tuần. Sau đó, cô lại viết bài đính chính trên FB cá nhân rằng cô được hỏi ý kiến và từ chối cách đây hai tháng. Đây là điều hết sức vô lý, bởi lẽ ngày 30 tháng 9 năm 2016 vẫn còn trong thời hạn đề cử, chẳng lẽ cô Đoan Trang biết kết quả trong thời gian đang nhận đề cử hay sao? Tôi đã hỏi cô Đoan Trang người nào trong Ban Tuyển chọn của MLNQVN thông báo và hỏi ý kiến Đoan Trang như vậy thì cô Đoan Trang không chịu nói.

Về nguyên tắc làm việc, Ban tuyển chọn chỉ có quyền hỏi ý kiến một người này nhận xét về một người khác (người được đề cử) để làm căn cứ tuyển chọn, chớ không có quyền hỏi chính người được đề cử rằng “Chúng tôi trao giải (A, Bờ, Cờ gì đó) cho cô, cô có nhận không?”. Ban tuyển chọn không có quyền tiếp xúc với cô Đoan Trang để hỏi cô ấy có chịu nhận giải hay không? Tôi nhận thấy người nào đã hỏi cô Đoan Trang câu hỏi đó, thì: Một là, cố ý ép cô Đoan Trang vào thế phải trả lời từ chối, bởi lẽ câu hỏi đã đánh vào lòng tự trọng, sự tự ái của người được hỏi, tất nhiên phải nói nói từ chối dù trong lòng có muốn nhận đến ngàn lần, trừ phi là đó người háo danh và không biết tự trọng thì mới nói “đồng ý”. Mà tôi biết Đoan Trang là người có tài năng, biết tự trọng lẫn tự khiêm; Hai là, tôi đánh giá (nếu vô ý) đó là câu hỏi vô duyên và ngu xuẩn nhất trong năm 2016.

Tôi còn biết rõ có vài vị trong MLNQVN khi tôi đăng thông tin công khai lên mạng mới té ngữa ra vụ có đề cử Đoan Trang và đề ra phương hướng “chữa cháy” bằng cách thêm một giải nữa cho Đoan Trang nhưng vẫn không được “người có trách nhiệm” đồng ý. Tôi nói thật, nếu có thêm giải thì tôi cũng không đồng ý với cách làm đó, cái tôi đòi hỏi là công bằng, là đúng tiêu chí, chớ không phải tôi đòi hỏi để cho cô Đoan Trang có giải thưởng.

Đã làm thì phải có làm sai, chỉ không làm gì hết mới không sai. Tôi chấp nhận việc có làm sai và sửa sai, chớ không chấp nhận việc làm sai rồi dùng thủ đoạn để che giấu, lấp liếm cái sai, làm như vậy tôi thấy chẳng khác nào hành vi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang hành xử với dân Việt Nam.

4- Tất cả những người gọi là “dân oan” tại Việt Nam cũng là những người bị chế độ CSVN đối xử bất công, tức là cũng bị tước đoạt mất nhân quyền. Họ đấu tranh cho sự đối xử công bằng vốn không có trong chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam. Khá nhiều người trong bọn họ đã trở thành những người đấu tranh dân chủ, dân quyền và chịu đựng đánh đập,tù tội như bà Cấn Thị Thêu, Hồ Thị Bích Khương, Bùi Minh Hằng, Trần Ngọc Anh và nhiều người khác nữa.

Cũng có nhiều người, ít nhất đông gấp 4 lần 11 người của nhóm chị ký tên, bầy tỏ sự đồng ý với quyết định của MLNQVN, chị thấy sao?

– Anh nên hiểu bốn chữ “Nhân quyền Việt Nam” theo nghĩa rộng như định nghĩa trong Hiến chương nhân quyền của Liên hiệp quốc, khi nó được gắn thêm hai chữ “Việt Nam” hàm ý phạm vi hoạt động của người được đề cử rộng khắp, gần như là cả nước Việt Nam. Dân oan bị mất đất, mất nhà đấu tranh với cộng sản để đòi quyền sỡ hữu tài sản, đó chỉ là một mảng nhỏ của nhân quyền, đó là “điều kiện cần” nhưng chưa “đủ”. Nếu có nhiều người cùng đủ tiêu chuẩn, thì phải cân đong đo đếm xem ai là người có dư nhiều “tiêu chuẩn” nhất, lấy theo thứ tự từ trên xuống. Dân oan mất đất là mất phương tiện làm ăn sinh sống, nhưng vẫn còn le lói tia hy vọng được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả lại đất hoặc đền bù thỏa đáng. Một nhà báo sống trong chế độ cộng sản mà bị mất nghề làm báo là bị tước đoạt phương tiện làm ăn sinh sống vĩnh viễn, không còn tia hy họng nào được hành nghề trở lại, trừ phi chế độ cộng sản cầm quyền sụp đổ. Mất đất canh tác và mất nghề làm báo thì có gì khác nhau, hay các vị trong Ban tuyển chọn cho rằng mất đất mới là bị thiệt hại còn mất nghề không bị thiệt hại?

kimthuCô Đoan Trang cũng đã từng bị tù, đã từng bị hành hạ, đánh đập đến thương tật, nếu cho rằng cô Đoan Trang bị tù thời gian ít quá nên không đủ “tiêu chuẩn tù” lại càng vô lý. Đây là xét về thành tích cống hiến cho nhân quyền Việt Nam, chớ không phải xét thành tích ở tù nhiều hay ít.

Tôi ví dụ: Bạn tù của tôi là cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang ở tù trại 5 Thanh Hóa án 7 năm, vậy sao không xét trao giải nhân quyền cho cô Minh Mẫn vì cô Minh Mẫn ở tù nhiều hơn? Trường hợp thứ hai là chị Lê Thị Kim Thu là dân oan tỉnh Đồng Nai. Chị Kim Thu là một trong số những người tiên phong đấu tranh từ năm 2001, phạm vi hoạt động từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, đã từng bị tù ba lần tổng cộng gần 8 năm tù sao không thấy ai trao giải NQVN cho chị Kim Thu?

Một đàng đấu tranh xuất phát từ quyền lợi cá nhân, một đàng đấu tranh vô vụ lợi vì đất nước, vì dân tộc, khi chấp nhận đấu tranh là bị thiệt hại quyền lợi nhưng vẫn cứ dấn thân, anh thấy đàng nào đáng tôn trọng nhiều hơn? Anh Võ An Đôn là nhân tố  mới xuất hiện thời gian gần đây, anh Đôn có thể “ngậm miệng ăn tiền” mà “chăn êm nệm ấm” như hơn năm ngàn luật sư khác ở Việt Nam, nhưng anh Võ An Đôn đã đấu tranh cho công lý vô vụ lợi. Vì vậy mà tôi rất vui khi biết anh Đôn được chọn trao giải.

Về việc anh cho rằng “Cũng có nhiều người, ít nhất đông gấp 4 lần 11 người của nhóm chị ký tên, bầy tỏ sự đồng ý với quyết định của MLNQVN”, tôi thấy câu hỏi này hết sức buồn cười. Thưa anh, đám đông không phải là chân lý. Bộ máy cầm quyền cộng sản Việt Nam đông gấp triệu triệu lần một cá nhân Tạ Phong Tần, mà tôi còn không chùn bước, thì cái “đông gấp 4 lần 11 người” của anh có sá gì. Nếu anh vào trang FB cá nhân của tôi anh sẽ thấy có cả ngàn cái “đông gấp 4 lần 11 người” ủng hộ quan điểm của tôi. Cho đến thời điểm tôi đang trả lời câu hỏi của anh, Thư kiến nghị của tôi đăng trên trang hr4vn.wordpress.com có hơn một ngàn lượt share lên FB cá nhân, và bài “Tạ Phong Tần trả lời ông Ngô Văn Hiếu” có 482 lượt share lên FB, anh biết rồi đó, khi lên FB, nó sẽ tăng tiến theo cấp số nhân.

Từ trước đến nay, khi tôi thấy việc tôi làm là đúng, thì tôi sẽ theo đuổi đến cùng dù tôi chỉ có một mình, huống hồ hiện nay tôi được những anh em chiến hữu bên cạnh tôi ủng hộ tôi.

Năm 2015, tôi thấy có một trường hợp được xét chưa đủ tiêu chuẩn nhưng mọi chuyện đã lỡ, tôi không muốn nhắc lại, tôi không muốn cái sai lầm đó lặp lại trong năm nay. Vì vậy, tôi phải tích cực, quyết liệt ngăn chặn bằng hết khả năng của tôi.

5- Ngày 23-3-2016, khoảng 150 dân oan khiếu kiện thường xuyên ở Hà Nội, trong đó có gia đình bà Cấn Thị Thêu, sát cánh cùng khoảng 40 trí thức tranh đấu đòi trả tự do cho nhà báo tự do Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự ở trước tòa án. Họ cũng tham dự tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa, và rất nhiều cuộc biểu tình khác. Chị ngghĩ gì về hành động của họ?

– Tôi cảm phục tinh thần đấu tranh của chị Cấn Thị Thêu, tôi hiểu những hy sinh, mất mát của chị do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gây ra, tôi cũng là bạn tù ở trại giam số 5 với chị Thêu, nên tôi rất hiểu chị, nhưng tất cả những điều đó không thể làm cho tôi phải từ bỏ hai chữ “công bằng”. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ trao cho chị Cấn Thị Thêu giải “Dân oan can đảm Việt Nam”.

Riêng về chị Trần Ngọc Anh, tôi mượn lời của chị Kim Thúy là dân oan lâu năm ở Tiền Giang trả lời anh:

Lựa đúng người thì cái giải MLNQVN mới có giá trị, chị hoàn toàn đồng ý với cô Tần , với thư góp ý cô Tần gời cho MLNQVN phải được xem xét chứ không thể cho cô Tần là người ngoài. Nhóm Dân Oan SG Cúc, Lập , Thành và Chị Quang Thanh Trương . , chị Hài , chị Đa biết nhiều về nhân vật Ngọc Anh do đã đi đấu tranh chung với nhau trong thời gian dài và đã từng giúp đở cô ta nhiều nhưng sau đó thấy nhân vật nầy tánh tình không chấp nhận được . Cái đạo đức con người rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh vì quyền lợi mà sẳn sàng phản phúc người ơn thì làm sao mà chấp nhận được. Chị cũng mong ban treo giải thưởng xem xét lại thư góp ý mà cô Tần gởi đến . Rất ngưỡng mộ cô Cấn Thị Thêu”.

Và đây là ý kiến chị Lê Thị Kim Thu: “Rất tiếc, hôm nay gia đình tui mẹ chồng qua đời, nên không đi tham dự buổi họp báo công bố kết quả giải MLNQVN, nếu có mặt tôi vẫn đề nghị cho chị Đoan Trang. Chị Trần Ngọc Anh, chị Cấn Thị Thêu và tôi cũng đều là những người dân oan. Riêng tôi là những người khởi xướng, tuyên phong biểu tình đòi công lý cho dân oan ở Hà Nội từ năm 2001 rồi năm 2006 đến 2008 làng sóng biểu tình dậy sóng. Và cũng chịu 3 lần tù. Nhưng vẫn chưa được giải mà.”

Tạ Phong Tần là người không đảng phái, vô tổ chức, tôi không đấu tranh để giành quyền lợi cho cá nhân tôi hay đảng phái, tổ chức của tôi. Thậm chí khi quyết định đấu tranh chống sự bất công của MLNQVN, tôi chấp nhận mất lòng một số người, chấp nhận bị thiệt hại quyền lợi khi tôi quyết định trả lại $2,000 hiện kim đã nhận của giải NQVN năm 2012. Chổ này tôi nói rõ thêm, năm 2012 tôi đang ở trong tù, không có ai hỏi ý kiến tôi hết dù có thể liên lạc qua người nhà của tôi. Một tháng trước khi tôi được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa sang đây, em gái tôi mới nhận được $1,000 để đi thăm nuôi tôi, và tôi đến nước Mỹ này khoảng một tháng thì ông Nguyễn Bá Tùng mới đưa cho tôi thêm $1,000 nữa. Vì vậy, những kẻ nào đặt câu hỏi “Sao Tạ Phong Tần không trả lại ngay lúc đó nếu không đồng ý” là những kẻ mù mờ thông tin, chỉ “nghe hơi nồi chỏ” rồi phán bừa.

6- Ngày này qua ngày khác,, các thành viên của MLNQVN đi vận động, quyên góp tài chính từ cộng đồng người Việt. Không những dùng để trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức tham gia đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam, mỗi cuối năm, năm nay người này, sang năm người khác, lựa chọn những người nổi bật qua sự đề cử, mà họ còn yểm trợ cho cá nhân ở trong nước khi đấu tranh họ bị nhà cầm quyền đàn áp, triệt đường sinh kế và bỏ tù. Nói khác, giải thưởng nhân quyền chỉ là một hoạt động nổi bật của họ vào dịp mỗi cuối năm mà họ còn tùy khả năng tiền quyên góp được nhiều ít để yểm trợ hàng tháng. Chị có được biết như vậy không?

– Nếu vậy đừng có lấy tên giải là “Nhân Quyền Việt Nam” và cũng đừng có đề ra tiêu chí về nhân quyền, đừng đề cử, bình chọn gì hết và cứ công khai minh bạch đây là yểm trợ. Còn đã đặt ra tiêu chí, đề cử, bình chọn, giải thưởng thì phải công bằng. Tôi không chấp nhận việc phe cánh, nhất thân nhì thế, vị nể, tình cảm cá nhân, công tư lẫn lộn. Tình cảm là tình cảm, công việc là công việc, phải phân biệt rạch ròi, công tư phân minh. Còn không làm được như vậy thì cứ quyên góp rồi coi người nào đấu tranh mà bị đàn áp mất sinh kế, ở tù thì giúp đỡ như rất nhiều tổ chức thiện nguyện, xã hội dân sự khác đang làm. Như vậy, có cho một người $10,000 hay $20,000 tôi cũng không ý kiến gì.

7- Chị có cho rằng phản ứng của chị và 10 vị khác cùng ký tên trong bức thư gửi MLNQVN phát xuất từ thiếu thông tin hoặc thiếu tiếp xúc với nhau hay hiểu lầm?

– Chúng tôi rất cẩn trọng khi đưa ra Thư kiến nghị, không có chuyện thiếu thông tin, không hiểu lầm. Năm 2015, cô Đoan Trang cũng được đề cử nhưng vẫn không được chọn. Thành tích của cô Đoan Trang chúng tôi có liệt kê rõ ràng trong Thư kiến nghị, thành tích của chị Cấn Thị Thêu, Trần Ngọc Anh cũng được MLNQVN liệt kê trong Bản tin báo chí MLNQVN công bố ngày 13 tháng 11 năm 2016 rõ ràng đó. Anh đọc rồi tự mình so sánh đi, tôi nghĩ anh thừa khả năng để đánh giá thành tích của ai nổi trội hơn.

Cảm ơn chị Tần.

-:-:-:-

Nội dung thư kiến nghị:

https://hr4vn.wordpress.com/2016/11/10/giainhanquyenvietnam2016

Tạ Phong Tần trả lời ông Ngô Văn Hiếu:

https://hr4vn.wordpress.com/2016/11/12/traloiongngovanhieu

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.