Bài đã đăng báo Người Việt ngày 21/02/2016
– Không biết chị nghĩ thế nào, chớ tôi đọc thư đó tôi xúc động lắm. Nhất là bài thơ đó.
– Bài thơ này không phải thơ của mẹ tôi, đó là thơ Thanh Nguyên, trong sách giáo khoa phổ thông có dạy học sinh rồi, đứa học sinh nào chẳng biết. Chắc tại cô không có đi học nên không biết. – Tôi nói.
Tôi nhìn thấy rõ ràng cô ta hiểu tôi đang chửi cô ta thất học, dốt nát. Mặt cô ta sa sầm xuống, nhưng vẫn cố nén nói nhỏ nhẹ:
– Tôi chưa biết. Có lẽ hôm đó tôi nghỉ học.
– À, chắc là vậy. – Tôi nói, trong bụng nghĩ: “Mẹ nó! Con này dốt thiệt. Tao mới nắn gân mày có chút xíu mà mày lòi cái đuôi dốt ra ngay lập tức. Bài thơ này đúng là thơ Thanh Nguyên, nhưng làm gì có trong sách giáo khoa phổ thông. Thơ này tao đọc trong sách khác, phang đại để thử mày thôi. Hóa ra mày không biết cả cái chương trình môn Văn phổ thông trung học.”
– Thiệt chị không có ý kiến gì sao? – Cô ta vẫn cố vớt vát.
Tôi nhìn thẳng vào mặt cô ta, gằn giọng:
– Đừng có nhắc đến cái thư này trước mặt tôi nữa nếu không muốn tôi ném ra cửa hay xé nát nó đi. Cái thứ này phải gọi là rác rưởi. Thật là bẩn thỉu và đê tiện.
Cô ta hỏi tôi:
– Thư chị không chịu nói là giả. Vậy ý chị là gì?
– Tôi phải gặp người thật việc thật trực tiếp tôi mới biết được có phải là giả hay không. – Tôi nói.
– Vậy ý chị là phải gặp mẹ chị để hỏi? – Cô ta hỏi.
– Đúng vậy! – Tôi trả lời. – Ngoài ra đừng nói gì thêm với tôi nữa, tôi không nghe đâu.
Cô ta thấy không có khả năng tấn công nổi tôi chuyện đời tư thì quay ra lấy tờ biên bản hỏi cung bị can (mẫu in sẵn) ra cắm cúi viết vào. Cô ta viết xong đọc cho tôi nghe một câu hỏi dài sòng sọc, đại ý tôi đã viết những bài gì, đăng ở đâu, sử dụng máy tính nào, máy này nay ở đâu, v.v… và v.v…
Tôi nói:
– Cô ghi vào, chiếu theo pháp luật Việt Nam hiện hành tôi không phạm tội, tôi viết cái gì là quyền của tôi, bài đăng trên mạng Internet có ghi rõ họ tên tôi đó, thích thì tự kiếm mà đọc. Tôi dùng máy tính của ai, ở đâu là quyền của tôi, tôi không có nghĩa vụ trả lời. Hết chuyện. Xong đưa đây tôi ký cho để về có cái mà báo cáo.
Cô ta lại cắm cúi ghi tiếp vào tờ biên bản theo lời tôi vừa nói. Xong đưa tôi ký tên. Cô ta thu dọn, xếp cái bìa hồ sơ lại, vừa xếp vừa nói:
– Tôi còn trẻ nên có lẽ chị không thích nói chuyện với tôi. Chắc chị thích người già hơn phải không?
– Già trẻ gì cũng vậy thôi. Tôi chẳng có việc gì để nói với cơ quan điều tra các người. Có giở thủ đoạn gì cũng vô ích, không ăn nhằm gì với tôi đâu. – Tôi nói.
Cô ta gọi cán bộ trại dẫn tôi vào phòng giam, từ đó về sau tôi không gặp lại cô ta lần nào nữa.
Ở trong phòng giam, ngày nào tôi cũng đọc kinh sáng tối và cầu nguyện. Mỗi buổi tối đọc một chuỗi kinh Mân Côi. Chỗ này phải nói cho rõ là khi tôi ở trong buồng giam được ba ngày thì con Dung chuyển phòng khác, còn lại có hai đứa là tôi và con Lan.
Sau khi con Dung đi rồi, tôi và con Lan giăng mùng nằm cạnh nhau. Nó nằm bên trong, tôi nằm bên ngoài. Chẳng phải nó tử tế gì nhường cho tôi cái chỗ ở ngoài, mà chỗ nằm ngoài của tôi chỉ vừa trải đúng một chiếc chiếu bề ngang khoảng chín tấc, chỗ bên trong nó trải cái chiếu bề ngang một mét mà còn dư thêm khoảng hai gang tay chiều ngang, nó để thức ăn, đồ dùng bít hết không còn chỗ nào trống, mấy cái ca nước uống của tôi phải để dưới cái rãnh thấp cạnh chỗ tôi nằm. Tôi cũng thây kệ nó, mình có nhiều việc phải suy nghĩ, tính toán mà chiến đấu với bọn công an, hơi sức đâu đi tranh giành chỗ nằm trong tù.
Năm ngày đầu, con Lan xúi tôi mua đủ thứ đồ dùng lẫn đồ ăn thức uống. Tôi nói:
– Đồ dùng thì mua chớ đồ ăn không mua, đang tuyệt thực mà mua đồ ăn cái gì.
Con Lan nói:
– Mình ăn đồ của mình chớ có ăn đồ của trại đâu. Ngày trước em ở chung với chị kia, chỉ cũng tuyệt thực, chỉ ăn đồ của nhà chỉ gởi vô.
– Ai sao kệ họ, không ăn là không ăn. – Tôi nói.
Cán bộ trại vô nói tới ngày đăng ký mua đồ căn tin rồi, một tháng mua được hai lần vào đầu tháng và giữa tháng, hỏi tôi muốn mua cái gì. Tôi mua dầu gội đầu, kem đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt, khăn tắm, hai cái ca nhựa loại hai lít nước, một cái thau giặt đồ khoảng mười lít nước, một cái chiếu, một cái mền. Khi đưa đồ vô tính tiền tất cả gần năm trăm ngàn đồng. Lúc tôi bị bắt tiền mặt trong túi xách có khoảng một triệu rưỡi thôi, nên tôi không muốn mua sắm phung phí, không biết đến chừng nào gia đình tôi ở quê mới biết mà đi lên. Cho nên phải giữ tiền lại khi nào cần mua đồ dùng mới mua, nếu không có xà bông tắm gội, giặt giũ biết xin ai.
Tạ Phong Tần
(còn tiếp)