Bài đã đăng báo Người Việt ngày 10/2/2016
Tôi giơ ngón tay phải ra: “Có thương tích ở tay phải nè, và ở chân trái nữa.” Nhìn đồng hồ, lúc này đã trễ hơn 1 giờ rồi, tôi nói tiếp: “Bây giờ trễ quá rồi, tôi không đi thi nữa. Tôi đến bệnh viện khám lấy giấy chứng thương, để lâu mất dấu vết hết. Anh này phải bồi thường cho tôi (chỉ thằng áo sọc đang ngồi) vì thương tích ở chân trái là do anh này gây ra.” Nó giãy nảy: “Tôi phải lấy xe ra, tại sao lại giữ xe của tôi, giữ bao lâu?” Tôi nói: “Giữ một tháng. Tôi đề nghị anh Tân giữ xe lại hết.” Tưởng tôi nói thiệt, ông Tân vội nói: “Làm gì giữ đến 1 tháng lận, tôi cho chị cái giấy hẹn, thứ 6 đến gặp tôi giải quyết, chị lấy giấy này qua bệnh viện Sài Gòn khám thương tích đi.”
Lúc hỏi đến giấy tờ thì thằng áo sọc ngoài cái giấy chứng minh nhân dân cũ đến mức nhìn chữ đọc hổng ra thì không có giấy tờ gì khác. Theo quy định, khi lưu thông bằng phương tiện gì thì phải mang theo người đầy đủ giấy phép lái xe và giấy đăng ký loại phương tiện đó.
Không cần có trình độ nghiệp vụ gì, suy nghĩ chút xíu cũng thấy rõ ràng bọn an ninh dựng lên để cản trở tôi đi thi. Tôi biết chúng đã từng làm như vậy với nhiều người khác rồi. Không ai dại gì đi ăn vạ khi lỗi do mình gây ra, càng gọi công an tới xử lý thì càng bị thiệt hại. Không ai tự dưng không bị thương tích gì nhưng lại lăn kềnh ra nằm giữa đường kêu “gãy chân,” trừ phi người đó có “mưu đồ đen tối.” Người dân quanh đó đều khuyên: “Thôi không có gì to tát, tự thỏa thuận với nhau cho mau lẹ, kêu công an chi cho mất thời gian,” nhưng hai thằng này vẫn kiên quyết ăn vạ, đòi công an giải quyết, và hai thằng có thái độ rất thân mật. Khi người dân ngạc nhiên hỏi: “Ủa, hai người này quen thân nhau hả?” thì thằng áo sọc nói “Không” và lãng ra xa thằng áo trắng, nhưng vẫn kiên quyết bám chân tôi từng tấc đất. Cảnh sát giao thông cố ý làm ngay những công việc mà theo lẽ thường, không cần phải làm ngay. Hai chiếc xe của hai thằng này có đặc điểm giống y chang nhau mà cũng là đặc điểm chung của bọn an ninh chuyên làm “đuôi”: Không có kính chiếu hậu đúng quy định; Xe số đời mới đôn dên xoáy nòng gắn biển số đời cũ không có giá trị sử dụng, có thể hiểu đó là biển số giả; gắn biển số vào xe bằng cách khoan lỗ trực tiếp vào mặt trước biển số và gắn vào bằng 2 con ốc sắt to đùng, thấy gớm, giống y như cùng một lò sản xuất ra vậy; lái xe với tốc độ nhanh, trong khi đó tốc độ quy định trong nội thành, nội thị là không quá 30km/h; không mang theo người giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe; rất “khoái” làm việc với cảnh sát giao thông và không bao giờ sợ bị phạt vạ dù phương tiện mắc rất nhiều lỗi.
Hậu quả của “màn kịch” kể trên là tôi phải làm đơn xin bảo lưu điểm thi 2 môn còn lại, môn thi của ngày hôm nay thì đợi 6 tháng nữa… thi chung với khóa sau. Tôi không ngạc nhiên về điều này nhưng ngạc nhiên là đến giờ này tại sao mình vẫn chưa chết, nếu tôi chết rồi thì có phải là “nhiều loại công cụ” mừng rơn vì được “phẻ” cả tinh thần lẫn thể xác rồi không.
Càng nghĩ, càng thấy căm thù bọn Cộng Sản chúng nó. Sự hèn hạ, dùng thủ đoạn bẩn thỉu, trái pháp luật đối với phần lớn người dân Việt Nam đều làm cho họ phải run sợ, cúi đầu khuất phục. Có người sợ chính bản thân họ bị khổ vì bình thường họ đã quen sống sung sướng, cơm bưng nước rót, cà phê, thuốc lá, rượu bia, gái gú, nhà cửa đầy đủ tiện nghi, mùa Đông có chăn êm nệm ấm, mùa Hè máy lạnh chạy ro ro, bước ra đường đã có xe hơi sang trọng… nên mới vào nhà tù đã không chịu nổi sự thiếu thốn, có vài ngày đã đầu hàng, mọp xuống lạy bọn công an Cộng Sản như con gián. Có người vì nặng gánh gia đình, nghe lời bọn công an dụ dỗ mà “nhận tội” theo ý chúng nó, tưởng rằng được về sớm thì yên ổn làm ăn. Thật ra loại người này rất đáng thương, đặt niềm tin nhầm “tướng cướp,” ra tù sớm cũng có thiệt, nhưng sống dưới sự quản chế của chúng chúng nó, làm gì phải có sự đồng ý của chúng nó, ra đường không dám gặp người quen, bạn bè cũ cảm thấy xấu hổ vì đã không giữ được phẩm chất, khí tiết làm người, chính mình nhổ nước miếng xuống đất rồi cũng chính mình liếm lên, thiên hạ trông vào còn ai coi mình là cái gì nữa, sống dật dờ như cái bóng như vầy chết còn sướng hơn.
Đối với tôi, chúng nó càng hành xử trái luật, càng dùng thủ đoạn xấu xa hiểm ác bao nhiêu thì sự căm hận trong lòng tôi càng lớn bấy nhiêu. Bọn chúng tưởng rằng như vậy sẽ đè bẹp tôi, nhưng chúng không hiểu rằng tôi ngang bướng, sự đê tiện của chúng giống như chế thêm dầu vào lửa, ngọn lửa căm thù sôi sục trong lòng tôi ngày càng bừng lên mãnh liệt, chỉ chờ có dịp gặp điều tra viên là phát tiết ra ngoài, mà ông Trần Văn Cống là người trực tiếp hứng chịu những cơn thịnh nộ của tôi.
Có lần, tôi ngồi bắt chân chữ ngũ trên ghế trước mặt ông ta, ông ta làm ra vẻ tình cảm, chiếu cố, nói:
– Chị làm việc với tôi chị muốn ngồi sao thì ngồi, chớ người khác làm việc với tôi mà ngồi gác chân lên như thế là không được.
– Sao vậy? – Tôi hỏi lại: – Có luật nào quy định cấm tôi gác chân lên chân tôi không? Nếu có anh đưa văn bản ra cho tôi xem, tôi chấp hành liền. Nếu không có thì đừng nói. Tôi gác lên chân tôi chớ tôi có gác lên chân anh đâu mà anh khiếu nại, phản đối.
Ông Cống làm thinh luôn. Coi như ông ta ra chiêu này đã bị tôi cho “đo ván” ngay lập tức.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)