Bài đã đăng báo Người Việt ngày 17/01/2016
Tuổi trẻ tiêm nhiễm “tàn dư chế độ Mỹ – Ngụy để lại” tư tưởng “Sinh vi tướng, tử vi thần,” “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng,” tưởng đâu kiến thức của mình có thể đem lại công bằng cho mọi người, hóa ra không phải vậy. Mười mấy năm cống hiến, hy sinh, bỗng ngộ ra rằng mình chỉ là cái công cụ cho kẻ khác thăng quan tiến chức mà thôi.
Cơ quan tôi có những thằng, những con “Thiên hạ đệ nhất dốt” nhưng vẫn cứ lên lương, lên chức ào ào vì chúng nó là con cái lãnh đạo bự. Một đồng nghiệp của tôi đã từng chua chát nói: “Trong cái công an tỉnh Bạc Liêu này, lấy cục đá chọi vô, không trúng đầu thằng họ Châu thì cũng trúng đầu thằng họ Vũ.” Anh này nói đúng thiệt, giám đốc công an tỉnh là Châu Trọng Nam, phó giám đốc là Vũ Nam. Riêng anh em ruột của ông Vũ Nam này đang làm việc tại công an tỉnh Bạc Liêu là năm người, chưa kể các cháu ruột con anh con em của ông và anh em họ hàng xa gần của ông từ ngoài Ninh Bình kéo vào đây nườm nượp.
Còn giám đốc Châu Trọng Nam cũng có ngần ấy đứa con đang làm việc ở công an tỉnh Bạc Liêu giống như ông Vũ Nam. Mấy người em trai ông Vũ Nam thì còn có thể xếp vào loại “biết làm việc” (không phải giỏi), chớ mấy đứa con của Châu Trọng Nam nổi tiếng là “ngu nhứt công an tỉnh” và tất cả đều được bố trí vào các đơn vị cảnh sát giao thông từ tỉnh xuống thị xã, các huyện trong tỉnh. Hỏi ra bà con anh em con cháu chút chít chắt của hai ông này ở công an tỉnh Bạc Liêu nó “đông như quân Nguyên.”
Khi tôi mới vào làm việc tại Đội Cảnh Sát Điều Tra Công An Thị Xã (nay là thành phố) Bạc Liêu, có làm chung với con trai trưởng ông Châu Trọng Nam là Châu Minh Nhựt. Anh này lớn hơn tôi chục tuổi. Nói là “làm chung” nhưng thật ra anh Nhựt này không biết làm gì hết. Thời thập niên 90, xe máy ở Việt Nam rất hiếm, chỉ còn lại một số “tàn dư thời Mỹ – Ngụy” để lại là Honda 67 màu đen, ai có một chiếc chạy tới chạy lui là “oai” lắm. Từ Trưởng, phó công an thị xã tới lính giàu giàu là 67, nghèo là xe đạp, anh Nhựt này cũng có một chiếc 67. Vậy là trong đội ai muốn đi đâu được nhanh chóng, thuận lợi đều phải “nói ngọt” với anh Nhựt để được chở đi. Đội trưởng tôi – anh Huỳnh Thanh Phong, cũng biết vậy, mỗi lần phân công tác đi đâu đều phân tôi đi với anh Nhựt, coi như đội trưởng “tạo công ăn việc làm” cho Nhựt, để không thôi tháng náo cũng lãnh lương đầy đủ, lương còn cao hơn người khác, lính láp nó dòm ngó, so bì.
Có lần, anh Nhựt làm cái biên bản ghi lời khai đối tượng, viết xong định ký tên vào phía dưới bên phải biên bản, tôi nhìn thấy mới chọc anh ta: “Ngưng lại! Ngưng lại! Sao anh lại ký ở đây, chỗ này để cho tội phạm nó ký, ký chỗ đó người ta tưởng anh là tội phạm người ta bắt vô đó.” Thật ra, Nhựt làm đúng chớ không sai, nhưng anh ta vẫn không biết bị chọc ghẹo, ngước mặt lên thật thà là hỏi lại: “Vậy ký chỗ nào?” Tôi chỉ phía bên trái, nói: “Ký đây nè!” Anh Nhựt định ký vào chỗ tôi chỉ thì tôi cản lại: “Chọc anh thôi, anh ký bên kia là đúng rồi.” Trong đội ai cũng cười ngặt nghẽo. Những lúc rảnh rỗi, trong đội thường ngồi kể chuyện tiếu lâm nghe chơi. Anh Nhựt cũng ngồi nghe chăm chú, không bao giờ cười cùng lúc với đồng đội. Vài hôm sau lù lù xuất hiện vui vẻ thông báo: “Chuyện mấy đứa bây kể hôm trước tao hiểu rồi.” Mọi người lại được dịp cười ầm lên nữa. Được vài tháng, có lẽ ông Nam thấy anh Nhựt không làm điều tra được nên lại rút về đội cảnh sát giao thông “đứng đường” tiếp. Phòng làm việc của đội cảnh sát điều tra thông với sân sau đội cảnh sát giao thông bằng cái cửa sổ. Có lần đang ngồi cắm cúi ghi chép, tôi ngẩng lên nhìn thấy anh Nhựt đứng vịn cái bệ cửa sổ nhìn chăm chăm vào phòng đội cảnh sát điều tra. Tôi hỏi: “Anh nhìn cái gì vậy anh Nhựt?” “Nhìn mấy đứa làm việc, ở bên đây vui, bên kia buồn lắm tụi bây ơi” – Anh Nhựt trả lời. Thật tội nghiệp anh ta, ngớ ngẩn, kém thông minh không phải là cái tội. Tôi biết bên đội cảnh sát giao thông tụi nó chuyên tống tiền các loại xe, trình độ văn hóa không có bao nhiêu, thằng nào nhiều tiền thằng đó làm cha, làm gì có thằng nào biết cảm thông cho một người “trời bắt ngốc,” biết đối xử lịch sự tế nhị với anh Nhựt như bên đội điều tra. Sau cùng, ngay cả giám đốc Châu Trọng Nam cũng chán thằng con quý tử của ông ta, nên Nhựt bị đưa về làm bảo vệ trại giam, cách xa nơi làm việc cũ khoảng bốn cây số. Mỗi lần tôi ra trại giam làm việc, nghe ngoài đó kể lại chuyện anh Nhựt cười muốn chết. Gần tới ngày lãnh lương, anh Nhựt mới đi làm, lãnh lương xong đi làm thêm vài ngày thì biến mất, ở nhà luôn, một tháng đi làm nhiều lắm là năm ngày. Gọi điện thoại tới nhà kêu đi làm, anh ta trả lời: “Tao đang nhậu, không đi đâu.”
Tạ Phong Tần
Reblogged this on ghequaconloc.
ThíchThích