CÁM ƠN ĐĨA LẬU


Tình cờ tìm thấy bài viết cũ của mình đã đăng Thời Báo (Canada) ngày 25/3/2010, lúc đó Tạ Phong Tần ký bút danh Vương Tỷ. Chữ Vương (王) và chữ Tỷ (比) ghép lại, chữ Vương bên trái, chữ Tỷ bên phải tức là chữ Tần (chữ này chỉ có trong bộ Đại Từ điển Trung – Việt, các từ điển khác nhỏ hơn không có). 

Tạ Phong Tần viết bài thường dùng họ tên thật, đây là một trong số vài bài viết hiếm hoi ký bút danh Vương Tỷ.

Post lại cho bạn đọc coi chơi.

-:-:-:-

Mới đọc tựa bài này, người đọc chắc chắn sẽ nghĩ hoặc là tôi bị điên, nhận thức còn non kém, dốt nát, hoặc tôi chính là thằng cha (con mẹ) “trùm” đĩa lậu nên mới “Cám ơn đĩa lậu”. Xin nói rõ rằng tôi cao một mét sáu mốt, nặng khoảng 60 ký, có khả năng đi bộ một lèo 5 km, vừa được viện Pasteur Sài Gòn chứng nhận sức khỏe tốt, nghĩa là tôi không bị điên hay tưng tưng gì hết. Tôi có một rổ bằng cấp, chứng chỉ đủ loại từ thấp thấp đến cao cao, nên tôi tự nhận mình không đến nỗi non kém, dốt nát về đề tài xã hội. Tôi càng không phải là “trùm” đĩa lậu làm giàu trên mồ hôi nước mắt người khác mà tôi chỉ là một trong số hàng triệu triệu người dân Việt Nam nghèo mạt rệp chuyên coi đĩa lậu chớ không bao giờ có tiền mua đĩa gốc.

Nghèo mạt rệp tức là nhà nghèo quá, trong miền Nam người ta ngủ trên cái chiếu lác hay đệm cói, đệm bàng rách cũ mèm đóng đầy mồ hôi, lâu ngày nó sinh ra con rệp; ngoài miền Bắc không xài chiếu mà có thói quen ngủ trên ổ rơm thì rơm nó sinh ra con mạt (giống như con mạt trong ổ gà). Rệp hay mạt con nào cũng cắn người hút máu và làm người bị cắn ngứa gần chết. Tôi không muốn dùng thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi” như lâu nay người ta hay dùng. Theo ý tôi, ai có miếng đất, mảnh sân con con để dựng cái hàng rào, trồng lên đó mấy dây mồng tơi rồi chiều chiều bắc ghế ra trước cửa ngồi chong mắt sang nhà hàng xóm ngâm thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” thì chưa hẳn là nghèo lắm, vẫn còn có chút đỉnh đất cắm… hàng rào. Như tôi thì đến cái hàng rào để trồng mồng tơi cũng chả có thì lấy mồng tơi ở đâu để mà rớt, suy ra tôi còn nghèo hơn cái người “nghèo rớt mồng tơi” kia nữa. Sở dĩ tôi phải phân tích dông dài chuyện nghèo này cốt để chứng minh cho người đọc thấy rằng tuy tôi khoái xem đĩa lậu, nhưng kiến thức xã hội của tôi không đến nỗi tệ lậu, và giải thích vì sao tôi phải cám ơn đĩa lậu.

Cách đây khoảng hai chục năm, cái thời mà cả xóm tôi hùn tiền với nhau ra tiệm mướn được đầu máy video hiệu P5 to đùng gần bằng một nửa cái mặt bàn (máy chiếu băng từ) là mừng húm. Mướn thêm một đống mấy chục cuốn băng video phim bộ Hồng Công, Đài Loan đem về. Cả xóm thay phiên nhau thức sáng đêm cắm đầu máy chiếu phim, mướn đầu máy tính tiền theo ngày, đi ngủ không xem nó uổng tiền quá nên ráng thức. Có phim thì xem, tôi chẳng buồn để ý xem phim đó là lậu hay không lậu, lậu đối với tôi không có ý nghĩa gì hết. Gần mười năm sau, người ta bỏ đầu máy chiếu băng từ mà chuyển sang dùng đầu máy xài đĩa CD, nói theo ngôn ngữ bình dân xứ tôi là đầu đĩa. Tôi cũng không chú ý lắm mấy cái đĩa điếc này bởi lẽ nhà tôi cũng không có đầu đĩa, càng không cần biết Trung Tâm Thúy Nga hay Paris By Night nó là cái giống gì.

Đùng một cái, tự dưng ngày nọ tôi bỗng thấy “báo ta” thi nhau đăng đàn chửi rủa ầm ĩ, chửi xối xả, chửi vuốt mặt hổng kịp với nhiều ngôn từ thô bỉ bất cần chứng cứ, và đối tượng bị chửi là Trung Tâm Thúy Nga với chương trình Paris By Night “30 năm viễn xứ” và hàng loạt ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại. Đại loại là những từ ngữ “bọn phản động lưu vong”, “liếm đít Mỹ”, “hạng gái hát phòng trà, sòng bạc”, “chống phá quê hương”, “sặc mùi chống Cộng”, “nhúng chàm”, “rẻ tiền”, v.v… Dĩ nhiên là tôi chẳng hiểu chương trình đó nội dung là gì, bởi có xem đâu mà biết. Với tôi, hải ngoại là cái gì đó mờ mờ ảo ảo như sương như khói, dửng dưng và khô khan, xa lạ và hờ hững…

Thói thường, cái càng cấm thì càng hiếm và càng quý, người ta càng tò mò tìm mua để xem cho biết, và đĩa lậu nhờ đó được dịp tăng giá, và còn “chảnh” tới mức độ chỉ bán cho người quen, mối ruột. Hạng một năm mua vài đĩa xem ké đầu máy người khác như tôi chẳng ma nào chịu bán “hàng cấm” cả. Cách đây không lâu, chị bạn vong niên của tôi tự dưng nhắn tôi sang nhà chị. Tưởng chuyện gì, vừa bước tới sân chị đã vội vàng kéo tuột tôi vô trong rồi chìa bộ đĩa “30 năm viễn xứ” ra nói: “Chị cho em xem cái này. Hồi nào tới giờ đâu có biết. Dân tộc mình sao đáng thương quá. Cả một dân tộc bị lừa dối. Đau thương, chia cắt đến tận bây giờ”. Tôi hỏi: “Chị mua cái này ở đâu? Ngoài tiệm đâu thấy bán?” Chị nói: “Em chị mua của người bán dạo, 10 ngàn đồng một đĩa. Hồi xưa chị chống Mỹ vì chị không chấp nhận sự có mặt của người Mỹ trên đất Việt Nam, nhưng chị cũng không chấp nhận để bị người khác lừa dối. Có rất nhiều trí thức như chị bị lợi dụng lòng yêu nước”. Tò mò, tôi cũng cố ngồi xem, và thật sự rúng động tinh thần với những thước phim tư liệu kèm theo của chương trình “Ba mươi năm viễn xứ“. Cái gì đã đẩy những người đồng bào ấy ra biển khi họ biết rằng: “chín phần chết, một phần sống”, cơ may sống sót trong biển cả thật mong manh? Và tôi đã tìm được câu trả lời bởi những điều mắt thấy tai nghe, không chỉ qua phim ảnh, mà cả trong trải nghiệm đời thực, giữa những người tôi gặp hằng ngày.

Ngày xưa, người ta dạy chúng tôi rằng miền Nam bị Mỹ xâm lược, rằng chúng tôi phải khinh bỉ, căm thù bọn người Việt đã cả gan vượt biển. Ngày nay, tôi thấy thời ấy miền Bắc đầy dẫy quân đội Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn. Hóa ra không có giải phóng dân tộc, không có kẻ xâm lược, không có kẻ thắng trận mà là tất cả người Việt đều bại trận. Phải đến những năm gần đây tôi mới thấu hiểu ý nghĩa của hai câu: “Chớ lấy tiết trinh khoe thục nữ/ Đừng đem thành bại luận anh hùng“. Nàng Kiều mười mấy năm lưu lạc chốn lầu xanh vẫn được khen là trinh tiết, hiền thục, còn trinh tiết như nàng Đắc Kỷ thì chẳng ai xem là thục nữ. Hạng Vũ chôn thân nơi Cai Hạ nhưng sử thần Tư Mã Thiên (làm quan dưới triều Hán Vũ đế, cháu nội Lưu Bang) vẫn chép sử ca ngợi khí phách anh hùng, Lưu Bang thắng trận nhờ dùng mưu mô xảo trá thì đời sau vẫn coi là tiểu nhân đắc thế mà thôi.

Hồi đó, tôi cứ tưởng sòng bạc bên Mỹ giống như mấy cái sòng bạc lậu ở Việt Nam, lèo tèo vài chục người quần đùi áo lá ngồi quăng từng lá bài Tây xuống chiếu kêu phành phạch, chen lẫn trong những tiếng Đờ Mờ, Lờ, Cờ… văng ra liên tục, vừa cố tình la lớn vừa kéo dài giọng. Sau khi xem đĩa lậu tôi mới biết người đến sòng bạc Las Vegas toàn veston cà vạt với váy đầm lịch lãm, khán giả thì đông nghịt cả mấy ngàn người, sân khấu của người ta thì to rộng, hiện đại gấp mười lần sân khấu Nhà Hát Lớn Sài Gòn. Thuê được cái sân khấu này để biểu diễn đâu phải “rẻ tiền”?

Vào một tiệm chuyên bán đĩa trên đường Lý Chính Thắng hỏi mua đĩa ca nhạc hải ngoại, lập tức tôi được nhân viên tiệm dẫn vào cánh cửa hẹp khuất phía trong để bước ngay vào căn phòng rộng phía sau với hàng hàng lớp lớp đĩa. Anh nhân viên liếng thoắng giới thiệu và bảo tôi chọn đĩa. Anh này nói 10 ngàn đồng/DVD đĩa Việt Nam, đĩa gốc âm thanh rõ, lớn, hình đẹp, giá 40 ngàn đồng/DVD, hộp nhựa đôi đựng đĩa 5 ngàn đồng/cái. Tôi thấy đĩa giá 40 ngàn đồng hình ảnh, bìa, hộp rất lịch sự, đẹp mắt bèn chọn mua 6 đĩa, hết 255 ngàn đồng. Trả tiền rồi, tôi lật ra xem thấy đĩa không có tem, bèn hỏi người bán: “Cái này đâu phải của Thúy Nga, đĩa gốc sao hổng có tem dị?” Anh bán đĩa trả lời: “Em nói gốc là gốc của Trung Quốc, in từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam, chớ đâu phải gốc Thúy Nga”. “Trời! Gốc gì kỳ vậy. Ở đây có đĩa gốc Thúy Nga không? Giá bao nhiêu?”, “Có vài cái hà, giá ba trăm rưỡi ngàn, mắc quá nên bán không được”. Về nhà, nhìn thấy địa chỉ web Trung Tâm Thúy Nga trên bìa đĩa, tôi vào xem thì thấy rẻ nhất là DVD đơn cũng gần 15$, tương đương 292 ngàn/đĩa, những chương trình lớn, giá bán gần 25$, tương đương 730 ngàn đồng/đĩa. Giá đó thì chính tôi cũng phải “chạy làng”, huống hồ những người lao động mỗi ngày thu nhập tròm trèm 100 ngàn/ngày cho cả gia đình. Chưa kể đến chuyện nếu đặt mua, chuyển tiền cũng là một việc hết sức nhiêu khê, khó khăn vì không biết cách làm, không có thẻ ATM, lại phải tốn thêm phí chuyển tiền nghe đâu đến 1%.

Đầu tư một chương trình ca nhạc “hoành tráng”, tiêu tốn rất nhiều tiền để hướng tiếng lòng về nơi chốn nhau cắt rốn, chấp nhận bị kẻ xấu gọi là “thằng này, con nọ”, chấp nhận không những bị in lậu trong nước, rồi đến “nước bạn môi hở răng lạnh” nhảy vào in lậu, âu cũng chỉ vì hai tiếng quê hương. Tôi chợt nhớ đến đại thi hào Trung Quốc Lý Bạch trong nỗi niềm cô đơn viễn xứ: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng mặt nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương), hay thi sĩ chân quê Nguyễn Bính cùng một tâm trạng cất bước tha hương: “Con đò thì nhớ sông xa/ Con người hỏi nhớ quê nhà bao nhiêu?” Người Việt tha hương cũng thế mà thôi.

Tất nhiên, ai cũng biết đĩa lậu làm cho nhiều nhà sản xuất nghệ thuật điêu đứng, thiếu điều sập tiệm, người ta lên án đĩa lậu cũng nhiều, chửi rủa đĩa lậu cũng nhiều, đòi bắt giam đĩa lậu cũng nhiều. Riêng tôi, tôi cám ơn đĩa lậu ở một điểm duy nhất là đĩa lậu đã đem người Việt trong nước (không phải loại “No cơm ấm cật rậm rật ăn chơi“) và người Việt hải ngoại xích lại gần với nhau, cho người trong nước hiểu được tâm trạng khắc khoải “Đêm dài tiếng quốc kêu sương/ Chạnh niềm lữ thứ, trăm đường ngổn ngang” của phận người vong quốc.

Vương Tỷ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.