LUẬN VỀ ĐỨC TIN TRONG NGÀY LỄ PHỤC SINH


Saint Columban church, ngày 15/4/2017

Có một số người đã nhờ vào nghề viết truyện ma, kể chuyện ma, làm phim ma mà trở nên giàu có như vua kinh dị Alfred Hichcock. Vừa nghe xong, coi xong phim là tối đó không dám đi một mình ban đêm, nửa đêm không dám xuống nhà bếp, thậm chí muốn đi vệ sinh cũng phải có người đi theo thì mới chịu. Người ta dễ dàng tin là có ma và sợ ma, sợ quỷ hơn là tin rằng vào Chúa Jesus và tin rằng Đức Jesus đã phục sinh.

Nghi ngờ vào điều tốt đẹp là đặc tính bình thường của con người, thói ganh tỵ, ích kỷ từ đâu mà ra nếu như không phải từ những người luôn nghi ngờ vào điều tốt: Làm gì có chuyện đó? Coi chừng “diễn”? Đạo đức giả đó? Do đó, Đức Jesus không hề trách người môn đồ của mình là ông Tôma đã không tin Người phục sinh, dù những người đồng môn với ông Tôma đều lên tiếng xác nhận điều đó.

Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Tin Mừng Thánh Gio-an:

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an” Rồi Người bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20, 24-29)

Dân gian từ xưa có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng thấy rồi sờ sờ trước mặt chưa chắc đã là thật, nên sau này, người ta thêm vô vế thứ hai: “Trăm thấy không bằng một sờ”. Quả thật, thực tế có những điều nghe rõ ràng nhưng không phải sự thật, mà minh chứng cho việc chỉ nghe thôi chưa phải là thật là câu chuyện “Tăng Sâm giết người” đã lưu hành từ thời Chiến Quốc cách đây hơn bốn ngàn năm. Chuyện kể rằng Tăng Sâm ở đất Phi, học trò của Đức Khổng Tử. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Vậy thấy rõ ràng rành rành mà không đúng sự thật là sao? Đơn cử là người ta đóng kịch, diễn tuồng, đóng phim nhìn rất là thật đó, nhưng tất cả đều là giả. Nâng cao hơn một chút, nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta biết câu chuyện “Nguyễn Biểu ăn cỗ đầu người”. Nguyễn Biểu là quan văn đi sứ, giặc Minh muốn đe dọa, sai dọn cỗ mời sứ thần nước Việt là một cái đầu người Việt vừa bị chúng giết luộc chín đặt trên mâm bưng ra. Nguyễn Biểu điềm nhiên dùng đũa khoét mắt bỏ vô miệng nuốt chửng, ngữa cổ uống cạn chén rượu, tặc lưỡi mà cười ha hả nói rằng: “Đầu người Minh nhắm rượu quả là ngon”. Rõ ràng Nguyễn Biểu đã ăn thịt người mà khen ngon. Vậy Nguyễn Biểu có phải là kẻ gian ác thích ăn thịt người không? Có phải là kẻ thích giết người không gớm tay, say máu người không? Dĩ nhiên là không, nhưng cái hành động ăn đầu người nhắm rượu đó của Nguyễn Biểu cũng chỉ là đòn đấu tranh cân não giữa giặc Minh và Nguyễn Biểu mà thôi. Quân Minh thấy không thể đe dọa được Nguyễn Biểu, cũng không muốn thả một người mưu trí, gan lì như ông trở về, bèn đem giết đi.

Hay gần đây hơn, người Việt ai mà không biết hai bức ảnh nổi tiếng thế giới. Bức ảnh thứ nhất chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan đang giơ súng bắn chết một người mặc đồ dân sự, tay bị trói. Bức thứ hai là cảnh bé gái trần truồng bị phỏng Napal đang kêu khóc và bỏ chạy. Hai hình ảnh đó đều rất thật, đã xảy ra trong thực tế, không hề dàn dựng, sắp xếp trước, làm chấn động lương tâm thế giới trước sự “tàn ác” của quân đội VNCH. Nhưng mãi đến sau này, người ta mới biết thêm đằng sau bức ảnh thứ nhất là tám mạng người trong một gia đình đã vừa bị cái người dân sự kia (bị ông Loan bắn) giết chết dã man, và phía trước của bức ảnh thứ hai (hướng bé gái đang dang tay chạy về đó tìm kiếm sự cứu giúp) là quân đội VNCH và quân đội Mỹ.

Thật bất ngờ, hai ngàn năm về trước, ông Tôma đã thực hành cái điều mà phải đến thời nay chúng ta mới bổ sung thêm: Đòi sờ vào vết đinh trên bàn tay và vết đâm bên sườn của Đức Jesus thì ông mới chịu tin Chúa Con đã phục sinh.

Bài giảng trên núi vẽ bởi Carl Heinrich Bloch, 1890

Rồi Người bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Đức Jesus không những bảo ông Tôma nhìn cho rõ, mà còn bảo ông ta phải cảm nhận sự thật luôn bằng chính xúc giác của mình, để rồi từ đó, ông Tôma có một lòng tin tuyệt đối không gì lay chuyển được về sự phục sinh của Đức Jesus. Ông đã xúc động, nghẹn ngào không nói lên lời, chỉ thốt lên mấy tiếng ngắn ngủi, lặp đi lặp lại “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Ông không nhắc đến chữ “tin”, nhưng ai nghe lời ông thốt lên cũng phải thừa nhận rằng: Tôma đã tuyệt đối tin tưởng và tôn thờ Đức Jesus là Thiên chúa rồi vậy.

Sự mầu nhiệm, huyền diệu của lời Chúa là ở chổ đó. “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Tại sao chúng ta “không thấy mà tin”? Đó là vì chúng ta không nên tin vào sự huyễn hoặc mơ hồ, không nên tin vào sự dối trá, không nên tin những điều không phải là sự thật; nhưng ta phải tin vào điều tốt đẹp ở ngày mai, tin vào bản tính thiện lương của con người, dù trong bất kỳ chốn tối tăm nào, ta cũng phải tin vào mầu nhiệm của Thiên chúa, tin rằng Đức Jesus vẫn nghe được lời cầu nguyện của chúng ta, nhờ vậy chúng ta vẫn tồn tại và vươn lên trong nghịch cảnh.

Hai ngàn năm trôi qua, đức tin vào Thiên chúa tuy có lúc bị vùi dập, bị truy bức bởi bạo quyền, bất công, sự ganh tỵ… nhưng cuối cùng, đức tin vẫn tồn tại và lan tỏa khắp thế giới, vượt qua biên giới của tất cả các quốc gia, với hơn một tỷ tín đồ. Sức mạnh của Thiên chúa tồn tại ở trong mỗi người chúng ta khi chúng ta có một đức tin và vững vàng với đức tin ấy. Tin lời Chúa làm cho con người ta trở nên tốt hơn, ý nghĩ thánh thiện hơn, sống công chính hơn. Sống theo lời Chúa là chống cái xấu, chống cái ác, chỉ có sự thật và chỉ một sự thật mà thôi. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37) Thập giá “sự thật” đó quá lớn, quá nặng, ngoài sức gánh vác của những con người nhỏ bé như chúng ta. Nhưng bao đời nay người công chính đều hãnh diện, dũng cảm gánh vác nó, bởi vì “Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

Maria Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.