QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA


kydong2010
“Hang đá” ở Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp (nhà thờ Kỳ Đồng, Q3, SG) năm 2010.

Hồi tôi mười hai tuổi, cái tuổi đã bắt đầu biết nghe hóng chuyện người lớn, và có khả năng tự mình “kết bè kết cánh” để đi chơi một mình với đám con nít hàng xóm chớ không còn bám lẳng nhẳng theo chân mẹ hay bà ngoại nữa, thì mỗi khi có đám hát đình hát chợ, hát cải lương coi không phải mua vé, là kéo nhau đi coi đến tận khuya lắc khuya lơ vãn tuồng mới về nhà đập cửa vô ngủ. Lúc đó, đám con nít chúng tôi thích nhất là những dịp Noel hằng năm. Tôi hoàn toàn không biết ý nghĩa chữ Noel là gì, chỉ biết rằng đó là ngày nhà thờ ở bên kia cầu Quay tổ chức lễ mừng một ông tên Giê-su được sinh ra đời.

Cứ đến ngày 19-20 tháng 12 là “nhà nước ta” treo cờ quạt, băng-rôn “Chào mừng ngày thành lập quân đội nhân dân 22-12”, dán các tờ giấy in chữ thiệt bự xanh đỏ để lôi kéo sự chú ý của người dân. Nội dung đại loại như: “Kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân 22-12, đoàn cải lương Hương Tràm của tỉnh ta (hoặc tên đoàn khác) và Đội Văn Nghệ quần chúng của Trung Tâm Văn Hóa Tỉnh, thị xã Bạc Liêu sẽ biểu diễn phục vụ, vào cửa tự do. Địa điểm tại: Sân khấu lễ đài, sân vận động, đường Lý Tự Trọng (một con đường phụ ngay trung tâm, ít người đi nhưng có bề ngang rất lớn). Chương trình gồm: (tên tuồng tích, kịch, bài hát, tên nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên). Bắt đầu lúc… (giờ) từ ngày 22/12 đến ngày 25/12”. Những địa điểm này, ngoài sân vận động hơi xa một chút (cách trung tâm thị xã khoảng hơn một cây số), thì sân khấu lễ đài và đường Lý Tự Trọng cách nhà thờ có một cái cầu đúc nhỏ (cầu Quay). Nếu bắt loa lên mà nói chuyện thì bên này có thể nói chõ sang cho bên nhà thờ nghe và ngược lại. Loa bên nào to hơn thì át hẳn loa bên kia. Về vụ này, loa nhà nước luôn chiếm phần ưu thế so với loa nhà thờ. Tự dưng được coi cải lương, coi văn nghệ “chùa” đến 4 đêm liền, từ người lớn đến con nít xóm tôi ai cũng khoái tỉ ti, đêm nào cũng bồng bế dắt díu nhau đi hết xóm. Người đi coi cải lương ở sân lễ đài đông ken đầu, như cá kèo gộng trong thùng thiếc.

Đoàn cải lương hát trên sân khấu cách mặt đất chừng 2 thước, khán giả ngồi bệt xuống sân cát lẫn cỏ mà coi. Nhà nào ở gần thì lúc 4-5 giờ chiều đã đem chiếu ra trải giành chỗ phía trước gần sân khấu coi cho dễ. Phía trước, thường có 4-5 “chú công an” mặc sắc phục màu vàng, tay cầm cái roi mây dài chừng 1 thước đứng nhìn xuống phía khán giả. Mà dân quê tôi ngộ lắm, hễ đến đoạn nào hay, trên sân khấu đang lên cao trào thì tự dưng xúm nhau đứng hết lên, báo hại những người phía sau bị che khuất không coi được bèn la lên: “Đằng trước ngồi xuống đi”, “chú công an ơi tụi nó đứng lên kìa”. Vậy là mấy “chú công an” liền có dịp “thi hành công vụ” một cách mẫn cán bằng cách quất cái roi mây túi bụi xuống vai, xuống đầu những kẻ nào đứng lên, miệng thì hét lớn: “Ngồi xuống! Ngồi xuống!” Có lúc, các “chú” cứ quất roi, cứ la hét mà “bọn kia” vẫn ỳ ra, chỉ lo dán mắt lên sân khấu chớ hổng thèm để ý gì đến ngọn roi đang kêu tron trót, có “chú” bực tức đệm thêm um sùm: “Đ.M. tụi mày lì quá dậy! Đi coi hát mà cứ đứng lên quài làm sao đàng sau người ta coi. Ngồi xuống! Ngồi xuống!” (Viết đúng cách phát âm của các “chú”, các “chú” này bây giờ gặp lại chắc chống gậy hết rồi, không còn sức quất roi nữa).

Bây giờ, không ai thèm đi coi hát kiểu này nữa, có đem kiệu đến nhà mà khiêng chưa chắc họ chịu đi. Thiệt tình, cũng tại hồi đó dân chúng đói khát quá xá, cái gì cũng đói kể cả nhu cầu giải trí tinh thần. Sau này, tôi nghe cha tôi kể rằng có mấy ông khách công tác ở Mặt Trận đến tiệm chụp hình chơi, nói cha tôi rằng làm như vậy để thu hút dân chúng lo đi coi hát không qua nhà thờ xem lễ Giáng Sinh, “cho nhà thờ nó ế”. Không những lễ Noel mà ngày Tết Miên (Chol Chnam Thmay) cũng vậy (?!). Ối chao ơi! Ơn Chúa, hóa ra nhờ có Người mà chúng con được “nhà nước ta” tặng không cho mấy đêm biểu diễn. Coi như hồi nhỏ tôi được biết đến danh Chúa Giê-su là nhờ “nhà nước ta”. Chúa Giê-su thông qua “bàn tay” của “nhà nước ta” mà đến với tất cả mọi người, kẻ có đạo lẫn không có đạo, và tặng món quà vui vẻ đó cho mọi người.

Sau này, lúc đang học giáo lý, tôi thường nhận được những câu chúc của quý Thầy là “Bình an trong Chúa”, tôi cũng chưa hiểu hết cái ý nghĩa sâu xa của câu này, tưởng rằng đây là một câu  “phong tục tập quán” của người Kitô hữu. Kiểu như hồi xưa thì “Thánh thượng vạn vạn tuế, vạn vạn tuế”, còn bây giờ ngày Tết gặp nhau tay bắt mặt mừng, miệng nói “Vạn sự như ý”, “Cung hỉ phát tài”, “Nhất phàm phong thuận”, “Nhất bản vạn lợi”… vậy mà.

Con người ta ai mà không có những nỗi sợ hãi riêng. Hồi nhỏ thì sợ ma, sợ chuột, sợ thằn lằn… Lớn một chút thì sợ thi rớt, sợ hổng ai chơi với mình, sợ thất nghiệp, sợ phá sản, sợ không nuôi nổi gia đình, sợ bệnh nan y, sợ tù tội, sợ chết, v.v… Nhưng một khi đã hiểu thấu được rằng “Kẻ thất bại chính là những kẻ đang đứng trước mặt chúng ta nói năng lung tung, đặt điều dối trá, la hét, giận dữ, vung gươm bạo lực…” vì bất lực trước một ý chí không khuất phục. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm, và khi làm xin Chúa giúp cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa!”. Vậy là đủ cho chúng ta có được cái thần thái ung dung tự tại, vì ngay trong sự thử thách chúng ta phải chịu đựng, phải vượt qua cũng là ơn Chúa. Chính lời Chúa mới đem đến cho chúng ta sự bình thản im lìm như đáy biển sâu, tâm hồn ta mới thật sự bình yên giữa lúc mặt đại dương đang thét gào cuồn cuộn sóng. Sau bao nhiêu lần bị “nhà nước ta” khủng bố, cướp đoạt giấy tờ, tài sản, đe dọa sự sống… lại cũng nhờ ơn Chúa, giờ thì súng đạn của quân dữ có bắn bên tai cũng không làm lay động được tôi chút nào, đó mới thật sự là “Bình an trong Chúa.” Thiên Chúa không đem chúng ta đặt vào giữa một cái lô cốt bê-tông để bảo vệ ta, mà Chúa cho tâm hồn ta sự thản nhiên, bình lặng trong cơn sóng gió hung tàn, đó mới thật sự là bình an vĩnh cửu.

Từ giữa tháng 11 năm nay, nhà thờ Kỳ Đồng đã rộn rịp chuẩn bị cho công việc trang trí đón mừng Chúa Giáng Sinh. Ngoài sân nhà thờ, phía bên phải ngôi thánh đường (trước mặt nhà sách) đã được bày biện, mô tả một Thiên Chúa Giáng Sinh khác hẳn truyền thống thông thường. Một cái ao nhân tạo được tạo thành. Trên mặt ao có cầu khỉ, có cây cối lúp xúp, có những mái nhà lá dừa nước ngập lúp xúp trong nước chỉ thấy phần mái nhà (giống như hình ảnh những ngôi nhà đang lũ lụt ở miền Trung). Trên một chiếc xuồng ba lá nhỏ, thánh Giuse với đôi mắt đen và bộ râu quai nón quen thuộc đứng ở cuối xuồng, nhưng mình mặc bộ quần áo bà ba vải nâu, vai vắt cái khăn rằn, đầu đội nón lá, hai tay cầm cái sào tre trong tư thế đang chống xuồng đi. Đức Mẹ với gương mặt quen thuộc đẹp rạng rỡ lại bận áo bà ba xanh da trời, quần bà ba đen, đầu và vai vấn chiếc khăn rằn ngồi bên chân thánh Giu-se, tay đang bế Chúa Hài Đồng mặc bộ bà ba trắng. Đúng là hình ảnh đầm ấm của một gia đình miền Tây Nam bộ chính hiệu, mà lại là “dân” miệt An Giang, Đồng Tháp nữa, chớ xứ Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… thì không có mùa nước nổi để làm cho ngôi nhà chìm trong nước chỉ còn phần mái lá. Trên cầu khỉ, trên các lùm cây nhô lên khỏi mặt nước, là những thiên thần, mục đồng mặc đồ bà ba trắng đang đến vây quanh tung hô Chúa Hài Đồng.

Phải rồi, Thiên Chúa Giáng Sinh ở Sài Gòn, Thiên Chúa của người nghèo và những kẻ bất hạnh, tất nhiên cũng phải giáng sinh trên một chiếc xuồng nhỏ rách nát trên mặt nước, giữa lũ lụt cơ hàn, để san sẻ nỗi bất hạnh của con chiên của Người. Quà tặng thiêng liêng nhất của lễ Giáng Sinh năm nay ở Sài Gòn là một Thiên Chúa cùng chia sẻ nỗi đau lũ lụt của những người dân thấp cổ bé miệng nghèo khó ở miền Trung, mà nguyên nhân do thiên tai thì ít mà nhân tai thì nhiều. Giáng Sinh năm nay, tôi cũng muốn gửi đến tất cả các bạn món quà vô giá của Thiên chúa: “Emmanuel! Bình an trong Chúa!”.

Sài Gòn, ngày 23/12/2010

Tạ Phong Tần

https://taphongtan.wordpress.com/2010/12/23/2946

Một suy nghĩ 1 thoughts on “QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.