Bài đã đăng báo Người Việt ngày 10/4/2016
– Lãnh đạo phân công vậy thì tôi làm như vậy. – Ông Cống nói. – Người ta bảo có người xúi giục, giật dây, phản động, nhưng tôi nghiên cứu hồ sơ thấy có gì đâu. Chẳng hạn như vụ quận… và quận… (ông Cống kể tên ra một thôi dài mà tôi nghe xong thì quên rồi) ban đầu đề xuất khởi tố ra lệnh bắt hết, bảo là để trấn áp. Tôi nhận hồ sơ xong tôi không đồng ý, tôi đề xuất xử lý hành chính hết. Dân mất đất mà sao phải làm ra nặng nề như vậy. Vụ của chị nữa, tôi cũng có đọc một số bài viết của chị, không đọc hết tất cả, tôi thấy chị không nói gì sai, có điều chị nói sớm quá thôi.
– Tôi không thể không nói. Điều gì cần nói tôi cũng đã nói, điều gì cần làm tôi cũng đã làm. Lúc cần nói không nói, lúc cần làm không làm. Đợi chục năm nữa già quá rồi, biết đâu tôi chết rồi làm sao làm được nữa. – Tôi nói.
– Chị còn trẻ lắm làm sao mà chết được. Tôi già hơn chị tôi vẫn chưa chết được mà. Nếu tôi có quyền thì tôi không bắt giam chị, hoặc đã bắt rồi tôi cũng giam vài tháng rồi xử lý hành chính, chị có đồng ý không? – Ông Cống nói.
– Không! – Tôi trả lời rất nhanh.
– Sao vậy? Xử lý hành chính mà chị cũng không chịu sao?. – Ông Cống hỏi.
– Thì như anh mới nói đó. Tôi không viết cái gì sai, tại sao tôi lại chấp nhận xử lý hành chính? Vài tháng tù à? Một ngày cũng không được. Đó là uy tín, danh dự cá nhân tôi. Cho dù một ngày cũng là tù, là có tiền án, tiền sự. Tôi là người hiểu biết pháp luật, anh cũng vậy, nên anh thừa hiểu những điều tôi nói, tôi không sai tại sao tôi phải chấp nhận có tiền án, tiền sự một cách vô lý như thế được. Thà tôi cứ ngồi tù, ở tù như tôi là hãnh diện, chẳng có gì xấu hổ cả. – Tôi nói.
– Nhưng mà chị đang là người phạm tội. Cơ quan điều tra khẳng định là chị có tội. – Ông Cống nói.
Tôi trả lời chậm rãi, nhấn mạnh từng tiếng:
– Căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành, tôi không cho là tôi phạm tội. Bạn bè tôi không cho là tôi phạm tội, cả thế giới văn minh không ai coi là tôi phạm tội, người dân Việt Nam cũng không cho là tôi phạm tội. Còn nhà nước Cộng Sản Việt Nam lại bị cả thế giới văn minh coi là tội phạm khủng bố. Tôi hỏi anh, giữa tôi và nhà nước Cộng Sản Việt Nam này, ai vinh dự hơn ai?
– Tôi vẫn không muốn bắt giam chị. Sau này nếu chị được thả ra thì chị còn viết những bài như thế này nữa không? – Ông ta hỏi.
– Theo ý anh thì tôi còn viết nữa không? – Tôi mỉm cười hỏi lại.
Ông ta nhìn tôi, nói:
– Vẫn viết, với tính cách của chị thì tôi cho là chị vẫn tiếp tục viết. – Ông Cống nói.
– Anh nói rất đúng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu cái xã hội này vẫn còn đầy dẫy sự bất công, vẫn còn cái kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ,” vẫn còn cái kiểu dốt mà ngồi trên đầu trên cổ quần chúng ăn hại đái nát thì tôi vẫn còn viết. – Tôi nói.
– Bây giờ thì chưa được, ít ra cũng phải thêm chục năm nữa xã hội Việt Nam mới từ từ có sự thay đổi. Chị làm sớm quá thì phải chịu hậu quả như thế này. – Ông Cống nói.
– Tôi không chờ được. Tôi chấp nhận hậu quả đó là gì. Nếu tôi không đốt lên ngọn lửa đầu tiên thì làm sao tạo nên đám cháy? Phải có người đốt ngọn lửa đầu tiên chứ. – Tôi nói.
Ông ta lại nói:
– Quê tôi ở Hưng Yên. Bà nội tôi là người rất cổ. Tên tôi do bà nội đặt. Cống là ông nghè, ông cống ngày xưa đó, chị biết cái từ ông nghè ông cống không? (Tôi trả lời: “Biết, xứ anh nhãn lồng ngon nổi tiếng”). Bà nội tôi nghĩ đặt tên như vậy là đẹp, chớ Cống không phải là cống rãnh đường xá gì đâu. Tôi cũng định xin nghỉ hưu sớm, nhưng bà nội tôi còn sống khỏe mạnh ở quê, bà cứ nghĩ làm việc như tôi là có chức vụ, danh giá to lắm, tôi mà nghỉ làm thì bà rất buồn, rất thất vọng.
Tôi nghe ông ta ngồi giảng giải cái tên ông ta mà không nín được cười. Ông ta lại bắt sang nói chuyện vợ con, có thằng con đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, mà nó cũng học giỏi. Tôi hỏi:
– Con trai anh giỏi môn tự nhiên hay xã hội?
– Môn tự nhiên. Bà nội nó muốn nó theo nghề của tôi. – Ông Cống nói.
– Vậy nó có thích theo nghề của anh không?. – Tôi hỏi lại.
– Nó không thích. Vậy theo ý chị thì tôi nên cho nó học ngành nào? – Ông Cống hỏi.
Dĩ nhiên tôi không muốn công an lại có thêm một thằng nhãi ranh lao đầu vào như thiêu thân lao đầu vào lửa, phí phạm cả đời, nhưng tôi không nói toạc ra, mà trả lời:
– Vậy nó thích làm nghề gì anh cứ cho nó làm nghề đó, nghề nào phù hợp với năng khiếu, sở trường, sở thích của nó. Bắt ép nó làm chuyện nó không thích thì không bao giờ có thể làm tốt được, không phát triển được. – Tôi nói.
– Chị nói đúng. – Ông Cống nói. – Cô giáo của nó cũng nói giống y như chị vậy.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)
Đọc bài này thì hiểu ra, ở các nước Cộng Sản còn tệ hơn thời phong kiến. Dám nghĩ trước nhà cầm quyền, dám học trước, nói trước, làm trước đều là có tội.
ThíchThích