Bài đã đăng báo Người Việt ngày 27/1/2016
Trong cái nơi mà người dân nghĩ rằng sẽ đem lại công lý, bình đẳng cho họ thì chính tại đây, những con người đang ngày đêm “thực thi công lý” cho xã hội lại phải hứng chịu đầy dẫy bất công, uất nghẹn trong lòng không nói được.
Chuyện hạ bệ lẫn nhau để tranh giành địa vị xảy ra như cơm bữa, moi móc đời tư, moi móc công việc để hạ uy tín lẫn nhau. Từ chuyện của người ta, tôi rút ra bài học là không bao giờ hé môi chuyện riêng của mình với bất cứ ai, cảnh giác với địch không quan trọng bằng cảnh giác với đồng đội, địch chưa giết mình chết chớ đồng đội nó giết mình như chơi.
Có lần, đơn vị tôi thụ lý điều tra vụ án các đệ tử bà Thanh Hải Vô Thượng Sư hành nghề mê tín dị đoan. Trong mắt tôi, họ thật là mê muội, cuồng tín một cách ngớ ngẩn, ngu ngốc. Nếu họ theo đạo Phật, Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo thì còn hiểu được vì đây là những tôn giáo có truyền thống lâu đời dạy người ta điều hay lẽ phải, còn đằng này cái đạo của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư tôi xin phép “miễn bình lựng,” không thể chấp nhận được. Khi làm việc với những người này, với vai trò Điều tra viên, tôi là người có quyền quyết định vận mệnh của họ trong tay, tôi muốn họ tội nặng hay tội nhẹ chỉ cần vài câu, vài thủ thuật nhẹ nhàng trong biên bản là xong. Làm nghề điều tra, mà là điều tra giỏi thì ác hay không là ở chỗ đó, không cần đánh đập chi cho mệt, giết người bằng ngòi bút chớ không phải giết bằng súng ống, gươm đao. Tôi là kẻ có vị thế ở trên, họ là kẻ dưới, vậy mà sau vài lần gặp gỡ, tôi cảm nhận được rằng tôi thua họ chớ không phải họ thua tôi. Chính thái độ bình thản, phó thác, tin tưởng và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của họ làm tôi thấy mình là người thua cuộc, tôi không có cách gì lay chuyển họ “thôi cuồng tín” dù tôi hơn hẳn họ về tất cả mọi mặt, cả về sức mạnh quyền lực nhà nước mà tôi đang đại diện lẫn trình độ kiến thức. Trong khi tôi luôn luôn căng thẳng đầu óc khi bước vào nơi làm việc, cảnh giác với tất cả những người được gọi là “đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, đồng liêu,” thì bọn họ mới an nhiên tự tại, thanh thản làm sao. Là một điều tra viên luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp công nhận tay nghề giỏi, chưa bao giờ chịu bó tay trước bất cứ vụ án nào, giờ đây tôi cảm thấy mình bất lực và thua cuộc. Tôi thèm có được một tâm hồn bình an như họ mà không được, cảm thấy đời mình sao bất hạnh ê chề, mình phấn đấu vì cái gì khi suốt ngày phải sống giả dối, cúi đầu trước kẻ mình khinh, cười vui với kẻ mình ghét, vui mừng không dám cười, đau khổ không dám khóc, che giấu ý nghĩ thật của mình dưới chiếc mặt nạ thản nhiên.
Chán quá, tôi đã nghĩ tới chuyện bỏ nghề, cơ quan cho cán bộ đi học cái gì ngoài ngành tôi cũng đều xung phong đi học hết. Cán bộ nhà nước phần lớn “con cháu các cụ cả,” không biết làm tới tháng cũng lãnh lương đều đều, có ai dám đuổi việc đâu. Nên họ có tâm lý sợ đi học thêm nhiều, bởi lẽ họ quan niệm “biết nhiều phải làm nhiều, không biết không phải làm mà người khác sẽ làm,” nên cái sự đi học ở cơ quan mọi người đều tích cực nhường hết cho tôi.
Vì vậy, năm 1997, tôi là một trong số khoảng chục người đầu tiên biết sử dụng computer của Công an tỉnh Bạc Liêu. Cho đi học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tôi cũng đi luôn không từ chối. Năm 1999 tôi tự mình kiếm thầy học tiếng Trung Quốc định sau này lên Sài Gòn đi làm hướng dẫn du lịch. Học suốt một năm, bỏ tiền túi ra lên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn thi lấy cái chứng chỉ ngoại ngữ rồi đem về… để đó, chưa có cơ hội nào bỏ đi.
Lâu ngày chầy tháng, tôi mới biết rằng tất cả các cơ quan nhà nước đều “kiêng kỵ” tiếp xúc với báo chí, nhất là mấy thằng, mấy con nhà báo hay dòm ngó chuyện tiêu cực. Mà không, phải gọi là tiêu sướng mới đúng, trong khi hàng đống người cũng cán bộ nhà nước mà cơm ngày hai bữa cũng thiếu trước hụt sau, còn những kẻ lấy tiền dân, lấy tiền công quỹ xài thoải mái mà không hề bị làm sao thì “sướng” chớ “cực” nỗi gì.
Nhưng mà tánh tôi lì lợm, không chịu né tránh bọn nhà báo, lại còn chơi bời qua lại với bọn họ và tập tành viết lách nữa. Mình cứ sống “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” đi, sao lại phải sợ bọn nó chớ. Cũng vì lý do này mà lãnh đạo cơ quan vừa cần tôi để làm việc cho họ, mà cũng không ưa tôi do tôi biết quá nhiều bí mật đơn vị lẫn bí mật đời tư của các vị.
Phụ trách công việc tham mưu tổng hợp cơ quan an ninh điều tra, tất cả các vụ án đơn vị thụ lý đều phải qua tay tôi, báo cáo lãnh đạo cũng phải có mặt tôi ngồi nghe, tôi muốn biết thêm điều gì ngoài báo cáo của điều tra viên thì tôi có quyền hỏi tới, và cái “phương hướng tới” của điều tra viên cũng cần có ý kiến “tham mưu” của tôi. Một người có thể làm điều tra viên nhưng không biết làm công tác tham mưu, nhưng đã là tham mưu giỏi của cơ quan điều tra thì làm điều tra viên dễ như húp cháo.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)