
Tác giả: Brian Vu-Khanh Nguyen; Tạ Phong Tần đăng lại toàn văn bài viết
Một bài viết nhận định về hồi ký ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI rất tuyệt vời. Xin cám ơn anh Hai Vũ Khánh.
Tạ Phong Tần đăng lại trên blog Sự Thật và Công Lý và trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc gần xa. Lần sau có tái bản nhất định phải dùng bài viết này làm Lời Giới Thiệu tác phẩm.
Dưới đây là toàn văn bài viết:
Hôm nay tôi cùng song thân vui mừng đến tham dự buổi ra mắt sách “Đứng Thẳng Làm Người” của tác giả Tạ Phong Tần, một anh thư can trường.
Đây là một quyển sách quý cho những ai muốn dấn thân vào con đường tranh đấu cho Việt Nam và là một bằng chứng sống động về chế độ lao tù tàn bạo, khắc nghiệt, vô nhân của Việt cộng tại quốc nội. Quyển sách này có thể được sử dụng như một cẩm nang khi phải đối đầu với nhà tù CS.
Như lời tự hứa với mình, tôi đã đọc hết quyển sách này trong 2 đêm. Tôi đã cố gắng, nhưng không thể đọc một mạch như dự định vì quyển sách khá dày, 626 trang, và chữ hơi nhỏ, với lý do tác giả không muốn phải in ra thành 2 quyển, khi tôi dạo này đã phải dùng đến kiếng để đọc sách.
Trước hết tôi xin chúc mừng tác giả đã hoàn tất tác phẩm này và cũng hết lòng cám ơn tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm vô giá của mình, thu thập trong 1474 ngày lao tù, tranh đấu với CS tại quốc nội.
Tôi không dám làm mất đi sự thú vị của các bạn độc giả khi đọc sách nên chỉ dám trình bày một cách sơ lược thiển ý của tôi.
Về tác giả
Tôi có thể nhận ra rất dễ dàng tác giả là một người có tinh thần thép, qua những màn đấu trí hết sức ngoạn mục với những tên điều tra viên hay quản giáo. Tác giả là người có một trí nhớ tuyệt vời khi có thể kể lại rất chi tiết những gì đã xảy ra trong hơn 1000 ngày lao tù. Tác giả là một người can đảm, có khí tiết. “Đời tôi chưa biết sợ thằng nào, con nào đâu. Càng dùng thủ đoạn bẩn thỉu thì tôi càng căm thù, càng quyết tâm hơn.” (trang 87). Tác giả cũng là một người rất dí dỏm, khi “thỉnh thoảng tôi vẫn kiếm chuyện gây sự với bọn trực trại chửi chúng nó giải trí” (trang 601).
Ba yếu tố quan trọng mà một người dấn thân vao con đường đấu tranh với bạo quyền phải có:
Chúng ta phải hiểu rõ kẻ thù, từ bản chất đến những thủ đoạn bẩn thỉu. “Tất cả chuyện bẩn thỉu, đê tiện, bỉ ổi nhất mà thiên hạ không ai dám làm thì bọn Cộng Sản đều làm tuốt” (trang 2). Với chỉ một câu ngắn gọn, tác giả đã chỉ rõ cái bản chất của CS.
Chúng ta cần hiểu rõ luật pháp của CS để có thể dùng nó đập lại CS, bảo vệ mình. “Căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành, tôi không cho là tôi phạm tội” (trang 92). Chính những hiểu biết này giúp ta không thỏa hiệp khi bị áp lực.
Chúng ta phải có tinh thần bất khuất, không khiếp sợ CS kể cả khi phải đối mặt với cái chết. “Di chúc tôi cũng viết rồi” (trang 91). Điều này giúp ta vững tin, luôn có sự chuẩn bị, không lùi bước.
Hai điều tôi thích nhất về tác giả:
Tác giả đã nhận ra sự sai lầm của hệ thống cộng sản. “Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi đã bỏ phí mười mấy năm tuổi trẻ phục vụ, hy sinh cho một lý tưởng không có thật” (trang 91). Cho đến tận bây giờ, không ít bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn còn tin rằng đảng CS là đúng, chỉ có cấp thừa hành là sai. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ về sự dối trá, sai lầm của CS, chúng ta mới có thể minh định con đường mình đi và sẽ đi một cách trọn vẹn, không nửa vời.
Tác giả là một người có tấm lòng nhân ái ngay khi đang phải sống trong hoàn cảnh đối mặt với những hà khắc, đọa đày trong lao tù CS. Tác giả nhớ nhất bài Kinh Hoà Bình trong đó có câu “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (trang 25)
Vài điều mà tôi muốn chia sẻ với tác giả:
Tôi thành thật chia buồn cùng tác giả trước sự qua đời thương tâm của thân mẫu. Xin Thiên Chúa đón linh hồn cụ về bên Ngài.
Trong giờ phút đau buồn nhất, tác giả vẫn rất tỉnh táo nhận ra mưu chước và sự khốn nạn của CS khi thông báo sự qua đời của thân mẫu chỉ vài ngày trước phiên toà sơ thẩm nhằm lung lạc, làm mất tinh thần của tác giả “bọn CS này phải trả giá cho dù tôi có chết cũng không uổng phí một kiếp người” (trang 142). Đây là một lời nhắc đanh thép dành cho tất cả chúng ta khi mà còn mấy ai trong chúng ta ngày nay nhớ đến tội ác CS đã và vẫn đang gây ra cho dân tộc này trước và sau ngày mất nước? Rất nhiều người nay đã quên hết, chối bỏ cả căn cước tị nạn, hàng năm vẫn áo gấm về làng, ăn chơi, hưởng thụ trên nỗi đau, nỗi nhục của cả một dân tộc.
Câu hỏi cho tác giả:
Tôi thấy thú vị khi tác giả chia sẻ về “hệ thống ký tự riêng” (trang 134) của tác giả.
Đây là cách mà tôi thấy rất hay. Chúng ta có thể viết những gì chúng ta cần mà Việt cộng không thể nào hiểu. Vì là một người làm việc trong ngành điện toán lâu năm, cách này giống như ta mã hoá và chỉ có ai hiểu luật thì mới giải mã được. Nếu có cơ hội, tôi sẽ xin tác giả cung cấp một vài ví dụ nho nhỏ.
Một lần nữa tôi xin chúc mừng tác giả Tạ Phong Tần và hết lòng cám ơn tác giả đã chia sẻ quyển sách này đến với độc giả gần xa và xin chúc tác giả thành công trong lần ra mắt sách và hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục được đón nhận những tác phẩm khác trong một tương lai không xa.
Xin hân hoan và trân trọng giới thiệu “Đứng Thẳng Làm Người” đến bằng hữu gần xa và hãy cùng nhau “Đứng Thẳng Làm Người”.
Tác giả: Brian Vu-Khanh Nguyen
(Westminster)
Tạ Phong Tần hồi đáp tác giả bài viết:
Comment 1: Bài viết của anh Hai rất tỉ mỉ, chi tiết và thú vị. Muốn biết ký tự riêng thì phải lỏm bỏm được 3 ngoại ngữ: Anh, Hoa, Nga. Ký hiệu toán học, sinh học, hoá học… đều tận dụng hết. Từ nào đồng nghĩa tiếng Việt mà ngắn thì ta dùng chữ đó. Thậm chí viết chữ Hoa mà bỏ dấu tiếng Việt luôn.
Thí dụ: chữ nhân (人) thêm dấu sắc thành “nhấn”, thêm dấu ngã thành “nhẫn”, thêm dấu nặng thành “nhận”… (gần giống kiểu viết chữ Nôm của VN) chữ trung (中) viết lại thành kiểu khoanh 1 vòng tròn và thêm nét sổ đứng chính giữa… v.v…
Comment 2: Tiếng Hoa, đặc biệt là chữ phồn thể (Đài Loan đang dùng), rất hay, rất ý nghĩa, mang tính triết lý và nhân văn cao. Nó là chữ tượng hình, nếu ta chịu khó chiết tự chữ đó ra để hiểu tại sao người xưa viết như vậy thì thấy dễ hiểu, dễ nhớ, dễ viết.
Thí dụ:
Chữ nhân (人) này chỉ người (cụ thể), còn chữ nhân trong nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn… (仁) gồm có chữ nhân đứng bên trái, chữ nhị bên phải, tức là mối liên hệ giao tiếp xã hội với nhau thì cần phải có ít nhất là 2 người. Chữ lợi (利) bên trái là chữ hoà (lúa mạch), bên phải là bộ đao (dao), cầm dao cắt lúa tức là thu hoạch -> lợi. Chữ nam (男) là người đàn ông, dưới là chữ lực, trên là chữ điền, thời xưa kinh tế nông nghiệp, đàn ông có sức khoẻ gắn liền với nghề nông. Chữ dũng (勇) là chữ nam trên đầu có chữ đao nhỏ -> đàn ông cầm vũ khí giơ lên chiến đấu là dũng. Chữ nghĩa (義) gồm bộ dương ở trên (dương gian -> xã hội), chữ ngã (tôi) ở dưới, đặt quyền lợi xã hội lên cá nhân là nghĩa (đại nghĩa diệt thân, nghĩa bất dung tình)…. Do đó, ngày xưa học chữ Nho người ta bảo là “Học chữ của Thánh hiền” quả ko sai.
– Chữ giản thể Tàu + xài ở Trung Quốc đại lục bây giờ bị đơn giản hoá, viết nhanh hơn nhưng ko thể chiết tự được, mất đi cái ý nghĩa sâu xa thâm thuý của chữ.
– Các trường dạy tiếng Hoa bây giờ họ ko dạy chiết tự, ko dạy đọc kiểu Hán Việt, mà chỉ dạy cách đọc theo phiên âm, cũng ko giải thích tại sao phải viết như vậy nên học trò thường dễ quên mặt chữ, thấy rất rối rắm.
Thí dụ: chữ nhân (人) họ ko nói với anh đây là chữ nhân, mà chỉ dạy đây là chữ “Rén”.
– Cách chiết tự chữ Hán này do em tự học từ các sách xưa xuất bản ở miền Nam trước 1975.
Comment 3: Xem thêm video:
-:-:-
Link gốc bài viết: