
Quý vị nào đã từng đọc Facebook của Tạ Phong Tần hẳn nhớ trước đây tôi đã từng kể chuyện “lừa dối quỷ dữ có tội hay không?”. Bỏ công tìm lại status đó mất thời gian hơn là viết lại, cho nên tốt nhất là viết lại, câu văn có khác nhưng nội dung không có gì thay đổi. Chuyện là như vầy:
Tôi học giáo lý tại nhà thờ Kỳ Đồng, Sài Gòn. Thời gian học sáu tháng. Buổi học cuối, cha linh hướng dạy chúng tôi về bí tích giải tội và nghi thức xưng tội để chuẩn bị tuần sau quý thầy phụ trách lớp giáo lý tổ chức lễ rửa tội cho chúng tôi. Tôi đã hỏi cha linh hướng như sau: “Lừa dối quỷ dữ có phạm tội không?”. Cha linh hướng không trả lời thẳng câu hỏi, mà nói như thế này: “Nếu có ai đó thấy chị có tiền, họ hỏi mượn tiền chị, chị cho mượn, sau đó họ hứa trả nhưng không trả. Họ thấy chị đang có tiền lại hỏi mượn tiếp, thì chị có quyền trả lời là “Tôi không có tiền”. Đó không phải là nói dối, mà là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình trước kẻ xấu”. Tôi nói: “Con cám ơn cha. Nếu cha mà trả lời có tội thì tuần sau con không rửa tội nữa. Ngày nào con cũng lừa dối quỷ dữ”.
Sống trong chế độ cộng sản, mỗi ngày phải đối mặt với nhà cầm quyền gian ác hơn cả quỷ dữ, để tự bảo vệ mình thì lừa dối cộng sản mỗi ngày chẳng có gì sai cả. Có ý kiến cho rằng: Người sống ở Việt Nam mỗi khi làm giấy tờ, đơn từ đều phải viết câu “Độc lập- Tự do – Hạnh phúc” là đã phạm tội lừa dối rồi, nên bảo người Việt quốc nội đều sống dối trá không sai. Người không hiểu giáo lý Công giáo, chưa từng đọc lời Chúa thì có thể phát biểu câu ấy được, bởi vì họ không hiểu như thế nào là phạm tội nói dối theo giáo luật Công giáo. Nhưng một người có đạo mà phát biểu như vậy tôi khuyên họ nên đi học lại sáu tháng giáo lý Công giáo cho đầu óc sáng suốt ra.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến cha Chân Tín. Thời gian tôi ở Sài Gòn, mỗi ngày tôi đều giúp cha Chân Tín đánh vi tính lại một bài viết tay của Ngài để gởi email cho các website hải ngoại. Vì vậy, tôi chứng kiến không ít lần có người vô gặp cha nói rằng: “Cha giúp dạy giáo lý nhanh cho vợ (chồng) sắp cưới của con, đến ngày… thì tổ chức đám. Chúng con biếu cha….” Cha Chân Tín gạt phắt ngay: “Tôi dạy giáo lý là muốn các anh chị hiểu lời Chúa, chớ không phải dạy cho có để các anh chị hợp thức hóa lễ kết hôn. Các anh/ chị là người có đạo thì phải hiểu rõ, nếu muốn kết hôn thì phải lo việc này từ trước, đừng đặt tôi vào việc đã rồi. Quà của anh/chị tôi dám nhận.” Khi tôi hỏi “Anh/ chị đã đọc hết Tân Ước chưa? Đọc được bao nhiêu lần?”, có người rất thành thật đã trả lời rằng: “Vì gia đình tôi là đạo gốc nên tôi cũng theo đạo từ nhỏ chớ tôi chưa đọc Tân Ước lần nào”. Cho nên, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy có những người tự xưng là Công giáo nhưng lại hiểu rất mù mờ về lời Chúa cũng như mù mờ về việc nhận thức như thế nào là phạm tội chiếu theo giáo luật Công giáo.
Nếu ai nghĩ rằng người Công giáo cứ thản nhiên phạm tội rồi đi nhà thờ xưng tội thì hết tội, rồi sau đó lại tiếp tục phạm tội để cứ tiếp tục xưng tội. Suy nghĩ đó thật sai lầm. Chiếu theo 10 điều răn và 7 điều cấm, cùng giải thích rõ ràng chi tiết của giáo luật Công giáo, tín hữu nào nhận thức được mình có tội thì phải xưng tội và sau đó phải đọc kinh ăn năn tội, làm việc chuộc tội thì mới được sạch tội, chớ không phải vô nhà thờ gặp linh mục nói ba điều bốn chuyện rồi đấm ngực “Lỗi tại tôi” là xong, phẻ re.
Thí dụ 1: Phạm tội ăn trộm thì làm việc chuộc tội là phải trả lại cho khổ chủ tài sản mình đã ăn trộm. Nếu lỡ đem bán, tiêu xài hết, làm hư hỏng, thì phải đền bù cho khổ chủ đúng giá trị tài sản đó, xin lỗi khổ chủ. Phải chuộc lỗi bằng cách giúp đỡ người khác, làm các việc thiện trong khả năng của mình. Và không được tái phạm cùng một lỗi ấy nữa. Đọc bao nhiêu lần kinh ăn năn sám hối, đọc kinh gì thì khi xưng tội linh mục giải tội sẽ bảo tùy từng trường hợp cụ thể. Như vậy, mới được coi là sạch tội.
Thí dụ 2: Bỏ lễ ngày Chủ nhật là phạm tội trọng, nhưng nếu bạn bỏ lễ vì đau ốm, tai nạn, hư xe trên đường, không biết lái xe mà không có ai giúp chở đi, hoặc ở tù (như tôi), nói chung là lý do khách quan bất khả kháng, thì không hề phạm tội. Có lần, tôi đi lễ Chủ nhật, nghe một người hỏi rằng: “Con rất muốn đi lễ mà con không biết lái xe, kêu mấy đứa nhỏ ở nhà chở đi chúng làm biếng không chịu chở đi, vậy con có phạm tội không?”. Linh mục trả lời: “Bác không phạm tội, nhưng con/cháu bác thì có thể đã phạm tội.”
Có lần, tôi xưng tội vào dịp cuối năm, trước lễ Giáng sinh. Tôi nói: “Thưa cha, chiếu theo 10 điều răn và 7 điều cấm thì con không phạm vào điều nào. Nhưng mà con chửi và nguyền rủa Việt cộng nhiều quá. Vậy có phạm tội không?”. Cha trả lời rằng: “Chị có tin vào đức nhân của Đức Mẹ không? Nếu chị tin, mỗi ngày chị đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho Việt cộng sớm quay về với Chúa và không làm điều ác nữa”. Ha ha ha…
Giáo luật Công giáo cũng quy định: Linh mục mới được quyền thay mặt Chúa thực hiện bí tích xưng tội, giải tội. Còn Ma Soeur không có quyền này. Linh mục không được quyền tiết lộ bí mật xưng tội của con chiên, nếu vi phạm thì phải bị tuyệt thông đời đời, đó là một hình phạt rất nặng đối với người có đạo Công giáo. Công giáo quan niệm nam giới nghe bằng hai tai, phụ nữ nghe bằng hai tai nhưng chạy ra đằng mồm, nên đó là lý do phụ nữ không được phong linh mục.
Người Việt từ xưa đã quan niệm: Người kẻ chợ thường điều ngoa gian trá, người sống nơi nông thôn ít người qua lại, sơn lâm cùng cốc, tự sản tự tiêu bằng sản phẩm nông nghiệp do chính họ làm ra, càng xa xôi hẻo lánh thì càng thật thà như đếm. Bởi lẽ, ở những địa phương đó họ không cần phải buôn gian bán lận, không cần lừa gạt ai để lấy tài sản người khác mà sinh sống.
Người tín hữu Công giáo ở ven biển miền Trung, ngày ngày ra khơi kiếm sản phẩm biển để mưu sinh, đổi công sức lao động của mình để lấy cái ăn cho bản thân và gia đình họ. Họ không cần phải lừa dối ai để mưu sinh. Nếu có lừa dối thì chỉ một số ít người buôn bán cân điêu, cá ươn lại bảo rằng cá tươi. Lỗi đó không nặng tói mức không được rước lễ.
Khi tôi còn ở Sài Gòn, có vài lần tôi đi lễ chung với vợ chồng Nguyễn Thị Mỹ Nghệ-Lê Kiêm Toàn. Toàn là người gốc Nam Định, tu xuất, gia đình đạo gốc. Nghệ là con liệt sĩ Việt cộng ở Tây Ninh, mẹ cũng là cán bộ Việt cộng, thập niên 2000 do trình độ kém quá, Việt cộng không còn lợi dụng vấn đề gạo củi, nuôi nấng bọn núp hầm nữa nên bà mẹ bị thất sủng. Nghệ chỉ là đạo theo (khi lấy chồng). Tôi ngạc nhiên khi thấy lúc nào vợ chồn họ cũng nói lời Chúa trên miệng nhưng vợ chồng họ đi lễ thì Toàn không rước lễ. Sau này, tự tôi nghĩ ra: Vợ chồng họ đã cấu kết với an ninh Việt cộng vu cáo, hãm hại tôi gây rối trật tự công cộng nhằm bắt tôi vào tù, nhưng âm mưu bẩn thỉu của chúng không thành công vì lần đó tôi được sự giúp đỡ của cha Thoại và một số anh em DCCT Sài Gòn. Toàn còn biết sợ Chúa mà không dám rước lễ, còn Nghệ mặt dày và chưa bao giờ cầm quyển Tân Ước lên đọc nên thản nhiên rước lễ như không có chuyện gì xảy ra. Quý vị cần tìm hiểu chi tiết về vợ chồng Nghệ -Toàn đã câu kết với Việt cộng bán đứng bạn bè (là tôi) cho Việt cộng như thế nào, mời đọc loạt bài (từ dưới lên trên) ngay lại blog này, ở chuyên mục “Lấy oán trả ân“.
Quý vị muốn hiểu kỹ hơn về việc phạm tội nào thì không được rước lễ, mời đọc chi tiết các linh mục Công giáo giải thích tại link này.
Việt Cộng không dám công khai dùng lực lượng chính quy tấn công hai giáo xứ của cha Thục và cha Nam (dám kiện Formosa) nên chúng phải dùng lực lượng dư luận viên cờ đỏ, dùng bạo lực bao vây, tấn công giáo xứ, còn đám an ninh côn đồ núp phía sau trực tiếp chỉ huy đám bò đỏ này (theo kế hoạch của Bộ côn đồ). Cả thế giới điều biết rằng: Cộng sản là những kẻ vô liêm sĩ, việc gì hèn hạ bẩn thỉu nhất, việc gì thiên hạ không ai dám làm, thì cộng sản đều dám làm tuốt luốt, để bảo vệ sự an toàn cho chế độ độc tài của chúng ngồi trên đầu trên cổ dân đen.
Đừng ngoa ngôn xảo ngữ rằng người Công giáo ở Việt Nam sống dối trá, ngày nào cũng nói láo để sống. Nếu Việt cộng cũng cho người la làng lên rằng tín hữu Công giáo sống dối trá, đi kiện cũng là bịa đặt dối trá để kiếm lợi, để “danh chính ngôn thuận” tổ chức quy mô tấn công giáo xứ thì sao? Thật là tội lỗi, tác hại nguy hiểm cho người dân quốc nội không lường trước được. Hãm hại người bằng cách bịa đặt điêu ngoa gian trá tội lỗi xấu xa gán ghép cho người vô tội (nhằm thỏa mãn ý đồ riêng) thì tội đó mới là tội nặng đáng sa hỏa ngục đời đời vậy.
Maria Tạ Phong Tần