XAO XÁC CÁNH CÒ


Nhắc đến xứ Bạc Liêu, người ta không chỉ biết đến vùng đất này vì cái tên Công tử Bạc Liêu nổi tiếng ăn chơi hào phóng, mà còn nhờ vào địa danh sân chim Bạc Liêu. Xứ Bạc Liêu luôn được gắn với thành ngữ “cò bay thẳng cánh, chó chạy cúp đuôi” hay hình ảnh cặm cụi, đơn độc, chịu thương chịu khó của con cò: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non”.

Theo các nhà chuyên môn, sân chim khác với vườn chim. “Sân” quy mô hơn về diện tích, về chủng loại động, thực vật; còn “vườn” diện tích nhỏ hơn, cây cối ít chủng loại hơn và chim trú ngụ ở đó cũng ít và đơn điệu ở một vài loài. Bạc Liêu là nơi duy nhất có địa hình động, thực vật được gọi là “sân chim” ở khu vực phía Nam này.

Từ thị xã Bạc Liêu, qua cầu Kim Sơn, đi thẳng theo đường Cao Văn Lầu, đến cách trung tâm thị xã khoảng 4-5 km sẽ thấy tấm biển lớn đề chữ “Sân Chim Bạc Liêu”.

Sân chim Bạc Liêu là rừng ngập mặn, diện tích 130 ha kể cả vùng đệm (diện tích chính bên trong là 40 ha), cao 2m so với mực nước biển. Địa hình đa dạng, bao gồm rừng ngập mặn, ruộng lúa, vùng đầm lầy và bãi triều ven biển. Vì vậy, thuở ban đầu nguồn thức ăn rất dồi dào cho đời sống của các loài chim. Bên trong diện tích chính là tập hợp một quần thể thực bao gồm các loại cây phổ biến có khả năng chịu phèn tốt như Chà là (Phoenix paludusa),  Tra (Hibiseus tiliaceus), Giá (Exocoearia agallocha),  Cóc vàng (Lumnitzera racemosa)… mọc xen kẽ dày đặc tạo thành nơi cư trú lý tưởng cho các loài chim nước về đây làm tổ.

Bạc Liêu là vùng đất mới khẩn hoang cách đây vài trăm năm, sân chim Bạc Liêu đã hình thành trước khi mảnh đất Bạc Liêu trở nên trù phú và nổi tiếng. Chim sinh sống tại đây có các loài: Cốc đế (Phalacrocorax carbo), Cốc đế nhỏ (Phalacrocorax fuseicollis), Cốc đen (Phalacrocoraxniger), Diệc xám (Ardea cinerea), Diệc lửa (Ardea purpurea), Vạc (Nycticorax nycticorax). Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại Cò, Cò trắng, Cò ngà lớn (Egretta alba), Cò ngà nhỏ (Egretta nitermedia), Cò ruồi (Bubulcusibis, Cò bợ (Ardeola bacchus)…

Vào những năm 90, sân chim Bạc Liêu được giao cho Công an thị xã Bạc Liêu quản lý, bảo vệ. Người có chức vụ cao nhất ở đó được kêu bằng chức danh “Đội trưởng Đội quản lý sân chim” là một cán bộ trong biên chế Công an Bạc Liêu, và một tiểu đội lính bảo vệ, thường thì được chọn trong số lính nghĩa vụ quân sự bên quân đội đưa sang đó phục vụ. Lúc này, sân chim đóng cửa không cho ai vào tham quan, trừ phi có đoàn tham quan của cơ quan, tổ chức nào đó do cán bộ từ trong nội thành dẫn ra và có giấy giới thiệu hẳn hoi của Ủy ban thị xã hay lãnh đạo Công an thị xã thì Đội bảo vệ mới cử người đưa khách đi tham quan. Trong thời gian này, tôi công tác tại Đội Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bạc Liêu. Riêng cán bộ Công an thị xã Bạc Liêu thì đi ra đi vô sân chim như đi chợ, khỏi cần xin phép, giấy tờ gì ráo. Vì vậy, tôi có nhiều lần đi theo các đồng nghiệp ra vào sân chim chơi. Cũng nhờ vậy, mà tôi biết được ở trong sân chim này người ta bắt chim ăn mỗi ngày làm thức ăn, ăn với cơm như ta ăn gà, vịt, thịt, cá.

Chim làm ổ trên các ngọn cây chà là rậm rạp, cao vút và đầy gai nhọn, khó có thể leo lên được. Từ sáng sớm, chim cha, chim mẹ đã rủ nhau từ sân chim bay lên bay thành từng bầy lớn trắng toát cả bầu trời đi tìm mồi. Chiều đến, khi mặt trời dần lặn, chim mới rợp trời kéo nhau trở về ổ của chúng. Ban ngày, thỉnh thoảng mới có chim cha, chim mẹ bay trở về ổ mớm mồi cho chim con đang liên tục kêu líp chíp trên ngọn cây chà là. Chim con, tuy lớn bằng con gà giò ta nhưng chúng chưa có lông vũ. Cái đầu có lông tơ trắng lơ thơ, đôi mắt tròn, cái mỏ dài ngoẵng ngọ ngoạy qua lại trên cái cổ lơ thơ lông tơ cũng dài ngoẵng. Đôi cánh dài không lông, cặp chân cũng dài ngoẵng màu xanh xanh chưa tự đứng lên được. Chúng không bay được, suốt ngày nằm chờ chim cha mẹ mớm mồi.

Ở cơ quan tôi, trừ đám cưới, đám ma, hễ có đám giỗ, đám thôi nôi, đầy tháng gì đó là người ta chạy lên gặp ban chỉ huy “xin chim” về nấu cỗ. Thông thường, lãnh đạo Công an thị xã sẽ lấy miếng giấy nhỏ viết vài chữ (tôi thấy nhiều lần đến thuộc nằm lòng): “Kính gởi đ/c… (A, Bờ, Cờ gì đó đang là đội trưởng bảo vệ sân chim). Đ/c cho đ/c (tên người cán bộ xin) 20 (30, 40…) con chim để làm đám giỗ (hoặc đám khác). Ngày tháng năm. Ký tên”. Không cần ghi rõ họ tên và cũng không cần đóng dấu, cái chữ ký của chỉ huy thì thằng lính nào nhìn cũng biết. Cái sự “xin chim” này không lấy gì làm khó khăn lắm, tôi thấy ai trong đơn vị tôi nhà ai có tổ chức giỗ quẩy đều xin chỉ huy cho giấy được hết. Nếu lính “ruột” thì chỉ huy ghi giấy cho 40-50 con, lính “không ruột” thì cũng được ít nhất 20 con. Mỗi lần như vậy, mấy chả thấy tôi “lính mới” nên dụ khị, rủ tôi đi theo chơi để “coi cho biết” và… phụ xách chim lúc lội trong rừng.

Chân mang ủng cao su cao gần đến đầu gối, đầu đội nón lá, nón rộng vành đan bằng cói hoặc lá cọ trắng, tay xách theo cái giỏ đệm bàng (để tránh chim “thả bom” lên đầu), tôi lội bì bõm dưới tán rừng theo chân mấy nhân viên bảo vệ đi móc chim. Đến khu vực sâu bên trong sân chim, nơi có nhiều ổ chim trên ngọn cây, người nhân viên dừng lại chỉ cho tôi xem. Anh ta dùng một cây tre dài khoảng 4m, ốm nhưng chắc, một đầu có cột cái móc được uốn bằng sắt khoảng phi 7-8 đưa lên ổ chim. Nhìn thấy con chim non nào to lớn, màu đen đen, tiếng kêu to là thò đầu móc sắt vào tổ giật một phát, con chim kêu chíp một tiếng rơi đánh phịch xuống gốc cây. Anh ta nhặt lấy cho vào giỏ đệm. Tôi hỏi sao lựa chim màu đen móc? Anh này nói: Màu đen là vạc, vạc con nó mập, thịt ăn ngon, màu trắng là cò. Cò thì phải bắt chim lớn ăn mới ngon, chim nhỏ ít thịt mà hôi lông lắm. Chỉ cần móc chừng 30 phút là đầy một giỏ chim non mấy chục con, chúng nằm nhao nhác trong giỏ, luôn miệng kêu chíp chíp, chíp chíp thiệt lớn như gọi chim cha, chim mẹ đến cứu chúng. Tôi nhìn thấy cảnh bắt chim non như thế này cảm thấy bất nhẫn vô cùng. Ngoài việc bắt chim non, cánh bảo vệ cũng thường “sưu tập” đủ các loại trứng chim nhiều màu sắc để “chơi”.

Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp chỉ huy “xin chim” lần nào. Nhà tôi mỗi năm làm giỗ cha tôi có một lần ở phạm vi trong gia đình, không mời cỗ bàn linh đình nên không có nhu cầu xài nhiều thịt. Một con gà, con vịt hay vài ký lô thịt quay bánh hỏi, vài thứ bánh trái lặt vặt là đủ. Tôi đi đám giỗ nhà đồng nghiệp, ăn thịt chim non nấu cỗ có một lần, tôi thấy sao mà dở tệ, thịt chim tuy nhiều thiệt, nhưng vì nó chưa biết vận động nên thịt bở rệp, ít ngọt, lại có mùi tanh quá xá là tanh, nuốt vô một miếng chỉ muốn mữa ra tại chổ, cố gắng lắm mới ráng nuốt trôi xuống cổ họng. Hổng hiểu sao người ta lại chén tì tì, rồi “dô… dô…” một cách “nhiệt tình” năm này sang năm khác, một năm giỗ hai ba lần món đó. Quan khách thiếu món chim non nấu cỗ còn đòi nằng nặc nữa chứ.

Từ năm 1999 trở về sau, tôi được biết sân chim Bạc Liêu được giao lại cho Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, nhưng tình hình bảo vệ sân chim coi mòi không khá hơn thời Công an Bạc Liêu quản lý, mà thấy có bề còn tệ hơn. Lúc trước, người dân không dám vào sân chim bắt chim đem ra chợ bán công khai vì sợ… Công an. Sau này, họ bắt chim chở ra chợ bán hà rầm, thấy mà xót ruột.

Nếu như ngày xưa, khi kéo nhau về vùng đất rừng này cư trú, loài chim thường chọn khu vực làm ổ tập trung giúp cho công việc bảo vệ bầy đàn được an toàn trong thời gian sinh sản, tránh tác động bên ngoài tác động như thiên tai, dịch bệnh, kẻ thù, thức ăn, nguồn nước làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng; thì bây giờ môi trường sống an toàn của chúng gần như bị hủy hoại bởi tác nhân là con người. Khi phong trào phá rừng ngập mặn nuôi tôm phát triển, khu vực vùng đệm bao quanh sân chim cũng bị người dân biến thành vuông nuôi tôm, người ta xua đuổi dữ dội mỗi khi chim hạ cánh xuống vuông kiếm ăn. Người ta sục bùn, đánh thuốc, đêm cũng như ngày tiếng máy nổ chạy ầm ầm, ánh điện sáng choang xé toạc màn đêm, khiến cho những cánh chim hạ xuống rồi lại chới với bay lên, ngỡ ngàng, ngơ ngác không biết đó có phải là tổ ấm của chúng hay không?

Theo Thanh Niên (20/12/2009), nhiều loài chim quý ở Bạc Liêu đang có nguy cơ biến mất do nạn săn bắt trộm. Nguy hiểm hơn là tình trạng  chính các chủ vườn chim tư nhân cũng ra sức bắt chim, cò theo cách “tận diệt” bán cho các quán nhậu. Giá cò trắng, cò xanh là 12.000 đồng/con; vạc 22.000 đồng/con; còng cọc 10.000 đồng/con; diệc 20.000 đồng/con… Chim, cò bắt được bao nhiêu đều có người thu mua hết. Trong khi các ngành chức năng đang loay hoay tìm phương án để bảo tồn và phát triển các vườn chim, thì hằng ngày, một số lượng lớn chim trời vẫn bị giăng bẫy bắt bán tràn lan.

Sài Gòn đang vào “mùa cúp điện”, đây đó trong thành phố vang vang tiếng máy phát điện nổ rền, khiến tôi nhớ đến tiếng máy phát điện nổ quanh khu vực sân chim Bạc Liêu làm tơi tả, xao xác những cánh cò. Thay vì mỗi buổi chiều tà từng đám mây chim đáp xuống rợp cả một vùng trời, thì những tiếng nổ xé toang sự yên tĩnh ấy lại ném bầy chim bay lên hốt hoảng, chấp chới, nhao nhác kêu rền rĩ. Thương cho những cánh chim trời mất chốn bình yên.

Sài Gòn, ngày 13/7/2010

Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Thời Báo (Canada)

Một suy nghĩ 1 thoughts on “XAO XÁC CÁNH CÒ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.