Hai mươi năm dài, gần một phần tư của thế kỷ, hàng ngày đều đặn, anh lái chiếc xe cũ kỹ, vượt một trăm dặm đi, về, để đến cái Thủ Đô, mảnh đất cuối cùng, nơi cư ngụ cuối đời của những người Việt tỵ nạn, để cùng họ chống lũ giặc ác ôn Việt Cộng Hà Nội.
Lần đầu tôi gặp anh ở hai thập niên trước. Anh luôn đi đầu trong những cuộc xuống đường biểu tình chống Cộng. Ngày đó, tóc anh còn xanh, thân hình vạm vỡ, tiếng hét của anh vang dội cả một góc trời thành phố. Máu anh sôi sục, hòa nhập với những uất hận sôi sục của đồng hương anh.
Khói lửa, giết chóc, máu xương, cướp của, lấy nhà! Ngùn ngụt hận thù, chập chùng đau thương do lũ giặc Cộng bắc phương gieo rắc. Đã được anh cùng đồng hương ruột thịt của anh phơi bầy trong những lần xuống đường với những biểu ngữ chống Cộng cùng một rừng cờ yêu thương phất phới…
Tôi vô cùng cảm kích anh… Xưa kia… tuổi trẻ. Khi còn quê hương… Anh nắm vững tay súng, chống giặc phương Bắc, bảo vệ đồng bào… Gìn giữ thanh bình ấm no, hạnh phúc cho miền Nam, ngọt ngào, yêu thương. Trên chiến trường, anh luôn ở tuyến đầu. Anh chiến đấu đến cùng ở tuyến chặn Phan Rang. Anh không đầu hàng địch quân. Vì vậy, kẻ thù xếp loại anh là tù binh, không phải là hàng binh… Hơn một thập niên bị giam cầm, cùm kẹp, anh vẫn”Trơ như đá, vững như đồng”… Kiên định lập trường Quốc, Cộng. Ý chí gang thép và lòng trung kiên với tổ quốc, với quê hương xưa trong tim, óc anh chưa một lần mờ nhạt..
*“Giặc từ Bắc vô đây,bàn tay dính máu đồng bào…
Giặc từ Bắc vô đây, bàn tay vấy máu anh, em.
Hận thù đó chất cao trong lòng người.
Hận thù đó chất cao trong lòng tôi.
Giặc từ Bắc vô đây, bàn tay chiến tích hận thù.
Giặc từ Bắc vô đây, bàn tay giết chóc hôi tanh.
Giặc cờ đỏ xâm lăng, giặc cờ đỏ bạo tàn.
Giặc cờ đỏ giết hại dân lành, đốt phá quê hương..”
Hơn 40 năm xưa, khi quê hương còn đó, là một quân nhân, anh luôn vững tay súng chống giặc xâm lăng bảo vệ thanh bình, hạnh phúc cho miền Nam yêu dấu. Hơn một thập niên tù đầy, giam cầm, thử thách, anh vẫn kiên định lập trường, không chao đảo, không biến chất, tha hóa… Những năm, tháng cuối đời, gần một phần tư của thế kỷ, anh luôn trên tay phất phới lá cờ thân thương, tha thiết, đi đầu cùng đồng hương của anh trong những cuộc biểu tình chống Cộng.
Tám muơi năm cuộc đời, sáu mươi năm cống hiến cho quê hương trước kia, và rồi sau này, nơi quê người, cho đồng bào Tỵ nạn Cộng Sản, đau khổ vì lũ giặc cỏ Việt Cộng dã man, khát máu, tàn ác.
Anh chống Cộng. Anh luôn đi hàng đầu. Không một lần nào thiếu anh. Hình ảnh anh trường kỳ trong những cuộc biểu tình đã có ở khắp mọi nơi trên quê hương người, trên quê hương ta. Trong lòng người yêu nước. Trong lòng người thương dân tộc, thương đồng bào, đồng hương. Bốn bể, năm châu… Ai, ai cũng biết anh, ca ngợi anh, biết ơn anh vì anh đã giúp họ nói lên được những oan khiên mà Cộng Sản Hà Nội gieo rắc cho họ.
Nghị quyết 36 “hoà hợp, hòa giải dân tộc” của Việt Cộng, bị một lực lượng có tên là: “Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai” (do anh sáng lập và đồng thời là “Thủ lãnh”), anh và các chiến hữu của anh khóa chặt suốt những năm dài không “cựa quậy, không nhúc nhích”.
“Nếu một ngày nào đó, nơi tôi đang sống những năm, tháng còn lại của đời tỵ nạn, mà phất phới lá cờ đỏ sao vàng, thì xin cho tôi được chết trước !!..”). (Hoàng Hải Thủy)
Tôi xin cám ơn anh, cám ơn chiến hữu của anh, cám ơn những người chống Cộng Sản chân chính trường kỳ, quyết liệt đã giữ vững cho cái thủ đô này không một lần phất phới lá cờ máu của Việt Cộng. Bản thân tôi, có được những tháng, năm êm ả cuối đời còn lại, không phải một lần nữa ngậm ngùi, cay đắng trong cảnh:
“Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà…
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…” (Trần Dần).
Tết “Con Gà” năm nay, người dân Việt tỵ nạn CS ở thủ đô Saigon nhỏ này, cũng như người Việt ở khắp năm châu sẽ cùng các chiến sĩ oai hùng QLVNCH của ta năm xưa, cùng nhau diễn hành trên đại lộ trước tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và, tôi ước đoán rằng đại lộ này cũng sẽ mang tên Trần Hưng Đạo.
Đức Trần hưng Đạo ở bến Bạch Đằng trên quê hương ta năm xưa, nay lại đứng ngạo nghễ trên trên quê hương người, trên con đường chính của thành phố đông cư dân người Việt.” Thành qủa này là do sáng kiến của anh”. Sau đó, được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Nhờ sự tiếp tay của các đoàn thể, các chiến hữu, các cơ quan truyền thông và, đặc biệt là sự ủng hộ tài chánh của đồng hương thân yêu của anh. Nên chỉ trong một thời gian ngắn anh đã hoàn tất ý nguyện của mình.
Khách thập phương, khi đến thủ đô của người Việt tỵ nạn này đều chụp hình tượng Ngài, viếng thăm đền và thắp một nén nhang khấn nguyện Ngài hãy cứu nước Việt Nam tránh khỏi ách đô hộ của giặc Tàu!!…
Một lần nào, tôi được nghe anh nói: “Sau khi ra khỏi nhà tù của Việt Cộng. Đến được đất nước tự do này. Anh nguyện cống hiến cả quãng đời còn lại cho cuộc đấu tranh cho tự do, no ấm cho đồng bào ở quê nhà. Đồng thời quyết tâm ngăn chặn lũ Việt Cộng cùng Việt gian tay sai len lỏi và phá hoại sự bình an của cộng đồng tỵ nạn tại Thủ Đô này đến hơi thở cuối cùng của đời anh… Châm ngôn đấu tranh của anh là: “Thủy chung và trong sáng. Thủy chung với lập trường Quốc, Cộng. Trong sáng trong đạo đức thanh liêm…”.
Phần tôi, sau một lần “thua cuộc”. Những năm dài tù đày gian khổ. Những năm tháng vật lộn mưu sinh ở xứ người. Ngày hôm nay, với tôi, thời gian đang là chập chờn của nắng quái chiều hôm. Song tôi cũng đã và đang có được những tháng, năm êm ả đi, lại, tiện nghi giữa một thành phố. Sinh hoạt với đồng hương thân yêu của tôi trong vòng tay bảo vệ của anh với biệt danh ”Lão tướng chống Cộng” cùng các chiến hữu của anh, của các đoàn thể chống “Việt Cộng xâm nhập và Việt gian tay sai”.
Một lần nữa tôi xin trân trọng cám ơn anh. Cám ơn chiến hữu của anh. Cám ơn những ai giữ vững lập trường chống Cộng Sản. Để những ngày tháng cuối đời này, tôi không còn phải cúi đầu như những ngày sau 30/4/1975 rằng:
“Tôi bước đi,không thấy phố,thấy nhà..
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ..”
Bùi Trọng Nghĩa
Viết tại Thủ Đô tỵ nạn 1/2017