Sài Gòn, ngày 07 tháng 9 năm 2008
Từ “đá bóng” lòng vòng để né giải quyết khiếu nại

Entry Bé gái 13 tuổi bị cô giáo “khủng bố” đến “stress cấp (11/7/2008) Tạ Phong Tần đã tường thuật lại sự việc cháu Lê Nguyễn Minh Châu, 13 tuổi, học sinh trường PTCS Hai Bà Trưng, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh vì không đi học thêm tại nhà cô giáo Phùng Thị Kim Thư nên đã bị cô Thư vu cho cháu Minh Châu quay cóp, buộc làm đi làm lại bài kiểm tra nhiều lần, kéo bàn ghế quay nhốt cháu vào một góc phòng. Sau khi được các bạn cùng lớp làm chứng là cháu Minh Châu không quay cóp thì trong buổi chào cờ đầu tuần, trước toàn thể học sinh trong trường, cô Trần Thị Hồng Hà – Hiệu phó còn có lời nói bóng gió ám chỉ cháu bé quay cóp, làm cháu bị xấu hổ, khủng hoảng, từ đó dẫn đến cháu bé bị mắc chứng trầm cảm, mất ngủ mà bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương nhận định là cháu bị “stress cấp”.
Trong một thời gian dài, chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ -mẹ cháu Minh Châu đã gởi nhiều đơn khiếu nại đến Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng, Phòng Giáo dục – Đào tạo quận 3, Thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, UBND quận 3 TPHCM để khiếu nại về hành vi giáo dục phản sư phạm của cô Phùng Thị Kim Thư, cô Trần Thị Hồng Hà – Hiệu phó, nhưng các nơi này đều trỏ qua chỉ lại theo kiểu “Thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” mà không nơi nào giải quyết khiếu nại. Còn ông Huỳnh Văn sang – Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng thì lại có những động thái “khó hiểu” theo kiểu “nhắn gởi”, “hăm he” bằng phương pháp không hề chính đáng chút nào là “truyền miệng” (Xem bài Động thái khó hiểu của ông Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng (03/8/2008)).
Buồn cười nhất là ông Đậu Đình Nga – Phó Chánh Thanh tra Sở GD-DT cầm đơn khiếu nại của chị Nghệ mà chẳng thèm đọc, lại tuyên bố một câu xanh dờn là “Việc này không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Giáo dục. Anh chị bức xúc quá thì về nộp đơn lại cho trường Hai Bà Trưng nhờ ông Sang Hiệu trưởng giải quyết lại. Nếu chưa thoả thì nộp lên Phòng giáo dục quận 3 ; UBND quận 3. Còn nơi đây chúng tôi chỉ giải quyết đơn Khiếu nại khi có Chỉ Đạo của UBND TP thôi”. Chả hiểu Thanh Tra Sở GD-ĐT mà không giải quyết khiếu nại về giáo viên, về tác phong sư phạm, phương pháp giáo dục học sinh thì Thanh Tra Sở GD-ĐT làm những công việc gì? Ông Nga nói câu “chúng tôi chỉ giải quyết đơn Khiếu nại khi có Chỉ Đạo của UBND TP” người nghe có cảm giác Thanh Tra Sở GD-ĐT là một thứ chày vồ, dùi cui đề dành “sai đâu đánh đó” chớ hoàn toàn không biết gì hết.
Trong đơn khiếu nại đến Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nghệ ghi rõ là khiếu nại hành vi giáo dục phản sư phạm của cô Thư, khiếu nại hành vi bao che sai phạm của ông Huỳnh Văn Sang và Phòng GD-ĐT quận 3. Như vậy, lần này, đối tượng bị khiếu nại gồm có 2 cá nhân (bà Phùng Thị Kim Thư, ông Huỳnh Văn Sang) và 1 cơ quan (Phòng GD-ĐT quận 3).
Công văn số 5868/VP-VX ngày 23/7/2008 của Văn phòng HĐND và UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Giao Sở Giáo dục và Đào tạo cử Thanh tra Sở phối hợp với UBND quận 3 làm việc với Phòng giáo dục quận 3 và Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Hai Bà Trưng về khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ đối với cô Phùng Thị Kim Thư…”.
Tuy nhiên, Thanh Tra Sở GD-ĐT và UBND quận 3 lại không thực hiện ý kiến chỉ đạo này. Chị Nghệ đã 5 lần đến Sở GD-ĐT để hỏi quyết định giải quyết khiếu nại nhưng không được ai trả lời, cuối cùng ngày 05/9/2009 chị nhận được văn bản số 212/TTr ngày 4/9/2009 “về việc hướng dẫn giải quyết đơn khiếu nại” do Chánh Thanh Tra Huỳnh Văn nam ký, nội dung yêu cầu chị Nghệ “liên hệ Phòng GD-ĐT quận 3 để được trả lời”, một việc hết sức trái khoáy là giao cho người bị khiếu nại giải quyết khiếu nại về mình thì làm sao khách quan, “trái bóng” lần này được Thanh Tra Sở GD-ĐT “đá” về cho Phòng GD-ĐT quận 3.
Thanh Tra Sở GD-ĐT cố tình quên rằng chị Nghệ đã khiếu nại đến Phòng GD-ĐT quận 3 từ ngày 28/5/2008 nhưng quá 1 tháng không được giải quyết nên chị khiếu nại đến Sở GD-ĐT và UBND TPHCM, đồng thời khiếu nại luôn hành vi bao che sai phạm của Phòng GD-ĐT quận 3. Thanh Tra Sở nhận đơn khiếu nại của chị ngày 15/7/2008, nếu tính từ ngày 23/7/2008 có Công văn chỉ đạo của HĐND và UBND TPHCM đến ngày 04/9/2008 là 42 ngày, nay Thanh Tra Sở GD-ĐT lại “chỉ” chị Nghệ về Phòng GD-ĐT quận 3 giải quyết là trái quy định tại Điều 16, Điều 39, Điều 41, Điều 45 Luật Khiếu nại, Tố cáo.
Vì sao một sự việc rất nhỏ nhưng lại có sự đùn đẩy giải quyết khiếu nại kéo dài thời gian một cách trái pháp luật như vậy? Một số nguồn tin cho biết: Bà Phùng Thị Kim Thư là “em nuôi” của ông Lê Trường Kỳ – Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, còn ông Lê Trường Kỳ là em ruột của ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh(?).
Đến báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh bóp méo sự thật
Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh số ngày 28/8/2008 có bài “BÉ GÁI 13 TUỔI BỊ CÔ GIÁO “KHỦNG BỐ”, trong bài này, phóng viên Minh Nhật đã trực tiếp gặp cháu Minh Châu, phụ huynh cháu Minh Châu và ông Huỳnh Văn Sang – Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng, cô giáo Phùng Thị Kim Thư để nghe các bên trình bày sự việc. Cũng trong bài này, người viết đã cho bạn đọc thấy rõ hành động “tiền hậu bất nhất” trong cùng một sự việc của ông Huỳnh Văn Sang, gặp người này nói khác, gặp người kia nói khác, rất không ngay thẳng cho thấy có điều gì đó khuất tất mà ông Sang đang cố tình che giấu.
Mặc dù đã được phụ huynh cháu Minh Châu cung cấp họ tên, địa chỉ những nạn nhân khác cũng bị “đì” như Minh Châu. Lẽ ra, trong bài sau, phóng viên phải gặp gỡ các cháu học sinh và phụ huynh những cháu này để nghe xem lời trình bày của Minh Châu và ba mẹ em có khách quan, có hiểu lầm cô giáo Kim Thư hay không, phải gặp Bác sĩ điều trị cho cháu Minh Châu để nghe ý kiến Bác sĩ, xem xét sổ điều trị của cháu được điều trị như thế nào, những loại thuốc gì, thuốc này có công dụng gì, tại sao Phòng GD-ĐT quận 3 né tránh giải quyết khiếu nại của công dân, v.v… thì những vấn đề trên đã không được tiếp tục làm sáng tỏ.
Bất ngờ hơn khi báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/9/2008 có bài viết: “Phải tạo cho trẻ sức đề kháng” của phóng viên Minh Nhật lại làm méo mó đi hình ảnh thật của phụ huynh cháu Minh Châu. Trích nguyên văn như sau:
“Từ trường hợp cháu MC, Tiến sĩ (TS) tâm lý học Võ Văn Nam- Nguyên Trưởng khoa tâm lý trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giúp cháu MC trở lại bình thường. Trước tiên, gia đình và trường nên tạo điều kiện cho cháu chuyển trường để giúp cháu tránh nỗi ám ảnh bị “cô giáo đì”, cho dù đây có thể chỉ là sự ngộ nhận. Thứ hai, phụ huynh phải thay đổi thái độ đối với chính mình, cụ thể là đừng yêu cầu cháu quá cao theo kiểu “Ngày xưa bố mẹ rất giỏi ngay nay các cũng phải giỏi bằng bố mẹ, thậm chí phải gỉi hơn”. Hãy để cho cháu phát triển đúng với tiềm năng và nội lực tự nhiên. Quan trọng hơn, trong giao tiếp với mọi người, phụ huynh phải tuyệt đối không nhồi nhét vào tâm hồn con trẻ rằng “cháu bị cô giáo trù úm”, vì “cô giáo “đì” mà cháu không được cái này cái khác”…
Trước những tác động tâm lý phải cùng con phân tích lý do dẫn đến tình huống để nhận thấy không phải lúc nào cũng có người hãm hại mình, không phải xung quanh mình đều là người xấu mà có khi do mình qua nhạy cảm đã “chụp mũ” cho người khác”.
Qua lời của Tiến sĩ (TS) tâm lý học Võ Văn Nam, người đọc đều thấy rõ ông Võ Văn Nam đã cho rằng cha mẹ của cháu Minh Châu ép cháu bé phải học giỏi trong khi cháu không có khả năng đó, cha mẹ cháu đã “nhồi nhét” vào đầu cháu tâm lý “bị đì” và ““chụp mũ” cho người khác”.
Quá bực tức, anh Toàn – cha cháu Minh Châu đã đến nhà ông Võ Văn Nam chất vấn rằng phát biểu đăng trên báo Phụ Nữ này có phải là đúng như ý của ông Nam không? Ông Nam đã biết gì về cháu Minh Châu và ba mẹ cháu? Ông Nam biết gì về cô giáo Kim Thư? Ông Võ Văn Nam trả lời bài báo viết đúng là ý của ông, và ông không biết gì về gia đình cũng như cháu bé, không biết về cô giáo Thư, ông chỉ đọc báo và trao đổi với phóng viên trong một giờ đồng hồ. Khi anh Toàn hỏi vặn lại: “Gia đình tôi chưa bao giờ ép con cháu phải học giỏi hay phải đạt danh hiệu này danh hiệu nọ, chúng tôi khiếu nại phương pháp giáo dục phản sư phạm của cô Thư gây cho cháu bị stress chớ không phải khiếu nại điểm số thấp cao. Thầy không biết tại sao Thầy không gặp tôi để hỏi cho ra lẽ rồi hãy phát biểu?” thì ông Nam nói rằng ông “không có thời gian”. Anh Toàn bẻ lại rằng: “Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, Thầy đã gặp phóng viên trong 1 giờ được thì sao Thầy không thể nhấc điện thoại gặp tôi trong 1 phút để nghe tôi nói trước khi đưa ra nhận xét cho khách quan” thì ông Nam ấm ớ. Ông Nam bào chữa rằng: “Tôi chỉ nói trên quan điểm khách quan, chỉ muốn giải tỏa tâm lý cho cháu” nhưng ông không thể biện minh cho việc ông hoàn toàn không biết gì mà lại cho rằng tại gia đình cháu bé ép cháu phải học giỏi, rằng gia đình nhồi nhét tư tưởng tiêu cực vào đầu cháu và “chụp mũ” người khác thì rõ ràng hành vi của ông lại là đang gán ghép, quy chụp cho cha mẹ cháu bé có hành động xấu bất chấp sự thật khách quan. Cuối cùng, ông Nam phải xin lỗi anh Toàn vì ông đã không tìm hiểu kỹ mà đã nhận xét thế này thế nọ đối với gia đình anh Toàn.
Có tình tiết thú vị mà anh Toàn phát hiện là vợ ông Nam, nguyên giáo viên, cũng đã từng bị phụ huynh khiếu nại như trường hợp cháu Minh Châu, bà phải xin lỗi học sinh và phụ huynh học sinh trong trạng thái “đau lòng”, nhưng bà “đau lòng” vì bà phải xin lỗi học sinh và phụ huynh, vì bà thấy cái “danh dự” của bà lớn quá, nay phải xin lỗi thì mất mặt chớ không phải đau lòng vì những gì bà gây ra cho học sinh, và bà không tỏ ra chút áy náy, ân hận vì mình đã có lỗi. Thảo nào ông Nam “dị ứng” với gia đình cháu Minh Châu, vội vàng có nhận xét không tốt quy chụp cho cha mẹ cháu bé.
Tôi thật thất vọng khi đọc báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, và cũng rất thất vọng với đạo đức nhà báo của phóng viên Minh Nhật. Minh Nhật đã từng tiếp xúc với nhiều người, được gia đình nạn nhân cung cấp nhiều chứng cứ, biết rõ người ngay kẻ gian như thế nào. Nếu Minh Nhật không đủ can đảm để làm đăng bài tiếp theo làm sáng tỏ sự thật thì cũng nên im lặng để giữ lại một chút gì gọi là lòng tự trọng, không ngờ lại dùng thủ đoạn mượn lời một người không biết gì là ông Võ Văn Nam để dùng lời lẽ ngụy biện, hàm hồ bóp méo sự thật, gây cho người đọc hình ảnh gia đình cháu Minh Châu rất xấu xa.
Tít bài báo là “Phải tạo cho trẻ sức đề kháng” nhưng từ đầu đến cuối rốt cuộc chỉ toàn là nhận xét hàm hồ, võ đoán của ông Võ Văn Nam, nội dung mâu thuẫn với tít bài. Càng ngạc nhiên hơn là ông Nam đề nghị gia đình phải “chuyển trường” cho cháu bé. Báo Phụ Nữ, phóng viên Minh Nhật và ông Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam chắc thừa biết khái niệm “đề kháng” là như thế nào? Gặp khó khăn, bị chèn ép, bị đàn áp, bị oan ức, bị khủng bố, bị “đì”… mà không dám bình tĩnh đón nhận sự thật, chạy trốn thực tại (chuyển trường) mà là “tạo sức đề kháng” ư? Hay đó là tạo tính hèn nhát, xa rời thực tế? Hôm nay cháu Minh Châu còn bé, trong phạm vi nhà trường, chỉ gặp mỗi một cô giáo Thư “đì” mà hèn nhát chạy trốn, mai này ra đời còn hàng trăm, hàng ngàn cô Thư khác thì mỗi lần như thế lại chạy đi đâu? Theo ý của Báo Phụ Nữ, phóng viên Minh Nhật và ông Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam thì cháu bé mỗi khi gặp khó khăn là phải bỏ chạy, cả đời cháu là phải chạy trốn suốt đời ư?
Tiếp tục cho cháu học tại trường Hai Bà Trưng, giúp cho cháu trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập lại với bạn bè cũ, tạo cho cháu tư tưởng vững vàng không sợ hãi mỗi khi gặp mặt cô giáo Thư trong trường này chính là gia đình cháu đang cố gắng tạo cho cháu “sức đề kháng” chống lại môi trường xấu đang tấn công cháu vậy.
Được biết, ngày 30/8/2008, chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ đã tiếp tục gởi đơn khiếu nại lần thứ 2 đến ông Lê Hoàng Quân, bà Nguyễn Thị Thu Hà là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến ông Nguyễn Thiện Nhân – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Không có gì mờ ám có thể che giấu dưới ánh sáng mặt trời. Sự thật bao giờ cũng là sự thật cho dù người ta có muốn “lấy thúng úp voi”. Hy vọng rằng ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ qỉai quyết khiếu nại một cách sáng suốt, công bằng, đúng pháp luật, trả lại niềm tin rằng xã hội này vẫn còn công lý.
Tạ Phong Tần