Sài Gòn, ngày 8 tháng 6 năm 2010
(Hình ảnh và giấy tờ Tạ Phong Tần post lên trang Multiply hiện nay không còn)
Một người bạn vừa gởi cho tôi ảnh chụp Giấy chứng y này, theo bạn tôi thì Giấy này được post trên blog của vợ chồng Nguyễn Thị Mỹ Nghệ – Lê Kiêm Toàn. Giấy được cấp cho bà Nguyễn Thị Ngọn – 70 tuổi, địa chỉ 674/19/9 đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Sau khi xem xét, tôi nhận thấy Giấy chứng y (còn gọi là Giấy chứng nhận thương tích) do Bệnh viện Nguyễn Trãi (459 Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5) cấp ngày 03/6/2010 có nhiều điểm bất thường như sau:
1- Theo quy định của ngành Y tế, muốn được Bệnh viện cấp giấy chứng y, bệnh nhân phải có giấy giới thiệu của cơ quan Công an phường (quận, Thành phố) đến Bệnh viện nào đó. Sự việc gia đình Nghệ – Toàn bắt nhốt, đánh đập tôi trong nhà họ xảy ra đêm 31/5/2010 rồi vu cáo tôi “gây rối TTCC”, bề ngoài do CAP 25 Bình Thạnh chịu trách nhiệm. Như vậy, CAP 25 chỉ có thể cấp giấy giới thiệu đến cơ sở y tế trong địa bàn quận Bình Thạnh để khám ban đầu là hết cỡ, không có quyền đưa sang quận 5 xa lắc xa lơ. Việc cấp giấy y chứng sai thẩm quyền, sai địa bàn này là có điều mờ ám?
2- Nhà Nghệ – Toàn ở Bình Thạnh, lý do gì không đưa bà Ngọn vào khám ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho gần, mà phải đưa chạy sang Bệnh viện Nguyễn Trãi ở quận 5? Có người bảo với tôi rằng vì ở Bệnh viện Nguyễn Trãi thì Nghệ – Toàn mới có “tay trong”?
3- Giấy chứng y không có số vào viện, không giờ vào viện, không giờ và ngày ra viện: Theo quy định của Bộ Y tế, bất cứ trường hợp nào, nằm viện hay không nằm viện, khi điều trị đều phải vào sổ, cho số hồ sơ, có hồ sơ bệnh án. Giấy chứng y không có số chứng tỏ giấy cấp không đúng quy định, không vào sổ lưu của Bệnh viện. Điều trị ngoại trú cũng phải có hồ sơ bệnh án, có số lưu, ghi rõ ngày giờ vào, ra viện trong giấy chứng nhận này. Điều này cũng có thể hiểu rằng ai đó đã lén cấp giấy này, thực tế không có việc bà Ngọn đã khám, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi và không có hồ sơ bệnh án lưu.
4- Giấy chứng y này chỉ có Giám đốc Bệnh viện mới có thẩm quyền ký xác nhận, trường hợp thừa ủy quyền Giám đốc là Phó Giám đốc hoặc Trưởng phòng Tổ chức hành chính và ghi rõ khi ký đóng dấu là “TL. Giám đốc” hoặc “TUQ. Giám đốc”. Nhưng trong Giấy chứng y này chữ ký và chức danh chổ Giám đốc Bệnh viện lại không phải là Giám đốc, mà là cái gì “nhiệm” (nhìn không rõ). Như vậy, người ký đã ký sai thẩm quyền, cũng có nghĩa là giấy này được cấp “lậu”.
Theo kết quả tra cứu mới nhất trên mạng, Bs Nguyễn Thị Thanh Nga là Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp (11/5/2010) Bệnh viện Nguyễn Trãi, không có thẩm quyền ký giấy chứng nhận thương tích.
Xin quý vị tham khảo “Trình tự cấp giấy chứng nhận thương tích” được đăng công khai trênwebsite tỉnh Khánh Hòa, ban hành căn cứ theo quy định của Bộ Y tế, ghi rõ thẩm quyền ký xác nhận và đóng dấu Bệnh viện là Giám đốc Bệnh viện, giấy phải vào sổ lưu và lưu trữ vào máy tính của Bệnh viện.
5- Phần mô tả “tình trạng thương tích hiện nay” không đúng quy định: Phải ghi rõ vị trí, diện tích, hình thức chấn thương. Ví dụ: chấn thương đầu thì vị trí nào trên đầu (chẩm, gáy, đỉnh, mang tai trái phải), diện tích (cm x cm), chổ khác thì phải ghi rõ phần mềm, phần cứng, bầm, rách da, trầy… thành ngực là bên phải hay trái, hay cả hai bên, bụng, lưng cũng phải mô tả như vậy. Không được mô tả chung chung là “chấn thương đầu” mà không có vị trí, tình trạng. Giả sử hôm nay bà Ngọn nói chấn thương trên đỉnh, vài bữa sau lại “chạy chổ khác đâu đó quanh đầu” thì không thể nào biết được.
6- Phần điều trị: Ghi chung chung một chữ “thuốc” là không đúng quy định ngành y tế. Vào Bệnh viện điều trị ai cũng biết là phải dùng “thuốc”, chẳng lẽ dùng “cơm nguội” để điều trị? Vì vậy dùng thuốc thì thuốc gì (uống, chích, xoa bóp…), ghi rõ tên thuốc, cách dùng. Hoặc phải ghi “Uống (chích…) theo toa Bác sĩ” chớ không được ghi chung chung.
7- Cơ chế gây chấn thương (theo lời khai bệnh nhân) có nhiều điểm bất hợp lý:
Trường hợp té sấp thì không bao giờ chấn thương đầu, ngực và bụng cùng một lúc vì theo phản xạ tự nhiên người té phải lấy tay chống lại. Có thể trầy da bàn tay, cùi chỏ, đầu gối. Nếu chống không được thì đập mặt xuống đất chớ làm sao mà “chấn thương đầu” được. Đầu bao gồm đỉnh đầu, phía sau đầu và chung quanh đầu. Đỉnh đầu chỉ bị chấn thương nếu bị lực tác động từ trên đỉnh xuống, phía sau đầu chấn thương nếu té bật ngữa đập đầu xuống đất. Hai bên đầu chấn thương nếu bị té nằm nghiêng, nghiêng bên nào thì chấn thương bên đó, không bao giờ có trường hợp té chấn thương một lúc 2 bên đầu.
Khi té chỉ chấn thương phần cứng và lồi của cơ thể do va đập với mặt phẳng cứng, không bao giờ té mà chấn thương bụng được thì phi ngay vị trí bụng úp xuống có cọc hay cục đá, cạnh bàn gì đó. Cũng không bao giờ có chuyện té sấp chấn thương ngực cả vì hay tay đã chống đỡ theo phản xạ tự nhiên. Thực tế ngay vị trí mặt hẻm trước nhà Nghệ – Toàn không có vật cứng nào lồi lên hết.
Nếu té bật ngữa đập đầu xuống đất thì chỉ chấn thương phía sau đầu. Không bao giờ chấn thương lưng vì lực va chạm được phân tán trên một diện tích rộng là toàn phần lưng, mông.
…
Vào đêm 31/5 rạng 01/6/2010, tại CAP 25, ông Trần Tiến Tùng đã nói cho tôi hay rằng vợ chồng Nghệ – Toàn khai báo rằng: “Tạ Phong Tần dẫn theo 4 tên côn đồ hành hung, xô ngã bà Ngọn làm bà Ngọn bị “chấn thương cột sống” và bà Nghệ bị mất đôi bông tai”.
Ông Bùi Đăng Lợi – Điều tra viên Cơ quan CSĐT CA quận Bình Thạnh thì đưa tôi một tờ giấy in vi tính sẳn vẽ “sơ đồ hiện trường vụ gây rối TTCC” trong đó đánh dấu điểm (1) là “Nơi bà cụ té” bảo tôi ký xác nhận. Tôi thấy cái sơ đồ này phi thực tế và là một âm mưu được dàn dựng sẳn nên không ký.
Vào sáng ngày 01/6/2010, khi tôi còn bị giữ ở Công an quận Bình Thạnh thì bạn tôi gọi điện thoại cho hay rằng Nghệ – Toàn đã tung lên mạng thông tin rằng: Tạ Phong Tần dẫn theo 4 tên côn đồ hành hung, xô ngã bà Ngọn làm bà Ngọn bị “chấn thương cột sống”.
Ngày 03/6/2010 lại thấy Giấy chứng y này của bà Ngọn không “chấn thương cột sống”, cũng không “té” mà là “tai nạn ấu đả (bệnh nhân khai), tức bị đánh.
Suy ra, giấy chứng y này được dựng lên nhằm mục đích vu cáo rằng bà Ngọn bị nhiều người đánh cùng một lúc từ nhiều hướng, trước mặt sau lưng, từ trên cao đánh xuống, có thể cả bên hông (như lời khai ghi trong giấy là “ấu đả” chớ không phải té, khác với lời họ lu loa ngày đầu tiên).
Có thể dễ dàng nhận thấy: Nếu chỉ một mình tôi bị 3 người họ lôi kéo vào nhà của họ, thì cho dù họ có bị té chết thì họ cũng tự chịu trách nhiệm việc làm của họ, chớ không thể đổ thừa cho tôi chịu trách nhiệm được. Vì vậy, họ mới đổi mục tiêu tấn công từ 1 cá nhân là tôi sang tấn công cả 4 em trai đi theo tôi bằng cách đổ thừa những em này đã đánh bà Ngọn. Từ vị trí pháp lý là “người làm chứng”, 4 em bị vu cho trở thành “người thực hiện hành vi phạm tội” thì bọn họ mới có thể tạo dựng được vụ án “Gây rối TTCC” để bắt giam tôi như đã bắt giam bà Trần Khải Thanh Thủy.
Tôi kêu gọi bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ và ông Lê Kiêm Toàn, đặc biệt là ông Lê Kiêm Toàn – người luôn xưng mình là dòng họ đạo gốc, “thầy Sáu xuất tu” luôn rao giảng giáo lý cho người khác, đừng quá vì lợi ích vật chất của bản thân mà có hành vi gian dối, bẻ cong sự thật. Quý vị có thể dối gạt được người xung quanh, nhưng quý vị không thể dối gạt được lương tâm của quý vị, quý vị phải biết run sợ vạ tuyệt thông khi dối trá trước mặt Thiên Chúa. Dù quý vị không xưng tội, nhưng quý vị vẫn biết rõ bản thân mình có tội gì mà không xưng tội và không sửa chữa, ăn năn đền tội thì quý vị có rước lễ cũng không linh nghiệm, quý vị có đứng trước bàn thờ Chúa đọc kinh mỗi ngày cũng chỉ là sự phỉ báng Chúa mà thôi. Quý vị giữ điều răn của Chúa không phải chỉ cho bản thân quý vị, mà còn làm tấm gương cho con cái quý vị noi theo. Đừng nên giáo dục con cái quý vị sống dối người, dối Chúa bằng chính hành vi của quý vị. Suốt cuộc đời quý vị sẽ là nơi trút sự dữ. Đến khi tắt thở trút linh hồn, nếu ăn năn tội quý vị vẫn phải trả lại những gì đã làm. Bằng ngược lại, quý vị sẽ phải sa Hỏa ngục đời đời, không bao giờ được nhìn thấy cảnh cổng Thiên đàng.
Tạ Phong Tần