Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Ai cũng biết sau ngày 30/4/1975 và thập niên 80, 90 ở Việt Nam có nhất nhiều người tìm cách “vượt biên” bằng cả đường bộ, đường không lẫn đường thủy, mà nhiều nhất là cùng nhau đổ xô ra biển “đi tìm tự do” ở một quốc gia khác. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo các tài liệu được phổ biến trên mạng internet thì số người Việt “vượt biên” bằng đường biển rồi “chôn thân vào bụng cá” khoảng 3 triệu người. Một thực tế mà không ai có thể phủ nhận được là người Việt “vượt biên” thời điểm đó chỉ có “1 phần sống 9 phần chết” vì nạn hải tặc, nhiều nhất là hải tặc Thái Lan.
Bọn hải tặc này dùng vũ khí khống chế, bắt được tàu “vượt biên” thì lùa tất cả lên bờ. Sau khi cướp hết tài sản của nạn nhân, hãm hiếp phụ nữ, hải tặc “nhân đạo” thì chúng tống nạn nhân trở xuống chiếc tàu của họ nhưng đã bị chúng lấy đi hết máy móc, lương thực, nước ngọt… Tàu cứ thế trôi lênh đênh trên biển, phó mặc cho may rủi. Ai may mắn gặp tàu Tây kéo về và trở thành công dân nước Tây, người kém may mắn bị sóng dập gió vùi, dông bão, coi như “đứt chến” luôn.
Câu chuyện hải tặc này tưởng đâu đã vùi chôn nỗi đau vào dĩ vãng, giờ bỗng dưng thấy lặp lại ở Việt Nam, cụ thể là 9 ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. 9 ngư dân này cũng bị “người anh em” Trung Quốc bắt tàu, cướp ngư cụ, khí tài, giam giữ… (như nhiều trường hợp đã xảy ra từ năm 2005 đến nay). Cho đến khi áp lực dư luận dữ quá, nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng, thì “người anh em” Trung Quốc mới chịu thả 9 ngư dân này ra theo kiểu hải tặc thả người tôi đã kể ở trên và đẩy họ ra khơi trong khi siêu bão Megi đang hoành hành dữ dội (“Mượn bão giết người” đây mà).
Báo chí trong nước kêu rằng tàu của 9 ngư dân không có máy ICOM định vị, vận động mọi người góp tiền ủng hộ ngư dân mua ICOM. Đến khi ngư dân Nguyễn Đáng thuật lại, mới biết tàu đang tránh bão ở Hoàng Sa thì bị bắt (không phải “đánh trộm cá” như Trung Quốc vẫn thường rêu rao để lấy cớ cướp tàu), thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đã trang bị ICOM cho tàu nhưng đã bị Trung Quốc lấy đi.
Lão ngư Nguyễn Đáng kể: “4g chiều ngày 11-9, nghe có tin bão chúng tôi cho tàu chạy từ ngoài biển vào khu vực đảo Phú Lâm trú ẩn. Lúc tàu đến gần đảo thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Sau mấy chục ngày bị giam giữ đến ngày 11-10 mới nghe tin được thả về, nhưng khi xuống tàu mới phát hiện máy móc hỏng nhiều bộ phận do bị nước biển ăn mòn.
Biết máy hỏng hóc thế không an toàn do máy ICOM đã bị cướp nhưng không còn đường nào khác, anh em vẫn quyết về với hy vọng chạy nửa đường gặp được tàu ngư dân mình thì sẽ được cứu”, ngư dân Nguyễn Đáng, 52 tuổi, cả cuộc đời lênh đênh trên sóng biển Hoàng Sa (Việt Nam) kể lại.
Tàu chạy được 3 hải lý thì bị chết máy, nước tràn vào tàu ngày một nhiều. Lúc này do ảnh hưởng bão nên sóng khá lớn. Mọi người nhìn nhau tuyệt vọng! Đêm tối, trên tàu chỉ còn bao gạo với một thùng phuy nước ngọt, không có muối mắm gì. Chín ngư dân nấu cháo trắng húp cầm hơi, tay xé áo, chăn màn cột lại căng làm buồm để tàu xuôi theo chiều gió.
Hai ngày trời lênh đênh trên biển trong cơn đói khát, sau đó được tàu Trung Quốc đi tuần kéo về lại đảo Phú Lâm”. (Tuổi Trẻ ngày 25/10/2010).
Tôi đọc báo trong nước, thấy thỉnh thoảng có đăng vài trường hợp Tây sang Việt Nam phạm tội (nhẹ), bị chính quyền Việt Nam trục xuất về nước họ, thì Việt Nam phải báo cho Đại sứ quán “ông Tây quậy” đó đến lãnh về, mua vé máy bay rồi tống tiễn “ông Tây quậy” lên máy bay, đến khi máy bay cất cánh mới coi như Việt Nam đã xong nhiệm vụ trục xuất đúng quy tắc quốc tế áp dụng. Đằng này, báo ta đăng rõ ràng là Trung Quốc trục xuất 9 ngư dân Lý Sơn, không hiểu trục xuất theo kiểu gì, nguyên tắc ngoại giao nào, quy định ở đâu, mà sao giống y chang hải tặc Thái Lan 20 năm về trước đối với người Việt “vượt biên”.
Cùng thời điểm Trung Quốc “trục xuất” 9 ngư dân rồi mất tích, người dân Lý Sơn tở mở tìm kiếm cứu nạn quá trời mà chưa thấy tăm hơi, một sự kiện khác đáng mừng xảy ra là “ông láng giềng” Brunei (chẳng phải “anh em hữu nghị thắm thiết “16 chữ vàng” gì hết) cứu vớt 16 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển, rồi “ông láng giềng” Brunei “trục xuất” về Việt Nam một cách “hoành tráng” theo kiểu Tây, làm cho thân nhân của 9 ngư dân kia không khỏi tủi thân.
“Theo thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Sính, sau khi cứu vớt lên tàu, hải quân Brunei đưa 16 ngư dân gặp nạn về Bandar Seri Begawan (Brunei) trú trong một khách sạn khá xịn. “Mỗi người được phát 2 bộ đồ. Hai người ở một phòng có máy lạnh. Bữa ăn khá tươm tất, thậm chí còn có cả sữa uống. Họ tiếp đón quá tử tế nên ngư dân ai nấy đều cảm động, biết ơn rất nhiều”, ông Sính bộc bạch” (Thanh Niên ngày 23/10/2010). Nghe mà phát ham!
Bây giờ đã thấy rõ tình “anh em”, “bạn bè”, “hữu nghị” thực chất nó “thắm thiết” như thế nào hay chỉ là “chót lưỡi đầu môi” so với kẻ không có “chữ vàng” nào cả nhưng họ có tấm lòng không cần ca ngợi bằng lời.
Vậy mà không hiểu sao nhà cầm quyền Việt Nam (cụ thể là ông Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh) vẫn cứ khư khư ôm giữ “16 chữ vàng” (khè) với Trung Quốc, mặc cho dư luận trong nước, kể cả cán bộ cao cấp như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cựu Thứ trưởng Đặng Hùng Võ lâu nay im lặng đến mức không còn im lặng được đã nhấc tay ký vào văn bản kiến nghị đình chỉ dự án bauxite. Cái điệp khúc “lắng nghe” nhưng không tiếp thu, vẫn tiếp tục xúc tiến tiến độ dự án tôi nghe hoài đến phát chán. Tôi càng chán hơn khi chuyện cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn người dân trong nước nghe nói đã nhiều, mà đến bây giờ mới biết tổng diện tích “cho thuê” là 340.000 ha rừng, đa số là cho Trung Quốc thuê.
“Theo báo cáo của Chính phủ, sau 11 năm kể từ năm 1995, cả nước chỉ có một dự án trồng rừng có vốn nước ngoài tại Bình Định. Sau đó, theo Luật đầu tư, việc cấp phép được phân cấp cho UBND các tỉnh, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp… Vì vậy từ năm 2006-2010, có bảy dự án mới được cấp phép còn hoạt động. Ngày 9-3-2010, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép mới.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ các dự án trồng rừng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nên được miễn nộp thuế tới 11 năm hoặc toàn bộ thời gian dự án, do đó đóng góp vào ngân sách là “không đáng kể”. Đến nay, tổng số tiền nộp ngân sách của tám dự án trồng rừng chỉ khoảng 24 tỉ đồng”. “các dự án thuê đất trồng rừng, chế biến gỗ chủ yếu hợp tác với Trung Quốc, vốn đầu tư không nhiều, giải ngân ít nhưng chiếm diện tích không nhỏ…” (Tuổi Trẻ ngày 24/10/2010). Thế này thì chẳng bằng “biếu không” rừng của nước ta cho Trung Quốc rồi còn gì nữa? Chế biến gỗ có phải là phá rừng, xẻ gỗ đem bán hay không? Nếu đúng là vậy thì nạn phá rừng do “dân ta” gây ra chưa đủ nhiều hậu quả hay sao mà còn “mời” thêm người ngoài đến phá?
Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ, chưa có đời vua nào, triều đại nào “ôm chặt” lấy “mối tình” thắm thiết với hải tặc. Đọc truyện bên Tàu, thấy duy nhất có đoạn vua Nam Tống và Thừa tướng Tần Cối ôm chân nước Kim để cầu giữ “cái ghế” của mình, mặc cho quân Kim cứ cướp phá, quấy nhiễu dân Tống. Triều đình Nam Tống giết chết Nguyên soái Nhạc Phi chỉ vì Nhạc Phi cầm quân đánh Kim, làm cho dân tình thán oán, không bao lâu, nhà Nam Tống cũng mất vào tay quân Kim. Bây giờ, bên Trung Quốc, tại đền thờ Nhạc Phi, người ta còn làm thêm tượng vợ chồng Tần Cối quỳ trước cửa. Hễ ai đến thắp hương cho Nhạc Công xong trở ra đều lấy cái roi mây để sẳn đánh vào đầu tượng vợ chồng Tần Cối. Thật đáng đời! Việt Nam khi nào mới tới?
Sài Gòn, ngày 01 tháng 12 năm 2010
Tạ Phong Tần
Tôi ngậm ngùi quá ,xót xa quá ….Tôi biết TPT đã nói cái gì là đúng cái đó ,vì bạn ấy dẫn nguồn ,lược trích vv..
ThíchThích