Bài đã đăng báo Người Việt ngày 22/1/2017
Buổi chiều, có một đứa khoảng hơn hai mươi tuổi tự xưng nó tên là Con Thỏ kêu tôi lại cho tôi một bộ quần áo bằng vải thun màu vàng có bông xanh. Nó nói là quần áo của nó bây giờ không mặc được vì nó mập ra, thấy tôi cứ mặc quần đùi, áo hai dây suốt ngày nên nó cho tôi. Tôi mặc thử thấy rất đẹp và vừa vặn. Bộ đồ đó đến giờ tôi vẫn còn giữ và đem qua Mỹ luôn, để làm kỷ niệm một tấm lòng tốt mà đến giờ thời gian quá lâu, tôi không còn nhớ mặt mũi Con Thỏ tròn méo ra sao nữa.
Xế chiều, tình cờ tôi phát hiện xung quanh chỗ nằm của mình toàn kiến lửa đỏ lòm. Coi kỹ lại, trời mẹ ơi, kiến lửa nó đục lỗ tường làm ổ đầy nhóc luôn, hơn mấy chục cái ổ kiến lửa ăn luồn trong vách tường. Vậy mà tối hôm qua ngủ không giăng mùng, cả đêm không bị con kiến nào cắn, quả là có ơn trên nữa rồi. Tường này nó xây ăn bớt xi măng, nên toàn cát, lâu ngày nước mưa thấm, lớp xi măng tô tường bị kiến đục ruỗng hết.
Tôi bèn lấy cục xà bông Lifebuoy đỏ đang xài mềm mềm bóp ra trét hết vô mấy lỗ tường có ổ kiến. Xà bông này có ưu điểm vô cùng lợi hại là khi thấm nước nó mềm, khi khô nó cứng như đá, trét một lớp dày vô tường, qua hôm sau xà bông khô cứng lại kiến không đục lủng lỗ chun ra được. Trét lòng vòng xung quanh chỗ nằm, ngay cửa phòng nữa, nếu không trét chỗ này tối nó bò ra thì chết, tối tôi đi tới đi lui từ cửa đến cuối phòng rồi quay lại để vừa tập thể dục vừa lần chuỗi đọc kinh, không trét đạp trúng ổ kiến lửa thì bà nội cũng đội chuối khô. Cuối cùng tốn hết một cục xà bông loại bự. May mà tôi vẫn còn ba cục xà bông Lifebuoy bự ở nhà gởi vô để dành xài.
Trời sụp tối, gió ngoài cửa sổ thổi luồn vô phòng giam chỗ nằm ù ù, lạnh ngắt, mà cửa sổ không có cánh cửa, chỉ có song sắt. Lại thêm cái may nữa là hồi sáng mới mượn được hai tờ báo Nhân Dân bự chà bá đem vô phòng đọc, tôi lấy cọng dây nilon cột ngang phía trên khung cửa sắt rồi treo tờ báo lên, vậy là kín cái cửa sổ, gió không thổi lọt vô chỗ ngủ được.
Sáng hôm sau, cán bộ trại giam báo tôi lên gặp Phó Giám thị trại. Tôi đi theo họ lòng vòng một lúc vô một căn phòng cũng khá cũ, có vẻ như đây là cái phòng họp thì phải. Người gặp tôi là một ông đứng tuổi, nói giọng Bắc, tự giới thiệu là Phó Giám thị Phạm Văn Tám. Tôi nhìn thấy ông ta đeo hàm Thượng tá và bảng tên đeo trên ngực đúng như lời ông ta nói. Thì ra ông này hôm qua ký cái phiếu chuyển đơn đưa cho tôi đây.
Ông Phạm Văn Tám sau khi chỉ cái ghế mời tôi ngồi xuống rồi nói:
– Hôm qua tôi có bảo văn thư chuyển cái đơn của chị cho Tòa án rồi.
– Cám ơn! Tôi có nhận được cái phiếu chuyển đơn do ông Phó Giám thị ký, cán bộ trại đưa cho tôi chiều hôm qua. – Tôi nói.
Ông Tám nói tiếp:
– Tôi có nhận được đơn khiếu nại của chị, nhưng tôi muốn nghe chính chị nhắc lại chị muốn khiếu nại điều gì.
Ông ta muốn thử trí nhớ của tôi hay sao vậy cà? Tôi bèn lặp lại bảy nội dung đã nêu trong đơn gởi ngày Thứ Hai. Tôi nói xong thì Phạm Văn Tám nói:
– Tôi trả lời lần lượt những khiếu nại của chị như sau: Thứ nhất, ở đây từ trước tới giờ vẫn phát thịt kho như vậy, chưa thấy ai nói gì. Thứ hai, ở đây có thứ cải đó đúng như chị nói, hơi khó ăn nhưng không có cải nào khác vì ở đây xa chợ. Thứ ba, nước nấu canh thì tôi hứa sẽ xem lại coi tại sao nó đen, bảo nhà bếp khắc phục. Thứ tư, nước uống thì ở đây không có nấu nước uống cho phạm nhân vì thiếu củi, ai cũng uống nước trong vòi chảy ra, nước đó của nhà máy có khử trùng. Từ hôm đến đây đến giờ chị uống nước đó có bị đau bụng gì không? Thứ năm, báo Nhân Dân thì tôi có nói với cán bộ quản giáo phát cho chị rồi, cán bộ có nói lại không? Thứ sáu, việc mở đài cho phạm nhân nghe chưa có tại vì ở đây là trại mới chưa làm được. Thứ 7, tại vì cái phòng giam chị trước kia là phòng tạm giam nên không gắn ti vi, chị chưa thành án nên không giam ở phòng giam thành án.
Tôi nghe Phạm Văn Tám nói mà sôi máu lên tới óc o, nhưng vẫn cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh chờ ông ta nói hết câu, ông ta ăn nói dù “đểu” nhưng nhã nhặn, tự dưng tôi ngắt lời khi ông ta đang nói là bất lịch sự, hơn nữa ông ta đã giải quyết cái vụ chuyển đơn và báo Nhân Dân nhanh chóng rồi, nên tôi ghi nhận thiện chí này của ông ta.
Tôi hỏi:
– Ông phó giám thị đã nói hết chưa?
– Hết rồi. – Ông ta nói. – Chị muốn nói điều gì?
– Ông phó giám thị nghe cho rõ lời tôi nói đây: Tôi không chấp nhận cách giải thích của ông Phó Giám thị vì nó vi phạm nội quy trại giam do Bộ Công An ban hành, vi phạm pháp luật.
– Cụ thể như thế nào chị có thể dẫn chứng ra cho tôi biết được không? – Phạm Văn Tám hỏi.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)