ĐỨC GIÊ-SU-NHÀ TIÊN TRI VĨ ĐẠI CỦA MỌI THỜI ĐẠI


(Bài viết này dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ riêng người Công giáo)

jesu1Sách Tân Ước trình bày lại quyền năng của Chúa Giê-su. Người mặc khải Cha của Người và chính mình người qua lời nói, việc làm. Người hoàn tất công trình của người khi Người chết, sống lại, lên Trời vinh hiển và khi Người gửi Thánh Thần đến… Chỉ trong vòng 3 năm, Người đã để lại một kho tàng giá trị tinh thần vô giá bằng những lời huấn dụ cụ thể, dễ hiểu qua những bài giảng, những câu chuyện dụ ngôn, những lời tuyên báo, v.v…

Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong Tin Mừng của Thánh Mát-thêu, Đức Giê-su tiên báo những cuộc bách hại: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10, 21).

Những lời trên Người đã tuyên báo cách đây 2,000 năm, tuyên báo ở tận quê hương Người; nhưng lại là lời cảnh báo sự dữ thời đại nào cũng có, được sản sinh từ lòng tham, sự ích kỷ, sự độc ác, giả dối… mà người ta sẽ chụp lên đầu dân của Người. Mỗi lời, mỗi chữ, mỗi câu Tân Ước khi đọc lại vẫn như mới, vẫn thấy như chính Người mới nói đây thôi.

Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh, con cái chống cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái, chồng không dám nhận vợ, vợ không dám nhận chồng, bạn bè không dám nhận nhau… vì sự an toàn của chính mình. Một giai đoạn lịch sử đẫm máu và nước mắt đã trôi qua với khoảng 50 ngàn người chết trong oan khuất thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, nhưng giờ đây những nạn nhân còn sống sót vẫn không khỏi rùng mình, phẫn uất, đớn đau khi nhớ lại. Và bây giờ, hãy nhìn lại quanh mình, điểm lại những hành động, những sự việc đã qua như tua lại thước phim quá khứ, chúng ta thấy sự dữ ấy vẫn còn đang nhan nhản đây đó quanh ta mà thán phục cái nhìn thấu suốt của Người.

Người dân đang sống ở Việt Nam không thể phủ nhận một sự thật là dưới chế độ độc tài cộng sản cai trị đất nước bằng côn an trị, thì “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh, con cái chống cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái, chồng không dám nhận vợ, vợ không dám nhận chồng, bạn bè không dám nhận nhau… vì sự an toàn của chính mình” vẫn đang diễn ra nhan nhản khắp nơi. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Khi dấn thân “làm chứng cho sự thật”, nhiều người đã phải “cảnh giác” với chính người thân trong gia đình mình. Khi tôi còn ở Sài Gòn, tôi nhớ có lần anh Đỗ Nam Hải nói với tôi rằng chính người nhà của anh gọi an ninh tới phá cửa phòng riêng của anh để cướp dàn computer anh Đỗ Nam Hải dùng để làm việc, viết lách hàng ngày.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một đoạn Tin Mừng Thánh Lu-ca:

Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.” (Lc 21, 12-15)

Bài học cảnh giác Đức Giê-su đã dạy dân Người hơn 2,000 năm nay không bao giờ cũ, lại rất là thời đại, đúng y hiện tình xã hội Việt Nam hiện nay, và Người còn dặn dò kỹ lưỡng chúng ta đừng sợ hãi trước bạo quyền, dùng lý lẽ khôn ngoan “khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” cũng là một trong những phương pháp đấu tranh bất bạo động. Đức Giê-su xứng đáng được tôn vinh là nhà tiên tri vĩ đại của mọi thời đại.

Vì sao người ta phải bách hại nhau như vậy? Giống như người Do Thái đã tố cáo và quyết giết Đức Giê-su chỉ vì lòng ganh ghét, ghen tỵ thấp kém; “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24), nhưng kẻ dữ muốn làm điều ngược lại, khi cảm thấy “tớ” vẫn không hơn được “chủ” thì nảy sinh lòng đố kỵ thấp kém. Trong một xã hội mà nhà cầm quyền đố kỵ tài năng thì đây là cách hành xử của nhà cầm quyền đối với dân mà người dân Việt Nam đã đúc kết: “Khôn thì nó ghét, ngu thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”.

Sau những cuộc bách hại đồng bào của mình thì người ta được cái gì? Họ có thể giàu có hơn nhờ cướp đoạt tài sản mồ hôi nước mắt người khác. Họ có thể được thăng quan tiến chức nhờ lập công lớn với cấp trên. Mà có quyền thì đẻ ra tiền, có tiền lại mua được quyền, nên quyền lực cũng là một thứ tiền bạc. Nhưng tiền bạc, quyền lực không thể đem theo vào quan tài. Khi chết đi, ngay cả một chiếc cúc áo cũng vẫn bị người sống lấy lại, còn linh hồn họ sẽ sa xuống hỏa ngục đời đời, con cháu họ chẳng thể hãnh diện về cái gia tài cha chú chúng để lại thấm đẫm máu và nước mắt đồng loại.

Người viết đoạn Tin Mừng trên là Thánh Mát-thêu. Thánh Mát-thêu là ai? Ông chính là người mà theo quan điểm của dân chúng thời ấy là kẻ tội lỗi đáng nguyền rủa: Một người thu thuế, mà ông còn là “trùm” thu thuế nữa mới ghê chứ. “Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Ðức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”” (Lc 5, 29-32).

Saint Columban, Graden Grove, Califonia, USA
Saint Columban, Graden Grove, Califonia, USA

Người thu thuế, tức nhân viên của Hoàng đế Xê-đa (nhà nước La Mã)- kẻ xâm lược và thống trị người Do Thái, người thu thuế bắt người dân Do Thái phải nộp hoa lợi (nếu làm nông), nộp tiền (nếu buôn bán) cho Hoàng đế Xê-đa. Vì vậy, người Do Thái ghét các nhân viên thu thuế, gọi người thu thuế là “bọn thu thuế”, đồng loại với “quân tội lỗi”, người Do Thái nào cho mình là đạo đức, thanh cao thì không bao giờ chịu ngồi cùng mâm ăn uống với hai loại người ấy.

Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu: “Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: ”Hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (Lc 5, 27-28).

Như vậy, ông Mát-thêu chính là một người thu thuế-kẻ tội lỗi, nhưng nhờ ơn Chúa đã “đến để kêu gọi người tội lỗi”, ông đã trở thành một trong 12 Tông đồ đầu tiên của Đức Giê-su.

Trong bài giảng trên núi, Đức Giê-su nói: “Phúc thay cho ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Lc 6, 20-23). “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” không phải là việc không thể làm. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

Đọc Tân Ước và suy ngẫm để thấy chính mình trong đó, để nhận thức sâu sắc những lời tiên tri không bao giờ cũ của Đức Giê-su mà sửa mình nên người công chính. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến canh tân đổi mới, đời sống chúng con. Tăng sức linh hồn bồi thêm lửa mến, soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.” (Linh mục Thành Tâm).

Vậy thì tại sao chúng ta lại phải run sợ, cúi đầu trước cái ác trong khi chúng ta đông người hơn? Tại sao chúng ta không cùng nắm tay nhau bằng một tình cảm chân thành để cùng nhau thay đổi xã hội tốt đẹp hơn, cũng là thay đổi chính cuộc đời của bạn? “Gặp gỡ Đức Kito biến đổi cuộc đời mình/ Gặp gỡ Đức Kito đón nhận ơn tái sinh/ Gặp gỡ Đức Kito chân thành mình gặp mình/ Gặp gỡ đức Kito nảy sinh tình đệ huynh.” (Linh mục Tiến Lộc)

M. Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.