NGHỀ “LẠ” THỜI NHÀ SẢN – Bài 1


Bài đã đăng báo Trẻ Magazine ngày 21/8/2018

Nghề bơm bút bi

Sau 30/4/1975 thì tất cả đồ đạc quen thuộc trong nhà tôi đều lần lượt “khăn gói lên đường”, cái thì bán cho hàng xóm đổi gạo ăn, cái thì xài lâu ngày rồi cũng hết, mua lại thì không ai bán. Ông bà ta có câu: “Cái khó ló cái khôn”, cũng là nhờ “ơn đảng, ơn bác” mà dân miền Nam phát triển thêm nhiều ngành “thủ công mỹ nghệ” cực kỳ tinh xảo, lạ nhứt thế giới, nói cách khác là hổng giống ai. Tôi sẽ lần lượt kể cho quý độc giả được “thưởng thức tài nghệ” biến có (của cải) thành không và biến không (nghề “lạ”) thành có của “đảng ta”.

Miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa vốn phổ biến loại viết mà người ta quen kêu là viết BiC vì nó có chữ BiC trên cây viết. Viết BiC và nói chung tất cả các loại viết xài mực dầu kẹo kẹo, đầu viết có viên bi kim loại, khi viết bi lăn thì mực chảy ra thành nét chữ trên giấy, người ta dùng tên chung là viết nguyên tử. Bây giờ ai cũng kêu nó là bút bi. Nói rõ là từ “bút bi” được du nhập từ ngoài Bắc vô Nam “từ ngày giải phóng vô đây mình mất nhà lầu”.

Ðám con nít như tôi đi học mỗi ngày xách theo bình đựng mực tím bằng mủ, cây viết ngòi lá tre hay lá ổi, mỗi lần viết chấm ngòi viết vô hũ mực, viết được vài chữ ngòi hết mực lại chấm tiếp. Người lớn thì không xách bình mực tòn teng như đám con nít được, vậy là người ta cầu cứu tới mấy ông bơm mực bút bi. Rất dễ nhận biết các “cửa tiệm” này, cứ ra vỉa hè dọc theo chợ hay gần trường học là thấy một cái bàn gỗ thấp cũ xì, mặt bàn chỉ bằng cái mâm vuông lớn. Trên bàn để ba cái chai nước biển loại nửa lít, trong chai đựng ba loại mực: xanh dương, đỏ, đen và một cái vỏ lon sữa trong cắm tua tủa chừng chục cây bút bi cũ xì. Bút bi ở nhà xài hết mực thì gom lại cất, lâu lâu tôi theo mẹ tôi đi chợ sẵn cầm bó viết bi hết mực theo để bơm. Trước hết, ông thợ tháo cái ngòi viết rời khỏi cái ống nhựa nhỏ chứa mực. Ổng lấy cái dùi đầu nhỏ như đầu kim dùi cho viên bi nhỏ xíu trong đầu kim lọt ra ngoài, ông cẩn thận lấy viên bi để vô cái chỗ lõm trên mặt bàn. Sau đó, ổng lấy bông gòn nhúng chút dầu lửa quấn vô cái que làm sạch phần mực cũ còn dính trong ngòi viết, rồi ổng mới ngẩng đầu lên hỏi khách bơm màu gì? Trên bàn cũng có ba cái ống chích nhỏ bằng nhựa dẻo, trên đầu ống chích có gắn đoạn ống nhựa dẻo dài cỡ một tấc, mỗi ống chích là dùng cho một màu mực. Ổng dùng ống chích rút một ít mực trong chai nước biển rồi cắm vô phần dưới của cái ruột viết bơm từ từ cho mực lên gần đầy ống mới rút ra, nhanh tay gắn ruột vô phần ngòi viết rồi dựng đứng nó lên, chờ cho mực xuống đầy phần ngòi và rỉ ra ngoài thì ổng mới nhận cái đầu ngòi viết vô viên bi tháo ra để trong chỗ lõm lúc đầu. Ổng lấy một cuốn tập học sinh cũ ra, dùng cây viết mới bơm mực quậy tới quậy lui trên giấy để cho khách coi là mực đã xuống đều, viết được. Xong ổng lấy miếng vải cũ lau lau cây viết cho sạch là xong. Ổng lần lượt bơm xong cây viết này mới tới cây viết khác chớ không tháo ra một lúc nhiều cây viết vì ổng sợ lộn viên bi, nó không khớp là không viết được. Tôi thích đi theo mẹ tôi đi chợ bơm mực viết, xong thế nào mẹ tôi cũng đưa tôi một cây để xài với lời dặn hết mực phải trả lại cho mẹ. Cứ bơm rồi viết, viết rồi bơm lặp đi lặp lại, tới khi nào viên bi sắt trong ngòi viết mòn quá cỡ, mực tuôn ào ào ra thì mới bỏ đi. Tiền công bơm mực mới bằng một phần mười tiền mua viết mới. Thập niên 80, đầu năm học tôi chỉ có đủ tiền mua một cây bút bi màu xanh xài cho hết năm học, hết mực lại phải nhờ đến “tài năng” ông thợ bơm mực viết.

Tôi đi học bằng xe căng hải, chuyến đi thì đi nhanh, chuyến về tôi đi chậm, thấy cái gì lạ lạ tôi đứng lại coi để học lóm. Hôm thì tôi đứng lại coi vá xoong nồi, thùng thiếc; hôm thì tôi đứng lại coi vá đồ mủ, dép mủ.

Nghề vá thau, chậu…

Thời đó, muốn sắm xoong nồi mới không phải dễ, có tiền cũng không ai bán, mà nó bán theo tiêu chuẩn phân phối, nhà quan bự mới mua được với giá rẻ như cho, nhà dân đen thì không có cửa. Xoong, nồi bằng nhôm xài lâu quá nó mòn, lủng lỗ thì đem ra tiệm vá. Thùng thiếc gánh nước, thau nhôm cũng y vậy. Ở nhà phải lấy mực hay sơn chấm đánh dấu lỗ lủng trước. Ông thợ vá cứ theo lỗ lủng khách chỉ, lấy khoan tay khoan cho cái lỗ rộng ra chừng hơn cây tăm xỉa răng, xong lấy cái đinh nhôm ngắn có đầu dù (cỡ đầu lớn chiếc đũa) xuyên qua lỗ, lấy kềm bấm ngang cây đinh chỉ chừa một đoạn chừng năm ly. Ổng kê cái xoong (thùng, thau) lên cục đe sắt để dựng nghiêng rồi lấy cái búa nhỏ gõ nhẹ nhẹ từng chút, từng chút cho đầu đinh bẹp ra thành hình tròn giống như phần dù đinh bên ngoài, hai phần ép lại bít cái lỗ lủng. Vậy là xong, cứ đếm lỗ đinh mà tính tiền.

Cũng giống như xoong, nồi, thùng thiếc, thau mủ, dép mủ để mang cũng là thứ quý hiếm. Tôi nhớ mỗi lần đầu năm học, mua được đôi dép mủ mới để mang đi học là mừng hết lớn luôn, mừng đến cả đêm không ngủ được, trông cho mau sáng để được mang dép mới đi học. Mà dép có đẹp, có tốt gì đâu, thứ đồ hợp tác xã ở phường bán cho dân, nam có một kiểu (xấu) duy nhất, nữ cũng một kiểu (xấu) duy nhất, cùng màu, đôi lúc khác màu. Có điểm chung là tất cả đều được làm bằng loại nhựa thứ phẩm (nhựa tái chế) nên màu tái ngắt, độ dai, độ bền không có, độ xốp bở, độ cứng thì có thừa. Thành ra thay vì dép tốt xài được sáu tháng, dép này hai tháng đã đứt quai.

Vá thau, xô mủ thì công phu hơn vá thau nhôm. Ðồ mủ nó không lủng lỗ, mà thường tét từng đoạn dài. Ðồ nghề của ông thợ vá là một mớ lá nhôm mỏng như vỏ lon nước ngọt, cái kéo cắt nhôm, cái lò lửa than lúc nào cũng cháy đỏ, năm sáu cái mỏ hàn lớn nhỏ lủ khủ kiểu cha tôi thường dùng khi sửa radio. Khách đưa cái thau tới, ông thợ đo độ dài đường tét trên cái thau rồi lấy kéo cắt một miếng nhôm dài hơn đường tét hai phân, bề ngang cũng hai phân. Ổng lấy kéo cắt xéo xéo hai bên cạnh lá nhôm, mỗi nhát kéo là miếng cạnh nhôm bị cắt cong và quặp xuống, cắt xong nhìn miếng nhôm giống y con rít lớn. Ổng để miếng nhôm vừa cắt vô bếp than, quạt cho than cháy đỏ lên. Nhắm chừng miếng nhôm đủ nóng, ổng dùng cái kềm mỏ quạ gắp ra rồi hai chưn ổng kẹp hai bên cái thau ép chỗ tét lại dính sát nhau, tay cầm kềm nhận miếng nhôm nóng theo chiều dài đường tét. Những cái chưn rít xuyên qua lớp mủ quấu chặt lại, giữ cho hai mép đường tét không rời ra nữa. Ổng lại cắt từng miếng mủ (lấy từ một số thau bể khác) tùy theo hình dạng đường tét mà đặt miếng mủ lên, lấy mỏ hàn chà cho mủ chảy ra che bít hết miếng nhôm và phẳng mép nối. Dĩ nhiên, chính giữa chỗ vá lớp mủ nó mô lên một chút. Phía mặt bên kia ổng cũng làm y như vậy. Chỉ cần mủ nguội là thau đựng nước trở lại bình thường rồi. Miếng mủ vá có khi hên thì cùng màu, xui thì khác màu ráng chịu, không ai quan tâm tới “cái thẹo” đẹp hay xấu, miễn có thau xài là tốt lắm rồi.

Vá dép đồ nghề cũng y chang như vá thau, xô mủ, khác ở chỗ mỏ hàn vá dép chỉ dùng loại mini, không chơi nguyên “con rít” bằng nhôm để nối chỗ đứt, như vậy mang bị đau chưn. Ông thợ vá dùng từng đoạn dây kẽm mỏng câu từng đoạn ngắn cỡ một phân và nhiều đoạn giống như người ta may vết thương hồi xưa. Ðầu dây kẽm quay ra ngoài, bẻ cho nằm xuống rồi lấy mỏ hàn trét nhựa che dây kẽm bên ngoài, bên trong quai không cần trét.

Tôi tạm ngưng ở đây, lần sau tôi sẽ kể tiếp các nghề: cắt vỏ chai, cưa pedal xe đạp, gọt cao su nhúm lửa, chế ống lon và dán keo xe.

Tạ Phong Tần

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.