Bài đã đăng báo Người Việt ngày 18/9/2016
Tôi ngồi xuống bắt đầu viết nội dung kháng cáo gồm 10 điểm đầy hết cả hai mặt tờ giấy A4 như sau:
“1. Nhiều người làm chứng vắng mặt, trong khi lời khai những người này được dùng làm chứng cứ buộc tội mà không có sự đối chất giữa người làm chứng và bị cáo (Tạ Phong Tần).
2. Vài người làm chứng có mặt, lời khai mâu thuẫn cũng không được đối chất với bị cáo (Tạ Phong Tần).
3. Lời khai của bị cáo Phan Thanh Hải mâu thuẫn và suy diễn bắt tội cho tôi nhưng cũng không được đối chất.
4. Giám định viên là ông Nghiệp (cá nhân) giám định toàn bộ 101 bài viết của tôi (mà không phải là hội đồng), không giám định riêng rẽ từng bài. Cá nhân ông Nghiệp cũng không đủ tư cách là giám định viên chiếu theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
5. Các tài liệu dùng làm chứng cứ buộc tội tôi không được đưa ra thẩm tra công khai tại phiên tòa. Cáo trạng cáo buộc tôi 101 bài viết, nhưng [chỉ] đưa ra được cái tên (tít) vài bài, còn lại không biết những bài viết nào, vì tôi viết hơn 1,000 bài đủ các thể loại. Không dẫn chứng được tôi đã viết sai câu gì, ở đâu. Tôi khẳng định với quý tòa tối cao là tôi không bao giờ có viết câu chữ nào sai, vi phạm pháp luật.
6. Chủ tọa phiên tòa giới hạn thời gian tranh luận, không cho luật sư của tôi và tôi trình bày nội dung bào chữa dù nội dung không lạc đề, không trùng lắp, chỉ phản biện những cáo buộc trong cáo trạng.
7. Tôi đề nghị kiểm sát viên giữ quyền công tố tranh luận với tôi, nhưng cũng bị chủ tọa cắt ngang không cho nói.
8. Không chứng minh được tôi có mục đích chống nhà nước là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng vẫn buộc tội.
9. Nội dung kết quả giám định (dùng buộc tội) đều là những lời lẽ suy diễn vu vơ, hàm hồ, rồi chửi mắng, nhục mạ danh dự, nhân phẩm tôi, xúc phạm tôn giáo của tôi, cắt xén câu chữ trong bài viết của tôi, để xuyên tạc theo hướng xấu, bất lợi cho tôi, vu cáo tôi bôi nhọ nhà nước.
10. Không chứng minh được tài sản, đồ vật của tôi là phương tiện phạm tội, nhưng vẫn tuyên tịch thu.”
Cuối cùng, câu kết là:
“Tôi không phạm tội nhưng đã bị bắt giam, vu cáo bởi cơ quan pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, bị xét xử trong một phiên tòa bất công mà sơ thẩm đã ngang nhiên chà đạp lên pháp luật. Vì vậy, tôi kháng cáo toàn bộ nôi dung bản án sơ thẩm hình sự ngày 24/9/2012 của tòa án thành phố HCM đối với tôi. Trại giam B34 Bộ Công An an ngày 26/9/2012. Người kháng cáo (ký tên) Tạ Phong Tần.”
Theo thông thường, người ta viết đơn xong đều có thêm câu xã giao cuối đơn. Ví dụ như: “Trân trọng kính chào,” “Mong được (A, B, C… gì đó) xem xét chấp thuận, tôi chân thành ghi ơn,” hoặc “Xin nhận trước lòng thành thật biết ơn của tôi.” Nhưng trong đơn này, tôi viết như vậy là để tỏ cho chúng biết rằng: Tao khinh chúng mày nên đếch chào chúng mày. Ở trang thứ 2, tức mặt sau đơn, tôi ghi lại lần nữa dòng chữ “Trại giam B34 Bộ Công An ngày 26/9/2012” là để cho bất cứ ai chụp lại đơn này, dù trang 1 hay trang 2 cũng đều thể hiện trong thời điểm này tôi đang bị giấu ở trại B34 Bộ Công An, mà theo quy định vụ án của tôi không được quyền đem giấu tù nhân ở trại nào khác ngoài trại của cấp thành phố, chứng tỏ rằng vụ này không đơn thuần chỉ là bọn thành phố làm, mà tất tần tật đều do bọn Bộ đích thân “chỉ trỏ” từ đầu đến cuối, nhưng dùng bọn thành phố làm “vải thưa che mắt thánh,” lừa gạt dư luận mà thôi.
Cuối đơn tôi ghi rõ là “Người kháng cáo” chớ không dùng câu “Người làm đơn” như thông thường. Bọn này chúng nó thèm tù chính trị viết đơn xin chúng nó đến rỏ dãi, viết câu “Người làm đơn” rồi ký tên ở dưới nó đem ghép với đơn của ai đó nội dung nhận tội ở phần trên thì sao. Thủ đoạn thường dùng của chúng nó mà. Cứ ghi “Người kháng cáo” rồi ký tên sát vào, bố nó cũng không lắp ghép được nội dung khác vô được. Hổng có cửa đem đăng báo mờ mờ rồi tuyên truyền láo toét được đâu nghen.
Ở phần trên của đơn, mẫu in sẳn của nó in chữ “Hành vi phạm tội:” thì tôi sửa lại là: “Bị xét xử tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam,” không xài chữ “Hành vi phạm tội” của nó, tức không thừa nhận mình có tội.
Tôi còn cẩn thận gạch dưới dòng chữ “kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm hình sự ngày 24/9/2012” để nhấn mạnh rằng tất cả những điều chúng nó khẳng định và ghi trong bản án tôi đều bác bỏ hết, kể cả mấy thằng Hội Đồng Xét Xử lẫn Kiểm Sát Viên.
Viết xong cái đơn khoảng ba mươi phút, mồ hôi trên trán, trên người chảy thành từng dòng xuống do trong phòng giam quá nóng bức.
Đến giờ cơm trưa, tôi đưa cái đơn cho Phan Văn Việt, còn cố tình nhắc lại:
– Tôi gởi đơn kháng cáo cho cán bộ Việt đó nghe, mất đơn của tôi là cán bộ Việt chịu trách nhiệm đó.
Phan Văn Việt nói:
– Trời ơi chị đừng có lo, tôi cẩn thận lắm mà. Tôi sẽ chuyển đơn cho chị liền.
Tạ Phong Tần
(Còn tiếp)