LẦN ĐẦU VÀO BỆNH VIỆN “GIẪY CHẾT”


IMG_1219Bài đã đăng báo Trẻ (Texas) ngày 15/10/2016

Bài viết này dành riêng cho những độc giả là người Việt Nam ở trong nước, chớ người ở xứ “giãy chết” hay đồng minh của bọn “giãy chết” không cần đọc, bởi nó là chuyện quá bình thường và thần dân xứ “giãy chết” coi như đó là hiển nhiên phải như vậy mỗi ngày (đứa nào không làm vậy tao kêu rầm lên thì chết với tao).

Quy trình khám chữa bệnh xứ “giãy chết” trước tiên là bác sĩ chuyên khoa khám cẩn thận trước khi quyết định phẫu thuật, giải thích cho bệnh nhân nghe họ sẽ làm gì trước tình trạng đó, lợi và hại như thế nào, bệnh nhân có đồng ý không. Rồi họ lấy những thông tin cá nhân của mình, trong đó có câu hỏi mình tôn giáo nào? Ngạc nhiên quá, tôn gió nào thì đâu liên quan gì đến chuyện bệnh tật đâu trời. Bạn tôi nói nó hỏi để khi có việc cần thì sẽ có hòa thượng hay linh mục vào bệnh viện ngay lập tức để “chăm sóc phần hồn”.

Sau đó nhân viên hành chánh của bác sĩ đưa cho mình cái phiếu hẹn ngày giờ có mặt tại bệnh viện để mổ và cái sơ đồ hướng dẫn đường đi đến bệnh viện, cái toa thuốc để ra nhà thuốc Tây lấy thuốc về sẳn khi nào xuất viện về nhà uống tiếp.

Đúng ngày giờ, bạn tôi đưa tôi đến bệnh viện Fountain Valley. Bạn tôi nói cái bệnh viện này là cái bệnh viện cũ xì so với các bệnh viện khác tại đây đó. Vì ông bác sĩ sẽ mổ cho tôi là người Việt làm việc ở đây nên ổng chuyển tôi vô đây. Chủ nhật tuần rồi, tôi vào bệnh viện Long Beach thăm một chị “bạn của bạn” bị gãy chân, đúng là bệnh viện Long Beach mới tinh, cái gì cũng điều khiển tự động, ngay cả gởi xe cũng tự động, ngay cả cái cầu thang bộ của nó cũng thiết kế đúng tiêu chuẩn bệnh viện, chân đau cũng rất dễ đi vì khoảng cách mỗi bậc thang của nó bằng một nửa bậc thang bình thường.

Ở phòng hành chánh, họ cho mình ký các loại giấy tờ, đại loại như nếu cần thiết truyền máu thêm thì họ sẽ có quyền truyền cho mình, họ sẽ giữ bí mật hồ sơ bệnh án của mình, ngoài bác sĩ chuyên khoa ra không ai được quyền biết nếu chưa hỏi ý kiến của mình, mình không phải trả đồng nào cho bệnh viện, mình sẽ được bệnh viện cung cấp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng vệ sinh an toàn ngày ba lần, v.v…

Ngay từ khi bước vào sau cánh cửa kiếng bệnh viện là toàn bộ khu bên trong này có máy lạnh nên lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu.

Xong phần này là có một cô bé mặt mũi, quần áo như Hồi giáo đẩy cái xe tới kêu tôi ngồi lên cho nó đẩy vô phòng trong. Mình đang đi đứng bình thường, to như con voi mà nó thì bé tí, ngồi cho nó đẩy ngại quá, nhưng nó nói nó làm thiện nguyện và nhất định đòi mình phải ngồi lên xe cho nó đẩy đi, đành phải chìu ý nó vậy.

Vô phòng bên trong thay bộ quần áo mình đang mặc trên người ra mặc cái áo của bệnh viện vô rồi nằm lên cái giường bệnh nhân có trải nệm trắng, đắp cái mền mỏng màu trắng kem lên. Họ lấy quần áo thay ra bỏ vô cái túi nilon trắng có in tên bệnh viện và họ tên của mình. Tất cả đồ đạc cá nhân của mình nếu không có người nhà đi theo giữ thì bệnh viện sẽ giữ và làm cái giấy là họ giữ của mình món gì, món gì. Các loại túi xách, laptop, giấy tờ, tiền của tôi đem theo tôi đưa cho bạn tôi giữ giúp nên họ cũng làm văn bản ghi rõ họ không giữ tài sản gì của mình.

Lại có người của bệnh viện (thông qua phiên dịch) gọi qua bộ đàm hỏi lại lần nữa là mình mổ cái gì, ai là bác sĩ đứng mổ, mình có yêu cầu gì hay không, có muốn thay đổi gì không. Rồi cô y tá lấy của mình trước ra 10cc máu, cổ giải thích cái này để khi mổ xong bác sĩ sẽ trộn với keo dán lại cho mau lành vết thương. Lấy máu xong cổ cắm chai truyền nước luôn rồi đẩy giường vô phòng.

Trong phòng mổ họ khiêng mình từ giường chuyển qua bàn mổ. Bác sĩ gây mê là một người đàn ông da đen còn trẻ, lấy cái chén cao su có gắn dây dài chụp lên mũi miệng mình, chừng vài phút sau là “đi” luôn ngon lành. Họ làm gì mình không biết được.

Khi tỉnh dậy, cảm thấy ngộp thở, tôi bèn thò tay giật cái chén cao su xuống. Lúc này có một y tá nam nói tiếng Việt thông báo với tôi đại ý là đã mổ xong, sức khỏe tốt nên không cần truyền máu, ca mổ tiến hành trong một giờ đồng hồ, tôi đã nằm trong phòng hồi sức một giờ rồi, bây giờ họ sẽ đưa tôi ra phòng bệnh, muốn cái gì cứ nhấn nút gọi y tá.

Rồi có hai người khác đẩy cái giường tôi đang nằm đi qua phòng khác. Qua bên này, tôi nhìn thấy những người bạn của tôi đang ngồi ở đó, đứng dậy chạy đến hỏi han tôi. Tôi vô phòng mổ lúc 6 giờ chiều, bây giờ nhìn đồng hồ trên tường là 10 giờ đêm.

Bạn tôi để đồ đạc của tôi vô cái tủ ở đầu giường. Cái giường này có nút bấm, tự mình có thể bấm nút cho nâng lên, hạ xuống, cao thấp theo ý  mình. Cô y tá đưa cho tôi cái remote có dây dài, cái này vừa có nút bấm để gọi y tá, và cũng là để điều khiển ti vi luôn. Ti vi 25 inch treo trên tường phía chân giường, mỗi bệnh nhân một cái ti vi, nhìn lên tường thấy hai ti vi, hai cái giường nhưng giường bên kia trống không có người nằm. Cạnh bên giường là cái bàn có chân đẩy, trên đó để sẳn nước uống, ly uống nước, cái hộp nhựa đựng bàn chải, kem đánh răng, khăn giấy của bệnh viện cấp cho bệnh nhân dùng.

Tôi uống miếng nước xong rồi ngủ tiếp.

Một suất cơm bệnh viện cung cấp.
Một suất cơm bệnh viện cung cấp.

Sáng hôm sau, chị hộ lý bưng vô một mâm gồm có nước ép trái cây đóng hộp giấy, nước uống đóng chai, sữa đóng hộp giấy, một dĩa to thức ăn đựng trong khay có nắp đậy mà tôi không biết đó là món gì vì tôi không muốn ăn. Tôi uống hết hộp nước trái cây, hộp sữa rồi thôi. Trưa, chiều đều có bưng mâm thức ăn đến nhưng tôi không không ăn thứ gì, uống sữa rồi ngủ tiếp.

Nằm một chổ lâu nó đau lưng dễ sợ, đau còn hơn đau chổ vết mổ, không ngủ được. Tôi đã hai lần bấm nút gọi y tá đến, họ bơm thêm thuốc giảm đau vào đường dây đang truyền nước, mỗi lần bơm xong khoảng mười lăm phút sau là hết đau, ngủ ngon lành.

8 giờ sáng hôm sau, tôi bấm nút gọi y tá vô dìu mình đi vệ sinh. Phòng vệ sinh trắng toát, có đủ các loại giấy vệ sinh cần dùng để sẳn trong đó. Bồn cầu là loại có tay gạt bằng Inox dài, mỗi lần gạt là nó xả nước hút xuống cực mạnh, hơn gấp mấy lần các các loại bồn cầu thông dụng gia đình. Cô y tá đứng chờ bên ngoài, xong lại dìu mình đi ra đánh răng, rửa mặt rồi trở lại giường nằm. Khoảng ba mươi phút sau, cô trở lại dìu mình ngồi dậy đi loanh loanh ở hành lang rồi về giường nằm. Trưa lại bưng vô một mâm to đùng gồm cơm trắng, đậu xào, thịt xào, rau cải hấp, nước trái cây, nước lọc, nước đá… nhưng mà nhìn thấy khô quá, nuốt không nổi nên tôi không ăn. Họ lại bưng vô cho một tô súp nui nấu thịt heo, mình cũng không ăn được vì cách nấu không hợp khẩu vị. Trưa lại bưng vô một mâm bánh gì đó làm với trứng bự như cái mâm, đùi gà chiên, tôm, rau hấp. Nhìn thấy cũng hấp dẫn lắm nhưng tôi đang bị say thuốc nên cổ khô khốc, chỉ muốn uống nước và ngủ. Đến chiều, bạn tôi mua một hộp cháo lòng nóng hổi từ chợ Tam Biên đem vô tôi mới ăn được một nửa hộp cháo rồi thôi.

Chiều thì nhà bếp vô hỏi mình muốn ăn gì đặt trước với họ, rồi liệt kê ra một lô một lốc món ăn Mỹ có Việt có. Tôi chỉ đặt những thứ đơn giản nhất, như nước ép trái cây, nước lọc, trái cây tươi (gọt sẳn), cháo gà, phở, còn những thứ khác thì thôi. Không biết nhà bếp có mừng húm hay không, vì khẩu phần bệnh nhân ăn mỗi ngày Chính phủ chi trả trước, mà mình ăn ít thì đương nhiên sẽ dôi ra rất nhiều. Nhờ có bạn tôi đem cháo cá, cháo lòng, cháo bò từ nhà vô nên ngày ba bữa tôi đều ăn cháo nóng, cảm thấy rất ngon.

Nói chung là thời gian ở trong bệnh viện không cần thiết có người nhà túc trực, muốn cái gì cứ nhấn nút gọi y tá họ lập tức chạy đến, từ việc ăn uống, thay đồ cho đến đi vệ sinh. Người nhà đến phần lớn là để “tám” và mang thêm thức ăn đến nếu bệnh nhân không thích ăn những thức ăn của bệnh viện, hoặc giúp đi vệ sinh mà không cần bấm nút gọi y tá.

Ngày thứ hai, cô y tá dẫn vô một cô da trắng đứng tuổi, tự giới thiệu đại khái là làm thiện nguyện cho Catholic (tức Công giáo), cô này đọc kinh cầu nguyện, vẫy nước Thánh cho tôi và tặng tôi một tấm ảnh Đức Mẹ nhỏ xíu thêu trên vải, có dây đeo. Cổ còn cám ơn mình đã nhận rồi mới đi nữa chớ.

Bác sĩ đứng mổ đến xem vết mổ, đưa tấm hình chụp họ lấy những thứ A, Bờ, Cờ gì đó từ trong người mình ra cho mình coi. Trời mẹ ơi sao nó giống như mấy trái banh cao su lớn nhỏ lủ khủ đủ cỡ dính chùm nhau, “trái banh” lớn nhất cũng cỡ trái bưởi năm roi à. Bác sĩ nói chỉ cần ở đây ba ngày là xuất viện được rồi.

Ngày thứ ba đã cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng vì đang dùng thuốc giảm đau nên chỉ muốn ngủ. Bạn tôi nói nếu cảm thấy chưa khỏe thì xin ở lại, đó là quyền lợi của mình. Nhưng tôi nói muốn đi về nhà nghỉ cho khỏe, ở đây hai đêm rồi không ngủ được, mà ban ngày cũng không ngủ được, ở thêm thì tôi chết.

Má ơi, bà bệnh nhân người Mễ nằm kế bên, không rõ bệnh gì mà mồm nói ầm ầm hơn loa phường, rồi thân nhân cũng vậy. Bả vừa xuất viện, mừng muốn chết, tưởng đâu được yên, chừng một giờ đồng hồ sau có một bà Việt Nam (chồng Mễ) vô nằm giường đó thay thế, kể từ đó là ầm ĩ suốt luôn. Mỗi giường bệnh cách nhau khoảng ba mét, xung quanh có rèm lớn treo trên khung kim loại bao quanh giường bệnh, có thể tùy ý kéo ra hay kéo vô quây kín cái giường bệnh nhân lại. Trong phòng có bốn cái ghế dựa lớn cho thân nhân ngồi. Vậy là cái gia đình Việt-Mễ kia cứ kéo ghế tới lui ầm ầm, ầm ầm, kéo ra kéo vô cái rèm rồn rột, rồn rột suốt. Bà đó không ho, không rên ồ ồ thì nói điện thoại oang oang như loa phường. Mình thì mở rèm ra cho nó thoáng mát, bà kia già cốc khú đế chớ đẹp đẽ gì, ai thèm dòm mà cứ che che giấu giấu như thiếu nữ, làm tôi không ngủ được, cứ chốc chốc lại giật mình bởi tiếng động. Muốn chửi lắm rồi nhưng đang mệt không đủ sức chửi nên thôi.

Ti vi kênh Việt chiếu ba cái phim nhái Hàn, kênh Mỹ thì ban đêm chiếu phim ma, coi một hồi chán quá, tôi bèn lôi cái Ipad ra chơi, đọc tin tức. Ở đây có wifi miễn phí ai xài cũng được.

Sáng ngày thứ ba là tự đi vệ sinh được rồi, không cần ai đỡ. Bác sĩ đến xem lại vết mổ lần nữa rồi thông báo trưa nay có thể xuất viện, về nhà tắm gội bình thường, ăn uống bình thường không cần kiêng cữ, tôi nghe vậy đồng ý liền. Trưa, một y tá đem hồ sơ đến đưa cho tôi, bảo tôi gọi người nhà đến đón, khi bạn tôi tới họ bèn “bàn giao” cẩn thận, căn dặn về nhà trong mười ngày không được làm việc nặng, không được vói cao, không được khom xuống. Lại có một cậu bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi người Việt đẩy xe cho mình ngồi ra đến ngay chổ xe nhà mình đậu. Nó cũng nói là nó làm thiện nguyện ở đây ba năm rồi.

Về nhà, thay quần áo đi tắm mới thấy “nó” cắt một đường ngang bụng mình cỡ một gang tay, xong lấy keo dán lại, ha ha. Sợ nhứt ở nhà một mình là khi muốn đi vệ sinh hay muốn làm cái gì đó mà không có ai dìu đi. Hóa ra về nhà mỗi ngày tiếp tục uống thuốc giảm đau, tự đi đứng tỉnh bơ, tự nấu ăn luôn, có điều đứng lâu cảm thấy mệt nên ăn xong là leo lên giường ngủ.

Ba ngày sau, bệnh viện “nó” lại gọi điện thoại tới, đại ý là hỏi đủ thứ việc và mình có hài lòng với cung cách phục vụ của “nó” không, có ý kiến gì không, có đề xuất gì không, nhắc mình nhớ đi tái khám sau 15 ngày và cuối cùng cám ơn mình đã sử dụng bệnh viện của “nó”.

Không tốn tiền, không có phong bì, được phục vụ tận răng, ở trong bệnh viện giống như khách sạn 3 sao, nếu không có cái vụ ồn ào làm mất ngủ kia thì tôi xin ở thêm một tuần cho nó sướng, khỏi phải tự nấu ăn. Mình ở trong đó, nghĩ đến trong nước hàng hàng lớp lớp bệnh nhân nằm vạ vật ngoài hành lang, hay phải nằm cùng giường. Đi nuôi bệnh thì ngủ vạ vật ngoài hành lang làm mồi cho muỗi hoặc có cái gầm giường chui ra chui vào mỗi đêm đã cảm thấy “hạnh phúc” hơn kẻ ngủ ngoài hành lang. Cùng là người đóng thuế như nhau không biết đến bao giờ người Việt trong nước được hưởng những phúc lợi xã hội như ở xứ “giãy chết” này?

Tạ Phong Tần

 

Một suy nghĩ 10 thoughts on “LẦN ĐẦU VÀO BỆNH VIỆN “GIẪY CHẾT”

  1. Nge kể kiểu này chắc … tôi phải kiếm cớ vô bệnh viện nằm quá ! Nói đùa thôi, chứ hồi đó tôi bị té gãy tay mà không biết, thấy tay sưng lên đau quá chịu không nổi mới đến bệnh viện khám. Họ thấy tay sưng quá nên chỉ hỏi sơ để lập hồ sơ rồi đưa vô cho bác sĩ coi. Bác sĩ chụp hình nói xương bị gãy phải mổ, ghép kim loại … và thế là hôm trước hôm sau bị mổ luôn. Hai tiếng sau là về nhà …. Tới khi tính tiền, “nó” tính hơn 26,000 usd !!! Bảo hiểm chỉ chịu trả 25,000, tôi phải trả hơn 1 ngàn còn lại. Tôi nói tôi bị thương như vầy đâu có đi làm, không đủ tiền trả …. không thấy trả lời trả vốn gì. Nửa năm sau tôi đến bệnh viện hỏi về số tiền tôi thiếu giờ phải làm sao ? Họ nói acct của ông xóa rồi !!! Hết !

    Thích

  2. Cô Phong Trần ơi (gọi ngắn gọn vậy cho nó Máu, và cũng đúng thân phận của cô nữa). Có 2 mục cần nói thêm với cô trong bài viết là: kê khai tôn giáo, và thiện nguyện viên.

    Trong các bệnh viện đều có các vị tuyên uý của các tôn giáo (chaplain), chuyên lo đời sống tinh thần cho các bệnh nhân. Đối với các tôn giáo lớn, phải có sự đề cử của các vị có thẩm quyền. Ví dụ bên Công giáo do Đức giám mục đề cử 1 cha nào đó trong điạ phận với bệnh viện, bệnh viện đồng ý, vị linh mục sẽ làm việc trong bệnh viện, theo giờ mà bệnh viện sắp xếp. Vì là đất nước Hiệp chủng quốc có nhiều sắc dân nên có thể có nhiều linh mục tuyên uý với những ngôn ngữ khác nhau. Như ở vùng Nam Bắc Cali, hoặc Texas, có nhiều cha tuyên uý VN. Với các tôn giáo nhỏ, các vị mục sư hay lãnh đạo tinh thần có thể xin phục vụ và được bệnh viện đồng ý (sau khi đã kiểm tra tiểu sử, là người tốt). Các vị tuyên uý có thể ăn lương, hoặc làm thiện nguyện, Tuỳ từng vị.

    Mỗi vị tuyên uý được phát 1 thẻ đeo ở ngực như 1 nhân viên chính thức của bệnh viện. Và trên thẻ đó ghi rõ là linh mục, mục sư…..để mọi người biết đó là vị tuyên uý, và vị tuyên uý có thể thăm bất cứ bệnh nhân nào đang nằm điều trị trong bệnh viện – trừ phòng mổ.

    Nhiệm vụ của các vị tuyên uý là: tuỳ theo lịch làm việc do bệnh viện sắp xếp và được sự đồng ý của đương sự, tới giờ vào bệnh viện, đến văn phòng chính nhận 1 danh sách các bệnh nhân đang điều trị, trong danh sách đó đều ghi rõ bệnh nhân thuộc tôn giáo nào (như cô đã làm). Vị tuyên uý đó cứ theo tên, khoa, phòng, giường…. người của tôn giáo mình mà đến thăm. Với người Công giáo thường các LM mang theo Mình Thánh Chúa, các ngài đến hỏi thăm về thân nhân, sau phần hỏi thăm đến phần tôn giáo, ai cần xưng tội, ai cần khuyên bảo….sau đó cho rước Mình Thánh Chúa. Kết thúc là ban phép lành, cầu chúc bình an. Đôi khi 1 ngày có thể cô có 2, hoặc 3 vị tuyên uý đến thăm. ông cha người Việt, ông cha người Phi, hay 1 vị mục sư Tin Lành nào đó…Ngoài các vị tuyên uý, còn có các thiện nguyện viên tôn giáo, là người thường họ cũng đến để thăm hỏi và đọc kinh cầu nguyện cho bệnh nhân.

    Các thiện nguyện viên: bao gồm 2 thành phần: 1 các học sinh sinh viên – với các học sinh đang ở bậc trung học, 3 năm cuối (10, 11, 12) thường các em xin đi làm việc thiện nguyện ở các tổ chức từ thiện hay các cơ sở cộng đồng vào những ngày nghỉ học, nhất là vào những ngày cuối tuần. Số giờ các em làm thiện nguyện sẽ được coi như Credit score (điểm tốt) giúp các em khi nộp đơn học đại học, nhất là các em dự trù đi vào ngày Y. Với các em sinh viên đang đi học, thường là ngành Y, đây là cơ hội giúp các em tiếp xúc sớm với môi trường nghề nghiệp mà các em sẽ bước vào sau này. Rất cần thiết, vi khi ra trường trong hồ sơ xin việc sẽ có phần kinh nghiệm làm việc các em sẽ liệt kê bao nhiêu năm tháng các em đã làm việc trong bệnh viện, sẽ dễ được thâu nhận hơn.

    Con tôi đang làm việc trong ngành y ở bệnh viện Long Beach, nên tôi biết rất rõ. Cô không mổ ở Long Beach, nếu mổ ở Long Beach rất có thể cô sẽ gặp con tôi.

    Dài dòng và tỷ mỉ để cho bà con ở trong nước thấy được đời sống của người dân ở những nước tư bản sao giẫy hoài mà vẫn chưa chết là vậy!!!!

    Ở đây CHÍNH QUYỀN thực sự là ĐẦY TỚ của NHÂN DÂN.

    Đã thích bởi 1 người

      • Không đâu cô, LM Tuyên Uý – danh xưng này được dùng phổ thông lắm, không phải chỉ cho quân đội đâu. Lo cho bệnh viện: gọi là tuyên uý bệnh viện, Lo cho các đoàn thể Công giáo Tiến Hành: ví dụ Thiếu Nhi Thánh Thể, Các Bà Mẹ Công Giáo, Thanh sinh Công, Thanh lao Công …..cũng đều gọi là LM Tuyên Uý, hay cha tuyên uý – đôi khi cũng gọi là LM Linh Hướng.

        Thích

  3. Nam 2013 là năm xui nhất của mình. Đang set up cho máy chạy thì sơ xuất bị cục sắt rớt đè lên ngón tay trỏ tay phȧi đưa vào nhà thương chụp hình thì biết gãy sương và đứt gân. Sau đó cũng vào nhà thương giãi phẩu rồi nối lại gân tay vì mình đi làm có đóng bảo hiểm tài nạn lao động mỹ goi tắt là L&I (labor and injury) nên mình không phải trả một đồng bảo hiểm nào tất cả chi phí L&I đều trả hết cộng thêm mình ở nhà ba tháng L&I phải trả 80% tiền lương sau thòi gian đi giám định lại ngón tay đốt trên cùng không cử động được bác sĩ giám định là 90% nên mình được L&I bồi thường 12 ngàn đô.

    Thích

  4. “tấm ảnh Đức Mẹ nhỏ xíu thêu trên vải, có dây đeo. Cổ…” đó gọi là “Áo Đức Bà Màu Nâu”. Chị bấm vào links em gởi kèm đọc thêm sự tích và những phép lạ “Áo Đức Bà Màu Nâu”. Chúc chị mạnh khỏe.

    LỊCH SỬ VỀ ÁO ĐỨC BÀ MÀU NÂU ĐỨC MẸ NÚI CAMÊLÔ

    http://www.cungmedonghanh.com/lich-su-ao-duc-ba/

    http://www.dongcatminh.org/category/%C4%91%E1%BB%A9c-maria/%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%A9c-b%C3%A0

    Những Phép Lạ Của Áo Đức Bà Mầu Nâu

    http://www.memaria.org/default.aspx?LangID=38&tabId=439&ArticleID=12924

    http://memaria.net/20150718075531DN.html

    http://memaria.org/default.aspx?LangID=38&tabId=439&ArticleID=12929

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.