CHÁO GẠO RANG


Bài đã đăng báo Người Việt ngày 09/3/2016

Chao-gao-rangNgười miền Bắc nấu cháo phải chọn gạo dẻo, thơm. Trước khi nấu phải xay hoặc giã cho hạt gạo bể nhỏ ra như hạt tấm, khi nấu thì đun cho gạo nở ra thật nhừ, nếu cần thiết cũng dùng cái muôi quấy cho cháo tơi mịn ra không còn nhìn thấy hạt gạo, cháo đặc sệt gần như là bột gạo quấy thì mới là cháo ngon.

Cháo Bắc khi còn nóng (không đặc cứng) không cần phải nhai mà có thể húp sồn sột cho đến hết bát cháo to đùng. Có lẽ câu thành ngữ “Không còn cái răng húp cháo” của người Việt Nam xuất xứ từ miền Bắc, và miền Bắc thì phải dùng từ “húp cháo,” “uống cháo” thay vì “ăn cháo.”

Khác với cháo Bắc, người miền Tây Nam Bộ nấu cháo, trừ cháo cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi phải tán mịn hạt cháo cho trẻ dễ nuốt, còn lại thì bất kể là cháo gì, bắt buộc phải nhìn thấy rõ hột gạo nở hoa trong nồi cháo chớ không nấu cháo mịn như ngoài Bắc. Cháo miền Tây phải vừa húp mà vừa nhai nữa, cháo phải có nước lẫn cái (hột gạo) đàng hoàng, cháo nát quá không nhìn thấy hạt gạo nở loe loe thì bán người ta không mua, chê “cháo ế hâm lại nhừ tét bét.”

Dân Bạc Liêu không thích ăn cháo đặc sệt, vì vậy, người Bạc Liêu nấu món cháo gạo rang thơm lừng rất hấp dẫn. Người Việt ai chẳng biết mắm, nem chua, nem bì thơm nhờ thính, thính làm bằng gạo rang vàng xay nhỏ, gạo rang đem nấu cháo càng ngon tuyệt. Cháo gạo rang có màu vàng hơi nâu chớ không trắng. Nguyên liệu chính của cháo gạo rang là… gạo rang vàng. Còn ăn cháo với thịt heo, thịt gà, thịt vịt, hay lòng heo thì tùy ý. Ở quê tôi, người ta nấu cháo cá lóc, cháo cá khoai, cháo cá kèo… với gạo trắng, tôi chưa thấy ai nấu cháo gạo rang với cá bao giờ.

Muốn nấu cháo gạo rang, trước hết phải chọn gạo tẻ ít tấm, nếu có tấm phải sàng sảy lấy tấm ra, còn lại gạo nguyên hột khi rang gạo mới vàng đều không bị khét. Vo gạo cho sạch, đổ vào rá tre đan mịn cho khô nước rồi cho vào chảo hay nồi gì cũng được. Bắc chảo (nồi) lên bếp, để lửa vừa phải, dùng cái tiểu liễu (sạn) xóc đảo liền tay cho gạo nóng đều, chừng 20 phút thì gạo bắt đầu khô và chuyển sang màu hơi vàng thì nhắc xuống khỏi bếp, đừng rang quá vàng như rang thính gạo sẽ chín khô mất hết nhựa nấu cháo không ngon. Phải rang sao cho hột gạo hơi vàng bên ngoài thôi, bên trong khi nấu vẫn còn một chút nhựa mới ngon. Đổ gạo ra cái thau nhôm cho gạo nguội, đổ ra thau nhựa coi chừng nóng thau bị chảy. Có người nói nếu không có thau nhôm thì múc sẵn nửa thau nhựa nước, đổ chảo gạo rang vô là được chớ gì, làm sao mà chảy nổi. Nói như vậy là chưa biết nấu cháo gạo rang, đúng là nó không chảy thau nổi thiệt, nhưng gạo đang nóng hổi đổ vô thau nước thì nó sẽ thành thau cháo, mà là thau cháo dở tệ mới chết chớ, nó không đủ độ nóng để hạt gạo rang nở bung ra, nhìn rất nham nhở. Phải chờ gạo rang nguội rồi mới đổ nước vào ngâm qua đêm cho hột gạo rang hút nước mềm ra, khi nấu cháo mới mau nở.

Chuẩn bị xong phần gạo rồi tới phần thịt. Hồi trước, dân quê tôi không xài nước máy của thủy cục. Mùa mưa, nhà giàu thì xây hồ chứa lớn chừng vài chục mét khối nửa nổi nửa chìm chứa nước mưa, nhà nghèo chứa trong lu, trong kiệu để dành uống. Sông miền Tây có hai mùa nước mặn và nước ngọt, mùa mưa nước ngọt, mùa nắng nước mặn. Nước nấu ăn, tắm giặt thì chờ khi sông nước lớn tràn bờ là gánh nước dưới sông trước mặt nhà đem chứa vào thùng phuy sắt lóng phèn xài. Mùa nắng, nước sông mặn mà cũng không có mưa, người ta xài đỡ nước ao, nước đìa để tắm giặt, tất nhiên là cũng có lóng phèn. Lúc đó, cả xóm có cái “cây nước” (giếng khoan nước ngầm). Mỗi buổi chiều tầm 3 giờ, bên đồn lính quay máy đèn (máy phát điện) chạy xình xịch bơm nước ở cây nước vô cái hồ chứa bằng xi măng lớn. Bên hông hồ chứa có chừng 5-6 cái vòi cho nước chảy ra. Dân trong xóm xúm nhau kê thùng vô hứng gánh về nhà xài. Có một người nhân viên của “hội đồng xã” ngồi ghi sổ, đếm gánh. Ai gánh nước xong rồi trả tiền liền trong ngày, hay để cuối tháng cộng sổ lại trả một lần đều được hết.

Lóng phèn cho nước trong tức là cầm cục phèn chua bự bằng nắm tay thò vô phuy nước quậy vòng vòng đến khi nào thấy nước trong phuy trong vắt lại, cặn lắng hết xuống đáy thì lấy cục phèn lên, qua phuy nước khác cũng làm y như vậy.

Sở dĩ tôi phải nói dông dài về cái sự nước nôi này vì nó có quan hệ mật thiết đến việc chuẩn bị thịt cho món cháo, không hiểu ý nó là thịt không ngon. Gà, vịt, thịt ba rọi heo, lòng heo sau khi làm sạch để nguyên con, nguyên miếng mà luộc. Nước luộc thịt nếu là nước có lóng phèn sẽ luộc thịt ngon hơn, thịt trắng, mỡ trong và giòn, da gà vịt cũng giòn, lòng non heo cũng giòn. Tất cả đều trắng và giòn, ngọt lịm nhờ một chút phèn chua trong nước. Nếu dùng nước giếng bơm luộc thịt, phải cho thêm vào nước luộc một chút xíu phèn chua. Luộc thịt vừa chín tới thịt mới ngọt, vớt ra để ráo.

Gạo ngâm xong vớt lên rá cho ráo rồi đổ vào nước luộc thịt lúc nãy nấu cháo, nấu đến khi thấy hạt gạo nở loe ra như bông hoa cau là được. Nêm nếm thêm bột ngọt, muối hoặc gia vị khác vào cháo cho vừa miệng.

Gà vịt luộc xong, người miền Tây không chặt miếng như người miền Bắc, mà xé sợi ra, kể cả da. Chỉ có phần đầu, cổ, cánh, phao câu là giữ nguyên không xé. Cái cổ thì chặt nó ra thành từng khoanh nhỏ dày chừng một phân đến một phân rưỡi. Đồ lòng gà vịt luộc xắt miếng, xẻ bông, ruột thì trước khi luộc người ta thắt lại như thắt dây, luộc xong vớt lên để nguội (nó kết dính lại thành cục) rồi cũng xắt miếng ra. Thịt heo ba rọi xắt miếng mỏng, mỗi miếng có đầy đủ da, mỡ, thịt. Lòng heo cũng xắt miếng mỏng. Phần thịt này, nếu nấu ở nhà ăn, người ta có thể đổ trở vô nồi cháo luôn, lúc ăn chỉ cần lấy cái vá lớn dạo cho đều thịt đều cháo rồi múc ra, tô nào cũng có thịt có cháo đầy đủ. Còn ở quán cháo, thịt xé, xắt xong để riêng từng thứ trong cái mâm vuông, đặt trong tủ kiếng chống bụi. Nồi cháo đặt trên bếp than, đậy nắp kín, lúc nào múc ra tô cũng bốc hơi nóng nghi ngút. Khách vào, bà hàng cháo múc tô cháo nóng hôi hổi, xúc một muỗng tỏi phi mỡ vàng ánh cho lên tô cháo, bốc thịt bỏ lên trên mặt cháo, hốt một nhúm hành lá, ngò rí đã xắt nhỏ sẵn rải lên trên. Rắc thêm ít tiêu xay, thêm một muỗng nhỏ ớt đỏ bằm, muỗng nước mắm nhỏ, rồi bưng ra cho khách.

Những quán sang trọng hơn, có bàn ghế cố định thì trên bàn nào chủ quán cũng bày sẵn ống giắt muỗng, chai nước mắm ngon (không pha), lọ tiêu xay, hũ ớt đỏ bằm, dĩa ớt hiểm trái nhỏ xíu. Khách muốn ăn bao nhiêu cứ lấy tùy ý cho vừa miệng, bà chủ không cần bỏ trước các thứ gia vị này vào tô cháo.

Gạo rang nấu cháo làm cho cháo loãng, khi nguội vẫn dễ ăn, dễ húp vì nó không đặc cục, không sền sệt, vẫn thơm như thường. Cháo gạo rang không có mùi tanh, không ngấy mùi mỡ như nấu gạo không rang. Nhờ vậy mà người bệnh, người sức khỏe kém, mệt mỏi rất hợp với cháo gạo rang, chỉ cần húp được tô cháo gạo rang, người toát mồ hôi đầm đìa, mệt nhọc tan biến hết, cảm thấy người nhẹ nhõm, khỏe hẳn ra.

Bạc Liêu là xứ sở của bánh giò chéo quẩy (có nơi kêu là dầu cháo quẩy, bánh quẩy) nhưng dân Bạc Liêu không có thói quen ăn cháo với bánh giò chéo quẩy như dân Sài Gòn, Hà Nội. Ở Bạc Liêu, người ta ăn dò chéo quẩy với thứ khác: Bánh bò rễ tre, bánh bò bông hay tô bún bò cay bốc khói (các món này tôi sẽ kể sau). Bánh giò chéo quẩy Bạc Liêu nó mập và ngắn chớ không ốm và dài thòng như bánh làm ở Sài Gòn.

Những khi thời tiết se se lạnh, hay những lúc trời mưa mà được ăn tô cháo gạo rang thơm lừng, nóng hổi bốc khói nghi ngút, đệm thêm miếng thịt, miếng lòng ngọt lịm, nhai giòn sần sật trong miệng. Mùi gia vị, hành lá, ngò rí, tỏi phi nồng nàn, làm nên tô cháo gạo rang đặc biệt hương vị miền Tây, ăn hoài không thấy ngán.

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 5 thoughts on “CHÁO GẠO RANG

  1. Tôi rất thích đọc những đoản văn như thế này ,có thể gọi là bài cũng được . TPT có năng khiếu viết ẩm thực . Mở Blog của TPT ra ,là tôi kích ngay vào mục : Hương vị quê nhà ….Thực ra người Bắc không nấu cháo như Tần viết …mà họ chỉ để hạt gạo mềm và nở ra hết thôi .
    Mẹ tôi là người Hà Nội . Trước 1954,ông Ngoại tôi là Sếp ga Hà Nội ,Bà Ngoại tôi được mở quán ăn tại ga Hàng cỏ ,và gia đình tôi có gần 25 người giúp việc .

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.