CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


NguyVanThaTôi tình cờ quen biết chị khi nhận hồ sơ khởi kiện của một người bạn chị. Lâu dần, chị tin tưởng kể cho tôi nghe cuộc đời chị, cũng giống như bao người trí thức miền Nam thời ấy, bị lợi dụng máu xương và tiền bạc.

Cả hai chị em gia đình khá giả, nếu không muốn nói là “danh gia vọng tộc”, được đi học trường Tây, nói tiếng Anh như gió. Nghe theo “tiếng gọi non sông” do các “chiến sĩ cách mạng” rỉ tai, hai chị em cũng đi biểu tình, đi rải truyền đơn. Rồi cả hai cùng bị bắt vào tù, chị là tù nhân nữ trẻ nhất trong trại giam lúc đó.

Chị kể chị bị giam cùng phòng với Trương Mỹ Hoa (sau này là Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Đảng cộng sản tổ chức tuyệt thực để đấu tranh, chị cũng buộc phải nhịn đói. Với một đứa nhỏ mới mười mấy tuổi đang sức lớn mà phải nhịn đói quả là một thứ cực hình, chị khóc đòi ăn thì bị Trương Mỹ Hoa đánh chị. Chị khẳng định chính Trương Mỹ Hoa ra tay đánh chị. “Chị căm thù con đĩ đó”. Bọn nữ tù cộng sản khác ở cùng phòng cũng đe dọa giết chị, giết cả nhà chị. Vậy là chị sợ quá phải nghe theo nhịn đói cùng với họ.

Được 10 ngày, có phái đoàn nước ngoài đến kiểm tra trại giam. Tù nhân không ai biết nói tiếng Anh để giao tiếp với đoàn kiểm tra. Trương Mỹ Hoa kêu chị nói chuyện với Trưởng đoàn theo ý bà ta, bà ta nói gì chị phải nói thế ấy. Sau đó thì trại giam phải đáp ứng mọi điều kiện do tù nhân cộng sản đưa ra.

Chị nói chị tham gia cách mạng vì không muốn thấy “bọn xâm lược nước ngoài” trên quê hương đất nước mình, không mưu cầu địa vị hay danh vọng gì cả. Sau ngày 30/4/1975, chị không nhận một chức vụ gì trong bộ máy cầm quyền, quay trở về nhà làm nghề dạy học, dạy võ, thực hiện cái đam mê cả đời là truyền thụ tinh thần võ sĩ đạo Việt Nam cho lớp trẻ.

Có lần, chị mời tôi đến nhà chị chơi, một căn nhà kiểu cổ ở ngoại thành Sài Gòn. Trước sân có vườn trồng cây cảnh, hoa lá, chim muông. Trong một góc sân vườn, cạnh tượng Phật Quan Âm Bồ Tát là một ngôi mộ giả nho nhỏ đắp bằng đá cuội, có tấm bia đá nhỏ gắn hình cố Thiếu tá Ngụy Văn Thà mặc quân phục nhưng không ghi họ tên, ngày tháng năm sinh và ngày tháng mất như những bia mộ thông thường khác. Trước tấm bia có bát nhang, chân nhang cũ mới lẫn lộn chứng tỏ đã từng được đốt nhang mỗi ngày.

Tôi ngạc nhiên quá, không biết chị có lấy nhầm hình ảnh hay không, bèn hỏi chị:

– Chị ơi, mộ của ai vậy chị?

– Của một người anh hùng chị rất kính trọng, cảm phục và yêu mến. – Chị trả lời.

– Chị biết rõ ông này không? Ông này là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa mà? Chị lấy hình đó ở đâu ra vậy?. – Tôi tiếp tục hỏi.

– Biết chớ sao không biết. Ông này là Ngụy Văn Thà, hy sinh năm 1974 trong trận chiến Hoàng Sa. Tất cả những người nào, cho dù họ ở bên nào, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm đếu đáng được tôn thờ. Chị lấy hình đó trên mạng internet. Cho nên nhà này chị ít khi mời ai tới nếu không tin tưởng. – Chị nói.

– Vậy sao hồi đó chị đi theo Việt cộng làm gì?. – Tôi lại tò mò hỏi tiếp.

– Thì chị đâu có biết, lúc đó mới mười mấy tuổi, nghe mấy anh chị lớn nói tưởng đâu Việt Nam mình bị Mỹ xâm lược. Chị bỏ học đi theo họ biểu tình. Đang học trường Tây mà bỏ ngang luôn. – Chị trả lời.

Ô hô! Thì ra chị cũng giống như mình. Đến năm 2005 mới biết hóa ra là Hoàng Sa bị mất từ dạo ấy, hồi nào tới giờ cứ tưởng là vẫn còn của Việt Nam.

Chị bây giờ vẫn sống cô độc ở Sài Gòn, giữa đám học trò nhỏ theo nghiệp võ. Vì sự bình an của chị, tôi không nêu tên thật của chị ở đây.

Tôi viết lại câu chuyện này như một lời tri ân chị đã ngấm ngầm giúp đỡ tôi những lúc khó khăn khi tôi còn ở Việt Nam. Chính chị đã làm cho tôi thêm tin tưởng rằng tôi đã đi theo con đường đúng. Tất cả chúng ta đều đã bị lừa.

Mong rằng sẽ có một ngày chị đường hoàng xuất hiện trước mặt mọi người mà không phải e dè điều gì, không phải thấp thỏm lo âu. Tôi hy vọng một ngày gần đây sẽ gặp lại chị ở Sài Gòn.

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 14 thoughts on “CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

  1. Thân chào Tạ Phong Tần,rất thích đọc những bài viết của chị,nhất là những từ ngữ rặt miền Nam,trong báo NV ở mục những món ăn chơi.Chúc chị luôn được nhiều sức khỏe.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Bị lừa từ năm ba mươi (1930).
    Nào riêng gì chị? bao người mắc mưu!
    Cả nước như một bầy cừu.
    Để bầy chó sói mạnh tru, gầm gừ!
    Giang sơn này của riêng tư,
    Chúng cắt, xẻo, bán chẳng từ chút chi.
    Tổ Quốc ơi! nay còn gì?

    Đã thích bởi 1 người

  3. Biết bị lừa mà từ bõ nó câu chuyện của chi đang khâm phục con biết bao nguoi biết lùa nhưng i meing ăn vẫn ngoan cố tư minh lừa dối minh và cả xã hội .

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.