THƯƠNG LẮM RAU DỀN CƠM


Bài đã đăng báo Người Việt ngày 30/12/2015

RauDen-6Con trâu và cơm là hai thứ gắn bó chặt chẽ, thân thiết với đời sống nông dân miền Tây Nam bộ. Người miền Nam bao đời nay dùng cơm làm lương thực chính từ đời này sang đời khác, còn trâu là người bạn không thể thiếu trong sinh hoạt, trong công việc đồng áng. Có thể nói ở miền này “Ra ngõ gặp trâu” cũng không phải là nói quá: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Chừng nào cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Dân xứ tôi hễ cái gì bự, dài, sâu đều gắn thêm chữ “trâu” vào, còn cái gì đơn giản, mộc mạc, dễ thương, dễ ăn… thì đều gắn thêm chữ “cơm” vô. Con đỉa bự chảng thì kêu là đỉa trâu, rau dừa ngoài ruộng mà mọc cọng mập mập bự bự ú nu thì kêu là rau dừa trâu, cây muồng để xức lác giống bự thì kêu là muồng trâu, nhà ai có cái mùng ngủ may bự thì kêu là ngủ mùng trâu, cái vũng nước lớn kêu là vũng trâu đằm… Ai nói dài, nói dai mà nói dở quá, người ta kêu là “nói dai như trâu đái.”

Con trùn mập mạp, trắng trẻo thường dùng cho gà vịt ăn hay cắt khúc trộn với cám rang làm mồi câu cá là trùn cơm, con cá nhỏ xíu trắng trẻo mềm mại nhưng kho khô hay làm nước mắm ăn rất ngon là cá cơm, người đánh cờ lớ ngớ chuyên để cho “chúng ăn” bị kêu là hạng “cờ cơm”…

Có một thứ rau thường mọc hoang trong vườn, dân quê tôi kêu là rau dền cơm. Rau dền cơm cây thấp, thân mềm nhỏ, lá nhỏ bằng ngón tay, cọng trắng lá xanh nên còn kêu là dền trắng để phân biệt với rau dền tía bự cây hơn, lá và thân đều có màu đỏ tía, khi nấu chín nước nấu có màu đỏ tía tươi roi rói rất đẹp mắt. Dền tía tuy màu sắc đẹp nhưng ăn thì vị không ngọt, không mát bằng dền cơm. Hồi tôi còn nhỏ, rau dền cơm thường thấy mọc xen lẫn dưới gốc dừa, gốc ổi, xung quanh nhà vách lá, bờ ao, hay mọc lẫn trong đám cỏ.

Ngoại tôi thường mua rau dền cơm về nấu canh với tép tươi. Rau rửa sạch để ráo, tép lột bỏ vỏ dập dập. Xào sơ tép với mỡ tỏi trong nồi cho tép báng mùi tanh rồi đổ nước vào. Nước sôi thì nhận rau vô, nêm thêm gia vị như: muối, bột ngọt. Ngoại tôi nấu canh rau dền cơm thường cho thêm vào một nắm rau dền tía, ngoại nói rau dền cơm thì ngọt còn thêm dền tía “để canh vừa ngọt mà vừa có màu đẹp.” Nêm thêm chừng một gắp mắm đồng là đúng kiểu nhất. Nêm mắm là bỏ mắm cá vô đồ lược mắm, nhúng vô nồi canh đang sôi một lúc cho con mắm rã hết thịt tan ra trong nước canh thì nhắc cái đồ lược mắm ra, đổ bỏ xương cá đi. Canh rau dền cơm mà có thêm trái mướp non thì nước canh càng ngọt lịm, còn thêm chừng hai nắm lá mồng tơi, nước canh hơi nhơn nhớt, cũng giúp canh ngon hơn, chan cơm húp trôi tuồn tuột.

Mùi vị nước canh ngọt lịm của rau dền cơm, của tép, vị mặn đậm đà của mắm, múc canh ra tô rắc thêm chút tiêu giã nhuyễn lên trên, canh bay mùi tiêu thơm phức, màu canh xanh điểm lác đác đỏ tím, nước canh màu tím đỏ nhạt, nhìn hấp dẫn vô cùng, chưa ăn đã thấy nhểu nước miếng rồi. Chan canh nóng hôi hổi vô tô cơm, ăn với tép lột kho tiêu trong nồi đất, thiệt là món ăn dân dã, thanh mát mà bổ dưỡng cả con mắt (nhìn) lẫn cái bụng (đói).

Rau dền cơm luộc hay xào mỡ chấm cá kho đều “hơi bị” hao cơm. Nhiều người thích ăn dền cơm xào, riêng tôi lại thích ăn dền cơm luộc.

Những ngày đói kém sau năm 1975, ngày nào tôi cũng bưng cái thúng nhỏ đi tha thẩn ngoài bờ ruộng, bờ ao, lội vào bờ mương, bờ đìa, vườn nhà hàng xóm để hái rau dền cơm. Ði suốt cả buổi hái được một thúng nhỏ, luộc chín hai dĩa bàn lớn, đủ cho cả nhà chấm cá kho ăn độn để đỡ hao cơm.

Nghe nói, ăn nhiều rau dền cơm chữa được bệnh táo bón, giải nhiệt, hạ huyết áp, nổi mụn…

Dền cơm mọc nhiều nhất vào mùa mưa nên mùa mưa dền cơm bán rất rẻ. Chợ quê bán rau dền cơm tính theo rổ, thúng, không cân ký lô như bây giờ. Người dân quê hái rau bán cũng chỉ ngắt cái đọt rau non nhỏ nhỏ ở trên, dài chừng 1 tấc trở lại, chớ không phải nhổ nguyên cả cây rồi bó thành từng bó như bó rau muống như hiện nay ta thấy ngoài chợ thành phố. Vì vậy, rau dền cơm chợ quê bán đem về không cần lặt lại mà coi như nó đã được người bán chọn lọc sạch sẽ trước rồi.

Bây giờ, người ta trồng rau dền theo kiểu công nghiệp, trồng trên liếp đất vun cao, tưới phân, bón thúc, không chừng có thêm thuốc tăng trưởng nữa chớ chẳng chơi. Vì vậy, rau cọng nào cọng nấy mập ú nu, dài chừng hai gang tay là họ nhổ nguyên cây cả gốc lẫn rễ, cây đều nhau tăm tắp, họ bó thành từng bó đem ra chợ bán như bán rau muống, mùa nào cũng có rau dền chớ không cần phải đợi đến mùa mưa mới có rau non. Ăn rau này, tôi có cảm giác nó thiếu cái mùi vị hăng hắc, cái cảm giác nham nhám, cái ngọt tự nhiên (không phải do bột ngọt), cái nồng nàn của rau dền cơm mọc hoang. Nói chính xác hơn, đó là mùi vị của đất, của nắng, của gió quê hương thấm đẫm vào từng cái lá, cọng rau để tạo thành thứ dền cơm hoang sơ, thanh đạm. Phải chăng thứ mùi vị đó đã thấm vào từng con người, khiến cho người ta luôn nhớ đến quê hương?

Mà thôi, có rau dền ăn là quý rồi, ở đâu trồng cũng được. Ðời bây giờ, làm gì còn đất đai trống trải như ngày xưa để cho rau dền cơm mọc hoang nữa. Ðất đai, đồng ruộng trù phú trở thành sân gôn cho các đại gia, hay khu này khu nọ hết rồi. Nông dân chẳng còn được mấy đất mà canh tác. Xứ tôi, cách xa Sài Gòn gần 300 cây số, lưu thông bằng con đường “độc đạo” là quốc lộ 1A, sống nhờ lúa, cá, tôm. Tất nhiên, không nhà đầu tư nào điên đến mức xuống đó xây nhà máy sản xuất, cõng nguyên vật liệu xuống nhà máy rồi lại cõng sản phẩm ngược lên vùng Sài Gòn phân phối. Vậy mà các quan chức quê tôi “thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào,” “đua đòi” lập khu công nghiệp để lấy tiếng cho cá nhân, chiếm đất nông nghiệp của nông dân đang canh tác “lập 13 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1,369 hecta” rồi để ngó, chớ có ma nào dám đến đầu tư. Còn nông dân khát đất mặc kệ nông dân, tỉnh khác có khu công nghiệp thì “tỉnh ta” cũng phải có cho “bằng chị bằng em.”

Cái “văn hóa XHCN” được nhồi nhét mấy chục năm nay khiến cho những đứa trẻ Sài Gòn bây giờ cũng không giống như đứa trẻ ngày xưa, chúng còn mải mê mỗi ngày chúi mũi vào ti vi xem phim Hàn, nhạc Hàn, thậm chí biết rõ đời tư từng ca sĩ, diễn viên Hàn hơn là chuyện hôm nay học hành ra làm sao, hay cha mẹ làm gì để có tiền lo cho con cái mỗi ngày. Bọn trẻ còn mải chạy theo đứng phơi nắng hàng giờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, hay gào thét đến lạc cả giọng dưới cơn mưa, bất chấp sự khó chịu của người lớn xung quanh, để chào đón 10 chàng trai SuJu xứ kim chi đến quên ăn quên ngủ, quên cả học hành.

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 2 thoughts on “THƯƠNG LẮM RAU DỀN CƠM

  1. Rau dền nầy dân SaiGon gọi là rau dền đất,nó hơn các loại rau dền kia là bùi,mềm mại và tạo vị ngọt.Cái quý nhất khi đọc bài viết của cô Tần nó đượm đầy ngôn-ngữ Miền-nam chất phát và hiền-hòa.Không pha trộn ngôn-ngữ mất gốc của bè lũ vc và đồng bọn.Tôi rất khâm-phục những người không bao giờ bán rẻ nhân cách chính mình ̣để rồi chạy theo bè lũ vc một cách mù oán hại dân hại nước.
    Ở một xã-hội mà quyền tự do được luật pháp bảo vệ…..nên có những kẻ khốn nạn đã lợi dụng quyền tự-do đó tạo ra điêu đứng khổ đau cho người khác và cả dân tộc Việt.Đó chính là những thằng vc nằm vùng,những thằng chuyên sống và hút máu đồng loại bằng nghị quyết 36.

    Thích

  2. Bây giờ để tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, nhất là văn hóa ăn uống độc đáo của miền Tây Nam bộ, thì Tôi phải chịu khó theo dõi văn hóa ẩm thực xứ sở Bạc Liêu của Tạ Phong Tần rồi đó. Cám ơn em.

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.