XIN ĐỪNG QUÊN MẸ


XinDungQuenMeKhi còn ở Sài Gòn, tôi và dân oan – tù nhân lương tâm Lê Thị Kim Thu đã giúp việc thầy Thích Không Tánh (Trụ trì chùa Liên Trì Thủ Thiêm) tổ chức phát quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vào các ngày lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán hàng năm. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cho đủ loại binh chủng của mình từ “nổi” đến “chìm” phối hợp “giáp công bốn mặt” để cướp quà, cướp tài sản, bắt người trái pháp luật… Nói chung là không từ bất cứ thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện nào để ngăn cản nhà chùa làm việc thiện, khi mà đối tượng được nhận quà bị coi là “kẻ thù” của chế độ cộng sản cách đây hơn 40 năm về trước, và các “tên” ấy nay chỉ còn là cái xác rách như xơ mướp thì cái “nhà nước của dân, do dân và vì dân” cũng nhất định không tha.

Chỉ đến khi tôi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam, việc giúp thầy Thích Không Tánh của tôi mới bị cắt ngang.

Sau này, tôi được biết do mức độ quấy rối, đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày càng tăng dần, chùa Liên Trì ít người, thân cô thế cô, thầy Thích Không Tánh phải chuyển địa điểm phát quà sang Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp (38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn) nhờ sự giúp đỡ của các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Thầy Thích Không Tánh và các Linh mục còn mở thêm Chương trình mục vụ khám, chữa bệnh cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nữa. Lịch sử Việt Nam “thời kỳ quá nhục” chưa bao giờ có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa Phật giáo và Công giáo (trong cùng một mục đích thiện nguyện nhưng “trái ý chính quyền”) như lúc này, thật đáng mừng.

Tình cờ, tôi gặp lại người bạn cũ hiện đang sống ở Việt Nam, mới biết anh này đã cùng một vài người bạn lầm lủi làm công việc quyên góp, vận động để giúp đỡ cho những người mẹ già không thân thích, đang nương náu dưới mái tranh nghèo rách nát không đủ che mưa đụt nắng, mùa đông giá rét gió lộng tứ bề. Trong số những người mẹ đã đến tuổi gần đất xa trời này có nhiều mẹ đã từng là vợ, là mẹ những tử sĩ lính Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã làm công việc này lúc thì công khai, lúc phải âm thầm, lén lút khi bị cái bọn gọi là “chính quyền địa phương” ngăn cản quyết liệt.

300 người mẹ đơn côi với hơn 4.500km đường đi cộng lại. Có mẹ ở gần 7km, nhưng cũng có mẹ ở xa hơn 70km. 300 mẹ là 300 chuyến đi, không tính 153 lần quay trở lại để lại để thăm nom. 37 lần bảo trợ kêu gọi giúp đỡ những người nghèo khổ chết không hòm (quan tài) chôn cất hay đảm nhiệm tài trợ cho chùa và khu Xóm giáo xứ vùng xa, anh và những người bạn của mình đều làm tất. 9 lần đến nơi phải quay về do bị cản trở của “người nhà nước” với những lý do rất “rừng rú” là “người lạ không được phép vào làng”, chẳng biết cái “luật” này ở đâu ra (?!), phải quay về và lần sau lại… lén lút đến mới gặp được trực tiếp các mẹ trao quà.

Những con số khô khan tưởng chừng đơn giản, tìm hiểu kỹ mới thấy không đơn giản chút nào. Nhiều lần mấy anh em đang đi bị mắc mưa ướt loi thoi lóp thóp giữa đồng không mông quạnh, về nhà lăn đùng ra sốt cao hầm hập. Hay nhiều lần phải tranh luận đủ kiểu từ luật pháp đến tình người với bọn “địa phương” luôn bám theo gây khó dễ, ngăn cản không cho tiếp cận các bà mẹ tử sĩ VNCH. Rồi bị “ai đó” đánh cắp mũ bảo hiểm để ngoài xe máy khi cùng nhau vào trong nhà thăm các mẹ, bị “xin đểu” ở nơi hẻo lánh thì “Mãnh hổ” cũng “nan địch quần hồ”. Cái sự “xin đểu” này “thành phần xin xỏ” không biết có giống “thành phần côn đồ” đã ra tay đánh hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân trong vụ án Đỗ Đăng Dư hay không? Nhưng “xin” lúc người ta đi thăm xong rồi về túi đâu còn đồng nào mà “xin”, hay chỉ muốn hù dọa coi có “thằng nào” sợ rồi sẽ nghỉ đi thăm?

Tôi hỏi tại sao không thông qua “chính quyền địa phương”? Anh nói: Biết rồi còn bày đặt hỏi lòng vòng. Qua tay bọn đó chẳng khác gì “giao trứng cho ác”.

Nhớ chuyện xưa, khi nước Mỹ xảy ra cuộc nội chiến Nam Bắc phân tranh, sau cùng quân miền Bắc của tướng Ulysses S. Grant thắng trận, chấm dứt cuộc chiến năm 1865, xóa sổ chế độ nô lệ trên toàn lãnh thổ. Bà Ann Maria Reeves Jarvis tập hợp các phụ nữ khác với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên Ngày Các Hiền Mẫu Làm Việc (Mothers’ Work Days) cùng với các bà mẹ của các chiến binh từ cả hai miền để nhấn mạnh các hoạt động xã hội vì hòa bình và hòa giải.

Ở Việt Nam thì ngược lại, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn mồm nói rằng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhưng việc người dân thăm hỏi chăm sóc người già neo đơn lại rất khó khăn chỉ vì những người già ấy đã từng là vợ, là mẹ của tử sĩ VNCH, chừng như những người già này là “thành phần nguy hiểm” trong xã hội vậy.

Mẹ Việt Nam Anh Hùng của đảng cộng sản Việt Nam được hưởng tiền tử tuất, được các cơ quan nhà nước, hội đoàn (đều tồn tại bằng tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân) phụng dưỡng, được hưởng nhà cửa tử tế, còn những mẹ tử sĩ này không có bất cứ thứ gì, sống nhờ vào sức lao động của đôi bàn tay run rẩy nhăn nheo lúc tuổi già xế bóng. Ngày lễ, ngày Tết cổ truyền không một ai han hỏi, chăm nom. Chúng ta gần như quên mất những người mẹ già này, ngay cả chính tôi, tôi cũng không nhớ đến họ, thật là có lỗi vô cùng. Cùng một kiếp người, cùng một nỗi đau mất chồng, mất con, sau mấy chục năm dài, bất công vẫn đè nặng trên những xác ve gầy. Cuộc sống các mẹ phải lần mò bòn hái từng ngọn rau, khúc củi để sống qua ngày. Thật là không còn gì để nói khi người già hơn 80 tuổi vẫn bị “nhà nước ta” phân biệt đối xử, bao vây, trả thù người đã chết.

Hỏi những mẹ già ấy có giấy tờ gì chứng minh là mẹ, là vợ tử sĩ VNCH không? Mẹ móm mém trả lời: Sắp đi theo ông theo bà đến nơi rồi, chứng minh làm chi nữa? Các con giúp được mẹ thì mẹ rất cám ơn các con, không giúp cũng không sao, mẹ quen sống như vầy rồi. Sau giải phóng, giấy tờ đem đốt hết rồi, hình ảnh đốt hết rồi, bàn thờ cũng dẹp luôn rồi, làm gì có cái gì mà mà chứng minh. Cái đó có trời biết, đất biết, mẹ không cần chứng minh làm chi nữa….

Câu trả lời không gì buồn hơn, cam phận hơn, đau nhói lòng hơn cho cả người nói lẫn người nghe.

Cộng Đồng Người Việt tại thành phố Sydney (Australia) chuẩn bị chào đón đại nhạc hội có chủ đề Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Buổi gây quỹ cho thương phế binh diễn ra trong hai ngày thứ Sáu 18 và thứ Bảy 19 tháng Mười Hai năm 2015 được tổ chức qui mô qua hình thức ca nhạc. Đây cũng là niềm an ủi cho những người còn sống, tuy tàn phế nhưng vẫn được cái hạnh phúc sum vầy với gia đình. Còn những người đã mãi mãi nằm xuống thì không có cơ hội để nhận sự tri ân, người thân của họ đang sống cô quạnh, bơ vơ.

Chúng ta phải làm gì đây để những người mẹ tử sĩ này có thêm chút niềm vui với tuổi già trơ trọi, xin hãy hành động khi còn chưa quá muộn. “Mẹ già như trái chín cây/ Gió lay trái rụng con rày mồ côi”.

Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 5 thoughts on “XIN ĐỪNG QUÊN MẸ

  1. Cám ơn Phong Tần về những góc khuất ma không phải ai cũng quan tâm.Bao giờ các bà Mẹ vô tội của hai chiến tuyến mới hết bị phân biệt đối xử đây!?

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.