LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA NBTD TẠ PHONG TẦN


Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VN” NGÀY 24/9/2012 đối với Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần (Sự Thật & Công Lý), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn).

Lời bạt:

Kẻ chuyên bịt mồm bị cáo
Kẻ chuyên bịt mồm bị cáo

Luận cứ bào chữa này được Tạ Phong Tần soạn thảo trong vòng 3 giờ đồng hồ tại trại tạm giam Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM (số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn), phản biện theo nội dung truy tố của Cáo trạng số 299/CT-P2 ngày 19/7/2012 của Viện kiểm sát nhân thành phố Hồ Chí Minh do Viện phó Nguyễn Ngọc Điệp ký. Trong trại tạm giam không có giấy bút, Tạ Phong Tần đã mượn ông Trung tá Huỳnh Phi Lâm (quản lý trại) một cái bút và ngồi viết luôn tại phòng làm việc của ông. Và viết vào mặt sau các tờ quyết định khởi tố, lệnh tạm giam đã được tống đạt cho Tạ Phong Tần nên công an không có quyền cấm mang bài bào chữa này vào phòng giam. Tất nhiên là chỉ gạch đầu dòng ý chính, khi nói thì cứ nhìn qua đó rồi triển khai ra. Tạ Phong Tần không chơi kiểu cắm mặt vào tờ giấy viết sẳn mà đọc.

Điều 188 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định “1. Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa”, nhưng trong phiên xử sơ thẩm ngày 24/09/2012 hai luật sư Nguyễn Thanh Lương, Nguyễn Quốc Đạt bào chữa cho Tạ Phong Tần đã bị công an bao vây, cản trở không cho tiếp xúc với thân chủ của mình.

          Trong phần thủ tục, Tạ Phong Tần và luật sư Nguyễn Thanh Lương cùng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập Giám định viên giám định các bài báo do Tạ Phong Tần viết để tranh luận công khai đúng quy định BLTTHS nhưng đã không được đáp ứng. Vì vậy, quý bạn đọc cũng đừng ngạc nhiên tại sao Tạ Phong Tần lại cứ chất vấn đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa và HĐXX.

          Tuy nhiên, bài bào chữa này không có cơ hội trình bày trong phiên tòa sơ thẩm do Vũ Phi Long (Thẩm phán) và 2 hội thẩm nhân dân Bùi Quang Việt, Đặng Phi Công cùng ngồi Hội đồng xét xử. Vì sau khi hoàn tất phần thủ tục bắt đầu phiên tòa (xem từ Điều 201 đến Điều 216 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003) thì vội vàng tuyên bố kết thúc phần tranh luận, các bị cao không có cơ hội trình bày và tranh luận theo quy định pháp luật. Hồ sơ vụ án chất đống trên bàn dày đến mấy gang tay nhưng phiên tòa kết thúc trong vòng có một buổi sáng, kể cả phần đọc bản án nhì nhà nhì nhằng 18 trang A4 (bình quân 5 phút đọc xong 1 trang = 90 phút).

Điều 218 BLTTHS quy định:

“Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến.

Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.

Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận”.

          Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Lê Thành Văn và 2 thẩm phán khác của Tòa an nhân dân tối cao ngồi Hội đồng xét xử các bị cáo có cơ hội trình bày nhiều hơn nhưng cũng… không tranh luận. Tạ Phong Tần đã nhiều lần gởi đơn khiếu nại đến Tòa án Tối cao đòi bản án phúc thẩm (có 3 phiếu chuyển đơn của Trại giam) nhưng đều không được trả lời, không giao bản án phúc thẩm cho bị cáo theo quy định tại Điều 254 BLTTHS.

          Những điều luật viện dẫn cụ thể trong bản luận cứ này được Tạ Phong Tần bổ sung sau khi gõ lại bản viết tay bằng computer và tra cứu các Bộ luật, Luật trên mạng Internet.

—————————–

 

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA NBTD TẠ PHONG TẦN

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án

“TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VN” NGÀY 24/9/2012

Thưa Hội đồng xét xử!

Tôi: Tạ Phong Tần, sinh năm 1968

Thường trú tại số 38/9 đường Hòa Bình, phường 1 thành phố Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu.

Chổ ở: số 84D Trần Quốc Toản phường 8 quận 3 thành phố Hồ Chí Minh

Nghề nghiệp: Nhà báo tự do

Bị Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố HCM bắt giam và truy tố theo Cáo trạng số 299/CT-P2 ngày 19/7/2012 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự do Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Điệp ký.

Tôi không công nhận tính hợp pháp của Cáo trạng nói trên, đó là sự vu khống, bịa đặt trắng trợn, vô căn cứ và bóp méo sự việc, hình sự hóa hành vi dân sự nhằm động cơ chính trị.

Trong phiên tòa sơ thẩm hôm nay, tôi sẽ phản biện lần lượt từng vấn đề được liệt kê theo thứ tự trong Cáo trạng số 299/CT-P2 ngày 19/7/2012 như sau:

1)- Cáo buộc Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do (CLB NBTD) nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam:

Ở Việt Nam có nhiều loại CLB NBTD và hội nghề nghiệp như: chim cá cảnh, nuôi chó, nuôi mèo, du lịch, buốn bán, sáng tác… nói chung là thể lại ăn chơi nhảy múa thì tha hồ hoạt động, còn dính dáng đến mấy chữ “báo chí” và “tự do” thì lại bị coi là phạm tội. Điều này hết sức vô lý vì đó là quyền tự do lập hội được quy định rõ trong Hiến pháp.

(Điều 69 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”).

Mặt khác, CLB NBTD chưa phải là một tổ chức vì quy định về tổ chức hội đầu tiên là phải có quy chế hoạt động, kinh phí hoạt động, phương tiện hoạt động, trụ sở hoạt động, lãnh đạo hoạt động.

Tuy nhiên, CLB NBTD thì:

– Chưa có quy chế hoạt động: hàng trăm blogger đang trong quá trình thảo luận quy chế và chưa nhất trí thì Nguyễn Huy Cường đã xóa sạch phần thảo luận, nên không có quy chế nào được thông qua và bỏ phiếu tán thành. Nội dung ý kiến thảo luận cũng chưa có ý kiến nào đề cập rằng CLB NBTD có mục tiêu, nhiệm vụ chống nhà nước hay lật đổ nhà cầm quyền CSVN, mà chỉ đề cập đến vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí;

– Không có kinh phí hoạt động: thể hiện bằng việc không có số dư trong tài khoản lẫn tiền mặt, nguồn thu, đóng góp của thành viên, nguồn tài trợ…;

– Không có phương tiện hoạt động: Không được quyền đánh đồng tài sản cá nhân với tài sản của CLB NBTD và cho rằng đó chính là phương tiện hoạt động của CLB NBTD. Ví dụ: computer, máy chụp ảnh hay xe máy của tôi là phương tiện mà cũng là tài sản riêng của tôi, tôi thích dùng vào mục đích gì là quyền của tôi, thành viên khác không có quyền tự ý lấy sử dụng như của chung.

– Không có trụ sở riêng: Cáo trạng không chỉ ra được cụ thể là ở địa chỉ nào, trụ sở này là tải sản của ai (thuê mướn, được cho mượn hay của thành viên)?

– Đã tự nhận là xã hội “độc lập – tự do – hạnh phúc” thì người dân có quyền được nói, quyền được phát biểu chính kiến của mình. Nếu phải viết và nói theo ý của nhà nước CSVN thì đó là máy nói, là bút nô chớ không phải con người. Nói lên ý kiến của mình không phải là lợi dụng, nó phù hợp Hiến pháp và luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

– Chưa có văn bản pháp luật nào cấm công dân Việt Nam liên lạc, trao dổi, bàn luận về đa nguyên, đa đảng nhưng vẫn cáo buộc việc trao đổi này là vi pháp luật hình sự, cho thấy nhà nước CSVN đang ngồi xổm lên pháp luật.

– Cáo buộc “gây nghi ngờ, gây mất lòng tin nhân dân…” là suy diễn chủ quan, hồ đồ khi chưa có cuộc khảo sát khoa học nào trong nhân dân. Cáo buộc “nhằm gây dựng và chuẩn bị lực lượng, khi có thời cơ sẽ sẳn sàng hoạt động làm thay đổi chế độ” vô căn cứ . Tôi nhấn mạnh từ “sẽ” trong câu ở thì tương lai, thể hiện sự suy diễn vô căn cứ như câu trên của phần kết luận. Tôi xin hỏi đại diện VKKS giữ quyền công tố và HĐXX: Các vị làm sao biết tôi “sẽ”… khi tôi không nói ra? Nếu không chứng minh được thì đây là bằng chứng cho thấy rằng các vị đã vu cáo, bóp méo sự việc và phóng đại gán ghép yếu tố chính trị vào hành vi dân sự là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do bày tỏ chính kiến để bịt miệng người dân?

Tất cả những điều tôi nêu trên Cáo trạng không chứng minh được nên không thể gán ghép chúng tôi là một tổ chức chống nhà nước. Việc truy tố theo khoản 2 Điều 88 BLHS là cố tình nâng cao tầm quan trọng vấn đề nhằm gán ghép một mức án tù nặng nề hơn.

Cáo trạng cũng cho rằng ông Nguyễn Văn Hải “tranh cướp” trang blog CLB NBTD, thay đổi mật khẩu để nắm quyền điều khiển với Lê Xuân Lập và Nguyễn Huy Cường. Xin thưa với đại diện VKKS giữ quyền công tố tại tòa hôm nay rằng: Blog miễn phí của Yahoo và Google, ai cũng tự làm cho mình được hàng ngàn trang, đặt bất cứ tên gì tùy thích (nếu có đủ thời gian và sức khỏe), nên không cần phải tranh cướp. Đây là Cáo trạng đã thổi phồng sự việc để quan trọng hóa vấn đề, cố tình biến sự việc đơn giản trở thành quan trọng nhắm mục buộc tội cho bằng được.

– Cá nhân tôi có trang blog Yahoo360 tên “Công lý và Sự thật”, sau đó đổi tên là “Sự thật và Công lý” và chuyển sang địa chỉ taphongtan.wordpress.com do một mình tôi quản lý, post bài viết của tôi, tôi thích viết cái gì là quyền của tôi. Từ trước năm 2006 đến tháng 9 năm 2012 số lượng bài viết đã post lên khoảng 1.000 bài với nhiều thể loại, nội dung: phóng sự, ký sự, truyện ngắn, tùy bút, bình luận sự kiện, truyện ngắn, hài hước, khoa học…, trong đó có chuyên mục “Khoa học pháp lý”. Bài viết của tôi cho copy đăng lại tự do, không cần xin ý kiến tác giả đồng ý, hàng trăm trang khác trên mạng Internet đã đăng lại bài viết của tôi. Vậy thì tại sao CLB NBTD không thể đăng lại bài viết của tôi? Blog của tôi lập từ khi tôi còn ở Bạc Liêu, không phải “sau khi làm việc cho Văn phòng luật sư Pháp Quyền” như Cáo trạng đề cập. Rõ ràng, người viết Cáo trạng này không hiểu, không biết gì về Internet, chưa từng lên mạng, được thế lực nào đó “mớm lời” nên mới có khẳng định hàm hồ như thế.

Tôi không nhận lương (hoặc tiền công), không có gì lệ thuộc vào ông Nguyễn Văn Hải, tại sao tôi phải nghe theo sự “chỉ đạo” của ông Nguyễn Văn Hải (như Cáo trạng bịa đặt)? Nếu đề cập vấn đề “chỉ đạo” nội dung bài viết, so sánh trình độ kiến thức và kinh nghiệm gần 20 năm sử dụng ngòi bút làm nghề tay trái của tôi thì Cáo trạng nên thay đổi rằng tôi chỉ đạo ông Nguyễn Văn Hải, như vậy sẽ hợp lý hơn, dễ lừa bịp dư luận hơn.

– Tôi không biết mật khẩu trang blog CLB NBTD, không điều hành, không quản lý. Tôi vừa đi làm kiếm tiền sinh sống vừa quản lý trang riêng của tôi đã đủ mệt mõi rồi, không có thời gian đâu mà sử dụng trang CLB NBTD như Cáo trạng đã bịa đặt rằng “Thông báo cho các thành viên CLB NBTD biết để cùng sử dụng”.

– Kết luận giám định số 10/KLGĐ ngày 15/4/2011 của Giám định viên Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch thành phố HCM áp đặt:

“… hầu hết những bài viết đều chứa nội dung, giá trị của sự phê phán trong tinh thần không phải để xây dựng, hoặc cao hơn là lên án, kết án nhằm hướng tới sự cổ động, kích động công luận tham gia đấu tranh thay đổi sự lãnh đạo của Đảng CS, thay đổi chế độ chính trị, nhà nước hiện tại nhằm xây dựng một chế độ khác, một nhà nước khác… Xác lập và công bố hệ thống quan điểm về thông tin báo chí, ngôn luận của một nhóm nhà báo mệnh danh tự do cố thể hiện mình như là thế lực mới đang được hình thành và từng bước trưởng thành trong lòng chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện tại nhằm mục đích xây dựng, tập hợp lực lượng chính trị chống đối phục vụ âm mưu diễn biến, lật đổ trước mắt và lâu dài”.

Trong một đoạn ngắn có 155 chữ nhưng có đến 3 chữ “nhằm” được lặp đi lặp lại, đằng sau các chữ “nhằm” là sự suy diễn vô căn cứ của Giám định viên. Tôi xin hỏi HĐXX: Đã là “nhằm” thì câu sau của nó ở thì tương lai, chưa xảy ra, chuyện người người khác suy nghĩ trong đầu (nếu có), chưa ai nói ra, chưa thể hiện, chưa thực hiện thì làm sao Giám định viên biết??? Rõ ràng đây là hành vi “có tật giật giật mình”, nhà cầm quyền CSVN tự suy diễn rồi tự run sợ cho cái tương lai không mấy gì làm sáng sủa do chính mình tự vẽ ra, nhìn quanh thấy ai cũng là kẻ thù.

Cụm từ “cố thể hiện mình” là cách dùng câu hàm ý sỉ nhục, lăng mạ, chê bai đối phương trình độ thấp kém. Xin thưa với HĐXX rằng: Tôi – Tạ Phong Tần – Cử nhân Luật chuyên ngành Tòa án, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp, tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị Mác-Lê tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, giải Nhì cuộc thi viết của báo Tuổi Trẻ, 10 năm 6 tháng công tác trong cơ quan pháp luật (luôn được đồng nghiệp công nhận trình độ nghiệp vụ giỏi), Hội thẩm nhân dân Tòa án tỉnh Bạc Liêu (tức là tôi đã từng ngồi vào vị trí của ông Đặng Phi Công và Bùi Quang Việt trong phiên tòa hôm nay) nhiệm kỳ 2004-2009, Hội viên Hội Luật gia Việt Nam. Tôi có kinh nghiệm gần 20 cầm bút, từng cộng tác nhiều lần với các tờ báo lớn có đông đảo bạn đọc trong nước như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Bộ Tư Pháp, Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Người Lao Động, Vietnamnet, BBC tiếng Việt… Tôi thực tế đã là nhà báo tự do từ rất lâu, trước khi có CLB NBTD, tôi không cần phải “cố thể hiện”. Những người đang ngồi đây truy tố, xét xử tôi chắc gì đã có quá trình, số lượng bài viết đăng báo được nhiều như tôi? Xin hỏi HĐXX rằng Giám định viên lẫn HĐXX đã có được trình độ kiến thức, kinh nghiệm làm việc trong nghề báo, cũng như trình độ chính trị, pháp luật được ngang bằng với tôi chưa? Các vị đang ngồi đây cố ý cùng nhau buộc tội tôi phải chăng cũng là một cách “cố thể hiện mình” có trình độ cao về chính trị và nghiệp vụ?

– Những công dân có tên liệt kê trong Cáo trạng như: ông Trần Khuê, Nguyễn Tiến Trung, Hoàng Lan… là công dân Việt Nam, đang sinh sống đường hoàng tại Sài Gòn, họ không bị bất cứ lệnh cấm tiếp nào của cơ quan chức năng nhà nước. Vậy tại sao tôi không có quyền tiếp xúc, trò chuyện với họ? Rõ ràng, nhà nước CSVN đang chà đạp nhân quyền khi ngang nhiên dùng luật rừng “cấm tiếp xúc”, ai cả gan tiếp xúc thì bị đưa vào cáo trạng để buộc tội hình sự.

– Cáo trạng cáo buộc tôi trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài là “có nội dung tuyên truyền chống nhà nước, hằn học với chế độ, xúc phạm lãnh tụ và các cơ quan quản lý nhà nước, các viên chức thi hành công vụ”. Xin thưa với HĐXX rằng: Trả lời phỏng vấn là quyền tự do ngôn luận, quyền nói lên sự thật tai nghe mắt thấy. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành cấm công dân trả lời phỏng vấn, cũng không hề có danh sách những cơ quan báo, đài nào công dân Việt Nam không được tiếp xúc do nhà nước Việt Nam ban hành. Tôi đề nghị đại diện VKKS giữ quyền công tố tại tòa hôm nay dẫn chứng cụ thể nội dung câu nói như thế nào? Nói xúc phạm ai? Có đúng sự thật hay không? Cán bộ cơ quan nhà nước làm sai thì công dân có quyền nói họ làm sai, đó là quyền tự phát biểu chính kiến được quy định rõ tại Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên, đã ký kết năm 1982, tại sao bây giờ cơ quan pháp luật Việt Nam lại cho đó là hành vi phạm tội? Nếu không chứng minh được thì rõ ràng là VKSND TPHCM đã vu cáo tôi.

2)- Về Thông báo mời hợp tác và 4 bài bào chữa cho Phạm Bá Hải, Trương Minh Đức, Phan Văn Sào, Lương Văn Sinh:

Lê Thành Văn-Thẩm phán TATC
Lê Thành Văn-Thẩm phán TATC

          – Văn phòng Luật sư Pháp Quyền có một website của Văn phòng, tôi quản lý website đó. Văn phòng luật sư mời đồng nghiệp hợp tác là chuyện bình thường. Tôi xin hỏi đại diện VKKS giữ quyền công tố tại tòa hôm nay văn bản pháp luật nào cấm luật sư không được mời đồng nghiệp hợp tác? Thông báo mời hợp tác nếu không post lên website của Văn phòng thì post lên ở đâu? Chẳng lẽ gởi thông báo bằng giấy cho hơn 5.000 luật sư đang hành nghề ở Việt Nam? Kiểu làm việc thủ công, ấu trĩ, thiếu khoa học ấy chỉ có các vị viết bản Cáo trạng này mới nghĩ ra được.

– Cáo trạng viết: “… 5 mẫu tài liệu có nội dung ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ việc tham gia các tổ chức phản động nhằm chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, gây phương hại đến ANQG, trật tự an toàn xã hội. Nội dung này vi phạm điểm a khoản 1 điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin điện tử trên Internet (Kết luận giám định số 1623/KLGĐ của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tại thời điểm diễn ra 4 phiên tòa nói trên, các bị cáo Phạm Bá Hải, Trương Minh Đức, Phan Văn Sào, Lương Văn Sinh vẫn chưa bị coi là có tội, chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật nào kết tội họ. Khi luật sư công bố 4 bài bào chữa này tại phiên tòa công khai, tôi nhấn mạnh chữ “công khai”, các HĐXX 4 vụ án nói trên cũng không có ý kiến gì. Đã là “công khai” thì “công khai” tại phiên tòa “công khai”, hay “công khai” ở đâu cũng thế thôi. Chưa có quy định pháp luật nào cấm việc “công khai” ở nơi khác một bài bào chữa “công khai” tại phiên tòa đã diễn ra “công khai”. Thế thì tại sao bài bào chữa lại bị cho rằng vi phạm pháp luật? Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử 4 bị cáo nêu trên cũng không hề có ý kiến gì về nội dung bào chữa của Luật sư.

Tôi xin nhắc cho đại diện VKSND và HĐXX rằng: Toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành và đang có hiệu lực không có văn bản nào có cụm từ “phản động”. Theo từ điển tiếng Việt “phản động” là cản trở, đi ngược lại xu hướng phát triển đi lên. Vậy “phản động” theo ý các vị là cái gì? Pháp luật Việt Nam không cho phép các vị có quyền dùng một khái niệm mơ hồ không được ghi nhận trong bất cứ văn bản pháp luật nào để buộc tội người khác. Nếu các vị cứ buộc tội tôi là “phản động” thì chính các vị và nhà cầm quyền CSVN mới đích thị là “phản động” vì các vị đã đi ngược lại xu hướng phát tiển của nhân loại, đó là tự do, dân chủ, nhân quyền cho tất cả mọi người trên thế giới này.

Tôi đề nghị tại phiên tòa hôm nay Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Viện kiểm sát thành phố HCM phải chứng minh thiệt hại về việc “gây phương hại đến ANQG, trật tự an toàn xã hội” một cách “công khai”. Không được suy diễn chung chung theo ý các vị. Nếu không chứng minh được tức Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND TPHCM đã cùng nhau bịa đặt và vu cáo công dân Tạ Phong Tần.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ là nghĩa vụ của luật sư, 4 bị cáo chưa bị buộc tội nhưng đã bị hạn chế quyền bào chữa, hạn chế phạm vi bào chữa thì chính nhà cầm quyền CSVN mới là kẻ vi phạm pháp luật, dùng pháp luật để đàn áp và bịt miệng luật sư, đó là không khách quan, công bằng cho 4 bị cáo.

3)- Cáo buộc “Xuyên tạc điều 258 Bộ Luật Hình Sự” và “một số tài liệu có nội dung xấu(Kết luận Giám định số 33/KLGĐ ngày 16/6/2009 và KLGĐ số 48/KLGĐTP ngày 30/7/2009 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố HCM):

“Xuyên” có nghĩa là thông qua, “tạc” nghĩa là làm sai lệch so với sự việc ban đầu, sai lệch so với sự thật. Xuyên tạc là cố ý đưa ra những thông tin sự thật với dụng ý xấu. “Nội dung xấu” là nội dung gì? Tôi đề nghị đại diện VKSND và Giám định viên dẫn chứng cụ thể câu chữ nào “sai sự thật” một cách rõ ràng, không úp úp mở mở một cách chung chung và các vị phải tranh luận với tôi. Số tài liệu có nội dung xấu mà các vị nói là tài liệu gì, cụ thể là bao nhiêu? Pháp luật không chấp nhận các vị dùng từ “một số” một cách mơ hồ như vậy. Nếu không chứng minh được tôi nói “sai sự thật” ở câu nào, tại đâu, thì rõ ràng Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh và VKSND TPHCM là những kẻ bịa đặt, xuyên tạc sự thật và vu cáo công dân Tạ Phong Tần.

4)- Cáo trạng viết “13 (mười ba) tài liệu gồm 05 (năm) bài viết của Tạ Phong Tần đăng trên blog “Công lý và Sự thật” và 08 (tám) hộp thư điện tử của Tạ Phong Tần lập ra để trao đổi, liên lạc với số đối tượng là người Việt Nam sống lưu vong, hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam, trong đó có bài mang tựa đề “Đêm qua tôi mơ gặp cụ Marx”.

Tôi xin hỏi đại diện VKKS và HĐXX:

– Có văn bản pháp luật nào cấm công dân Việt Nam sử dụng hộp thư điện tử miễn phí không? 8 hộp thư là hộp thư nào? địa chỉ nào, nội dung thư như thế nào ? Đề nghị công khai trước tòa? Tạ Phong Tần không cung cấp password sao cơ quan điều tra biết nội dung liên lạc? Hay cơ quan nhà nước là tin tặc? Nhà cầm quyền CSVN cho người tự bẻ khóa vào hộp thư của tôi thì cũng có thể tự làm bất cứ việc gì trong đó, chủ nhân không chịu trách nhiệm.

– Đối tượng người Việt lưu vong chống phá là ai? Đề nghị cho biết họ tên, địa chỉ, hành vi chống phá ra sao? Có quy định nào cấm người dân trong nước giao tiếp với người sống ngoài Việt Nam bằng thư điện tử? Cụ thể nhà nước Việt Nam có công bố danh sách cấm đối với những người này không?

Nếu không chứng minh được bằng chứng cứ công khai tại tòa thì tức là cơ quan pháp luật Việt Nam bịa đặt, vu cáo công dân Tạ Phong Tần.

5) – Tiếp theo, Cáo trạng viết: “Tần đã chỉ trích và nhạo báng chủ nghĩa Marx theo cách của người tỏ ra rất hiểu đạo, có văn hóa, có tri thức, có ngôn ngữ… Một sự cợt nhã xúc xiểm có chủ kiến và tiềm tàng dư luận thù địch chống đối của người có ý thức hệ đối nghịch, cố lên giọng bài xích chủ nghĩa Marx và những người sáng lập ra chủ nghĩa Marx và hạ bệ Lênin…” được Giám định viên Sở VH- TT và DL thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “…tự bộc lộ và đồng thuận với người có cùng khuynh hướng tư tưởng, ra sức cổ vũ người khác hưởng ứng quan niệm, quan điểm của đương sự và phe nhóm với thái độ hiềm khích, bài xích, xúc xiểm chủ nghĩa Marx, Đảng, chế độ, nhà nước hiện tại… và manh nha ý nghĩ tìm liên kết, bàn tính, luận cách đấu tranh để thay đổi” (KLGĐ số 15/KLGĐ ngày 26/5/2010). (Hết đoạn trích dẫn)

– Xin thưa với HĐXX rằng Tạ Phong Tần không cần thiết phải “tỏ ra” mà tôi là người “hiểu đạo” thật sự, đã học giáo lý 6 tháng và sinh hoạt cộng đồng với tín hữu tại Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp (38 Kỳ Đồng quận 3, thành phố HCM) đúng quy định Luật Giáo hội. Như tôi đã trình bày ở phần 1, Tạ Phong Tần là người được học hành tử tế, không bị dị tật nên đương nhiên là “có văn hóa, có tri thức, có ngôn ngữ”, chỉ có loại người đui mù câm điếc mới không có ngôn ngữ. Tạ Phong Tần không như ai kia mua bằng chạy điểm để có một địa vị, chức vụ trong bộ máy công quyền, Tạ Phong Tần không cần phải “tỏ ra” gì cả cũng được người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế công nhận giá trị thật sự của mình. Chính các vị giám định mới là kẻ không hiểu đạo nhưng cố quản lý đạo bằng quyền lực nhà nước. Kiểu dùng từ nêu trên của cơ  quan giám định là cố ý xúc phạm cá nhân, cợt nhã, nhạo báng người có đạo, tức  xâm phạm quyền tự do tôn giáo của công dân Tạ Phong Tần.

Googbye Lenin
Googbye Lenin

– Tôi xin nhắc nhở đại diện VKKS và HĐXX rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là nhà nước CHXHCN Việt Nam nên không phải đối tượng được Điều 88 Bộ Luật Hình Sự bảo vệ. Tạ Phong Tần không phải đảng viên đảng CSVN thì không việc gì phải tôn thờ chủ nghĩa Mác – Lênin. Tôi thích Lênin, thích Marx hay thích các vị thần trên đỉnh Olimpia, Chúa Giê-su,  Thánh Mô-ha-mét, Phật Thích ca… đó là quyền của tôi. Không ai được phép ép buộc tôi phải ca ngợi Marx, ca ngợi Lê-nin. Các vị cáo buộc tôi “bài xích chủ nghĩa Marx, bài xích Lênin” là có tội thì chính các vị đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của tôi. Nếu tôi bài xích Mác – Lênin mà bị coi là “có tội” thì cũng là một tội danh khác, không phải tội chống nhà nước.

Goodbye Lenin
Goodbye Lenin

Xin thưa với các vị rằng người dân Liên Xô (cũ), người dân Đức là đồng bào của các ông Marx và Lênin ấy đã “hạ bệ” hai ông từ lâu rồi. Tượng 2 ông đã bị dân chúng kéo đổ xuống nằm bên đường cho trẻ con trèo lên ngồi chơi, không đến lượt Tạ Phong Tần “hạ bệ”. Việc này chẳng khác nào đồ bỏ đi nhà người ta mang vất vào thùng rác, các vị moi thùng rác ra móc lên ngửi rồi khen lấy khen để rằng thơm và buộc người dân Việt Nam cũng phải khen thơm.

Mặt khác, tôi “nằm mơ” thế nào là chuyện riêng của tôi. Nhà cầm quyền CSVN Việt Nam buộc tôi phải “nằm mơ” theo đường lối đảng cộng sản của quý vị rõ ràng là chuyện lạ nhất thế giới.

Tôi xin hỏi đại diện VKKS và HĐXX: Câu chữ nào của tôi thể hiện “thái độ hiềm khích”, “ra sức cổ vũ”? “Manh nha ý nghĩ” là ý nghĩ mới hình thành chưa hoàn chỉnh (manh nha) trong đầu tôi làm sao các vị biết? Các vị là con giun con sán trong người tôi hay sao mà các vị dám khẳng định rằng tôi “Manh nha ý nghĩ”? Câu nào là “luận cách đấu tranh”? Các cáo buộc khác đối với bài viết này đề nghị đại diện VKKS dẫn chứng rõ chổ nào sai phạm? Rõ ràng các vị “sợ ma sợ cả bóng đa đầu làng”, lạm dụng quyền lực quy chụp vô tội vạ, vô căn cứ.

6)- Kết luận giám định số 10/KLGĐ ngày 15/4/2011:

Cáo trạng viết: “06 (sáu) bài viết của Tần có tựa đề: “Lý luận về nhà nước pháp quyền và thực tế phũ phàng”, “Thói ngu dốt hay là xem thường luật pháp quốc tế của quan chức nhà nước Việt Nam”, “Dự thảo nghị định xâm phạm quyền con người”, “Chuyện trái khoái khó hiểu”, “Nhà nước pháp quyền hay nhà nước đảng quyền”, “Mỗi blogger hay là một nhà báo công dân”, được đăng trong số 26 bài viết đăng trên blog CLB NBTD NBTD được Giám định viên tư pháp về văn hóa thành phố HCM kết luận: “… nhân danh người hiểu biết để lớn lối chỉ trích, so sánh, định nghĩa và răn dạy mọi người Nhà nước Đảng quyền và nhà nước pháp quyền không nhằm mục đích xây dựng…”; “nguyền rủa, chế nhạo, mĩa mai cán bộ, đảng viên của nhà nước sau những sự kiện xảy ra với công nhân”;  “phân tích sự bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín của chính quyền”, “dùng nhiều lời lẽ, từ ngữ nặng nề, gay gắt để chỉ trích quan chức Việt Nam sau vụ vịnh Hạ Long bị loại khỏi cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới… bài viết thiếu vô tư, trong sáng vì có động cơ chính trị, kích động” (Kết luận giám định số 10/KLGĐ ngày 15/4/2011)”.

Tôi trân trọng đính chính cho đại diện VKKS và HĐXX rằng bài viết của tôi là “Mỗi blogger hãy là một nhà báo công dân”, không phải “Mỗi blogger hay là một nhà báo công dân” như Cáo trạng viết. Chữ “hãy là” ý nghĩa hoàn toàn khác với chữ “hay là”. Một đàng là câu cầu khiến, một đàng là câu so sánh. Có mỗi cái tựa bài 9 chữ cũng viết sai be bét, các vị đọc chữ Việt mà còn không hiểu chữ Việt, nhầm lẫn lung tung, làm sai lạc ý nghĩa câu của tác giả, thì các vị không đủ trình độ ngôn ngữ tiếng Việt để kết tội bất cứ ai. Blogger là nhà báo công dân thì có gì sai? Chẳng lẽ các vị cầm trong tay cái thẻ nhà báo do Hội nhà báo Việt Nam cấp thì mới có quyền viết, còn những người khác thì không? Tôi khẳng định với các vị rằng các ông Nguyễn Ái Quốc (trước), Hồ Chí Minh (sau), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẫn, Nguyễn Văn Linh… không hề có cái thẻ nhà báo nào lộn lưng nhưng tại sao nhà nước CSVN và hệ thống truyền thông quốc doanh suốt mấy mươi năm vẫn cứ ra rả gọi họ nhà “nhà báo”?

Ở đây tôi dùng chữ viết để viết bài chớ không dùng âm thanh (giọng nói) nên không có chuyện “lớn lối” hay nhỏ lối. Đó là do các vị tự suy diễn, tôi cũng nhắc cho các vị biết rằng pháp luật Việt Nam không cho phép các vị buộc tội người khác bằng cách suy diễn.

Tôi xin hỏi đại diện VKKS và HĐXX: Văn bản pháp luật nào quy định “chỉ trích, so sánh, định nghĩa” thì phạm tội hình sự? Câu “… nhân danh người hiểu biết để lớn lối chỉ trích, so sánh, định nghĩa và răn dạy mọi người Nhà nước Đảng quyền và nhà nước pháp quyền không nhằm mục đích xây dựng…” là một câu rối rắm, vô nghĩa, không đúng ngữ pháp tiếng Việt, là một “thảm họa tiếng Việt”, đọc lên không hiểu người viết câu này muốn nói gì. Vậy mà lại là Giám định viên tư pháp về văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thì trình độ ngôn ngữ tiếng Việt của Giám định viên này có vấn đề cần xem xét, cần bắt buộc đi học lại tiếng Việt. Ít ra, tiếng Việt của tôi cũng giỏi hơn tiếng Việt của Giám định viên các vị, vì tôi chưa bao giờ viết một câu rối rắm, lộn xộn và vô nghĩa như thế. Trình độ tiếng Việt của người giám định thấp hơn trình độ người bị giám định, nhưng Cáo trạng lại dùng thứ câu cú lộn xộn này để buộc tội tôi rõ ràng là chuyện hết sức vô lý, khôi hài.

Tôi đề nghị đại diện VKKS giữ quyền công tố cho biết: Mục đích là thứ đang nằm trong suy nghĩ của tôi, tôi không nói ra, làm sao các vị biết tôi “không nhằm mục đích xây dựng”? Ở đâu quy định viết bài phản ánh sự việc thì phải kèm theo “xây dựng”? “Xây dựng” là “xây dựng” cái gì? “Xây” nhà cao tầng hay “xây” nhà xí?

Các vị cho rằng tôi “nguyền rủa, chế nhạo, mĩa mai cán bộ, đảng viên của nhà nước”. Chẳng lẽ loại cán bộ vô trách nhiệm, vô lương tâm, bất tài vô dụng “sáng cắp ô đi tối cắp về”, làm thiệt hại tài sản quốc gia, nhưng vẫn cứ ngồi ỳ trong cơ quan nhà nước để chiếm chổ người khác, không giúp ích gì được cho nhân dân lại không thể “nguyền rủa, chế nhạo, mĩa mai”? Nếu tôi “nguyền rủa, chế nhạo, mĩa mai” không đúng, tại sao các “nạn nhân” của tôi không khởi kiện tôi hành vi làm nhục người khác? Đó là quyền dân sự ai cũng có, sao cơ quan điều tra cứ phải xưng xưng nhảy vào dùng vũ lực làm thay cho kẻ khác?

Các vị cáo buội tôi “phân tích sự bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín của chính quyền” là phạm tội. Tôi đề nghị các vị trình ra trước tòa cái sự “phân tích” ấy như thế nào, “phân tích” đúng sai chổ nào. Cán bộ nhà nước của các vị “bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín” sờ sờ ra đó, thì cứ thẳng ngay sự việc mà nói “bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín “, chẳng lẽ phải nói “Không được có nhân, không được có nghĩa, không được có trí….” như kiểu văn kiện đại hội đảng CSVN thường dùng: “một bộ phận không nhỏ” tức là nhiều (cán bộ thoái hóa, biến chất)”, “Tụ tập thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” tức là người dân đang biểu tình chống Trung Quốc, v.v… Thưa với các vị là trong đầu tôi đã “lỡ” chứa chữ nghĩa thánh hiền nhiều quá rồi, nên cứ phải viết như thế, viết theo kiểu văn kiện đại hội của các vị tôi không viết được.

Tất cả những sự việc tôi nêu trong bài viết đều là người thật việc thật, hay thông tin được công bố trên báo nhà nước, có đối chiếu so sánh với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành. Buộc tội tôi là nhà cầm quyền CSVN “có tật giật mình”, làm sai còn muốn bịt miệng nạn nhân. Các vị không dám đưa bằng chứng buộc tội ra công khai trước Tòa chứng tỏ các vị đuối lý, các vị không có lẽ phải, các vị không được người dân Việt Nam ủng hộ hộ, chỉ dùng quyền lực để “cả vú lấp miệng em”.

Về cáo buộc “Có động cơ chính trị, kích động”. Tôi xin hỏi đại diện VKS giữ quyền công tố và HĐXX làm sao các vị biết tôi “có động cơ..” khi tôi không hề nói ra cho ai biết cái “động cơ” trong đầu tôi nó như thế nào? Đó là sự suy diễn, áp đặt hồ đồ của cái cơ quan được các vị gọi là “giám định”.

7)- Phần 28 bài viết:

Cáo trạng khẳng định: “28 (hai mươi tám) bài viết của Tạ Phong Tần đăng trên blog Công lý và Sự thật, trong đó có bài tựa đề: “Dân không quan trọng bằng chó”, Tạ Phong Tần viết về sự việc cưỡng chế thi hành án ở Kiên Lương, Kiên Giang theo cách so sánh giữa 2 nền, hai phong cách báo chí: nhà nước và tự do, trong đó báo chí tự do đứng về phía nhân dân, còn báo chí nhà nước thì đứng về phía những người thực hiện cưỡng cưỡng chế và kết luận: “Với họ (báo nhà nước) sức khỏe, tính mạng người dân không quan trọng bằng con chó”. Bài đề nghị gửi đến Quốc hội bổ sung từ “phản động” vào luật, nội dung chỉ trích báo Việt Nam hay dùng từ “phản động”, chơi chữ để dùng từ “phản động” chỉ ngược về phía lực lượng nhà nước, chế độ XHCN hiện tại tạo ra. Giám định viên tư pháp Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố HCM kết luận: “…các bài viết thông tin hiện trạng, tiêu cực, mặt trái xã hội, nhưng không thể hiện thiện chí góp ý xây dựng của người công dân có trách nhiệm mà ngược lại tác giả có thái độ, lời lẽ thiếu nghiêm túc, thậm chí lỗ mãng; chỉ trích, bôi nhọ, hạ bệ một số cơ quan đơn vị quản lý nhà nước, tập trung ở ngành công an. Đặc biệt, thông tin liên quan đến đời tư, uy tín của lãnh tụ (chủ tịch Hồ Chí Minh) với nội dung xúc phạm, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Ngôn phong của tác giả có nhiều đoạn thiếu nghiêm túc, đôi chổ mất văn hóa, lỗ mãng và luôn có dụng ý chỉ trích, xuyên tạc, phỉ báng, hạ uy tín nhà nước, chế độ theo kiểu tâm lý chiến, tác động xấu đến đời sống tinh thần, tâm lý xã hội, gây tổn hại niềm tin của nhân dân đối với chế độ…”. Kết luận giám định số 08/KLGĐ ngày 05/4/2011 (không rõ của cơ quan, tổ chức nào).

– Tôi đề nghị HĐXX đưa ra công khai bài viết “Dân không quan trọng bằng chó” để thấy rõ báo nhà nước chỉ quan tâm viết về sức khỏe con chó (của công an) bị thương mà không đề cập đến tình trạng người dân bị cưỡng chế bằng vũ lực cũng bị thương. Trong khi thực tế đã xảy ra việc người dân bị thương mà báo chí tự do đã phản ánh. Vậy nói rằng “Với họ (báo nhà nước) sức khỏe, tính mạng người dân không quan trọng bằng con chó” thì đúng quá rồi còn gì nữa?

– Tôi nhắc lại lần nữa đối với đại diện VKKS và HĐXX nhớ rằng: Toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành và đang có hiệu lực không có văn bản nào có cụm từ “phản động”. Như lâu nay “báo ta” cứ thích dùng từ “phản động” để buộc tội người khác (trong khi buộc tội không phải là chức năng, nhiệm vụ của báo) là sự xúc phạm cá nhân. Đề nghị Quốc hội bổ sung từ “phản động” vào luật cho “báo ta” đỡ ê mặt thì có gì là không đúng? Báo chí không phải là nhà nước, sao lại đưa báo chí vào đây làm chủ thể được bảo vệ của Điều 88 BLHS?

– Ông Hồ Chí Minh đã từng có vợ là bà Tăng Tuyết Minh (người Trung Quốc) là thông tin do website Hiệp chính (tương đương Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam) tỉnh Quảng Đông công bố. Trích dẫn như sau: “Quý 1 năm 2001, sách “Vũ Hán văn sử tư liệu” đã viết rất rõ về “Hồ Chí Minh và phu nhân Tăng Tuyết Minh của ông ta”. (Tư liệu viết rằng năm 1926 Hồ Chí Minh đã từng đến Quảng Châu, Trung Quốc thành hôn với cô Tăng Tuyết Minh, có Đặng Dĩnh Siêu, Sái Sướng làm chứng và chủ trì cho đến khi xong hôn lễ). Ông Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Lý Thụy, bà Đặng Dĩnh Siêu là phu nhân của cố Thủ tướng Chu Ân Lai, bà Sái Sướng là thành viên chính phủ xô viết, sau tham gia công tác phụ nữ của đảng CS Trung Quốc.

Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng là chuyện bình thường. Nếu tôi nhớ không lầm thì các đời Bộ chính trị của đảng CSVN và chính phủ Việt Nam không người nào là không có vợ. Các vị đại diện VKKS và HĐXX ở đây có vị nào không có vợ không? Có vợ thì có gì là xấu mà các vị lại cho rằng “xúc phạm lãnh tụ”? Ông Hồ Chí Minh cũng là người bình thường, không phải là tiên là phật, thì Hồ Chí Minh lấy vợ cũng là chuyện thường. Có vợ đâu phải là phạm tội. Sao lại buộc tội tôi rằng nói Hồ Chí Minh có vợ là vi phạm pháp luật? Hay các vị muốn tước đoạt quyền con người của ông Hồ Chí Minh?  Tạ Phong Tần chỉ dịch ra tiếng Việt, nếu bài báo này sai sao nhà cầm quyền Việt Nam không yêu cầu phía Trung Quốc cải chính mà lại đi bắt lỗi người dịch? Chẳng phải Trung Quốc là bạn bè 4 tốt, tình nghĩa thắm thiết 16 chữ vàng của nhà cầm quyền CSVN hay sao? Rõ ràng là nhà cầm quyền CSVN “khôn nhà dại chợ”, hèn với Trung Quốc mà ác với dân Việt Nam.

– “Thần tượng” Hồ Chí Minh là quyền của hơn 5 triệu đảng viên đảng cộng sản của các vị. Còn tôi nằm trong số hơn 80 triệu người Việt Nam còn lại không “thần tượng” cái mà các vị “thần tượng”. Nhà nước CSVN không có quyền bắt buộc người dân Việt Nam phải “thần tượng” ai đó theo ý mình. Tôi không dùng các từ “hắn”, “nó”, “y”, “thằng”, “đứa”… để gọi ông Hồ Chí Minh nên không thể nói là tôi xúc phạm cá nhân ông ta. Chính các vị mới là những kẻ vô văn hóa, thích xúc phạm người khác bằng cách gọi tên trống không mà không có đại từ nhân xưng đi kèm. Cụ thể là trong bản cáo trạng này các vị đã gọi tôi bằng tên một cách trống không.

Mặt khác, lãnh tụ đã chết, đã nghỉ hưu, đã thôi giữ chức vụ, thậm chí đang giữ chức vụ (cá nhân) không bao giờ đồng nghĩa với nhà nước (tập thể). Đưa ông Hồ Chí Minh vào diện được bảo vệ theo Điều 88 BLHS là sự áp dụng pháp luật tùy tiện, trái luật.

– Xin thưa với đại diện VKKS và HĐXX rằng: Tôi là một người dân, tôi có quyền phản ánh thực tế xã hội tôi đang sống bằng bài viết của mình. Còn xây dựng xã hội như thế nào là trách nhiệm của Thủ tướng, Chủ tịch nước và các Bộ trưởng vì các vị này được trả lương, hưởng các loại bổng lộc ngoài lương chỉ để làm cái việc “xây dựng” ấy. Nếu các ông Thủ tướng, Chủ tịch nước và các Bộ trưởng không làm được thì nên từ chức để cho người khác làm, sao lại đùn đẩy trách nhiệm sang người dân là tôi?

– Tôi xin hỏi đại diện VKKS và HĐXX rằng: cái mà các vị gọi “thiếu nghiêm túc, thậm chí lỗ mãng”, “mất văn hóa” (nếu có) không phải hành vi phạm tội. Tôi đề nghị các vị dẫn chứng cụ thể “thiếu nghiêm túc”, “lỗ mãng”, “mất văn hóa” đó thể hiện ở đâu? Câu gì? Trong bài viết nào?

– Còn lại 25 bài là những bài viết nào, sao các vị không dám đưa ra tranh luận?

– Tôi xin hỏi đại diện VKKS và HĐXX cụm từ “kiểu tâm lý chiến” là kiểu gì? Tôi phải nhắc lại một lần nữa cho các vị biết rằng cơ quan pháp luật khi buộc tội người khác chỉ được phép dùng từ ngữ được sử dụng, được quy định trong hệ thống pháp luật, đọc lên chỉ được phép hiểu theo một nghĩa, không được quyền dùng từ lóng, từ ngữ mơ hồ không rõ nghĩa. Nay các vị buộc tội tôi mà lại dùng từ lóng, từ ngữ kiểu “đầu đường xó chợ” không có trong luật định rõ ràng là các vị đang vi phạm pháp luật.

– Cáo buộc các bài viết của tôi “tác động xấu đến đời sống tinh thần, tâm lý xã hội, gây tổn hại niềm tin nhân dân…”. Tôi xin hỏi các vị đã tổ chức khảo sát, thống kê chưa mà kết luận như vậy? Khảo sát bằng phương pháp gì, địa bàn, đối tượng khảo sát, số người được kháo sát, thời gian khảo sát, kết quả khảo sát như thế nào, tỉ lệ phần trăm từng loại “tinh thần”, “tâm lý”, “niềm tin” thất thoát, mất mát, tổn hại ra sao? Rõ ràng cái cơ quan giám định của các vị luôn dùng cách “lấy thịt đè người” dân, buộc tội người khác bằng ý kiến xưng xưng suy diễn vô căn cứ của mình.

8)- Cơ quan giám định, người giám định là tổ chức, cá nhân do nhà nước CSVN thành lập, quản lý, trả lương, là đảng viên đảng CSVN thì không đủ tư cách giám định:

Điều 41 Pháp lệnh giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/9/2004 quy định nội dung quản lý nhà nước về giám định tư pháp:

  1. Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp.
  2. Thành lập tổ chức giám định tư pháp.
  3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.
  4. Xây dựng các quy chuẩn chuyên môn giám định tư pháp.
  5. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp.
  6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về giám định tư pháp.
  7. Bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động và điều kiện vật chất cho hoạt động giám định tư pháp.

– Như vậy, giám định viên, tổ chức giám định, cơ quan quản lý của tổ chức giám định (cụ thể là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin – Truyền thông) đều là những tổ chức, cá nhân chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo, lệ thuộc vào nhà nước CSVN về kinh tế, về chính trị. Trong vụ án này, nhà nước CSVN lại được nêu ra với vai trò người bị hại thì việc giám định không khách quan và không công bằng đối với tôi. Tôi đề nghị thay bằng cơ quan giám định quốc tế độc lập ngoài tầm ảnh hưởng của nhà nước Việt Nam và đảng CSVN.

– Bản kết luận số KLGĐ số 60/KLGĐ ngày 21/11/2011 là của ai? Cá nhân, tổ chức nào mà dùng làm bằng chứng buộc tội lại không dám công bố trước Tòa?

– Sự không khách quan thể hiện rõ ràng ở Kết luận giám định số 60/KLGĐ ngày 21/11/2011 (trang 12, trang 13 bản KLGĐ) là: dùng hàng loạt từ ngữ mang tính xúc phạm cá nhân như: “trá hình làm công dân lương thiện”, “nhà báo tự do”, “tàng dư tư tưởng phản động”, “cóp nhặt”, “mánh khóe”, “nắn nót”, “hung hăng”, “hèn hạ”, “đê tiện”, “bẩn thỉu”, “chợ búa”, khả ố”, “lẳng lơ”, “khổ nhục kế”, “rao bán mình theo kiểu sơn đông mãi võ”, “nhằm thỏa mãn dục vọng”, “mưu cầu địa vị, tiếng tăm, tiền bạc”, “sự thèm khát gớm ghiếc của bản thân”, “chấm mút cặn bã từ dạ dày của ngoại bang”, “thân phận tay sai tôi tớ”, “ruồi nhặng vo ve”, “lỗ huyệt tanh rữa của chế độ Sài Gòn”…

Tôi xin thưa với các vị đại diện VKKS và HĐXX rằng: Tôi chưa từng có tiền án, tiền sự, không lừa đảo, cướp đoạt tài sản của ai, tôi “lương thiện” chính hiệu, không cần phải “trá hình”. Danh xưng “nhà báo tự do” đâu phải là độc quyền của nhà nước CSVN, tại sao người dân lại không dùng danh xưng này được? Theo ý các vị thì xã hội Việt Nam ngoài các loại “nhà báo không tự do” thì chỉ còn lại là “nhà báo bị cầm tù”, không có loại “nhà báo tự do”? “Tàng dư tư tưởng phản động” cụ thể nó như thế nào? “Kiểu sơn đông mãi võ” là kiểu gì? “lỗ huyệt tanh rữa của chế độ Sài Gòn” là lỗ gì, ở đâu, ai chịu trách nhiệm về cái “lỗ” này?

Tôi đề nghị các vị phải chứng minh được tôi “cóp nhặt”, “mánh khóe”, “nắn nót”, “hung hăng”, “hèn hạ”, “đê tiện”, “bẩn thỉu”, “chợ búa”, khả ố”, “lẳng lơ”, “khổ nhục kế”, “rao bán mình theo kiểu sơn đông mãi võ”, “nhằm thỏa mãn dục vọng”, “mưu cầu địa vị, tiếng tăm, tiền bạc”, “sự thèm khát gớm ghiếc của bản thân”, “chấm mút cặn bã từ dạ dày của ngoại bang”, “thân phận tay sai tôi tớ”, “ruồi nhặng vo ve”… một cách cụ thể, rõ ràng, chữ nào, câu nào, đoạn nào, bài nào của tôi viết thể hiện điều đó.

Một lũ đàn ông, đàn bà giấu mặt, giấu tên, ngồi trốn nấp trong phòng máy lạnh cùng nhau phun ra một mớ từ ngữ như thế, chẳng thấy thể hiện trình độ chuyên môn (theo luật định) thế nào; chỉ thấy đây mới chính là thứ ngôn ngữ lưu manh, chợ búa, bẩn thỉu, vô học, khiêu dâm, sặc mùi xã hội đen. Lạm dụng quyền lực nhà nước (cụ thể là vai trò giám định) để nhảy chồm chồm lên chửa rủa Tạ Phong Tần một cách hằn học, chua ngoa, lu loa vô tội vạ, dựng đứng, bịa đặt, dối trá, lại được cơ quan công quyền của nhà nước CSVN gọi là “Kết luận giám định số 60/KLGĐ ngày 21/11/2011” thì thật là hết sức nực cười.

Cáo trạng số 100/CT-P2 ngày 29/2/2012 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VKSND TPHCM) do Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Điệp ký, phần “Hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự” đối với Tạ Phong Tần có đoạn:

Ngoài ra còn cùng với Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải kích động nhân dân tham gia biểu tình gọi là chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa; Tẩy chay Olimpic Bắc Kinh rước đuốc qua thành phố Hồ Chí Minh gây rối loạn trị an”.

Tuy nhiên, Cáo trạng số 299/CT-P2 ngày 19/7/2012 tống đạt thay cho Cáo trạng số 100/CT-P2 ngày 29/2/2012 đã cắt bỏ câu này, còn lại không thay đổi chữ nào. Nhưng có thể thấy rõ đây là bằng chứng thể hiện động cơ chính trị của nhà cầm quyền CSVN làm tay sai cho Trung Quốc.

10)- Về tang vật vụ án:

Những đồ vật, tài sản, giấy tờ cá nhân, bằng cấp, học vị của tôi phải trả lại cho tôi nếu không chứng minh được nó là phương tiện, công cụ thực hiện hành vi phạm tội. Đó là lạm dụng quyền lực nhà nước cướp tài sản công dân.

Bản kết luận điều tra số 03/KLĐT-ANĐT(Đ1) ngày 27/12/2011 do Thượng tá Lê Hồng Hà- Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ký, ghi rõ:

Của bị can Tạ Phong Tần:

Tịch thu những đồ vật gồm:

1)-14 (mười bốn) đĩa CD và 1 (một) điện thoại di động Nokia Imei 35823A/03/981749/2 sản xuất tại Trung Quốc và một sincard số seri 89840.48502 thu giữ theo biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 20/10/2010

2)- 01 (một) máy vi tính của Tạ Phong Tần gồm: “01 (một) CPU được niêm phong có chữ ký của Tạ Phong Tần ký hiệu 01 ngày 05/11/2009 kèm theo 01 (một) màn hình máy tính hiệu ViewSonic VA712 số S/N PPB062850730; 01 (một) bàn phím hiệu Mitsumi, 01 (một) con chuột hiệu Mitsumi.

3)- 01 (một) máy vi tính của Văn phòng luật sư Pháp Quyền giao cho Tần sử dụng, gồm: 01 (một) CPU được niêm phong có chữ ký của Tạ Phong Tần có ký hiệu 02 ngày 05/11/2009 kèm theo 01 (một) màn hình máy tính hiệu Samsung số S/N HÁ7HVGQ708354K; 01(một) bàn phím màu đen không nhãn hiệu, 01 (một) con chuột hiệu Mitsumi.

4)- 02 (hai) điện thoại di động gồm 01 hiệu Nokia và một hiệu Mobell và tiêu hủy một số giấy tờ, tài liệu, đơn từ khiếu nại tố cáo của Dương Thị Tân thu giữ khi khám xét ở chổ của Tạ Phong Tần tại 84D Trần Quốc Toản phường 8 quận 3 ngày 05/9/2011”.

Các vị chú ý ngày cơ quan Công an “cướp tài sản” số tài sản nêu trên của tôi ở phần 2 và 3 là ngày 08/5/2009, không phải ngày 20/10/2010 như cáo trạng ghi, và kẻ cướp được mang tên là Công an TPHCM (PA35). Gồm các ông Trần Tiến Tùng, Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Minh Thắng, Trương Văn Hổ… yêu cầu tôi cho mượn máy tính để bàn của tôi để xem trong vòng 3 giờ đồng hồ (gồm 1 CPU, 1 màn hình 15 inch, bàn phím, chuột), nhưng sau đó nói ngược, cướp luôn không trả. Đồng thời, họ tự ý vào phòng riêng của tôi (tại VPLS Pháp Quyền) trộm cắp khi không có mặt tôi ở đó 1 máy ảnh Canon SD 790 trị giá 600 USD tôi mới mua, 1 điện thoại di động Nokia 1650, 1 điện thoại di động Motorola A5, 1 USB 1Gb, 1 bản án hành chính sơ thẩm, hợp đồng mua bán xe máy, 22 tờ Giấy mời của Công an quận Gò Vấp đã “mời” tôi “làm việc” vì những bài viết trên blog của tôi. Đây là hành vi trộm cắp và công nhiên chiếm đoạt tài sản có tổ chức của Công an TPHCM, vi phạm vào khoản 2 Điều 136, khoản 2 Điều 138 BLHS nước CHXHCN VN.

Ở phần 1,  các loại giấy tờ, đĩa CD, điện thoại, simcard… cơ quan ANĐT đã dùng quyền lực cướp đi của tôi ngày 20/10/2010 cũng phải trả lại cho tôi đầy đủ. Ông Lê Hồng Hà ký lệnh khám xét “nơi ở của ông Nguyễn Văn Hải” nhưng lại chỉ đạo cấp dưới rầm rập xông vào nơi ở của tôi để khám xét và cướp bóc. Vào thời điểm này, đây là nơi ở của một mình tôi, còn 2 năm rưỡi rồi “nơi ở của ông Nguyễn Văn Hải” là trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, ông Hải không có cơ hội béng mảng đến nhà số 84D Trần Quốc Toản, P8, Q3, SG.

Ở phần 4, hai điện thoại di động Nokia và Mobell không phải là thứ tôi dùng để sản xuất ra những bài viết mà các vị đang cáo buộc tôi vi phạm, cũng phải trả lại cho tôi. Pháp luật Việt Nam không cho phép ông Lê Hồng Hà tự ý “tiêu hủy” giấy tờ, tài liệu, đơn khiếu nại của chị Dương Thị Tân, đó là hành vi của kẻ cướp bắt người, đốt nhà. Ông Lê Hồng Hà phải có trách nhiệm đền bù cho chị Dương Thị Tân những thiệt hại ông Hà đã gây ra.

– Cáo trạng số 299/CT-P2 ngày 19/7/2012 cũng do Viện phó Nguyễn Ngọc Điệp ký có bổ sung thêm:

“Đối với các đồ vật do công an phường 25 quận Bình Thạnh thu giữ của Tạ Phong Tần ngày 23/3/2010, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra xử lý sau”.

Xin thưa với đại diện VKKS và HĐXX rằng: Kẻ cướp trực tiếp có tổ chức trong vụ ngày 23/3/2010 cũng là Công an TPHCM (PA35). Gồm các ông Trần Tiến Tùng, Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Văn Vinh (Vinh răng vàng), Nguyễn Minh Thắng, Trương Văn Hổ… nhưng núp bóng dưới chiếc mặt nạ công an phường 25 quận Bình Thạnh. Riêng CAP 25 quận Bình Thạnh không có quyền thu giữ của tôi bất cứ cái gì, và cũng không đủ can đảm thực hiện hành vi cướp trắng trợn nói trên. Ngoài cướp tài sản, Công an TPHCM (PA35) còn bắt cóc tôi tại số nhà 674/19/9 đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, phường 25, quận Bình Thạnh và giam giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu (tức trụ sở cơ quan ANĐT hết 3 ngày (đến hơn 21 giờ ngày 26/3/2010) mà không có bất cứ một lệnh bắt nào. Trong 3 ngày bị bắt cóc này, tôi cũng đã tuyệt thực để phản đối hành vi xã hội đen của nhà cầm quyền CSVN. Sau này tôi mới biết vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ và ông Lê Kiêm Toàn (chủ nhà) câu kết với công an hãm hại tôi, nhưng âm mưu đen tối của họ bị thất bại.

Tài sản tôi bị cướp trong ngày 23/3/2010 gồm:

1/- Bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật;

2/- Bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị;

3/- Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học;

4/- Bằng tốt nghiệp khóa đào tạo Luật sư;

5/- Chứng chỉ A ngoại ngữ;

6/- Chứng chỉ A tin học;

7/- Chứng chỉ tốt nghiệp tin học đề án 112 của Chính phủ;

8/- Chứng chỉ tốt nghiệp lớp phục vụ nhà hàng khách sạn;

9/- Giấy chứng nhận an ninh nhân dân;

10- Giấy chứng nhận Hội thẩm nhân dân Tòa án tỉnh Bạc Liêu;

11/- Chứng nhận giải Nhì của báo Tuổi Trẻ;

12/- Chứng nhận lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí của Hội nhà báo tỉnh Bạc Liêu;

13/- Thẻ đảng viên;

14/- Thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam;

15/- Các loại quyết định bổ nhiệm cán bộ, nâng cấp hàm + lương, quyết định chuyển công tác;

16/- Biên bản tạm giữ đồ vật tài sản của tôi mà Công an chiếm đoạt hồi tôi còn ở bên Gò Vấp;

17/- Một cái camera mini;

18/- Một cuốn sổ bảo hiểm xã hội trị giá tiền chưa rút khoảng 15 triệu đồng;

19/- 2.500 USD tiền mặt;

20/- Một cái túi xách du lịch, trong đó có 5-6 trăm ngàn tiền Việt, 2 tờ 100 USD, 1 máy ảnh Canon A480 mới mua trị giá 400 USD, 2 điện thoại di động (Nokia và Sony Ericsson), 1 USB 1Gb, 1 đầu đọc thẻ nhớ, 1 cuốn sổ tay nhỏ, 1 cuốn lịch túi Công giáo, 1 cây bút bi màu đen, 1 túi nhỏ dây cột tóc.

21/- Bản chính mấy trăm tờ giấy mời của CA quận Gò Vấp, An ninh điều tra Thành phố (PA24), Cục ANĐT (A24);

22/- 3 bộ lý lịch cá nhân (bản gốc), mỗi bộ 6 trang, có dán ảnh, có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan cũ là Sở Thương mại – Du lịch Bạc Liêu;

23/- 2 bức ảnh Thánh đã làm phép (1 ảnh Thánh Tâm Chúa Jesu, 1 ảnh Đức Mẹ Sầu Bi).

KẾT LUẬN:

1) Khoản 3 Điều 222 BLTTHS quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”.

Tại phiên tòa hôm nay, cáo buộc của bản cáo trạng đối với tôi là vô căn cứ, tất cả chứng cứ buộc tội tôi đều không được đưa ra thẩm tra tại phiên tòa, tôi đã đề nghị triệu tập người giám định ra tòa để đối chất, tranh luận nhưng không được đáp ứng.

Căn cứ khoản 1 Điều 277 BLTTHS, tôi đề nghị HĐXX phải tuyên bố Tạ Phong Tần không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa.

2) Đại diện VKKS không chứng minh được tài sản, phương tiện, công cụ, giấy tờ nêu trên (của Tạ Phong Tần) dùng làm công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.

Căn cứ Điều 74, Điều 76 BLTTHS, tôi đề nghị HĐXX phải tuyên trả lại cho tôi toàn bộ tài sản đã bị công an thành phố HCM nhiều lần cướp đoạt trái pháp luật. Những thiệt hại, hư hỏng đối với tài sản (bị cướp đoạt trái pháp luật) Công an thành phố HCM phải đền bù thiệt hại.

Sài Gòn, ngày 24 tháng 9 năm 2011

Công dân Tạ Phong Tần

Một suy nghĩ 7 thoughts on “LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA NBTD TẠ PHONG TẦN

  1. Rất ngưỡng mộ sự đấu tranh chống bạo cường vô cùng mạnh mẽ của bạn.Tiếc thay, mãnh hổ nan địch quần hồ. Tội nghiệp cho dân nước tôi đến bao giờ.Mỗi ngày, tôi mong nhiều điều tốt lành sẽ đến với bạn và mọi người.

    Thích

  2. Quá hay, quá chí lý. Nghĩ lại mình còn trẻ mà không làm được gì, cũng mong đóng góp nhưng không đủ trình độ. Phải đọc thêm nhiều bài viết như thế này hơn nữa. Cầu mong chị mạnh khỏe

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.